Chuyển biến đột phá về chất lượng giáo dục Đại học của Việt Nam
3 thành tựu lớn, nổi bật của GDĐH Việt Nam sau một thời gian thực hiện Nghị quyết 29 được GS.TSKH Nguyễn Đình Đức – Giám đốc Phòng Thí nghiệm Vật liệu và Kết cấu tiên tiến (Trường Đại học Công nghệ), Trưởng ban Đào tạo (ĐHQGHN) – tổng kết.
GD đại học Việt Nam đã hội nhập, tiếp cận các chuẩn mực quốc tế
“Có thể thấy chưa bao giờ giáo dục (GD) của Việt Nam đổi mới nhanh và mạnh mẽ, tiếp cận các chuẩn mực của quốc tế như những năm qua”. Minh chứng rõ nhất được GS.TSKH Nguyễn Đình Đức đưa ra cho nhận định này là những kết quả trong việc kiểm định chất lượng GD đại học (ĐH), xếp hạng ĐH.
Theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, các cơ sở GDĐH của chúng ta không thể hội nhập với thế giới nếu không được kiểm định chất lượng. Người tốt nghiệp có tấm bằng của cơ sở GD hoặc của chương trình đào tạo đã được kiểm định sẽ có cơ hội công ăn việc làm và hội nhập tốt hơn ở trong và ngoài nước. “Những thành tựu đổi mới của GDĐH tác động đến toàn bộ hoạt động của ngành GD, và sâu xa hơn, đến toàn thể xã hội, chi phối và làm đổi mới căn bản và toàn diện hệ thống GD của nước nhà. Thành quả lớn lao nhất là từ chính những đổi mới đó, chúng ta đã đào tạo được đội ngũ cán bộ kế cận và nguồn nhân lực có chất lượng, có trình độ cao, trẻ tuổi tài năng, đủ sức gánh vác sứ mệnh lớn lao, vẻ vang của đất nước trong giai đoạn mới“ – GS.TSKH Nguyễn Đình Đức chia sẻ.
Đến nay, hầu hết tất cả các cơ sở GDĐH của Việt Nam đều đã có đơn vị chuyên trách về đảm bảo chất lượng; 5 trung tâm kiểm định chất lượng GD đã được thành lập và được cấp phép hoạt động.
Tính đến ngày 31/12/2020, cả nước đã có 149 cơ sở GDĐH và 9 trường cao đẳng sư phạm đạt tiêu chuẩn kiểm định theo bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng GDĐH của Việt Nam, chiếm khoảng 55% tổng số các trường ĐH, học viện trong cả nước. Có 7 trường ĐH được công nhận bởi tổ chức đánh giá/kiểm định quốc tế (HCERES, AUN-QA). Có 145 chương trình đào tạo của 43 trường ĐH được đánh giá và công nhận theo tiêu chuẩn trong nước; 195 chương trình đào tạo của 32 trường được đánh giá, công nhận theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế.
Công tác kiểm định chất lượng GD của Việt Nam đã định hướng theo các tiêu chí chuẩn mực của khu vực, thế giới. Những năm gần đây, hoạt động kiểm định đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhất là các cấp quản lý GD, các nhà trường được tiếp cận với mô hình quản lý hiện đại, tiên tiến.
Qua tự đánh giá, đánh giá ngoài, nhà trường thấy được điểm mạnh, điểm yếu và xây dựng kế hoạch cải tiến chất lượng sát thực, hiệu quả hơn. Các cơ sở GD đã thay đổi cách nhìn nhận về công tác quản lý và chỉ đạo, tăng cường năng lực quản lý nhà trường, quản lý dạy, học. Kiểm định chất lượng GD tạo động lực cho công tác đánh giá nói chung, góp phần quan trong thúc đẩy nâng cao chất lượng GD và hội nhập với thế giới.
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức và các sinh viên trong nhóm nghiên cứu tại Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội)
Bên cạnh hoạt động kiểm định, xếp hạng ĐH là hoạt động được Bộ GD&ĐT, các trường ĐH Việt Nam đặc biệt coi trọng trong những năm qua.
“Nếu kiểm định phản ánh chất lượng thì xếp hạng ĐH nói lên đẳng cấp”. Cho biết điều này, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức dẫn sự kiện năm 2018, lần đầu tiên trong lịch sử GDĐH Việt Nam, 2 ĐHQG có tên trong danh sách xếp hạng 1000 trường hàng đầu thế giới theo bảng xếp hạng QS. Đến nay, nước ta có 4 ĐH lọt vào tốp 1.000 thế giới; 11 trường ĐH nằm trong bản xếp hạng Châu Á của QS; nhiều ngành, lĩnh vực đào tạo được đứng trong tốp 500 thế giới… Đó là những thành tựu lớn lao, kết quả của sự bứt phá vươn lên trong những năm gần đây của GDĐH Việt Nam.
