Chương trình đào tạo ngành Cơ kỹ thuật

1. Một số thông tin về chuyên ngành đào tạo

  • Tên chuyên ngành đào tạo:

+ Tên tiếng Việt: Cơ kỹ thuật

+ Tên tiếng Anh: Engineering Mechanics

  • Mã số chuyên ngành đào tạo: 952010101
  • Tên ngành đào tạo:

+ Tên tiếng Việt: Cơ kỹ thuật

+ Tên tiếng Anh: Engineering Mechanics

  • Trình độ đào tạo: Tiến sĩ
  • Tên văn bằng tốt nghiệp:

+ Tên tiếng Việt: Tiến sĩ ngành Cơ kỹ thuật

+ Tên tiếng Anh: The Degree of Doctor of Philosophy in Engineering Mechanics

2. Mục tiêu của chương trình đào tạo

  Mục tiêu chung

    Chương trình đào tạo bậc tiến sĩ ngành Cơ kỹ thuật được xây dựng nhằm đào tạo những chuyên gia trong lĩnh vực cơ kỹ thuật có trình độ chuyên môn cao, kỹ năng cao, khả năng độc lập nghiên cứu và có khả năng giải quyết các vấn đề khoa học và thực tiễn của kỹ thuật liên quan đến cơ học.

    Các tiến sĩ Cơ kỹ thuật có thể làm việc trong các lĩnh vực liên quan như cơ khí, xây dựng, kết cấu công trình, kỹ thuật biển, công nghệ chế tạo máy, điện – điện tử, kỹ thuật điều khiển, tự động hoá, hành không vũ trụ, công nghệ vũ trụ….của các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước; có thể chủ trì, lãnh đạo các nhóm nghiên cứu; tham gia giảng dạy, nghiên cứu tại các trường đại học và các viện nghiên cứu; có khả năng tư duy tổng hợp và có khả năng thích ứng cao, có khả năng phục vụ tốt, có khả năng tự nghiên cứu, tự đào tạo, hoàn thiện và phát triển.

    Mục tiêu cụ thể

   Chương trình đào tạo tiến sĩ ngành Cơ kỹ thuật nhằm cung cấp cho các nghiên cứu sinh các kiến thức, năng lực, kỹ năng và phẩm chất:

  • Về kiến thức

   Trang bị cho nghiên cứu sinh năng lực nghiên cứu khoa học, cập nhật, nâng cao và hoàn chỉnh những kiến thức cơ bản; có hiểu biết sâu về kiến thức chuyên ngành; có trình độ cao về lý thuyết và thực hành, có khả năng sáng tạo, giải quyết những vấn đề khoa học – công nghệ và hướng dẫn hoạt động chuyên môn trong các lĩnh vực cơ kỹ thuật, đủ kiến thức để tiếp tục nghiên cứu bậc trên tiến sĩ ở trong và ngoài nước.

  • Về năng lực

    Có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo trong nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực cơ kỹ thuật; là chuyên gia có trình độ chuyên môn cao để tham gia giảng dạy, nghiên cứu, tư vấn hay lãnh đạo tại các trường đại học, các viện, các dự án trong các lĩnh vực liên quan đến cơ kỹ thuật.

  • Về kỹ năng

    Được trang bị các kỹ năng chuyên sâu về lý thuyết, thực hành, phân tích, xây dựng mô hình, phương pháp tính toán và thực nghiệm trong cơ kỹ thuật. Có khả năng xây dựng đề cương nghiên cứu, kỹ năng lãnh đạo nhóm, kỹ năng tổ chức thực hiện các dự án nghiên cứu, áp dụng và giải quyết các vấn đề kỹ thuật có liên quan đến cơ học.

  • Về phẩm chất đạo đức

    Có ý thức chấp hành tốt các quy định pháp luật; có đạo đức cao trong nghề nghiệp, yêu nghề, tác phong làm việc nghiêm túc, khoa học, trung thực và có ý chí vươn lên.

