CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHỆ ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN 2045
1. BỐI CẢNH
1.1 Quốc tế
Toàn cầu hóa là một tất yếu phát triển của thế giới hiện đại, đặc biệt trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Việc hợp tác và chia sẻ các nguồn lực thiên nhiên, nguồn lực con người giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ thông qua toàn cầu hóa trở nên thuận lợi hơn, đơn giản hơn. Ranh giới quốc gia, vùng lãnh thổ trong một số lĩnh vực có thể bị phai nhòa do quá trình hội nhập và toàn cầu hóa. Sự hưng thịnh bền vững của một quốc gia chỉ có thể đạt được khi quốc gia đó xây dựng thành công mô hình kinh tế tri thức, với chìa khóa là nền khoa học công nghệ tiên tiến trên nền tảng hệ thống quản trị hiệu quả và nguồn nhân lực bậc cao.
1.2 Trong nước
Sau hơn 35 năm đổi mới và hội nhập quốc tế, kinh tế, xã hội, khoa học công nghệ của nước ta đã có những thay đổi vượt bậc. Tuy nhiên, chúng ta đang phải đương đầu với các thách thức cốt lõi như chất lượng nguồn nhân lực, trình độ phát triển của khoa học công nghệ, chất lượng tăng trưởng kinh tếxã hội. Đại hội 13 của Đảng tiếp tục xác định phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một đột phá chiến lược, là yếu tốquyết định đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và là lợi thếcạnh tranh quan trọng nhất, bảo đảm cho phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững. Phát triển khoa học công nghệ cùng với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được xác định là yếu tố then chốt để đưa kinh tếViệt Nam vượt qua những yếu kém hiện tại, tiến tới xây dựng nền kinh tế tri thức.
Với sự ảnh hưởng của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, bên cạnh đổi mới phương pháp giảng dạy và quản trị đại học, các trường đại học trong nước cũng đã nhanh chóng bắt tay vào việc xây dựng các chương trình đào tạo mới, đầu tư các hướng nghiên cứu mới. Bên cạnh đó, vấn đề tự chủ đại học cũng được Luật Giáo dục đề cập từ năm 2005 với nội dung tương tự quan niệm của các nước phát triển, tái khẳng định tại Luật Giáo dục năm 2012 và được Chính phủ thúc đẩy trong những năm gần đây nhằm tăng cường tính chủ động, sáng tạo trong hoạt động học thuật cũng như công tác điều hành của các trường đại học để phát triển thành các trường tầm cỡ khu vực và quốc tế. Cuối năm 2018, Luật giáo dục đại học đã được sửa đổi, có nhiều thay đổi căn bản về quản trị đại học, và tự chủ đại học đã được đưa vào Luật.
Chiến lược phát triển Đại học Quốc gia Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2035 cũng đặt mục tiêu phát triển Đại học Quốc gia Hà Nội “Trở thành đại học nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực, đạt các tiêu chí cơ bản của đại học nghiên cứu và đổi mới sáng tạo; phấn đấu đến năm 2025, ĐHQGHN thuộc nhóm 100 đại học hàng đầu châu Á hoặc nhóm 500 đại học hàng đầu thế giới; đến năm 2030 thuộc nhóm 300 đại học hàng đầu thế giới.”
Từ năm 2022, Đại học Quốc gia Hà Nội đã chuyển toàn bộ hoạt động của Nhà điều hành và triển khai đưa gần 2000 sinh viên năm thứ nhất lên học tại Hòa Lạc và năm 2023 có khoảng 6000 sinh viên học tập trên Hòa Lạc. Cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và hệ thống các phòng thí nghiệm đã được chuyển dần lên Hòa Lạc.
Đây là những nhân tố mới, quan trọng, là cơ sở để xây dựng Chiến lược phát triển của Trường Đại học Công nghệ trong giai đoạn từ nay tới năm 2035 và tầm nhìn tới năm 2045 để đạt được mục tiêu kiên định là Trường Đại học Công nghệ sẽ trở thành cơ sở giáo dục đại học hàng đầu trong cả nước trên cả ba tiêu chí: tiên phong, sáng tạo và dẫn dắt trong đào tạo nguồn nhân lực bậc cao và khoa học công nghệ tiên tiến.
2. SỨ MẠNG, TẦM NHÌN VÀ GIÁ TRỊ CỐT LÕI
2.1 Sứ mạng
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài; nghiên cứu phát triển và ứng dụng các lĩnh vực khoa học – công nghệ tiên tiến; tiên phong tiếp cận chuẩn mực giáo dục đại học khu vực và Thế giới, đóng góp tích cực vào sự phát triển nền kinh tế và xã hội tri thức của đất nước.