Thành tựu về kiểm định chất lượng, xếp hạng ĐH là minh chứng cho thành công, sự chuyển mình, đổi mới toàn diện và hội nhập quốc tế mạnh mẽ của GDĐH Việt Nam trong thời gian qua.
Chuyển biến đột phá về chất lượng
Kết quả nổi bật thứ 2, theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức là GDĐH tạo được sự đột phá, chuyển biến về chất lượng. Công bố quốc tế, chất lượng đội ngũ giảng viên, chất lượng người học ở bậc ĐH, sau ĐH có bước nhảy vọt so với giai đoạn trước.
Bộ GD&ĐT đã ban hành Quy chế mới về đào tạo ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ; trong đó chuyển đổi hoàn toàn từ đào tạo niên chế sang tín chỉ và yêu cầu xác định chuẩn đầu ra của từng chương trình đào tạo.
Chất lượng đầu ra của người học về chuyên môn, ngoại ngữ, tin học đều yêu cầu cao hơn so với trước đây. Đặc biệt về ngoại ngữ đã có những bước tiến quan trọng: chuẩn đầu ra về ngoại ngữ bậc ĐH là B1, với các chương trình quốc tế, tài năng, chất lượng cao sinh viên còn đạt chuẩn đầu ra cao hơn; chuẩn đầu vào với thạc sĩ là B1, B2 với nghiên cứu sinh. Bên cạnh đó, các chương trình đào tạo còn chú trọng đổi mới sáng tạo, trang bị kiến thức về các kỹ năng mềm và khởi nghiệp cho người học. Đây là những chỉ đạo, định hướng đổi mới nâng cao chất lượng GDĐH hết sức quan trọng, đúng đắn, kịp thời.
Mặt khác, trước đây, hoạt động nghiên cứu khoa học, gắn kết chặt chẽ đào tạo với nghiên cứu thường chỉ được chú trọng ở các ĐH lớn. Sau khi có Nghị quyết 29, để nâng cao chất lượng GDĐH, hoạt động đào tạo gắn với nghiên cứu được Bộ GD&ĐT quan tâm chỉ đạo triển khai ở tất cả các trường ĐH.
Chính vì vậy, những năm gần đây, các trường ĐH đã đặc biệt chú trọng xây dựng, phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh để tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học, công bố quốc tế; cũng như thông qua môi trường nhóm nghiên cứu để nâng cao chất lượng đội ngũ, chất lượng đào tạo. Từ các nhóm nghiên cứu mạnh của các trường ĐH đã tiến tới thành lập một số phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu xuất sắc, có vai trò dẫn dắt trong hoạt động khoa học công nghệ của quốc gia. Ngoài 2 ĐHQG, nhiều trường ĐH đã xác định mục tiêu phát triển thành các ĐH nghiên cứu tiên tiến.
Chất lượng đội ngũ tăng lên từng bước, từng năm theo chuẩn quốc tế. Nếu như trước đây, GS, PGS, TS không yêu cầu bắt buộc có công bố quốc tế; thì nay, với quy chế mới về tiêu chuẩn chức danh, bắt buộc yêu cầu GS, PGS, cả các nghiên cứu sinh khi bảo vệ luận án đều phải có công bố quốc tế.
Năm 2006, mới có Trần Hữu Nam, nghiên cứu sinh ngành Toán của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội – lần đầu tiên là nghiên cứu sinh trong nước công bố được 1 bài ISI trong quá trình làm luận án. Nhưng đến nay, hơn 80% nghiên cứu sinh trong lĩnh vực Khoa học tự nhiên – công nghệ của ĐHQG Hà Nội, cũng như nhiều nghiên cứu sinh của các trường ĐH khác khi bảo vệ luận án TS đều đã có công bố trên các tạp chí quốc tế ISI,…
Cá biệt, có trường hợp đặc biệt xuất sắc như NCS Trần Quốc Quân, NCS Phạm Hồng Công – ngành Cơ học Kỹ thuật của Trường ĐH Công nghệ, ĐHQG Hà Nội, từ khi là sinh viên đến khi bảo vệ luận án TS chỉ có 3 năm (được chuyển tiếp NCS), mỗi người đã có khoảng 20 bài báo trên các tạp chí quốc tế ISI uy tín. Với thành tích như vậy là niềm mơ ước của nhiều cơ sở đào tạo NCS ở nước ngoài.
