Chọn ngành nghề trong kỷ nguyên số

Trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển kéo theo ngành mới xuất hiện. Ở chiều ngược lại, AI tác động vào mọi ngành nghề, lĩnh vực khiến nhiều người lo lắng mất việc trong tương lai… Đây cũng là bài toán khiến thí sinh phải cân nhắc trước khi lựa chọn ngành, trường học.

Sinh viên nghiên cứu, học tập tại Viện Trí tuệ nhân tạo, Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội)

“Nâng cấp” chính mình

Năm 2025, Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) dự kiến tuyển 4.000 sinh viên. GS.TS Chử Đức Trình – Hiệu trưởng cho hay, nhà trường tập trung ưu tiên các ngành công nghệ chiến lược và bổ sung chỉ tiêu tuyển sinh cho ngành: Khoa học máy tính, Kỹ thuật máy tính, Điện tử viễn thông, Công nghệ AI, Kỹ thuật dữ liệu, Vật liệu. Nhà trường dự kiến dành 1.000 chỉ tiêu cho những ngành này.

Khẳng định sẽ đồng hành với Bộ GD&ĐT trong công tác tuyển sinh, GS.TS Chử Đức Trình nhìn nhận, công nghệ phát triển sẽ hỗ trợ đắc lực cho các nhà chuyên môn. AI có thể hỗ trợ tất cả ngành nghề và là công cụ mạnh nhằm tăng năng suất làm việc cho người sử dụng.

“Tuy nhiên, ở nhiều lĩnh vực, nếu không biết tận dụng AI hoặc tận dụng không hiệu quả thì người lao động sẽ gặp khó khăn, thậm chí mất việc làm, nhất là ngành liên quan đến “thủ công”, kỹ thuật; trong đó có lĩnh vực xã hội và nhân văn như: Viết báo, các dịch vụ công, quản trị hành chính…”, GS.TS Chử Đức Trình nêu vấn đề.

Nhấn mạnh, AI đã và đang “nhúng” vào mọi ngành nghề, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ cho rằng, từng lĩnh vực, cá nhân phải thay đổi tư duy, nhận thức một cách tổng thể và “làm mới”, “nâng cấp” chính mình để có thể hòa nhịp với dòng chảy công nghệ AI. Tất nhiên, không có ngành nào AI có thể thay thế hoàn toàn, nhưng cũng không có ngành nào AI không tác động vào.

GS.TS Chử Đức Trình – Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ

Một luận điểm xuất phát từ báo cáo của Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs: “AI có thể thay thế 300 triệu việc làm toàn thời gian”. Báo cáo nhấn mạnh: “AI có thể đồng thời tạo ra việc làm mới và tăng năng suất”. Tuy nhiên, theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), ước tính đến năm 2025, AI sẽ khiến 85 triệu người mất việc làm và tạo ra 97 triệu việc làm mới.

Trang bị kỹ năng tương tác AI

Nếu thí sinh học ngành yêu thích, phù hợp năng lực, sở trường thì hãy nuôi dưỡng niềm đam mê đó và theo đuổi đến cùng. “Song, các em phải biết mình học cái gì? Kiến thức, kỹ năng cơ bản vô cùng quan trọng. Đồng hành với nó là kỹ năng để quản trị động lực”, GS.TS Chử Đức Trình tư vấn, cũng khuyên học sinh, sinh viên rèn luyện kỹ năng học tập suốt đời. Hãy lấy kiến thức, kỹ năng gốc của ngành mình theo học để tác động lên hệ thống và biến AI trở thành công cụ cho mình.

Ngoài ra, nếu thí sinh muốn theo học ngành liên quan công nghệ AI, vi mạch bán dẫn cần giỏi các môn khoa học tự nhiên như: Toán học, Vật lý, Hóa học và có khả năng tiếng Anh tốt. Đây là lĩnh vực yêu cầu nhân lực chất lượng cao, tài năng. Do đó, đào tạo và tuyển sinh các chương trình đào tạo về bán dẫn vi mạch không dễ.

Theo GS.TS Chử Đức Trình, vi mạch bán dẫn là lĩnh vực có sự kết nối trên phạm vi toàn cầu và cập nhật thường xuyên nên các thông tin, kiến thức, kỹ năng được chia sẻ trên toàn cầu, chủ yếu sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh. Đó là lý do nhân lực lĩnh vực này cần khả năng tiếng Anh tốt, nếu đợi các tài liệu được dịch ra tiếng Việt mới tiếp cận thì khi ấy chúng ta đã đi sau rất xa về kiến thức, công nghệ so với thế giới.

“Các trường đại học cần cẩn thận trong việc thiết kế chương trình đào tạo cũng như đánh giá đầu vào của sinh viên. Chúng tôi tin rằng, đầu vào tốt thì chất lượng đầu ra mới có thể tốt”, GS.TS Chử Đức Trình nhấn mạnh.

AI phát triển kéo theo nhiều ngành mới thuộc khối kỹ thuật công nghệ xuất hiện. Trước thực trạng này, tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp năm 2025, nhiều thí sinh đặt câu hỏi, chọn ngành học nào để không bị ‘tụt hậu’? Sinh viên theo học các ngành khối nhân văn có còn cơ hội việc làm?

Theo TS Nguyễn Mạnh Hùng – chuyên viên cao cấp Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), năm nay, cơ hội xét tuyển của thí sinh không bị thu hẹp. Các trường có nhiều phương thức xét tuyển, nhưng không được công bố danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển sớm như các năm trước. Cơ sở đào tạo phải chờ sau khi học sinh có kết quả thi tốt nghiệp THPT mới xét đồng thời các phương thức, trong đó có sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT.

(Theo Báo Giáo dục thời đại)

Bài viết liên quan