CEO Bùi Quang Ngọc: Hợp tác với ĐHQGHN là đúng địa chỉ
Chiều 31/10/2017, Tổng Giám đốc FPT Bùi Quang Ngọc cùng Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN (VNU – UET) Nguyễn Việt Hà và ông Ian Burnett, Chủ nhiệm Khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Công nghệ Sydney, Úc (UTS) đã cùng kí kết thỏa thuận hợp tác trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
CEO Bùi Ngọc Quang đã chia sẻ:
Trong thời đại công nghiệp 4.0, nhu cầu của doanh nghiệp nói chung về nhân lực công nghệ cao là rất cần thiết. Một doanh nghiệp công nghệ như FPT thì nhu cầu về nguồn nhân lực công nghệ cao càng cấp thiết hơn.
Cách mạng công nghiệp 4.0 với đặc thù sử dụng trí tuệ nhân tạo để xử lí rất nhiều bài toán đặt ra cho một lượng thông tin khổng lồ, như vạn vật kết nối Internet. Vì vậy yêu cầu bổ sung nhân lực về công nghệ thông tin là cấp thiết. Bối cảnh hiện nay cho thấy không chỉ cần ngôn ngữ lập trình mà còn cần những nhân lực nghiên cứu vào toán chuyên sâu, am hiểu mô hình, giải quyết được các vấn đề mô phỏng trí tuệ con người và các bài toán khác.
– Việt Nam có thiếu nguồn nhân lực về toán – tin đó không, thưa ông?
Cả thế giới đang thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao về toán và Việt Nam thì càng thiếu. Đây là thách thức của nền công nghiệp công nghệ thông tin của Việt Nam, đặc biệt là đối với FPT – một doanh nghiệp công nghệ, cung cấp giải pháp cho rất nhiều đối tác nước ngoài. Trước những đòi hỏi đó FPT đang rất thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao chuyên sâu về toán.
– FPT kì vọng gì về sự hợp tác với đại học?
FPT kì vọng rất nhiều vào sự kết hợp trong nghiên cứu giữa đại học với doanh nghiệp. Mô hình này rất phổ biến trên thế giới và đang bắt đầu hình thành, phát triển ở Việt Nam. Việc kết hợp giữa đại học và doanh nghiệp góp phần giải quyết các bài toán đặt ra về mặt lí thuyết và thử nghiệm. Cùng với đó, nguồn nhân lực được đào tạo tại đại học được nhúng trong thực tiễn của doanh nghiệp, góp phần giải quyết bài toán chung về nhu cầu nhân lực gắn với địa chỉ.
– FPT đã có hợp tác với các đại học nào, thưa ông?
FPT lựa chọn các đại học có đào tạo về toán chuyên sâu và các bài toán công nghệ thông tin làm đối tác trong hoạt động tài trợ học bổng dành cho nghiên cứu sinh. FPT không giới hạn về số lượng đơn vị hợp tác, miễn là đối tác đại học có tiềm năng trong nghiên cứu khoa học và nguồn nhân lực.
Tính đến nay, FPT đã kí kết thỏa thuận hợp tác tài trợ học bổng cho nghiên cứu sinh với 2 Trường ĐH Khoa học Tự nhiên và Trường ĐH Công nghệ thuộc ĐHQGHN.
Trước đây, FPT có hợp tác với Trường ĐH Bách khoa Hà Nội trong việc trang bị phòng máy phục vụ việc thực hành cho sinh viên.
– Xin ông cho biết đâu là lí do để FPT chọn lựa các đối tác thuộc ĐHQGHN?
Trường ĐH Khoa học tự nhiên có đội ngũ cán bộ khoa học, giảng viên đông đảo chuyên sâu về lĩnh vực toán – tin. Toán trở nên đặc biệt quan trọng trong thời đại 4.0. Toán là nền tảng cốt lõi để xử lí mô phỏng, trí tuệ nhân tạo, các khối dự liệu lớn, kết nối vạn vật,…
Trong khi đó, Trường ĐH Công nghệ – ĐHQGHN có rất đông sinh viên ngành công nghệ thông tin với chất lượng đào tạo tốt.
Tôi cho rằng việc hợp tác giữa FPT với Trường ĐH Công nghệ và Trường ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐHQGHN là rất đúng địa chỉ.
– Trong lần kí kết này với Trường ĐH Công nghệ có thêm sự hợp tác với Trường ĐH Công nghệ Sydney của Úc. Cơ duyên nào đưa đến sự hợp tác 3 bên này, thưa ông?
Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN và Trường ĐH Công nghệ Sydney có đội ngũ nhà khoa học và một số công trình nghiên cứu mà FPT đang cần. Ở Việt Nam, các chương trình đào tạo có yếu tố nước ngoài sẽ hấp dẫn, thu hút được đông đảo người học hơn. Chúng ta cần quan tâm đến những kì vọng của sinh viên vì họ là tương lai của đất nước.
Ông Bùi Quang Ngọc (bên phải ảnh) và Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Nguyễn Việt Hà (bên trái ảnh) trao quà lưu niệm trong buổi ký kết chiều ngày 31/10.
– Theo ông, yêu cầu đối với sinh viên công nghệ thông tin hiện nay là gì?
Thực ra yêu cầu đối với sinh viên công nghệ thông tin hiện nay và trước đây không khác nhau nhiều. Công nghệ thông tin cần có một nền tảng toán học tốt.
Đã có một thời gian chúng ta quá đề cao đến các ngôn ngữ lập trình, môi trường này – môi trường kia, đồ họa này – đồ họa kia mà quên mất rằng gốc của công nghệ thông tin thực sự là toán học.
Thế giới hiện nay đang đề cập đến cách mạng 4.0 thì nền tảng của nó là dữ liệu lơn, xử lí kết nối của vạn vật và mô phỏng được rất nhiều trí tuệ nhân tạo.
Tôi ví dụ thế này, trên Google map có hàng triệu con đường, nhưng nếu bạn tìm con đường đi từ điểm A đến B thì Google map chỉ ra cho bạn con đường ngắn nhất, chỉ rõ chiều giao thông, tốc độ di chuyển cho phép và ước tính được khoảng thời gian di chuyển,..
Cốt lõi của kết quả này là nền toán học với hàng triệu các thuật toán khác nhau.
– Trong vai trò là đơn vị sử dụng lao động, ông có khuyến cáo gì đối với đào tạo nhân lực công nghệ hiện nay?
Tôi cho rằng đào tạo đa ngành, đa nghề và liên ngành là cần thiết. Công nghệ thông tin đòi hỏi phải biết cả phần mềm, phần cứng, toán nhị phân, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn (big data) và nhiều ngành khác,…
Công nghệ thông tin làm nền tảng để phát triển các ngành khác nên nhân lực công nghệ thông tin phải am hiểu về các ngành khác là điều cần thiết. Bạn không hiểu về ngân hàng thì không thể đưa ra giải pháp công nghệ về ngân hàng, không hiểu về quản lý y tế thì không đưa ra giải pháp công nghệ liên quan đến quản lý y tế được, hay như giao thông cũng thế,… Hơn cả các ngành khác, công nghệ thông tin càng đòi hỏi đào tạo đa ngành. Trong thực tế, các kĩ sư công nghệ thông tin thường tự học tập thêm các ngành khác bởi khó có một cơ sở đại học nào đáp ứng đào tạo đầy đủ các ngành.
Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi vừa qua.
Theo Đỗ Ngọc Diệp (VNU-Media)