Nhờ nâng chuẩn chất lượng và có chính sách hỗ trợ cho nghiên cứu, các nhóm nghiên cứu, công bố quốc tế của Việt Nam tăng mạnh. Năm 2019, tổng số bài báo khoa học của Việt Nam công bố trên các ấn phẩm quốc tế có uy tín là 12.475 bài, đứng thứ 49 thế giới (so với 2015 tăng 2,7 lần và tăng 9 bậc). Chỉ số trích dẫn các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam cũng ngày càng tăng. Mấy năm gần đây, một số nhà khoa học Việt Nam cũng đã có tên trong bảng xếp hạng các nhà khoa học có tầm ảnh hưởng của thế giới được quốc tế đánh giá, bình chọn khách quan. Đây là những chuyển biến quan trọng về chất lượng đội ngũ, là kết quả rất đáng tự hào của GDĐH Việt Nam.
Nghiên cứu khoa học, công bố quốc tế đã trở thành tiêu chí bắt buộc của giảng viên ĐH. Công ăn việc làm, kiến thức chuyên môn song hành với ngoại ngữ và kỹ năng về CNTT, kỹ năng mềm và khởi nghiệp cho người học là kim chỉ nam cho hoạt động đào tạo trong các trường ĐH hiện nay. Điều này cho thấy GDĐH Việt Nam đang có sự chuyển mình mạnh mẽ, đột phá về chất hết sức quan trọng theo các yêu cầu, chuẩn trình độ quốc tế.
Chuyển dịch nhanh, mạnh, đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghiệp 4.0
Kết quả thứ 3 được GS.TSKH Nguyễn Đình Đức chỉ ra là chăm lo đào tạo, bồi dưỡng nhân tài; có sự chuyển dịch mạnh mẽ, kịp thời cơ cấu ngành nghề, nhằm đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0.
Bên cạnh các chương trình đào tạo chuẩn, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các trường ĐH tích cực triển khai các chương trình đào tạo tài năng, tiên tiến, chất lượng cao để đào tạo, bồi dưỡng nhân tài.
Tham gia các chương trình này là những giảng viên ưu tú của Việt Nam và một số giảng viên nước ngoài, nhằm phát triển quốc tế hóa chương trình đào tạo, đáp ứng nguồn nhân lực toàn cầu. Bên cạnh đó, với chương trình 322, 911, chúng ta đã cử đi đào tạo được hàng nghìn trí thức trẻ, ưu tú đi học ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển nhanh chưa từng có kéo theo yêu cầu lớn về nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao và đang tạo ra những cơ hội cũng như thách thức với GDĐH. GDĐH Việt Nam đang tích cực chuyển đổi số; bên cạnh đó đã có sự chuyển dịch cơ cấu ngành nghề nhanh, phù hợp.
Bộ GD&ĐT cũng đã có công văn 5444/BGDĐT-GDĐH ban hành cơ chế đặc thù về đào tạo CNTT, cho phép sinh viên các ngành khác được học thêm văn bằng 2, chính quy về CNTT. Một số ngành mới khác như an ninh phi truyền thống, biến đổi khí hậu, robotic, khoa học dữ liệu, công nghệ hàng không vũ trụ đã được mở ở ĐHQGHN. Các ngành tự động hóa, CNTT, khoa học máy tính, công nghệ phần mềm, an toàn thông tin, trí tuệ nhân tạo, quản lý hệ thống thông tin, công nghệ nano, vật liệu và kết cấu tiên tiến,… được giảng dạy, đào tạo ở nhiều trường ĐH khác trong cả nước. Điều đó cho thấy GDĐH của Việt Nam đang đi nhanh, đúng hướng, bắt nhịp được với xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.0 đang diễn ra khắp nơi cũng như trong tất cả các lĩnh vực trên thế giới.
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức là chuyên gia hàng đầu về vật liệu và kết cấu tiên tiến. Ông đã công bố 300 bài báo, công trình khoa học và là thành viên hội đồng quốc tế của 7 tạp chí quốc tế ISI có uy tín. Ông là một trong những nhà khoa học xuất sắc góp phần định danh nền khoa học công nghệ (KHCN) Việt Nam trên bản đồ KHCN thế giới. Năm 2020, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức là một trong 3 nhà khoa học đang làm việc ở Việt Nam vào top 10.000 các nhà khoa học có ảnh hưởng hàng đầu thế giới và xếp hạng 5789 – đứng đầu trong các nhà khoa học ở Việt Nam theo bảng xếp hạng nhà khoa học của Tạp chí PLoS Biology của Hoa Kỳ.