Đỗ Bá Đức – Người mang văn hóa hacker đến Nhật Bản

     Ít ai biết rằng một trong những người đầu tiên mang Hackathon (cuộc thi phát triển phần mềm, từ ghép  “hack” và “marathon”) giáo dục kiểu Mỹ về thủ đô Tokyo, Nhật Bản, lại là người Việt, đó là Đỗ Bá Đức. Ngoài ra, anh cũng đồng sáng lập và tổ chức Tokyo Hackademics, đồng thời là Chủ tịch nhiệm kỳ 9 và lãnh đạo nòng cốt của Hội Thanh niên và Sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản trong nhiều năm liền.

    Đối với các bạn trẻ Việt ở Nhật, Đức là một người anh lớn. Xuất thân từ một vùng quê nhỏ phía bắc Việt Nam, đến Nhật làm việc với vốn từ ít ỏi, người đàn ông này lần lượt chinh phục các vị trí chủ chốt tại những công ty công nghệ lớn nhất Nhật Bản.

    Sau 12 năm chinh chiến cùng Rakuten, SoftBank và LINE, cuối năm 2017, anh Đức cùng cộng sự sáng lập Tokyo Techies, một công ty khởi nghiệp chuyên về giáo dục công nghệ. Tọa lạc ở khu phố hành chính sầm uất nhất thủ đô Nhật Bản với những lớp đào tạo kỹ thuật tân tiến liên tục được cập nhật, Tokyo Techies là một chồi non sáng giá trong Vườn ươm Tăng Tốc của Quỹ đầu tư 500 Startups tại quốc đảo này.

     Hôm nay chúng tôi cùng anh Đức ôn lại những cột mốc trên quãng đường học tập và làm việc xuyên quốc gia.

CEO Tokyo Techies Đỗ Bá Đức sau nhiều năm kinh nghiệm tại những tập đoàn công nghệ lớn nhất Nhật Bản

     Cái duyên nào đưa anh đến với lập trình?

    Nói ngắn gọn thì tôi bất đắc dĩ đến với tin học.

    Năm 15 tuổi, tôi hòa vào dòng người ứng tuyển chuyên Hóa trường THPT Chuyên Lam Sơn, Thanh Hóa. Thời bấy giờ ít ai nhìn thấy tiềm năng của tin học – mọi người nói vui với nhau rằng thiếu điểm vào chuyên hóa thì mới phải vào chuyên tin, một câu nói khá đúng trong trường hợp của tôi. Và thế là tôi ngây ngô cắp cặp đi học lập trình ở một trung tâm gia sư nhỏ dưới sự hướng dẫn của các anh chị sinh viên.

    Không lâu sau, tôi nhận ra mình yêu thích lập trình. Trong khi mọi người chơi game, tôi mày mò viết code. Về nhà không có máy tính thì tôi viết trên giấy, nắn nót từng dấu chấm, phẩy. Nhìn lại, hóa ra chính sự thiếu thốn buổi đầu rèn cho tôi tính cẩn thận; và cái rủi khi thi trượt chuyên hóa mở ra trước mắt tôi chặng đường 18 năm say mê với tin học.

    Những cột mốc nào đã dẫn dắt anh tới ngày thành lập Tokyo Techies?

    Mỗi bước nhảy cho tôi một mảnh ghép tạo nên Tokyo Techies bây giờ.

   Khi đang theo học tại Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), tôi được một doanh nhân người Nhật tuyển chọn trao học bổng với điều kiện: học tiếng Nhật, hiểu, và yêu quý đất nước Nhật Bản. Mục đích của học bổng là động viên giới trẻ Đông Nam Á hội nhập và tiếp xúc với những cơ hội quốc tế.

   Một năm sau đó, tôi được chọn cùng biên tập viên Vân Ly – phóng viên thời sự VTV1 tham gia triển lãm công nghệ CEATEC JAPAN. Tại triển lãm, tôi tình cờ gặp lại mạnh thường quân ngày nào trao mình học bổng. Tay bắt mặt mừng, ông chia sẻ về công ty ông mới thành lập và hỏi tôi có hứng thú sang Nhật đầu quân cho ông. Vậy là năm ba Đại học, tôi ký hợp đồng lao động đầu tiên, nhận một chiếc laptop và bắt đầu làm việc cho cụ. Công ty này đã cho tôi một nền tảng kỹ thuật vững chắc, cùng một mối duyên tri kỷ với người doanh nhân mà giờ tôi vẫn gọi là “Bố nuôi”.

