Các trường đại học kỹ thuật thúc đẩy đào tạo nhân lực trong ngành thiết kế vi mạch
Ngày 26/05/2022, tại khu giảng đường G3, Khoa Điện tử viễn thông, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, phối hợp với Cộng đồng Vi mạch Việt Nam (CĐVM) tổ chức tọa đàm “Thiết kế vi mạch – xu hướng công nghệ và phát triển nghề nghiệp”.
Buổi tọa đàm chứng kiến sự có mặt của đội ngũ giảng viên trong lĩnh vực điện tử từ các Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, ĐH Giao thông Vận tải, Học viện Kỹ thuật Quân sự và ĐH Công nghiệp Hà Nội cùng các thành viên của CĐVM đến từ những công ty thiết kế vi mạch như Co-Asia, Synopsys, Microchip Vietnam, FPT Semiconductor… cũng như các chuyên gia quốc tế thông qua hình thức trực tuyến.
PGS.TS. Bùi Thanh Tùng, Phó Chủ nhiệm khoa Điện tử Viễn thông phát biểu
Sau bài phát biểu chào mừng của PGS.TS. Bùi Thanh Tùng, đại diện khoa Điện tử Viễn thông (Trường ĐHCN), ông Nguyễn Thanh Yên, quản trị diễn đàn CĐVM (với 5700 thành viên) mở đầu buổi tọa đàm bằng những thông tin cập nhật về tình hình thiết kế vi mạch trong toàn quốc trong đó nêu bật sự phân bố công ty đang hoạt động tại ba miền Bắc, Trung, Nam, thực trạng thiếu hụt nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực cấp trung, cao cấp tại Việt Nam cũng như trong khu vực.
Diễn giả Phil Hoàng tham gia hội nghị bằng hình thức trực tuyến
Diễn giả Phil Hoàng, quản lý cấp cao, bộ phận thiết kế vi mạch, công ty Skyworks Solutions có trụ sở tại Austin, Texas (Hoa Kỳ) đã mang tới buổi tọa đàm những thông tin mới nhất về tình hình sản xuất vi mạch trên toàn thế giới. Theo ông Phil Hoàng “Việt Nam nên tập trung theo hướng tích hợp không đồng nhất (Heterogeneous Integration) và thiết kế hỗn hợp SiP (System in package – hệ thống trên gói) với những nội dung tương tự, mở rộng tương tác giữa con người và môi trường, thay vì đi vào những định hướng “thời thượng” mà những công ty lớn như Intel, Samsung, IBM hay ADM đang theo đuổi.
PGS.TS. Mai Anh Tuấn điều phối phiên thảo luận
Phiên thảo luận được điều phối bởi PGS. TS. Mai Anh Tuấn thật sự sôi động với những câu hỏi đến từ các bạn sinh viên (theo thống kê, có gần 30 bạn sinh viên tham gia trực tiếp tọa đàm và trên 50 bạn tham gia trực tuyến). Những câu hỏi tập trung vào cơ hội tham gia thực tập hè, thực tập đồ án, cơ hội việc làm và thu nhập của sinh viên khi tốt nghiệp. Thành viên của cộng đồng, phần lớn là nhân sự cao cấp từ các công ty thiết kế vi mạch trong nước đã thỏa mãn những thắc mắc của sinh viên thông qua những thông tin cập nhật, trực tiếp, chính xác.
Cộng đồng Vi mạch Việt Nam cho biết, họ sẵn sàng đồng hành, cung cấp những khóa học không thu phí dưới các hình thức trực tiếp tại giảng đường hoặc qua hình thức học liệu mở trực tuyến, cũng như thúc đẩy các hoạt động kiến tập, thực tập tại công ty, doanh nghiệp trong lĩnh vực thiết kế vi mạch. Trường ĐH Công nghệ là đơn vị giảng dạy các học phần Thiết kế mạch tích hợp tương tự và Thiết kế mạch tích hợp số. Theo đánh giá của phần lớn các doanh nghiệp trong và ngoài nước sinh viên các ngành điện tử viễn thông, cơ kỹ thuật và tự động hóa có thể đăng ký theo học nếu muốn theo ngành thiết kế và chế tạo IC sau này. Đại diện các trường đại học kỹ thuật có mặt trong buổi tọa đàm cũng nhất trí tạo điều kiện cho sinh viên tham gia các hoạt động có liên quan tới thiết kế vi mạch như các giải thiết kế dành cho sinh viên tới đây và đề nghị Cộng đồng Vi mạch Việt Nam thống nhất nội dung, thời lượng các khóa học miễn phí để có thể tạo học liệu mở cho sinh viên kỹ thuật trên toàn quốc có mong muốn theo đuổi ngành công nghệ tiên tiến này.
Thông tin báo chí:
Vnexpress: Việt Nam có lợi thế vươn lên thị trường vi mạch nghìn tỷ USD
(UET-News)