2.2 Tầm nhìn 2045
Duy trì vị thế một trường đại học kỹ thuật công nghệ hàng đầu trong nước, nằm trong nhóm các trường đại học tiên tiến ở Châu Á; một trung tâm xuất sắc, đi đầu trong đào tạo tài năng, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.
2.3 Triết lý giáo dục
Sáng tạo và vun đắp giá trị nhân văn của công nghệ
Creating and cultivating the human value of technology
Mục tiêu giáo dục của đại học định hướng nghiên cứu không chỉ để tiếp cận tri thức và công nghệ tiên tiến mà còn nâng cao năng lực sáng tạo tri thức và công nghệ mới, định hướng áp dụng công nghệ vị nhân sinh và phát triển bền vững; góp phần hình thành thế hệ công dân mới có năng lực và trách nhiệm phụng sự xã hội.
2.4 Giá trị cốt lõi và Khẩu hiệu hành động
– Giá trị cốt lõi:
Đổi mới sáng tạo: Đổi mới sáng tạo vừa là phương thức, mục tiêu, động lực và tư duy phát triển của Trường Đại học Công nghệ. Văn hoá đổi mới sáng tạo định hướng mô hình tăng trưởng và xác định chất lượng của Nhà trường.
Hợp tác: Hợp tác Trường – Viện – Doanh nghiệp, giá trị của Trường ngay từ những ngày đầu Nhà trường được thành lập, được phát triển toàn diện với các bên liên quan trong hệ sinh thái đại học đổi mới sáng tạo, là cơ chế thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Chất lượng cao: Chất lượng cao và bồi dưỡng nhân tài là sứ mạng của đại học định hướng nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. Trường Đại học Công nghệ không chỉ cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực có năng lực sáng tạo, tri thức và tài sản trí tuệ mà còn cả thế hệ khởi nghiệp mới.
Nhân văn: Nhân văn là truyền thống, giá trị và sức mạnh của Nhà trường; góp phần kết nối và gia tăng các nguồn lực hữu hình và vô hình.
– Khẩu hiệu hành động tiếng Việt: “Sáng tạo – Tiên phong – Chất lượng cao”.
– Khẩu hiệu hành động tiếng Anh: “Innovative Thinking for the Future”.
3. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN
– Phát triển phù hợp với chủ trương, chính sách, chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, giáo dục, khoa học và công nghệ của đất nước, chiến lược phát triển chung của Đại học Quốc gia Hà Nội.
– Là một trung tâm quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài trên các lĩnh vực khoa học công nghệ tiên tiến của cả nước và khu vực, gắn với phát triển bền vững, thực hiện trách nhiệm xã hội, trách nhiệm quốc gia, và phù hợp với xu thế tự chủ đại học.
– Nghiên cứu và phát triển các công nghệ cao, công nghệ liên ngành, tiếp cận với trình độ và chuẩn mực quốc tế và các sản phẩm ứng dụng dựa trên nền tảng khoa học cơ bản và công nghệ tiên tiến của Thếgiới.
– Phát triển giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học vị nhân sinh, là nguồn cung ứng nhân lực chất lượng cao và tri thức khoa học công nghệ quan trọng phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững kinh tếxã hội của đất nước.
– Từng bước mở rộng quy mô và cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và nghiên cứu của Nhà trường tại Khu đô thị đại học Hòa Lạc.
– Hướng đến thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc tại Việt Nam (SDGs), bao gồm: 1: Xóa nghèo, 2: Không còn nạn đói, 3: Sức khỏe và có cuộc sống tốt, 4: Giáo dục có chất lượng, 5: Bình đẳng giới, 6: Nước sạch và vệ sinh, 7: Năng lượng sạch với giá thành hợp lý, 8: Công việc tốt và tăng trưởng kinh tế, 9: Công nghiệp, sáng tạo và phát triển hạ tầng, 10: Giảm bất bình đẳng, 11: Các thành phố và cộng đồng bền vững, 12: Tiêu thụ và sản xuất có trách nhiệm, 13: Hành động về khí hậu, 14: Tài nguyên và môi trường biển, 15: Tài nguyên và môi trường trên đất liền, 16: Hòa bình, công lý và các thể chế mạnh mẽ, 17: Quan hệ đối tác vì các mục tiêu. Phân kỳ theo thời gian phát triển của Nhà trường, Trường ĐHCN tập trung thực hiện một số mục tiêu gắn chặt với đặc thù hoạt động của Nhà trường bao gồm các mục tiêu: 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 13, 17.