3.  Thông tin tuyển sinh

  Hình thức tuyển sinh

Xét tuyển theo quy định của ĐHQGHN.

  Đối tượng tuyển sinh

Thí sinh dự tuyển phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a. Lí lịch bản thân rõ ràng, không trong thời gian thi hành án hình sự, kỉ luật từ mức cảnh cáo trở lên.

b. Có đủ sức khoẻ để học tập.

c. Có bằng tốt nghiệp đại học chính quy ngành đúng từ loại giỏi trở lên hoặc bằng thạc sĩ ngành/chuyên ngành đúng, ngành/chuyên ngành phù hợp hoặc ngành/chuyên ngành gần với ngành/chuyên ngành Khoa học máy tính;

d. Văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp phải thực hiện thủ tục công nhận theo quy định hiện hành.

e. Trong thời hạn 03 năm (36 tháng) tính đến ngày đăng kí dự tuyển là tác giả hoặc đồng tác giả tối thiểu 01 bài báo thuộc tạp chí khoa học chuyên ngành hoặc 01 báo cáo khoa học đăng tại kỉ yếu của các hội nghị, hội thảo khoa học quốc gia hoặc quốc tế có phản biện, có mã số xuất bản ISBN liên quan đến lĩnh vực hoặc đề tài nghiên cứu, được hội đồng chức danh giáo sư, phó giáo sư của ngành/liên ngành công nhận. Đối với những người đã có bằng thạc sĩ nhưng hoàn thành luận văn thạc sĩ với khối lượng học học tập dưới 10 tín chỉ trong chương trình đào tạo thạc sĩ thì phải có tối thiểu 02 bài báo/báo cáo khoa học.

f. Có đề cương nghiên cứu hoặc bài luận nghiên cứu, trong đó nêu rõ tên đề tài dự kiến, lĩnh vực nghiên cứu; lí do lựa chọn lĩnh vực, đề tài nghiên cứu; giản lược về tình hình nghiên cứu lĩnh vực đó trong và ngoài nước; mục tiêu nghiên cứu; một số nội dung nghiên cứu chủ yếu; phương pháp nghiên cứu và dự kiến kết quả đạt được; lí do lựa chọn đơn vị đào tạo; kế hoạch thực hiện trong thời gian đào tạo; những kinh nghiệm, kiến thức, sự hiểu biết cũng như những chuẩn bị của thí sinh cho việc thực hiện luận án tiến sĩ. Trong đề cương hoặc bài luận có thể đề xuất cán bộ hướng dẫn.

g. Có thư giới thiệu của ít nhất 01 nhà khoa học có chức danh giáo sư, phó giáo sư hoặc học vị tiến sĩ khoa học, tiến sĩ đã tham gia hoạt động chuyên môn với người dự tuyển và am hiểu lĩnh vực chuyên môn mà người dự tuyển dự định nghiên cứu. Thư giới thiệu phải có những nhận xét, đánh giá người dự tuyển về:

– Phẩm chất đạo đức, năng lực và thái độ nghiên cứu khoa học, trình độ chuyên môn của người dự tuyển;

– Đối với nhà khoa học đáp ứng các tiêu chí của người hướng dẫn nghiên cứu sinh và đồng ý nhận làm cán bộ hướng dẫn luận án, cần bổ sung thêm nhận xét về tính cấp thiết, khả thi của đề tài, nội dung nghiên cứu; và nói rõ khả năng huy động nghiên cứu sinh vào các đề tài, dự án nghiên cứu cũng như nguồn kinh phí có thể chi cho hoạt động nghiên cứu của nghiên cứu sinh;

Những nhận xét khác và mức độ ủng hộ, giới thiệu thí sinh làm nghiên cứu

h. Người dự tuyển phải có một trong những văn bằng, chứng chỉ minh chứng về năng lực ngoại ngữ phù hợp với chuẩn đầu ra về ngoại ngữ của chương trình đào tạo được ĐHQGHN phê duyệt:

