Đại học thông minh: Bối cảnh thế giới và liên hệ với Việt Nam
Nguyễn Hữu Đức (1), Hà Quang Thụy (2), Phạm Bảo Sơn (2), Phan Xuân Hiếu (2), Trần Trọng Hiếu (2), Trần Mai Vũ (2), Nguyễn Trí Thành (2).
(1) Phòng Thí nghiệm Công nghệ Vật liệu Nano, (2) Phòng Thí nghiệm Khoa học dữ liệu và Công nghệ Tri thức, Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội).
Tóm tắt: Trường đại học ngày nay có bốn vai trò quan trọng trong sáng tạo tri thức, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, hạt nhân đổi mới sáng tạo và đầu mối hội nhập quốc tế. Sự phát triển mạnh mẽ các công nghệ số hóa đã tạo nên sự biến đổi to lớn và nhanh chóng đối với kinh tế, xã hội và mọi mặt của đời sống con người. Khoảng mười năm gần đây, đại học thông minh không chỉ là một chủ đề nghiên cứu được quan tâm mà đã trở thành một xu thế phát triển giáo dục đại học tại các nước có trình độ kinh tế cao, tuy nhiên, đây vẫn là một nội dung mới lạ tại Việt Nam. Hiểu biết toàn diện và chính xác về đại học thông minh là một việc làm cần thiết. Bài viết này cung cấp một khung nhìn hệ thống về đại học thông minh bao gồm khái niệm đại học thông minh và các khái niệm liên quan, các đặc trưng của đại học thông minh, độ trưởng thành thông minh, mô hình thiết kế đại học thông minh cũng như một số tình huống triển khai đại học thông minh trên thế giới. Một số nghiên cứu liên quan tại Việt Nam cũng được giới thiệu. Bài viết cũng đưa ra một vài trao đổi về mối quan hệ giữa đại học thông minh và đại học nghiên cứu, vai trò của giảng viên trong đại học thông minh và văn hóa trong giáo dục thông minh. Nhận thức đúng đắn và toàn diện về đại học thông minh, hiểu được bối cảnh của từng trường đại học trong khung phân mức đại học thông minh để đưa ra được một lộ trình thực hiện đại học thông minh phù hợp nhất sẽ giúp các trường đại học Việt Nam thực hiện tốt bốn vai trò của mình để góp phần xứng đáng vào phát triển kinh tế tri thức Việt Nam.
Từ khóa: đại học nghiên cứu, đại học thông minh, đặc trưng của đại học thông minh, giáo dục thông minh, mô hình trưởng thành thông minh, phần mềm cho giáo dục thông minh, phần cứng cho giáo dục thông minh, phòng học thông minh, sư phạm thông minh.
1. Giới thiệu.
Lịch sử hàng nghìn năm phát triển trường đại học trên thế giới chứng kiến xu thế phát triển vị thế và vai trò của trường đại học trong xã hội. Trường đại học cổ đại đã có dáng dấp của một tổ chức sáng tạo tri thức và cung cấp nguồn nhân lực trình độ cao cho xã hội. Theo thời gian, vai trò sáng tạo tri thức ngày càng được nâng cao với sự xuất hiện của mô hình đại học nghiên cứu Béc-lin, việc sáng tạo tri thức được chuyển hóa thành các ứng dụng phục vụ phát triển địa phương và đất nước. Cung cấp nguồn nhân lực trình độ cao không chỉ về các chuyên môn quản trị xã hội thời phong kiến mà còn về mọi chuyên môn quản lý, kinh tế, khoa học, công nghệ, v.v. cho mọi thực thể xã hội, đặc biệt là khu vực công nghiệp. Mối quan hệ giữa sinh viên trường đại học chính quốc với sinh viên trường đại học thuộc địa trong thời thực dân, đế quốc được nâng cấp thành mối quan hệ toàn diện giữa các trường đại học trên thế giới cho thấy vai trò đầu mối hội nhập quốc tế của trường đại học. Xu thế trên đây chỉ dẫn rằng trường đại học ngày nay cần đảm bảo bốn vai trò chính: (i) một nguồn cung cấp nhân lực trình độ cao, (ii) một nguồn sáng tạo tri thức, (iii) một lực lượng dẫn dắt và hạt nhân chủ chốt phát triển sáng tạo – đổi mới của địa phương và quốc gia và (iv) một đầu mối hội nhập quốc tế quan trọng, nhằm tạo động lực đổi mới xã hội, góp phần tăng cường kinh tế tri thức quốc gia [14, 23].
Sự phổ biến và nâng cấp không ngừng hệ thống máy tính và thiết bị truyền thông nhờ vi mạch điện tử được sản xuất theo Định luật Moore (hiệu năng tăng và giá thành giảm theo cấp số nhân [11]), sự kết nối ngày càng sâu rộng các cá nhân và tổ chức nhờ sự hình thành và phát triển Internet, World Wide Web (Web) đã thúc đẩy quá trình hình thành và phát triển tốc độ cao các công nghệ số tiên tiến. Sự xuất hiện của Internet vạn vật (Internet of Things: IoT) đánh dấu sự phát triển vượt bậc việc sử dụng dữ liệu vào hoạt động nghiệp vụ của mọi tổ chức xã hội, giúp các tổ chức hiểu biết sâu sắc hơn để thực hiện hiệu quả hơn mọi hoạt động nghiệp vụ của tổ chức. Phù hợp với xu thế phát triển chung của xã hội loài người, mô hình đại học thông minh đã được nghiên cứu và triển khai tại các nước kinh tế phát triển trong khoảng một thập kỷ gần đây.