4. MỤC TIÊU CHIẾN LƯỢC
4.1 Mục tiêu chung
Duy trì vị thế một trường đại học nghiên cứu và đổi mới sáng tạo hàng đầu trong lĩnh vực khoa học và ứng dụng công nghệ của Việt Nam, đạt các tiêu chí của đại học nghiên cứu tiên tiến của Châu Á, trong đó có một số lĩnh vực, ngành và chuyên ngành đạt chuẩn mực trình độ quốc tế, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.
4.2 Mục tiêu cụ thể
– Đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài trong các lĩnh vực công nghệ tiên tiến phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế và xã hội tri thức của đất nước. Phấn đấu đạt các chuẩn mực chất lượng đào tạo tương đương các trường đại học có uy tín trong khu vực và quốc tế. Triển khai các hoạt động đào tạo gắn liền với nghiên cứu khoa học, đào tạo gắn liền với nhu cầu xã hội nhằm cung cấp nguồn lực chất lượng cao. Phát triển quy mô các bậc và loại hình đào tạo hợp lý, cân đối theo tiêu chí của đại học nghiên cứu và đổi mới sáng tạo tiên tiến.
– Nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước. Phát triển nghiên cứu công nghệ lõi, công nghệ nền trên cơ sở khoa học cơ bản và định hướng công nghệ xanh; phát triển và ứng dụng công nghệ tích hợp liên ngành, công nghệ hàng không vũ trụ, công nghệ cao trong nông nghiệp; tiến tới phát triển một số sản phẩm công nghệ quốc gia ứng dụng trong thực tiễn, chuyển giao và thương mại hoá. Hình thành và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh có trường phái và vị thế khoa học cao, hội nhập khu vực và quốc tế. Hợp tác hiệu quả, bền vững trong nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ với các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước.
– Một số lĩnh vực của Nhà trường nằm trong bảng xếp hạng 200-300 thế giới vào năm 2035.
– Phát triển môi trường đại học chuyên nghiệp, văn minh, hiện đại. Tạo lập được môi trường giáo dục đại học chuyên nghiệp, văn minh, hiện đại là một thể thống nhất hữu cơ của tất cả các mặt hoạt động giảng dạy, học tập, nghiên cứu và dịch vụ. Xây dựng thành công đại học số hóa và mô hình quản trị hiện đại.
– Triển khai thành công và hiệu quả mô hình tự chủ đại học.
– Mở rộng quy mô và cơ sở vật chất, hệ thống phòng thí nghiệm của Nhà trường tại Khu đô thị đại học Hòa Lạc.
– Các hoạt động của Nhà trường được gắn kết với thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc tại Việt Nam (SDGs).
5. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM
5.1 Đào tạo
- Duy trì và nâng cao chất lượng đào tạo, gắn chặt nội dung đào tạo với nhu cầu xã hội, đảm bảo khả năng có việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp. Phát triển ngành, chuyên ngành đào tạo của Trường một cách linh hoạt, phù hợp với quy hoạch đào tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội và xu hướng phát triển của xã hội trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; chú trọng đào tạo tài năng, chất lượng cao.
- Đa dạng hóa các loại hình đào tạo theo hướng xã hội hóa nhằm một mặt đáp ứng yêu cầu phát triển xã hội, mặt khác khai thác một cách hiệu quả tiềm năng phát triển của Trường (đào tạo liên kết quốc tế, đào tạo ngắn hạn, đào tạo theo đặt hàng của nhà tuyển dụng…).
- Mở rộng quy mô đào tạo ở các bậc, đặc biệt là quy mô đào tạo đại học và tiến sĩ. Thúc đẩy hoạt động liên kết đào tạo quốc tế với các đối tác nước ngoài có uy tín.
- Mở rộng cơ cấu ngành nghề đáp ứng yêu cầu tự chủ đại học. Xây dựng các ngành mới là trụ cột của công nghiệp hóa như bán dẫn và vi mạch, cơ khí, chế tạo máy, khoa học và công nghệ sự sống, đồng thời phát triển nhanh các ngành phục vụ cách mạng công nghiệp 4.0, dựa trên các ngành cốt lõi và truyền thống, có thế mạnh của Nhà trường như công nghệ tài chính (fintech), công nghệ logistics, thiết kế công nghiệp và đồ họa,… và các ngành liên quan đến quản lý, quản trị các lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ.
