Chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật năng lượng
1. Về kiến thức và năng lực chuyên môn
1.1. Về kiến thức
Sinh viên tốt nghiệp chương trình đào tạo có kiến thức lý thuyết chuyên sâu trong lĩnh vực đào tạo; nắm vững kỹ thuật và có kiến thức thực tế để có thể giải quyết các công việc phức tạp; tích lũy được kiến thức nền tảng về các nguyên lý cơ bản, các quy luật tự nhiên và xã hội trong lĩnh vực được đào tạo để phát triển kiến thức mới và có thể tiếp tục học tập ở trình độ cao hơn; có kiến thức quản lý, điều hành, kiến thức pháp luật và bảo vệ môi trường liên quan đến lĩnh vực được đào tạo; và có kiến thức cụ thể và năng lực chuyên môn như sau:
1.1.1 Khối kiến thức chung
Kiến thức về lý luận chính trị
- Hiểu được hệ thống tri thức khoa học những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác – Lênin;
- Hiểu được những kiến thức cơ bản, có tính hệ thống về tư tưởng, đạo đức, giá trị văn hóa Hồ Chí Minh, những nội dung cơ bản của Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, chủ yếu là đường lối trong thời kỳ đổi mới trên một số lĩnh vực cơ bản của đời sống xã hội.
Kiến thức về tin học
- Nhớ và giải thích được các kiến thức cơ bản về thông tin;
- Sử dụng được công cụ xử lý thông tin thông dụng (hệ điều hành, các phần mềm hỗ trợ công tác văn phòng và khai thác Internet, …);
- Có khả năng phân tích, đánh giá và lập trình một ngôn ngữ lập trình bậc cao (hiểu các cấu trúc điều khiển, các kiểu dữ liệu có cấu trúc, hàm/chương trình con, biến cục bộ/biến toàn cục, vào ra dữ liệu tệp, các bước để xây dựng chương trình hoàn chỉnh);
- Có khả năng phân tích, đánh giá phương pháp lập trình hướng thủ tục và lập trình hướng đối tượng; phân biệt được ưu và nhược điểm của hai phương pháp lập trình.
Kiến thức về ngoại ngữ: Đạt trình độ tối thiểu tương đương bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam
- Hiểu được các ý chính của một diễn ngôn tiêu chuẩn, rõ ràng về các vấn đề quen thuộc trong công việc, trường học, giải trí…
- Xử lý hầu hết các tình huống có thể xảy ra khi đi đến nơi sử dụng ngôn ngữ;
- Viết đơn giản những liên kết về các chủ đề quen thuộc hoặc cá nhân quan tâm;
- Mô tả được những kinh nghiệm, sự kiện, giấc mơ, hy vọng và hoài bão và có thể trình bày ngắn gọn các lý do, giải thích cho ý kiến và kế hoạch của mình.
Giáo dục thể chất và quốc phòng an ninh
- Hiểu và vận dụng những kiến thức khoa học cơ bản trong lĩnh vực thể dục thể thao vào quá trình tập luyện và tự rèn luyện, ngăn ngừa các chấn thương để củng cố và tăng cường sức khỏe. Sử dụng các bài tập phát triển thể lực chung và thể lực chuyên môn đặc thù. Vận dụng những kỹ, chiến thuật cơ bản, luật thi đấu vào các hoạt động thể thao ngoại khóa cộng đồng;
- Hiểu được nội dung cơ bản về đường lối quân sự và nhiệm vụ công tác quốc phòng – an ninh của Đảng, Nhà nước trong tình hình mới. Vận dụng kiến thức đã học vào chiến đấu trong điều kiện tác chiến thông thường.
1.1.2 Kiến thức theo lĩnh vực
- Biết được các kiến thức cơ bản về vật lý cơ, nhiệt, điện và quang; hiểu được các hiện tượng và quy luật vật lý và các ứng dụng liên quan trong khoa học kỹ thuật và đời sống; vận dụng kiến thức để học tập và nghiên cứu các học phần khác của các ngành kỹ thuật và công nghệ;
- Nắm được các kiến thức liên quan đến giải tích toán học như tính giới hạn, tính đạo hàm, tính tích phân của các hàm một biến và hàm nhiều biến;
- Hiểu và vận dụng được các kiến thức liên quan đến đại số cao cấp như ma trận và các phép biến đổi, giải các hệ phương trình nhiều biến số…
1.1.3 Kiến thức theo khối ngành
- Biết được các kiến thức cơ sở về phương pháp tính toán số trong kỹ thuật, hiểu và vận dụng để tính toán hoặc giải số các bài toán trong khoa học kỹ thuật bằng máy tính;
- Biết được các kiến thức cơ bản về xác suất và thống kê ứng dụng như các quy luật và dạng phân bố xác suất. Hiểu và tìm được các đại lượng đặc trưng của biến ngẫu nhiên và ý nghĩa trong thực tế. Ứng dụng lý thuyết thống kê để giải quyết các bài toán thực tế liên quan, ứng dụng lý thuyết độ tin cậy trong các vấn đề kỹ thuật.