Giáo dục thông minh (Smart Education: SmE), học điện tử thông minh (Smart e-Learning: SmL) và trường đại học thông minh (Smart University: SmU) đang nổi lên và phát triển nhanh chóng, thị trường giáo dục và học thông minh thế giới đạt khoảng 233,75 tỷ đô-la Mỹ vào năm 2018 và được dự báo lên tới khoảng 1.047,75 tỷ đô-la Mỹ vào năm 2026 . SmE, SmL và SmU thể hiện sự tích hợp sáng tạo và thông minh các đối tượng/hệ thống thông minh dựa trên các công nghệ mới nổi (nhận dạng tần số vô tuyến RFID, ảnh ba chiều, Internet vạn vật, tính toán đám mây, trực quan hóa dữ liệu thông minh, thực tại ảo – thực tại tăng cường, tác tử thông minh, thông minh khắp nơi, truyền thông cộng tác và thông minh, v.v.), hội tụ các chủ đề thời sự đa lĩnh vực (khoa học máy tính, kỹ thuật máy tính, giáo dục học, v.v.), cho phép giảng viên phát triển các chiến lược, cách thức dạy-học tiên phong để giảng dạy xuất sắc trong giờ học/đại học thông minh và cung cấp cho sinh viên cơ hội mới để tối đa hóa thành công của họ trên cơ sở lựa chọn tốt nhất về giáo dục, địa điểm, cách học, và phương thức học phân phối nội dung. Từ năm 2014, hội nghị khoa học quốc tế thường niên về giáo dục thông minh và học điện tử thông minh (Smart Education and e-Learning: SEEL) thu hút ngày càng đông đảo cộng đồng nghiên cứu-triển khai [50, 51, 53, 56, 59]. Hội nghị khoa học quốc tế “REV: International Conference on Remote Engineering and Virtual Instrumentation” lần thứ 15 vào năm 2018 tập trung vào công nghiệp thông minh và giáo dục thông minh . Sau Tuyên bố tài nguyên giáo dục mở (Open Educational Resources: OER) của Đại hội OER thế giới năm 2012 (do UNESCO tổ chức), sự quan tâm sáng kiến giáo dục mở (open education initiative), trong đó có sáng kiến tự động đánh giá học mới dựa trên Trí tuệ nhân tạo (AI), ngày càng nhận được sự quan tâm của cộng đồng giáo dục. Một số dự án đại học thông minh đã được triển khai tại một số cơ sở giáo dục đại học trên thế giới (chẳng hạn, Bradley University, Mỹ [58, 12], Gifu College, National Institute of Technology (Nhật Bản) [34], University of Debrecen, Hungary [8], University of Trento, Ý [61]). Ở Việt Nam, một số cơ sở giáo dục đại học đã có ý tưởng về xây dựng mô hình đại học thông minh (chẳng hạn, ý tưởng đại học thông minh trong xây dựng ĐHQGHN số hóa), và hơn thế, việc áp dụng Công nghệ thông tin vào giảng dạy học phần ngôn ngữ và văn hóa nước ngoài hướng tới các đặc trưng của giáo dục thông minh đã được triển khai tại Trường Đại học Luật Hà Nội [33]. Do được phát triển trên nền tảng các công nghệ hiện đại, hội tụ các vấn đề đa dạng từ lĩnh vực khoa học máy tính, lĩnh vực khoa học giáo dục và các lĩnh vực khác, cho nên đại học thông minh bao trùm những nội dung rất phức tạp không chỉ trong nghiên cứu, phát triển mô hình mà còn trong thực hiện triển khai các mức đầu tiên trong bậc thang trưởng thành của nó.
Hình 4.Các mức trưởng thành đại học thông minh [Uskov18]
Nhận thức đúng đắn và toàn diện về đại học thông minh, hiểu được bối cảnh của từng trường đại học trong một khung phân mức đại học thông minh để xây dựng và thực hiện một lộ trình ứng dụng đại học thông minh phù hợp nhất sẽ giúp trường đại học Việt Nam càng đảm nhận tốt vai trò của mình. Bài viết này cung cấp một số tìm hiểu bước đầu về đại học thông minh từ khái niệm đại học thông minh và các khái niệm liên quan tới các đặc trưng của đại học thông minh và mô hình thiết kế đại học thông minh. Bài viết cũng đưa ra trao đổi về một mô hình đại học thông minh trong định hướng bốn vai trò chính của trường đại học ngày nay. Hơn nữa, bài viết cũng đưa ra một vài đề xuất về nghiên cứu, triển khai mô hình đại học thông minh tại các trường đại học Việt Nam.
Phần còn lại của bài viết này được tổ chức như sau. Mục 2 giới thiệu về khái niệm đại học thông minh, các đặc trưng, mô hình trưởng thành thông minh của đại học thông minh. Tiếp cận phát triển đại học thông minh được trình bày tại Mục 3. Mục 4 giới thiệu về một số dự án triển khai đại học thông minh trên thế giới. Một số nghiên cứu liên quan về đại học thông minh tại Việt Nam cũng được giới thiệu trong mục 5. Một số trao đổi liên quan đối với đại học thông minh được trình bày trong mục 5. Mục cuối cùng đưa ra kết luận của bài viết.
(UET-News)