    3 năm sau đó, công ty được mua lại. Bố nuôi tiến cử tôi vào ông lớn Rakuten. Đi lên từ vị trí kỹ thuật, tôi được công ty gửi đi tập huấn ở Mỹ rồi về quản lý mảng phần mềm di động của phòng thương mại điện tử. Sau 5 năm làm việc tại Rakuten, tôi chuyển qua phần mềm chat LINE ở vị trí tương tự. Không lâu sau đó, tôi được SoftBank chiêu mộ để cùng họ đặt nền móng cho công ty liên doanh 100 triệu đô với Alibaba Cloud từ Trung Quốc.

    Khi công ty bắt đầu ổn định cũng là lúc tôi cảm thấy mệt mỏi vì phải đi theo bước chân của họ. Tôi khao khát một thứ gì đó của riêng mình. Tôi quyết định theo đuổi lĩnh vực mình yêu thích nhất – giáo dục. Và thế là Tokyo Techies ra đời.

Xuất thân từ gia đình có truyền thống giáo dục, anh Đức đã, đang và sẽ luôn là một người thầy

    Qua 8 năm tại ba công ty công nghệ hàng đầu tại Nhật, anh rút ra được điều gì?

    Với mỗi một môi trường mới, tôi rút ra ba giai đoạn phản ứng: va đập, biến đổi/cải thiện, và đột phá.

    Va đập – khi mới bắt đầu, tôi gặp rất nhiều khó khăn. Về ngôn ngữ, tôi bắt đầu làm việc tại Nhật với vốn tiếng Nhật ít ỏi. Sau nhiều năm vất vả học tiếng Nhật, tôi chuyển sang công ty nói tiếng Anh, ngôn ngữ tôi đã mai một từ lâu. Về văn hóa, lớn lên trong môi trường giáo dục Việt Nam, tôi từng quen với ý niệm nếu mình có thực lực và kiến thức thì sẽ tiến xa. Tuy nhiên, thứ người Nhật đánh giá cao nhất lại là kỹ năng mềm – tính đoàn kết tập thể, khả năng thuyết phục, tránh xung đột.

    Biến đổi, cải thiện – tôi nhận ra việc ứng biến nhanh nhạy và bền bỉ là rất quan trọng. Đi đến đâu, học đến đấy. Kiến thức không chỉ ở trong sách vở mà ở khắp mọi nơi: trong từng lời ăn tiếng nói, cái bắt tay, bản báo cáo. Tôi không ngại vất vả, mà tôi chấp nhận.

    Đột phá – tôi may mắn vì những va đập trước đó là nền tảng cho những đột phá sau này. Vất vả nhiều nên tôi hiểu và biết ơn sự giúp đỡ trong suốt quá trình trưởng thành của mình và sẵn sàng cho đi nhiều. Tôi từng tư vấn, hỗ trợ dự án, giới thiệu việc làm cho bạn bè và người quen hoàn toàn miễn phí. Một phần cơ hội tôi nhận được sau này chính là nhờ sự hỗ trợ ngược trở lại của họ.

    Nhìn lại thành quả gặt hái được sau những cú va đập, tôi cảm thấy may mắn và một chút hài lòng.

    Điều gì đã thôi thúc anh từ bỏ công việc kỹ thuật của mình và dành toàn bộ tâm huyết cho Tokyo Techies?

    Bố mẹ tôi đều là giáo viên. Tôi đến với giáo dục như một lẽ thường tình. Tôi đã từng dạy thêm cho người quen, họ hàng, và cả vợ tôi bây giờ (cười). Tôi thấy sự trưởng thành của mình cũng quan trọng, nhưng nhìn người khác trưởng thành tôi còn vui hơn.

