Bước ra khỏi “vùng an toàn”, sinh viên UET đánh thức bản lĩnh và đam mê

   Nữ sinh Khoa Vật lý Kỹ thuật và Công nghệ Nano Bùi Thị Thu Thủy, sinh viên khóa QH -2019-I/CQ Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội (UET) đã tự hào khi vượt qua nhiều thí sinh, giành giải thưởng Nữ sinh Khoa học công nghệ Việt Nam năm 2022 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức và các giải thưởng Sinh viên 5 tốt, Sao tháng Giêng năm 2022 được tô chức bởi Trung ương Hội Sinh Viên Việt Nam.

   UET News đã có cuộc trò chuyện với Thu Thủy để lắng nghe những bí quyết tự tin bứt phá, gặt hái những thành quả của Thu Thủy.

   Chào Thu Thủy, cảm xúc hiện tại của bạn như thế nào khi vượt qua rất nhiều gương mặt sinh viên, chính thức rinh về nhiều giải thưởng danh giá như Sinh viên 5 tốt, Sao tháng giêng và Nữ sinh viên tiêu biểu trong lĩnh vực Khoa học và Công nghệ năm 2022?

   Ngay khi vừa biết bản thân đạt giải thưởng Nữ sinh Khoa học công nghệ Việt Nam, Sao tháng Giêng và cuối cùng là Sinh viên 5 tốt năm 2022, em cảm thấy bất ngờ, xen lẫn với hạnh phúc và vinh dự bởi đây là những giải thưởng vô cùng danh giá, là cột mốc ý nghĩa nhất trong đời sinh viên của em. Những giải thưởng này đều được xét chọn qua nhiều vòng xét duyệt từ các sinh viên đến từ các trường đại học khác, nhưng em rất tự hào khi may mắn được lựa chọn là một trong nhiều gương mặt sinh viên để nhận các giải thưởng này. Những giải thưởng sẽ là động lực lớn để em tiếp tục cố gắng học tập và nghiên cứu khoa học, đồng thời tiếp thêm sức mạnh để em nuôi dưỡng đam mê và theo đuổi con đường nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học và công nghệ mà mình đã chọn.

   Là con gái việc đam mê với ngành Vật lý kỹ thuật nói riêng, lĩnh vực Khoa học – Công nghệ nói chung, đối với bạn có gì “thú vị”? Xin hãy bật mí lý do khiến bạn lựa chọn và theo đuổi lĩnh vực này?

   Từ những năm học cấp 3, em nhận thấy bản thân có thế mạnh về các môn khoa học tự nhiên, đặc biệt với môn Vật lý. Trong khi các bạn nữ xung quanh đều yêu thích những ngành như nghệ thuật, sư phạm, toán học hoặc ngoại ngữ thì riêng em có niềm say mê và khám phá về ứng dụng, cũng như sự “kỳ diệu” của những vật liệu kích thước nano. Chính việc tìm hiểu về những vật liệu “nhỏ nhưng có võ” này đã giúp em biết đến Khoa Vật lý Kỹ thuật và Công nghệ Nano của Trường ĐH Công nghệ. Bằng niềm yêu thích, say mê và sự nỗ lực của mình, em đã may mắn trúng tuyển và trở thành sinh viên của Trường.

   Lĩnh vực này tuy khó khăn, vất vả hơn đối với sinh viên nữ, nhưng những điểm mạnh của con gái là sự chăm chỉ, cẩn thận lại phù hợp với lĩnh vực công nghệ vật liệu. Bởi những thí nghiệm và quá trình nghiên cứu luôn cần sự tỉ mỉ, chăm chút và quan trọng hơn nữa là với đam mê, nhiệt huyết em sẽ cố gắng vượt qua và chinh phục ước mơ của riêng mình.

   Đặc biệt, trong môi trường đa phần là các bạn sinh viên nam đã khiến em thay đổi bản thân, từ một cô gái nhút nhát, ngại giao tiếp và kết bạn, em được thầy cô và bạn bè quan tâm nhiều hơn. Từ đó, em mong muốn bước ra “vùng an toàn” – những lo lắng, sợ hãi, rụt rè của mình để tham gia các hoạt động Đoàn – Hội, nhờ đó em đã trở nên dần mạnh dạn, tự tin, năng động hơn và kết giao được nhiều bạn bè để được chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp học tập ở đại học.

Sinh viên Bùi Thị Thu Thủy tại Lễ trao giải thưởng Nữ sinh viên tiêu biểu trong lĩnh vực khoa học và công nghệ năm 2022

   Được biết, những Giải thưởng này nhằm tôn vinh sinh viên tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong học tập, nghiên cứu, sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ, tích cực tham gia các hoạt động vì cộng đồng. Bạn có thể chia sẻ một chút về những thành tích mà bạn đã gặt hái được?

