Chương trình đào tạo ngành Hệ thống thông tin
1. Một số thông tin về chương trình đào tạo
- Tên ngành đào tạo:
– Tiếng Việt: Hệ thống thông tin
– Tiếng Anh: Information Systems
- Mã số ngành đào tạo: 8480104
- Tên chuyên ngành đào tạo:
– Tiếng Việt: Hệ thống thông tin
– Tiếng Anh: Information Systems
- Trình độ đào tạo: Thạc sĩ
- Thời gian đào tạo: 2 năm
- Tên văn bằng tốt nghiệp:
– Tiếng Việt: Thạc sĩ ngành Hệ thống thông tin
– Tiếng Anh: The Degree of Master in Information Systems
2. Mục tiêu của chương trình đào tạo
2.1.Mục tiêu chung
Mục tiêu chung của Chương trình đào tạo Thạc sĩ chuyên ngành Hệ thống thông tin (HTTT) là đào tạo nguồn nhân lực HTTT trình độ Thạc sĩ chất lượng cao, có năng lực và phẩm chất của các chuyên gia phân tích dữ liệu, tích hợp hệ thống thông tin và văn hóa tổ chức, tích hợp giải pháp công nghệ thông tin (CNTT) với quy trình kinh doanh, phục vụ quá trình phát triển các tiến bộ khoa học – công nghệ hiện đại về HTTT.
2.2. Mục tiêu cụ thể
- Trang bị cho người học các kiến thức và kỹ năng chuyên môn theo các nhóm chủ đề về cơ sở dữ liệu (CSDL) và nền tảng HTTT, khai phá dữ liệu và phát hiện tri thức trong dữ liệu, an toàn thông tin, khoa học dịch vụ.
- Có năng lực nghiên cứu phát triển, đổi mới và sử dụng các công nghệ phù hợp để thiết kế phát triển sản phẩm, đề xuất giải pháp cho các vấn đề thực tiễn của ngành HTTT.
- Học viên tốt nghiệp có thể đảm nhiệm các vị trí việc làm sau: Giám đốc thông tin (Chief Information Officer: CIO), Kiến trúc sư HTTT (IS Architect), Trưởng bộ phận CNTT (Head of the Information Technology Office), Quản lý dự án (Project Manager), Chuyên gia phân tích dữ liệu (Data Analyst), Chuyên gia tích hợp hệ thống (Systems Integrator), Chuyên gia phân tích-thiết kế hệ thống (Systems Analyst/Designer), Quản trị CSDL (Database Administrator), Chuyên gia phân tích kinh doanh (Business Analyst), Giảng viên đại học, nghiên cứu viên, …; Đồng thời, Thạc sĩ HTTT có thể tiếp tục thực hiện chương trình đào tạo Tiến sĩ về chuyên ngành HTTT cũng như các chuyên ngành khác của lĩnh vực CNTT theo các hướng như quản lý dữ liệu quy mô lớn, công nghệ tri thức và khai phá dữ liệu, an toàn thông tin, khoa học dịch vụ, v.v.
3. Thông tin tuyển sinh
3.1. Hình thức tuyển sinh
Xét tuyển (theo Hướng dẫn tuyển sinh sau đại học hàng năm của Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) và Phương án tuyển sinh hàng năm của Trường Đại học Công nghệ.
3.2. Đối tượng tuyển sinh
- Công dân Việt Nam tốt nghiệp đại học (cử nhân/kỹ sư) ngành phù hợp với ngành HTTT từ loại Khá trở lên (theo danh mục nêu tại Mục 3.3). Trường hợp ứng viên tốt nghiệp đại học dưới loại khá cần có công bố khoa học (sách, giáo trình, bài báo đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành hoặc các báo cáo đăng trên kỷ yếu hội nghị, hội thảo khoa học chuyên ngành) liên quan đến lĩnh vực CNTT; Có năng lực ngoại ngữ từ Bậc 3 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam;
- Công dân nước ngoài được xét tuyển theo quy định đối với người nước ngoài vào học tại ĐHQGHN.
- Các yêu cầu về hồ sơ được thực hiện theo quy định chung của ĐHQGHN và quy định cụ thể của Trường Đại học Công nghệ.
3.3. Danh mục các ngành phù hợp
- Nhóm 1 bao gồm các ngành phù hợp không cần phải học bổ sung kiến thức: Hệ thống thông tin (7480104), Khoa học máy tính (7480101), Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu (7480102), Kỹ thuật phần mềm (7480103), Kỹ thuật máy tính (7480106), Trí tuệ nhân tạo (7480207), Công nghệ kỹ thuật máy tính (7480108), Công nghệ thông tin (7480201), An toàn thông tin (7480202).
- Nhóm 2 bao gồm các ngành phù hợp phải học bổ sung kiến thức: Toán tin (7460117), Toán ứng dụng (7460112), Máy tính và khoa học thông tin (7480110QTD),Khoa học dữ liệu (7460108), Khoa học tính toán (7460107), Sư phạm tin học (7140210), Khoa học và kĩ thuật máy tính (7480204QTD), Toán học (7460101), Toán cơ (7460115), Sư phạm toán học (7140209), Thống kê (7460201), Công nghệ kỹ thuật điện tử – viễn thông (7510302).
3.4. Danh mục các học phần bổ sung kiến thức
Danh mục các học phần bổ sung kiến thức được dành cho đối tượng có bằng tốt nghiệp đại học phù hợp thuộc nhóm 2, gồm tối đa sáu học phần với 22 tín chỉ như sau. Căn cứ vào bảng điểm đại học của mỗi thí sinh, Tiểu ban xét hồ sơ sẽ quyết định danh sách các học phần mà thí sinh cần bổ sung.
- Toán rời rạc (4 tín chỉ)
- Lập trình nâng cao (4 tín chỉ)
- Cấu trúc dữ liệu và giải thuật (4 tín chỉ)
- Cơ sở dữ liệu (4 tín chỉ)
- Công nghệ phần mềm (3 tín chỉ)
-
Khai phá dữ liệu (3 tín chỉ)