Chương trình đào tạo ngành Hệ thống thông tin (CLC TT23)
1. Một số thông tin về chương trình đào tạo
- Tên ngành đào tạo:
+ Tiếng Việt: Hệ thống thông tin
+ Tiếng Anh: Information Systems
- Mã số đào tạo: 7480104
- Danh hiệu tốt nghiệp: Cử nhân
- Thời gian đào tạo: 4 năm
- Tên văn bằng sau khi tốt nghiệp:
+ Tiếng Việt: Cử nhân Hệ thống thông tin
(Chương trình đào tạo chất lượng cao)
+ Tiếng Anh: The Degree of Bachelor of Science in Information Systems
(Honors Program)
2. Mục tiêu đào tạo chất lượng cao
2.1. Mục tiêu chung
Mục tiêu của chương trình Hệ thống thông tin (HTTT) chất lượng cao (CLC) tại Trường ĐHCN (ĐHQGHN) là đào tạo toàn diện cả về chuyên môn lẫn phẩm chất nhân lực chất lượng cao và bồi dưỡng nhân tài trình độ đại học ngành HTTT trong thời đại số hóa. Sinh viên tốt nghiệp ngành HTTT CLC sẽ là những cử nhân, chuyên gia có phẩm chất tốt, có trình độ chuyên môn HTTT toàn diện, với các kiến thức chuyên sâu được định hình thành hai hướng (i) Tích hợp dịch vụ và quản lý dữ liệu lớn và (ii) Khoa học dữ liệu và phân tích kinh doanh, về xây dựng và phát triển các HTTT thích ứng tốt được với yêu cầu thực tiễn, góp phần hoàn thành mục tiêu “phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực”.
2.2. Các mục tiêu cụ thể
2.1.1. Về kiến thức
- Trang bị các kiến thức toán học, khoa học và kỹ thuật cần thiết cho lĩnh vực Máy tính và Công nghệ thông tin (CNTT) (nói chung), ngành HTTT (nói riêng) và miền ứng dụng (kinh doanh, dịch vụ công, giáo dục, …); trang bị các kiến thức nền tảng về các nguyên lý cơ bản, các quy luật tự nhiên và xã hội trong lĩnh vực Máy tính và CNTT (nói chung) và HTTT (nói riêng) để phát triển kiến thức mới và có thể tiếp tục học tập ở trình độ cao hơn;
- Trang bị các kiến thức chuyên sâu trong lĩnh vực Máy tính và CNTT (nói chung) và ngành HTTT (nói riêng); các kỹ thuật và kiến thức thực tế để có thể giải quyết các công việc phức tạp; các kiến thức quản lý, điều hành, kiến thức pháp luật và bảo vệ môi trường liên quan đến CNTT và HTTT;
- Trang bị các kiến thức về quy trình của tổ chức: Các khái niệm cơ bản liên quan đến văn hóa và thay đổi tổ chức, quy trình của tổ chức; nguyên tắc chung phân tích quy trình để áp dụng chúng vào tình huống cụ thể; các kiến thức chuyên sâu về (i) Tích hợp dịch vụ và quản lý dữ liệu lớn và (ii) Khoa học dữ liệu và phân tích kinh doanh trong thời đại số hóa để nắm vững cách thức chuyển đổi một lượng rất lớn dữ liệu thu thập được thành các giải pháp thiết kế lại và cải tiến quy trình thông qua phân tích kinh doanh; Hiểu được các hạn chế có thể đạt được từ công nghệ, nguồn lực tài chính, và năng lực tổ chức sẵn có.
2.1.2. Về kỹ năng
- Bồi dưỡng năng lực áp dụng kiến thức toán học, khoa học và kỹ thuật vào HTTT và miền ứng dụng (kinh doanh, dịch vụ công, giáo dục, …);
- Trang bị kỹ năng thiết kế và tiến hành các thực nghiệm cũng như phân tích và diễn giải dữ liệu; Các năng lực định vị yêu cầu thông tin của tổ chức (doanh nghiệp, cơ quan chính phủ, nhà trường, tổ chức phi lợi nhuận, …); các kỹ năng xác định, hình thức hóa và giải quyết các bài toán kỹ thuật; các kỹ năng sử dụng các kỹ thuật và các công cụ kỹ thuật hiện đại cần thiết cho việc thực nghiệm kỹ thuật;
- Trang bị kỹ năng thiết kế hệ thống, thành phần, hoặc quy trình đáp ứng nhu cầu mong muốn trong điều kiện của các ràng buộc thực tế, chẳng hạn như kinh tế, môi trường, xã hội, chính sách, sức khỏe và an toàn, đạo đức, tính sản xuất và tính bền vững;
- Trang bị kỹ năng thiết kế và quản lý kiến trúc tổ chức; kỹ năng cải tiến quy trình của tổ chức (Phân tích quy trình hiện có dựa trên phỏng vấn, quan sát, phân tích tài liệu, và các phương pháp tương tự khác; Xác định và nắm bắt các phát hiện thông tin và tri thức quan trọng từ lượng lớn dữ liệu; Thi hành tốt nhất việc áp dụng các mô hình tham khảo công nghiệp để cải thiện thiết kế quy trình; Sử dụng kết quả phân tích như một căn cứ cho thiết kế quy trình sửa đổi; Mô phỏng quy trình đề xuất và sửa đổi chúng khi cần thiết; Đàm phán các giải pháp đáp ứng được các yêu cầu chính sách cho các quy trình mới; Dẫn dắt việc thi hành quy trình mới; Tùy chỉnh quy trình thích hợp với nhu cầu văn hóa và sắc tộc);
- Trang bị kỹ năng khai thác cơ hội từ đổi mới công nghệ; các kỹ năng xác định và đánh giá giải pháp và thay thế tài nguyên; các kỹ năng bảo mật dữ liệu và cơ sở hạ tầng; năng lực hiểu, quản lý và kiểm soát rủi ro HTTT;
- Trang bị kỹ năng hoạt động nhóm đa ngành, đặc biệt nhóm đa ngành kết hợp công nghệ và kinh doanh;
- Trang bị kỹ năng giao tiếp hiệu quả, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh tương đương bậc 4/6 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
2.1.3. Về phẩm chất, đạo đức
- Bồi dưỡng về phẩm chất đạo đức theo phương diện cá nhân, phương diện nghề nghiệp và phương diện xã hội, về tinh thần trách nhiệm với bản thân, gia đình, tổ chức và xã hội, về tinh thần phụng sự đất nước Việt Nam phát triển phồn vinh và hạnh phúc.
3. Thông tin tuyển sinh
– Hình thức tuyển sinh: Theo quy định của Đại học Quốc gia Hà Nội.
– Dự kiến quy mô tuyển sinh: 60 sinh viên/năm.