   Trong quá trình học tập, bản thân em luôn nỗ lực, cố gắng học tập chăm chỉ để đạt được kết quả học tập tốt nhất, đặt mục tiêu cho bản thân phải chinh phục các giải thưởng, học bổng để làm động lực phấn đấu. Với điểm trung bình chung tích lũy đạt 3,6/4,0 em đã đạt học bổng khuyến khích học tập học kì II năm học 2019-2020, năm học 2020-2021, học kỳ I năm học 2021-2022; Học bổng Vallet năm 2021, 2022; Học bổng Pony Chung, Hàn Quốc năm học 2021-2022; Danh hiệu Sinh viên Giỏi năm học 2019-2020, năm học 2020-2021; Danh hiệu Sinh viên 5 tốt cấp Đại học Quốc Gia năm học 2020-2021, cấp Thành phố năm 2021; Danh hiệu “Gương mặt trẻ tiêu biểu cấp cơ sở” năm học 2020-2021.

   Trong hoạt động nghiên cứu, em đã tham gia phát triển đề tài: “Tổng hợp, nghiên cứu tính chất hóa, lý, sinh và ứng dụng của vật liệu nano porphyrinoids và nano Ag trong kháng khuẩn” được giải nhất cấp Khoa và giải ba cấp Trường. Đồng thời, em còn tham gia các hoạt động viết bài báo khoa học đăng trên các tạp chí, hội thảo với sản phẩm là đồng tác giả 1 bài báo đăng trên tạp chí chuyên ngành trong nước, 2 bài báo tham gia Hội thảo chuyên ngành trong nước.

   Ngoài thời gian học tập và nghiên cứu, em còn sắp xếp thời gian để tích cực tham gia các hoạt động vì cộng đồng như Đội tình nguyện dạy Tiếng Anh trong Chiến dịch Tình nguyện Hè cấp trường tại Phú Thọ (dạy online), Tình nguyện viên Chương trình Tiếp sức mùa thi 2022 tại Trường THCS Phú Diễn A, Ban tổ chức, cộng tác viên các chương trình do Đoàn – Hội Trường Đại học Công nghệ tổ chức… Trong năm học 2020-2021, em đã nhận được Bằng khen của Hội Sinh viên Việt Nam Thành phố Hà Nội vì có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào Sinh viên.

Sinh viên Bùi Thị Thu Thủy (ngoài cùng, bên phải ảnh) và TS. Vũ Thị Thao tại lễ trao phần thưởng Nữ sinh viên tiêu biểu trong lĩnh vực khoa học và công nghệ năm 2022

   Để đạt được những thành công như hiện tại, chắc chắn bạn đã có những lần phải đối mặt với khó khăn, thử thách, bạn hãy chia sẻ một chút về những khó khăn đó, và cách mà bạn đã vượt qua?

   Đối với em trong quá trình nghiên cứu, có lẽ việc thuận lợi nhất là tìm kiếm nguồn tài liệu từ mạng internet và sự hỗ trợ của thầy/cô trong Khoa. Dù nguồn tư liệu rất nhiều nhưng có lẽ điều khó khăn nhất trong việc nghiên cứu là tìm ra hướng giải quyết của đề tài đặt ra và các bước đầu tiên để bắt đầu làm thực nghiệm. Những lúc ấy em rất bối rối và chia sẻ với thầy/cô hướng dẫn. Sau đó, em nhận được sự hỗ trợ, hướng dẫn với các định hướng và nguồn tài liệu uy tín, từ đó bản thân được khai phá thêm những ý tưởng, phương pháp hiệu quả để bắt đầu những bước đi đầu tiên của đề tài. Qua những lần nỗ lực, nghiêm túc nghiên cứu em nhận ra mọi khó khăn chỉ là “phép thử”, chỉ cần bản thân quyết tâm, kiên trì và mạnh mẽ và đủ sự cố gắng thì con đường do em lựa chọn sẽ có “trái ngọt”.

   Bạn có thể chia sẻ về thầy cô đã truyền cảm hứng để bạn theo đuổi đam mê không?

   Trong 4 năm học tại trường, người truyền cảm hứng nhiều nhất cho em là TS. Vũ Thị Thao, giảng viên của Khoa Vật lý Kỹ thuật và Công nghệ Nano. Nguồn năng lượng cô “truyền” cho chúng em luôn dồi dào, nhiệt tình và đồng hành cùng với sinh viên trong mọi hoạt động và nghiên cứu. Điều chúng em học được ở cô là sự tận tụy, nghiêm túc với nghiên cứu và công việc, chính vì vậy khi được cô hướng dẫn, em đã học hỏi được từ cô rất nhiều về trách nhiệm, sự chân thành và trung thực trong học tập và nghiên cứu khoa học.