    Những cộng sự buổi đầu của tôi ở Tokyo Techies cũng là người gốc Việt từng theo học ở Harvard và UC Berkeley. Một vài năm trước Tokyo Techies, chúng tôi cùng nhau tổ chức những Hackademics (hackathon về chủ đề giáo dục) đầu tiên ở Nhật Bản và dạy kèm những lớp tin học vào cuối tuần. Chúng tôi mang văn hóa hacker từ Mỹ về góp phần khuấy động không khí học tập phần nào còn rụt rè và thụ động ở quốc gia châu Á này. Sau thành công ban đầu của loại hình giáo dục này, cộng sự tôi nhanh chóng nhìn ra thị trường.

    Trong khi tôi còn do dự, thứ Tư tuần nào anh bạn này cũng tới công ty tôi ăn trưa và bàn bạc về những dự định tương lai. Cùng lúc đó, lớp học cuối tuần của chúng tôi cứ lớn dần. Cuối năm 2017, chúng tôi chính thức hóa Tokyo Techies. Từ 2, 3 người, nay chúng tôi có 14 giáo viên đến từ những đại học và doanh nghiệp hàng đầu thế giới ở các lĩnh vực lập trình, khoa học dữ liệu, robotics và bảo mật thông tin.

    Tuy nhiên, bước nhảy đó không hề dễ dàng. Khởi động Tokyo Techies, tôi biết trước mắt mình phải lao lực và chưa thể kiếm được nhiều như khi còn làm cho các ông lớn. Rủi ro có thể khiến gia đình tôi thiệt thòi. Mặt khác, tôi may mắn vì có những cộng sự đồng chí hướng, nhiệt tình và bền bỉ bên tôi. Thiếu họ, chắc chắn không có Tokyo Techies như bây giờ.

Tokyo Techies và sự nghiệp trồng người cho ngành công nghệ Nhật Bản

    Được phát triển bởi đội ngũ nhân lực quốc tế, đâu là bí quyết thành công của Tokyo Techies trong thị trường nội địa Nhật Bản?

    Chúng tôi hiểu khách Nhật khá “sính nội” và bảo thủ, không dễ để khiến họ học công nghệ bằng tiếng Anh theo những phương pháp mới. Trong phân khúc tầm trung, Tokyo Techies có thể chỉ là một quả cam lai méo mó trong một rổ cam Nhật.

    Thay vào đó, chúng tôi quy tụ nguồn nhân tài với kinh nghiệm “khủng” để đánh vào phân khúc cao cấp, những người muốn tiếp nhận kiến thức tân tiến nhất trên trường quốc tế. Tại phân khúc này, giáo trình tiếng Anh và đội ngũ đa quốc gia cũng không còn là yếu tố cản trở nữa mà là lợi thế khác biệt. Chúng tôi không dừng lại ở việc dạy lý thuyết mà dùng kinh nghiệm xây dựng sản phẩm hoàn thiện để chỉ dẫn và đảm bảo khách hàng đạt được thành quả thực tế.

“Tương lai của Tokyo Techies là đào tạo cá nhân hóa (personalized training)”, anh Đức chia sẻ

    Tokyo Techies sẽ tiến về đâu trong tương lai?

    Tại sự kiện của Quỹ Đầu tư Khởi nghiệp 500 StartUps ở Kobe cuối năm 2018, tôi gọi tương lai của Tokyo Techies là đào tạo cá nhân hóa (personalised training). Dựa trên kiến thức công nghệ và kinh nghiệm thực tiễn nhất, chúng tôi cung cấp dịch vụ tư vấn và đào tạo theo nhu cầu riêng biệt của từng công ty và người dùng cuối.

    Chúng tôi còn thấy một thị trường nhân sự đầy cơ hội. Tự tay đào tạo nguồn nhân lực công nghệ chất lượng, chúng tôi có thể tiến cử họ cho những công ty có nhu cầu. Mục tiêu lớn của chúng tôi là chung tay xây dựng một đội ngũ kỹ sư hùng hậu cho Nhật Bản.

     Nhìn về viễn cảnh Công Nghệ 4.0, anh nhận định vị thế của Việt Nam sẽ thay đổi thế nào?

    Tôi không hay dùng thuật ngữ Công Nghệ 4.0 lắm vì nó suy diễn một viễn cảnh tương lai chưa ai biết chắc sẽ trông như thế nào. Qua thời gian làm ở phòng đầu tư của SoftBank, tôi chứng kiến công nghệ phát triển rất nhanh ở những nước tiên phong trong khối châu Âu và Trung Quốc. Dây chuyền sản xuất giá rẻ có thể sẽ không còn là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam nữa. Chúng ta cần đào tạo và thu hút nhân tài mạnh mẽ hơn để phần nào kiểm soát được tương lai.

