Chương trình đào tạo ngành Công nghệ thông tin
Người học sau khi tốt nghiệp chương trình đào tạo phải đạt được các yêu cầu năng lực tối thiểu sau đây:
1. Chuẩn đầu ra về kiến thức
– PLO1.1. Diễn giải được kiến thức cơ bản về khoa học xã hội, về khoa học chính trị và pháp luật; về văn hóa, xã hội và nhân văn; về rèn luyện thể chất và quốc phòng;
– PLO1.2. Vận dụng được kiến thức cơ bản của Toán học, khoa học cơ bản, và CNTT để giải quyết các bài toán liên quan đến lĩnh vực kỹ thuật;
– PLO1.3. Giải thích được kiến thức nền tảng trong lĩnh vực máy tính gồm hệ thống máy tính, giải thuật và lập trình, cơ sở dữ liệu, phân tích thiết kế và phát triển phần mềm, mạng máy tính … trong nghiên cứu và phát triển các hệ thống, sản phẩm, giải pháp kỹ thuật CNTT;
– PLO1.4. Áp dụng được kiến thức chuyên sâu của một trong các lĩnh vực công nghệ phần mềm, hệ thống thông tin, khoa học máy tính, và mạng máy tính vào việc phân tích và so sánh các giải pháp CNTT trong thực tiễn.
2. Chuẩn đầu ra về kỹ năng
– PLO2.1. Phát hiện, mô tả vấn đề về CNTT và truyền thông bằng cách áp dụng các kiến thức khoa học, CNTT, các công cụ và công nghệ hiện đại;
– PLO2.2. Triển khai được các giải pháp CNTT, phân tích dữ liệu và kết quả, đánh giá kỹ thuật để rút ra kết luận;
– PLO2.3. Lập kế hoạch, điều phối, tổ chức, dẫn dắt và đánh giá công việc nhóm và quản lý dự án CNTT hiệu quả;
– PLO2.4. Tư duy logic, biện chứng để giải quyết vấn đề thực tế hiệu quả và sáng tạo;
– PLO2.5. Thành thạo một số ngôn ngữ và công cụ lập trình hiện đại;
– PLO2.6. Làm việc độc lập, cập nhật các công nghệ, kiến thức mới, khả năng học tập suốt đời trong môi trường chuyên nghiệp;
– PLO2.7. Vận dụng được kiến thức về tiếng Anh tương đương trình độ 3/6 Khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam.
3. Chuẩn đầu ra về mức tự chủ và chịu trách nhiệm
– PLO3.1. Chủ động tuân thủ pháp luật, đạo đức nghề nghiệp; thể hiện (có) tính trung thực, chịu trách nhiệm cá nhân, tinh thần tự học, tự nghiên cứu, hỗ trợ đồng nghiệp;
– PLO3. 2. Thể hiện (có) ý thức đóng góp tạo ra những sản phẩm có giá trị phục vụ cộng đồng và phát triển lĩnh vực chuyên môn.
4. Những vị trí công tác sinh viên có thể đảm nhiệm sau khi tốt nghiệp
Sinh viên tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin có khả năng tham mưu tư vấn và có khả năng thực hiện nhiệm vụ với tư cách như một chuyên viên trong lĩnh vực Công nghệ thông tin, đáp ứng các yêu cầu về nghiên cứu và ứng dụng Công nghệ thông tin của xã hội. Ngoài ra, sinh viên tốt nghiệp ra trường có thể tiếp tục học tập, nghiên cứu và phát triển ngành Công nghệ thông tin trong tương lai.
Các vị trí công tác có thể đảm nhận:
- Lập trình viên hệ thống và cơ sở dữ liệu.
- Lập trình viên trên môi trường di động, Web.
- Lập trình viên phát triển các hệ thống thông minh.
- Chuyên viên phân tích, thiết kế, phát triển hệ thống.
- Quản trị mạng, chuyên viên an ninh mạng.
- Chuyên viên thiết kế và xử lý nội dung số.
- Chuyên viên tư vấn dịch vụ công nghệ thông tin.
- Chuyên viên kiểm thử phần mềm.
- Có khả năng phát triển lên trưởng nhóm phát triển phần mềm, quản lý hệ thống thông tin, quản lý dự án.
5. Khả năng học tập, nâng cao trình độ sau khi tốt nghiệp
Sinh viên tốt nghiệp ra trường có thể tiếp tục học tập lên các chương trình đào tạo sau đại học tại các Trường Đại học trong và ngoài nước; hoặc tiếp tục nghiên cứu, thực hành trau dồi kỹ năng, nâng cao trình độ thông qua giải quyết các bài toán thực tế tại doanh nghiệp, xã hội, để thành chuyên gia trong lĩnh vực góp phần phát triển ngành Công nghệ thông tin trong tương lai.