1.1.4 Kiến thức theo nhóm ngành
- Nắm được các kiến thức cơ bản về khoa học vật liệu, các nguyên lý trong hóa học, cơ học và nhiệt động học để giải được một số bài toán ứng dụng về năng lượng;
- Biết được các kiến thức thực hành về vật lý đại cương, cơ kỹ thuật, hình họa thiết kế và có thể ứng dụng trong thực tập.
1.1.5 Kiến thức ngành
- Hiểu được các kiến thức ngành và liên ngành về vật lý và cơ học, vật liệu tiên tiến và linh kiện, hóa sinh học, điều khiển hệ thống. Nắm được các quy luật, nguyên lý, bản chất và mô phỏng về quá trình chuyển hóa về năng lượng;
- Biết các phương pháp, kỹ thuật và vận hành được một số trang thiết bị khoa học kỹ thuật để mô phỏng, chế tạo và nghiên cứu về một số vật liệu sử dụng năng lượng mặt trời, thiết kế và chế tạo pin mặt trời và các bộ tích trữ, chuyển hóa năng lượng, các nguyên lý về chính sách và quản lý năng lượng;
- Nắm được các kiến thức định hướng chuyên sâu về công nghệ chế tạo pin mặt trời, công nghệ tích trữ và chuyển hóa năng lượng, sử dụng an toàn và quản lý hiệu quả nguồn năng lượng;
- Có khả năng ứng dụng kiến thức chuyên môn để triển khai các công việc trong lĩnh vực về năng lượng tái tạo và truyền thống.
1.2. Năng lực tự chủ và trách nhiệm
- Có năng lực dẫn dắt về chuyên môn, nghiệp vụ đã được đào tạo; có sáng kiến trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao; có khả năng tự định hướng, thích nghi với các môi trường làm việc khác nhau; tự học tập, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; có khả năng đưa ra được kết luận về các vấn đề chuyên môn, nghiệp vụ thông thường và một số vấn đề phức tạp về mặt kỹ thuật; có năng lực lập kế hoạch, điều phối, phát huy trí tuệ tập thể; có năng lực đánh giá và cải tiến các hoạt động chuyên môn ở quy mô trung bình.
2. Về kỹ năng
2.1. Kỹ năng chuyên môn
2.1.1. Các kỹ năng nghề nghiệp
- Có kỹ năng hoàn thành công việc phức tạp đòi hỏi vận dụng kiến thức lý thuyết và thực tiễn của ngành được đào tạo trong những bối cảnh khác nhau; có kỹ năng phân tích, tổng hợp, đánh giá dữ liệu và thông tin, tổng hợp ý kiến tập thể và sử dụng những thành tựu mới về khoa học công nghệ để giải quyết những vấn đề thực tế hay trừu tượng trong lĩnh vực được đào tạo; có năng lực dẫn dắt chuyên môn để xử lý những vấn đề quy mô địa phương và vùng miền;
- Có kỹ năng vận dụng các kiến thực cơ bản về toán và vật lý trong khoa học công nghệ và đời sống;
- Có kỹ năng lập trình và sử dụng các công cụ phần mềm;
- Có kỹ năng vận dụng được qui trình thiết kế, phân đoạn qui trình thiết kế và phương pháp tiếp cận;
- Có kỹ năng vận dụng qui trình lập kế hoạch, sắp xếp công việc, quản lý thời gian và nguồn lực;
- Có kỹ năng tìm kiếm, cập nhật, tổng hợp, khai thác thông tin;
- Có kỹ năng đánh giá kết quả thực hiện;
- Có kỹ năng sử dụng các ý tưởng khoa học vào nghề nghiệp;
- Có kỹ năng thiết kế và làm các thí nghiệm, thực hành chế tạo, phân tích và giải thích số liệu, và lập báo cáo các kết quả đạt được.
2.1.2. Kỹ năng lập luận tư duy và giải quyết vấn đề
- Có kỹ năng phát hiện vấn đề;
- Có kỹ năng đánh giá và phân tích vấn đề;
- Có kỹ năng giải quyết vấn đề chuyên môn;
- Có kỹ năng mô hình hóa và mô phỏng
2.1.3. Kỹ năng nghiên cứu và khám phá kiến thức
- Biết tìm kiếm, cập nhật thông tin về phát triển khoa học và công nghệ;
- Có khả năng nghiên cứu theo định hướng;
- Có khả năng tiếp thu, triển khai các ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới;
- Có khả năng tự học tập, tích luỹ kinh nghiệm dựa trên kiến thức cơ bản đã được trang bị để nâng cao trình độ hoặc tiếp cận với công nghệ mới.
2.1.4. Kỹ năng tư duy theo hệ thống
- Có tư duy logic;
- Có tư duy phân tích, tổng hợp;
- Có tư duy toàn cục.
