Chương trình đào tạo ngành Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu
1. Một số thông tin về chuyên ngành đào tạo
- Tên chuyên ngành đào tạo:
+ Tên tiếng Việt: Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu
+ Tên tiếng Anh: Computer Networks and Data Communications
- Mã số chuyên ngành đào tạo: 9480102.01
- Tên ngành đào tạo:
+ Tên tiếng Việt: Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu
+ Tên tiếng Anh: Computer Networks and Data Communications
- Trình độ đào tạo: Tiến sĩ
- Tên văn bằng tốt nghiệp:
+ Tên tiếng Việt: Tiến sĩ ngành Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu
+ Tên tiếng Anh: The degree of Doctor of Phylosophy in Computer Networks and Data Communications
2. Mục tiêu của chương trình đào tạo
2.1. Mục tiêu chung
- Mục tiêu chung của Chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ chuyên ngành Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu là đào tạo các chuyên gia, nhà khoa học được trang bị các kiến thức và kỹ năng nghiên cứu chuyên sâu trong lĩnh vựcMạng máy tính và truyền thông dữ liệu, có năng lực sáng tạo để tìm hiểu và đề xuất các giải pháp khoa học và công nghệ cho các vấn đề mới có ý nghĩa khoa học và thực tiễn, có khả năng nghiên cứu độc lập, biết xây dựng các dự án nghiên cứu, tham gia hoặc lãnh đạo các nhóm nghiên cứu.
2.2. Mục tiêu cụ thể
– Về kiến thức:
+ Các kiến thức cốt lõi, nền tảng, nâng cao về công nghệ thông tin (CNTT), đặc biệt là các kiến thức nâng cao về Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu như an ninh mạng, các mạng không dây và di động, các vấn đề hiện đại về truyền dữ liệu và mạng máy tính;
+ Các kiến thức, chuyên sâu về mạng máy tính và truyền thông dữ liệu, đặc biệt là các kiến thức về kiến trúc và hạ tầng mạng, các giao thức và ứng dụng mạng, các phương thức truyền dữ liệu trong các môi trường mạng, các kiến thức về đảm bảo an ninh và quản trị mạng, mạng Internet vạn vật.
– Về kỹ năng: Trang bị cho nghiên cứu sinh các phương pháp nghiên cứu, các kỹ năng phát hiện và phân tích vấn đề, đưa ra giải pháp để giải quyết vấn đề, có khả năng áp dụng kiến thức vào thực tế. Đồng thời, nghiên cứu sinh sẽ có kỹ năng trình bày báo cáo, viết đề cương nghiên cứu và bài báo khoa học.
– Về năng lực: Nghiên cứu sinh tốt nghiệp có năng lực
- Tự học để nắm bắt các công nghệ, công cụ, kỹ năng mới trong lĩnh vực Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu;
- Nghiên cứu chuyên sâu vào các vấn đề lý thuyết và công nghệ mới trong lĩnh vực Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu;
- Tổng hợp và phân tích các giải pháp, công nghệ hiện có, phát hiện các vấn đề về lý thuyết và công nghệ;
- Tư duy logic tốt, có năng lực sáng tạo để tìm hiểu và đề xuất các giải pháp công nghệ cho các vấn đề về mạng máy tính và truyền dữ liệu (kiến trúc mạng, giao thức mạng, an ninh mạng).
– Về nghiên cứu: có khả năng thực hiện việc nghiên cứu về kiến trúc mạng, giao thức mạng, an ninh mạng, tính toán phân tán…
3. Thông tin tuyển sinh
3.1. Hình thức tuyển sinh
Xét tuyển theo quy định của ĐHQGHN
3.2. Đối tượng tuyển sinh
Thí sinh dự tuyển vào chương trình đào tạo tiến sĩ chuyên ngành Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu phải đáp ứng những yêu cầu sau:
a. Lý lịch bản thân rõ ràng, không trong thời gian thi hành án hình sự, kỷ luật từ mức cảnh cáo trở lên;
b. Có đủ sức khoẻ để học tập;
c. Có bằng tốt nghiệp đại học chính quy ngành đúng từ loại giỏi trở lên hoặc bằng thạc sĩ thuộc các chuyên ngành trong nhóm ngành Máy tính và Công nghệ thông tin hoặc các chuyên ngành gần;
d. Văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp phải thực hiện thủ tục công nhận theo quy định hiện hành;