- Thí điểm các mô hình, phương thức đào tạo, kiểm tra đánh giá và công tác người học hiện đại phù hợp với đặc thù kỹ thuật và công nghệ của Nhà trường.
- Từng bước triển khai hiệu quả và đồng bộ hoạt động đào tạo và quản lý sinh viên tại Khu đô thị đại học Hòa Lạc.
- Đẩy mạnh ảnh hưởng của Nhà trường trong giáo dục STEM, công nghệ, kỹ thuật ra các cơ sở giáo dục đại học và các trường phổ thông trung học.
5.2 Khoa học và công nghệ
- Quy hoạch hệ thống các phòng thí nghiệm và đầu tư cơ sở hạ tầng gắn với nhóm nghiên cứu mạnh và nhóm sản phẩm khoa học công nghệ trọng điểm. Tập trung phát triển một số sản phẩm khoa học có tầm ảnh hưởng cao (sản phẩm quốc gia) nhằm khẳng định vị thế và tạo đà phát triển.
- Xúc tiến thành lập phòng thí nghiệm hợp tác quốc tế nhằm gia tăng tiềm lực khoa học công nghệ và nhanh chóng tiếp cận trình độ quốc tế.
- Xây dựng cơ chế đặc thù, tập trung ưu tiên xây dựng một số nhóm nghiên cứu mạnh cấp quốc gia, quốc tế; tiên phong đi đầu trong một số lĩnh vực khoa học công nghệ mũi nhọn của quốc gia.
- Thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ để thực hiện các hoạt động tư vấn, chuyển giao công nghệ, phối hợp phát triển sản phẩm ứng dụng, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp của cán bộ và sinh viên; thúc đẩy các hoạt động liên sở hữu trí tuệ.
- Tích cực triển khai hệ thống phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu và đào tạo của Trường tại Khu đô thị đại học Hòa Lạc.
5.3 Tổ chức, đội ngũ và quản trị đại học
- Triển khai mô hình tự chủ đại học phù hợp với mô hình, điều kiện và lộ trình của Đại học Quốc gia Hà Nội và Luật giáo dục đại học.
- Triển khai đồng bộ hệ thống quản trị đại học nhằm phát triển Trường Đại học Công nghệ theo mô hình đại học tự chủ, số hóa hiện đại.
- Từng bước triển khai mô hình các trường, viện trực thuộc trong Trường Đại học Công nghệ.
- Phát triển đội ngũ cán bộ có trình độ cao và chuyên nghiệp, phù hợp với quy mô đào tạo và nghiên cứu của Trường. Xây dựng cơ chế đặc thù thu hút nhân tài, thu hút các tiến sĩ trẻ.
5.4 Hội nhập quốc tế
- Nâng cao mức độ quốc tế hóa các chương trình đào tạo, đặc biệt là những chương trình đào tạo chất lượng cao; thu hút sinh viên quốc tế tới học tập, nghiên cứu. Đẩy mạnh liên kết đào tạo quốc tế.
- Tăng cường kết nối với các hoạt động khoa học và công nghệ quốc tế; xây dựng cơ chế đặc thù thu hút chuyên gia nước ngoài đến thỉnh giảng và tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học.
- Ưu tiên và chú trọng phát triển môi trường nghiên cứu và học thuật có tính quốc tế; tập trung xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh, các nhóm nghiên cứu quốc tế, các phòng thí nghiệm phối hợp với các tập đoàn công nghiệp lớn trong và ngoài nước nhằm gia tăng tiềm lực khoa học và công nghệ của Trường.
6.CÁC GIẢI PHÁP CƠ BẢN
6.1 Hoàn thiện mô hình tổ chức và phát triển đội ngũ cán bộ khoa học trình độ cao
6.2 Gia tăng, đa dạng hóa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực
6.3 Nâng cao hiệu quả các hoạt động hợp tác phát triển
6.4 Đổi mới quản trị đại học
6.5 Chú trọng tăng cường cơ sở vật chất nhằm đảm bảo chất lượng giảng dạy và nghiên cứu, nhanh chóng xây dựng tại Khu đô thị đại học Hòa Lạc
Theo Nghị quyết số: 07/NQ-HĐT ngày 10/04/2024 của Hội đồng trường Trường Đại học Công nghệ, ĐHQGHN