2.1.5. Bối cảnh xã hội và ngoại cảnh
- Hiểu biết bối cảnh xã hội và cơ quan;
- Nhận thức được vai trò và trách nhiệm của cá nhân với xã hội và cơ quan công tác;
- Biết nắm bắt nhu cầu xã hội đối với kiến thức khoa học chuyên ngành.
2.1.6. Bối cảnh tổ chức
- Biết nắm bắt văn hóa cơ quan công tác;
- Biết nắm bắt chiến lược, mục tiêu và kế hoạch phát triển của cơ quan.
2.1.7. Năng lực vận dụng kiến thức, kỹ năng vào thực tiễn
- Có khả năng sử dụng kiến thức, kỹ năng được đào tạo vào thực tiễn nghề nghiệp;
- Có khả năng phát hiện các vấn đề và mối tương quan giữa các vấn đề trong nghề nghiệp;
- Có khả năng xác định vấn đề ưu tiên giải quyết;
- Có khả năng vận hành, sử dụng và điều khiển các quy trình công nghệ;
- Có khả năng nắm được và triển khai quy trình thiết kế, sản xuất.
2.1.8. Năng lực sáng tạo, phát triển và dẫn dắt sự thay đổi trong nghề nghiệp
- Có năng lực sử dụng kiến thức trong công tác;
- Có khả năng đề xuất các phương pháp mới đưa lại lợi ích cho cộng đồng, xã hội.
2.2. Kỹ năng bổ trợ
2.2.1. Các kỹ năng cá nhân
- Có tư duy sáng tạo;
- Có tư duy phản biện;
- Biết đề xuất sáng kiến.
2.2.2. Làm việc theo nhóm
- Biết hợp tác với các thành viên khác trong nhóm;
- Biết cách chia sẻ thông tin trong nhóm.
2.2.3. Quản lý và lãnh đạo
- Biết quản lý thời gian, nguồn lực;
- Biết quản lý dự án.
2.2.4. Kỹ năng giao tiếp
- Biết cách lập luận, sắp xếp ý tưởng;
- Biết giao tiếp bằng văn bản, giao tiếp điện tử, đa truyền thông;
- Biết cách thuyết trình trước đám đông.
2.2.5. Kỹ năng giao tiếp sử dụng ngoại ngữ
- Có kỹ năng ngoại ngữ chuyên ngành ở mức có thể hiểu được các ý chính của một báo cáo hay bài phát biểu về các chủ đề quen thuộc trong công việc liên quan đến ngành được đào tạo; có thể sử dụng ngoại ngữ để diễn đạt, xử lý một số tình huống chuyên môn thông thường; có thể viết được báo cáo có nội dung đơn giản, trình bày ý kiến liên quan đến công việc chuyên môn.
2.2.6. Các kỹ năng bổ trợ khác
- Đương đầu với thách thức, rủi ro;
- Thích nghi đa văn hóa.
3. Về phẩm chất đạo đức
3.1. Phẩm chất đạo đức cá nhân
- Trung thực;
- Lễ độ;
- Khiêm tốn;
- Nhiệt tình.
3.2. Phẩm chất đạo đức nghề nghiệp
- Có trách nhiệm với công việc;
- Trung thành với tổ chức;
- Nhiệt tình và say mê với công việc.
3.3. Phẩm chất đạo đức xã hội
- Có trách nhiệm với xã hội;
- Tuân thủ luật pháp;
- Có ý thức phục vụ;
- Nhiệt tình tham gia các hoạt động xã hội.
4. Những vị trí công tác sinh viên có thể đảm nhiệm sau khi tốt nghiệp
- Cán bộ kỹ thuật trong các tập đoàn trong nước, công ty nước ngoài hoạt động về lĩnh vực liên quan đến năng lượng mặt trời và các dạng năng lượng sạch, tái tạo khác, năng lượng truyền thống;
- Chuyên viên triển khai, quản lý trong các tổ chức, tập đoàn, công ty liên quan đến năng lượng tái tạo và truyền thống;
- Cán bộ tại các trung tâm/phòng nghiên cứu và phát triển, chuyển giao và ứng dụng công nghệ trong các tập đoàn, công ty trong và ngoài nước hoạt động trong các lĩnh vực liên quan đến năng lượng tái tạo và truyền thống;
- Giảng viên và nghiên cứu viên tại các trường đại học và viện nghiên cứu.
5. Khả năng học tập, nâng cao trình độ sau khi tốt nghiệp
Kỹ sư ngành Kỹ thuật năng lượng có khả năng học tập và nghiên cứu tiếp ở các bậc học cao hơn (thạc sĩ, tiến sĩ) thuộc các chuyên ngành liên quan về năng lượng mới, vật liệu và linh kiện nano, vật liệu điện tử,… tại các trường đại học, viện nghiên cứu trong nước và quốc tế.