e. Trong thời gian hạn 03 năm (36 tháng) tính đến ngày đăng ký dự tuyển là tác giả hoặc đồng tác giả tối thiểu 01 bài báo thuộc tạp chí khoa học chuyên ngành hoặc 01 báo cáo khoa học đăng tại kỷ yếu cuả các hội nghị, hội thảo khoa học quốc gia hoặc quốc tế có phản biện, có mã số xuất bản ISBN liên quan đến lĩnh vực hoặc đề tài nghiên cứu, được hội đồng chức danh giáo sư, phó giáo sư của ngành Công nghệ thông tin công nhận. Đối với những người đã có bằng thạc sĩ nhưng hoàn thành luận văn thạc sĩ với khối lượng học tập dưới 10 tín chỉ trong chương trình đào tạo thạc sĩ thì phải có tối thiểu 02 bài báo/báo cáo khoa học;
f. Có đề cương nghiên cứu, trong đó nêu rõ tên đề tài dự kiến, lĩnh vực nghiên cứu; lý do lựa chọn lĩnh vực, đề tài nghiên cứu; giản lược về tình hình nghiên cứu lĩnh vực đó trong và ngoài nước; mục tiêu nghiên cứu; một số nội dung nghiên cứu chủ yếu; phương pháp nghiên cứu và dự kiến kết quả đạt được; lý do lựa chọn đơn vị đào tạo; kế hoạch thực hiện trong thời gian đào tạo; những kinh nghiệm, kiến thức, sự hiểu biết cũng như những chuẩn bị của thí sinh cho việc thực hiện luận án tiến sĩ. Trong đề cương có thể đề xuất cán bộ hướng dẫn;
g. Có thư giới thiệu của ít nhất 01 nhà khoa học có chức danh giáo sư, phó giáo sư hoặc học vị tiến sĩ khoa học, tiến sĩ đã tham gia hoạt động chuyên môn với người dự tuyển và am hiểu lĩnh vực chuyên môn mà người dự tuyển dự định nghiên cứu. Thư giới thiệu phải có những nhận xét, đánh giá người dự tuyển về:
– Phẩm chất đạo đức, năng lực và thái độ nghiên cứu khoa học, trình độ chuyên môn của người dự tuyển;
– Đối với nhà khoa học đáp ứng các tiêu chí của người hướng dẫn nghiên cứu sinh và đồng ý nhận làm cán bộ hướng dẫn luận án, cần bổ sung thêm nhận xét về tính cấp thiết, khả thi của đề tài, nội dung nghiên cứu; và nói rõ khả năng huy động nghiên cứu sinh vào các đề tài, dự án nghiên cứu cũng như nguồn kinh phí có thể chi cho hoạt động nghiên cứu của nghiên cứu sinh;
– Những nhận xét khác và mức độ ủng hộ, giới thiệu thí sinh làm nghiên cứu sinh.
– Người dự tuyển phải có một trong những văn bằng, chứng chỉ minh chứng về năng lực ngoại ngữ phù hợp với chuẩn đầu ra về ngoại ngữ của chương trình đào tạo được ĐHQGHN phê duyệt:
– Có chứng chỉ ngoại ngữ (theo Bảng tham chiếu các chứng chỉ tiếng nước ngoài quy định tại Phụ lục 1, quy chế đào tạo tiến sĩ tại ĐHQGHN theo quyết định 4555/QĐ-ĐHQGHN ngày 24/11/2017 của Giám đốc ĐHQGHN) do một tổ chức khảo thí được quốc tế và Việt Nam công nhận trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày thi lấy chứng chỉ tính đến ngày đăng ký dự tuyển;
– Bằng cử nhân hoặc bằng thạc sĩ do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp cho chương trình đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài bằng ngôn ngữ phù hợp với ngôn ngữ yêu cầu theo chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo;
– Có bằng đại học ngành ngôn ngữ nước ngoài hoặc sư phạm tiếng nước ngoài phù hợp với ngoại ngữ theo yêu cầu chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo, do các cơ sở đào tạo của Việt Nam cấp;
– Trong các trường hợp trên nếu không phải là tiếng Anh, thì người dự tuyển phải có khả năng giao tiếp được bằng tiếng Anh trong chuyên môn cho người khác hiểu bằng tiếng Anh và hiểu được người khác trình bày những vấn đề chuyên môn bằng tiếng Anh. Hội đồng tuyển sinh thành lập tiểu ban để đánh giá năng lực tiếng Anh giao tiếp trong chuyên môn của các thí sinh thuộc đối tượng này;
h. Có công văn cử đi dự tuyển của cơ quan quản lý trực tiếp theo quy định hiện hành về đào tạo và bồi dưỡng công chức, viên chức (nếu người dự tuyển là công chức, viên chức);
i. Cam kết thực hiện các nghĩa vụ tài chính trong quá trình đào tạo theo quy định của đơn vị đào tạo.
3.3. Danh mục các chuyên ngành phù hợp và chuyên ngành gần
- Danh mục các chuyên ngành phù hợp: các chuyên ngành trong lĩnh vực Máy tính và Công nghệ thông tin;
- Danh mục chuyên ngành gần: Cơ sở toán học cho tin học, Khoa học tính toán, Toán tin; các chuyên ngành thuộc nhóm Kỹ thuật điện, điện tử và viễn thông;
- Các trường hợp đặc biệt khác: Do Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh của đơn vị đào tạo thành lập tiểu ban chuyên môn xem xét, quyết định.
3.4. Dự kiến quy mô tuyển sinh: 07 NCS/năm