    Trên thực tế, qua tiếp xúc với cộng đồng Việt Nam, tôi thấy những nỗ lực phát triển công nghệ ở nước ta còn nhỏ lẻ, thiếu tính đồng bộ. Các công ty mới chỉ dừng ở bước áp dụng công nghệ du nhập từ nước ngoài, chứ chưa đầu tư nhiều vào nghiên cứu và tiên phong – hai yếu tố sống còn trong cuộc đua công nghệ.

    Thị trường Việt Nam vẫn có những điểm sáng như như Cốc Cốc và Vinagame (VNG), những công ty tự xây dựng nền tảng AI (artificial intelligence – trí tuệ nhân tạo) và làm chủ cuộc chơi. Tôi rất lấy làm ngưỡng mộ và muốn thấy nhiều công ty tiếp bước hơn trong tương lai.

Sự chậm trễ trong thay đổi từ giáo dục chính thống là cơ hội cho những công ty giáo dục tư nhân

     Chúng ta có thể làm gì để trang bị lực lượng lao động tại Việt Nam tốt nhất trong tương lai của tự động hóa?

    Nếu có một điều về giáo dục tôi rút ra được sau gần hai thập kỷ đèn sách thì đó là: đừng đợi giáo dục chính thống thay đổi. Một mặt, tốc độ cải tiến chương trình học ở cả Việt Nam và Nhật Bản đều không thể theo kịp với tốc độ thay đổi của kiến thức trên thực tế. Điều không mấy khả quan này là cơ hội cho những công ty giáo dục tư nhân như Tokyo Techies.

    Mặt khác, với sự bùng nổ của internet, giới trẻ ngày nay có nhiều cơ hội chủ động tiếp cận kiến thức hơn. Đây là cơ hội thời cuộc các bạn nên nắm lấy. Nếu gần hai thập kỷ trước một cậu nhóc 15 tuổi bập bẹ học ngôn ngữ lập trình như tôi có thể ở đây giờ này, hãy tưởng tượng xem các bạn trẻ ngày nay có thể tiến xa đến nhường nào.

Cựu sinh viên Đỗ Bá Đức (K48CA, Khoa Công nghệ thông tin) tốt nghiệp loại Giỏi tại Trường Đại học Công nghệ năm 2007, nguyên là Phó chủ tịch hội sinh viên Trường Đại học Công nghệ và Chủ tịch hiệp hội thanh niên sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản nhiệm kỳ IX. Ngay từ năm thứ ba anh đã ký hợp đồng với một công ty Nhật và sang làm việc tại Tokyo cho một công ty IT chuyên sâu về công nghệ Web 2.0 vào năm 2007. Trước khi trở thành người sáng lập và Chủ tịch của Công ty Tokyo Technie – chuyên về đào tạo giảng dạy IT cho mọi lứa tuổi (https://tokyotechies.com), cựu sinh viên Đỗ Bá Đức đã có những kinh nghiệm và trải nghiệm phong phú về nhiều vị trí công việc khác nhau. Cụ thể anh đã làm việc 5 năm tại Rakuten, sau đó chuyển sang LINE và SoftBank Business Development Unit. Hiện nay, ngoài việc điều hành công ty khởi nghiệp anh vẫn đang là tư vấn kỹ thuật cho các dự án đầu tư công nghệ tại Softbank. 

Trước đây anh đã có nhiều năm đóng góp cho hoạt động của Hiệp hội thanh niên sinh viên Việt Nam tại Nhật Bàn (VYSA) và là chủ tịch nhiệm kỳ 9. Anh còn cùng các người bạn đồng hành của mình liên tục tổ chức các hackathon (Cuộc thi lập trình) tại Nhật Bản và Việt Nam, tạo sân chơi thú vị cho nhiều bạn trẻ đam mê sáng tạo sản phẩm dành cho giáo dục.

Theo Mieu Cao (http://vietcetera.com/vn/)

Bài viết liên quan