   Đối với em, TS. Vũ Thị Thao vừa là một giảng viên, vừa là một người “chị lớn” trong ngôi nhà thứ hai này. Những ngày tháng “chạy deadline” cho kịp hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học cấp khoa là kỷ niệm không bao giờ quên đối với em. Nhóm nghiên cứu triển khai đề tài “Tổng hợp, nghiên cứu tính chất hóa, lý, sinh và ứng dụng của vật liệu nano porphyrinoids và nano Ag trong kháng khuẩn”. Đây là đề tài có tính thực tiễn cao, nên số lượng công việc và kết quả thí nghiệm rất nhiều, các thành viên phải chia ra phụ trách từng nhiệm vụ. Trong đó, em phụ trách kết quả đo các chỉ số liên quan đến vật liệu, nhưng do mắc Covid-19 nên em không thể đến trường. Điều đó đã làm ảnh hưởng đến tiến độ nghiên cứu của nhóm khi sắp đến hạn nộp đề tài lên Khoa. Vậy mà, những ngày ở nhà nghỉ ốm em luôn nhận được điện thoại của cô Thao quan tâm, nhắc nhở em nghỉ ngơi, ăn uống để giữ gìn sức khỏe. Sự quan tâm của thầy cô và bạn bè đã giúp em có thêm động lực tăng tốc và hoàn thành kết quả bổ sung cho đề tài. Với sự đoàn kết và giúp đỡ của các thành viên trong nhóm, đề tài đã giành giải Nhất Hội nghị Nghiên cứu khoa học cấp Khoa và đạt giải Ba cấp Trường.

Đề tài “Tổng hợp, nghiên cứu tính chất hóa, lý, sinh và ứng dụng của vật liệu nano porphyrinoids và nano Ag trong kháng khuẩn”đạt giải nhất cấp khoa và giải ba đề tài được yêu thích cấp trường

  Không chỉ là một sinh viên có thành tích học tập đáng nể, Thu Thủy cũng là một cán bộ Đoàn Hội năng nổ, xuất sắc. Bạn hãy chia sẻ thêm về những nguồn năng lượng tích cực, những điều thú vị, tuyệt vời mà các hoạt động này đem lại, góp phần giúp sinh viên tự tin, phát triển toàn diện hơn trong quá trình học tập, rèn luyện?

   Một trong những chương trình em ấn tượng khi lần đầu tiên đặt chân vào Trường ĐH Công nghệ, chính là quy mô tổ chức hoành tráng của chương trình “Ngày hội câu lạc bộ” dành cho các “tân binh” khi bước vào mái nhà chung UET. Qua chương trình, em đã thấy được sự năng động, hoạt bát, sáng tạo của sinh viên nơi đây, vậy nên em mong muốn tham gia những hoạt động như vậy để bứt phá giới hạn của bản thân.

   Khi tham gia hoạt động Đoàn – Hội em nhận được những chia sẻ của các anh chị khóa trên về phương pháp học tập hiệu quả, kỹ năng “săn” học bổng, những trải nghiệm của đời sinh viên… Và từng ngày rèn luyện, tham gia các hoạt động đã giúp em trưởng thành, tích lũy nhiều kỹ năng mềm cho bản thân như kỹ năng thuyết trình, giao tiếp, sắp xếp thời gian biểu. Có thể nhờ đó mà em đã dần dần phát triển bản thân toàn diện hơn, trở thành“phiên bản” tốt nhất của chính mình.

   Trong thời gian tới, Thu Thủy có những dự định trong học tập, nghiên cứu như thế nào? Bạn có thể gửi đôi lời nhắn nhủ, truyền cảm hứng tới tất cả các bạn sinh viên UET?

   Trong thời gian tới, em mong muốn được tiếp tục theo đuổi con đường học tập và nghiên cứu. Em dự định sẽ tìm hiểu sâu hơn về lĩnh vực công nghệ vật liệu nên em sẽ học lên thạc sĩ để có cơ hội đem tri thức cống hiến cho nền khoa học công nghệ nước nhà bằng những sản phẩm ứng dụng trong thực tế. Qua đây, em cũng mong muốn sinh viên nói chung và Khoa Vật lý Kỹ thuật và Công nghệ Nano nói riêng hãy tham gia nghiên cứu khoa học ít nhất một lần trong suốt những năm tháng trên giảng đường đại học. Khi được trải nghiệm quá trình này các bạn sẽ nhận được sự quan tâm, định hướng của thầy cô để tìm ra được đam mê của bản thân. Đồng thời, em hy vọng các UETer hãy luôn kiên trì, mạnh mẽ và tự tin đột phá giới hạn – bước ra khỏi “vùng an toàn” để khám phá nhiều khả năng tiềm ẩn của bản thân!

  Cảm ơn Thu Thủy về buổi trò chuyện và chúc bạn gặt hái được những thành công tiếp theo trong tương lai!

Tuyết Nga (UET-News)

Bài viết liên quan