– Có chứng chỉ ngoại ngữ (theo Bảng tham chiếu các chứng chỉ tiếng nước ngoài quy định tại Phụ lục 1, quy chế đào tạo tiến sĩ tại ĐHQGHN theo quyết định 4555/QĐ-ĐHQGHN ngày 24/11/2017 của Giám đốc ĐHQGHN) do một tổ chức khảo thí được quốc tế và Việt Nam công nhận trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày thi lấy chứng chỉ tính đến ngày đăng kí dự tuyển;

– Bằng cử nhân hoặc bằng thạc sĩ do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp cho chương trình đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài bằng ngôn ngữ phù hợp với ngôn ngữ yêu cầu theo chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo;

– Có bằng đại học ngành ngôn ngữ nước ngoài hoặc sư phạm tiếng nước ngoài phù hợp với ngoại ngữ theo yêu cầu chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo, do các cơ sở đào tạo của Việt Nam cấp;

– Trong các trường hợp trên nếu không phải là tiếng Anh, thì người dự tuyển phải có khả năng giao tiếp được bằng tiếng Anh trong chuyên môn cho người khác hiểu bằng tiếng Anh và hiểu được người khác trình bày những vấn đề chuyên môn bằng tiếng Anh. Hội đồng tuyển sinh thành lập tiểu ban để đánh giá năng lực tiếng Anh giao tiếp trong chuyên môn của các thí sinh thuộc đối tượng này;

i. Có công văn cử đi dự tuyển của cơ quan quản lí trực tiếp theo quy định hiện hành về đào tạo và bồi dưỡng công chức, viên chức (nếu người dự tuyển là công chức, viên chức).

j. Cam kết thực hiện các nghĩa vụ tài chính trong quá trình đào tạo theo quy định của đơn vị đào tạo.

  Danh mục các chuyên ngành phù hợp và chuyên ngành gần

  • Chuyên ngành đúng và phù hợp: Cơ kỹ thuật, Kỹ thuật tàu thủy; Kỹ thuật hàng không; Kỹ thuật Xây dựng, Kỹ thuật Xây dựng công trình thủy, Kỹ thuật xây dựng Công trình biển, Kỹ thuật xây dựng công trình ngầm, Kỹ thuật xây dựng Công trình giao thông, Kỹ thuật xây dựng Công trình đặc biệt; Cơ học vật rắn, Cơ học chất lỏng và chất khí; Cơ học; Cơ điện tử, Kỹ thuật Cơ điện tử; Toán cơ; Tự động hóa; Công nghệ kỹ thuật xây dựng; Công nghệ kỹ thuật giao thông; Công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng; Công nghệ kỹ thuật cơ khí; Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa; Kỹ thuật hạ tầng (của ĐH Việt Nhật).
  • Chuyên ngành gần: Kỹ thuật Cơ khí, Kỹ thuật Cơ khí động lực, Kỹ thuật nhiệt, Kỹ thuật ô tô; Kỹ thuật năng lượng; Kỹ thuật vật liệu; Kỹ thuật hạt nhân; Kỹ thuật địa chất; Kỹ thuật dầu khí; Địa kỹ thuật xây dựng; Kỹ thuật cấp thoát nước; Công nghệ hàng không vũ trụ; Robotic; Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử và viễn thông; Kỹ thuật cấp thoát nước; Kỹ thuật cơ sở hạ tầng; Địa kỹ thuật xây dựng, Kỹ thuật cơ sở hạ tầng.
  • Các trường hợp đặc biệt khác: Do Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh của đơn vị đào tạo thành lập tiểu ban chuyên môn xem xét, quyết định.

Dự kiến quy mô tuyển sinh: 04 NCS/năm

Bài viết liên quan