Để các “mầm non” vươn cao

      Việc đảm bảo dinh dưỡng cho lứa tuổi học sinh mầm non và tiểu học là vô cùng quan trọng, quyết định quá trình phát triển sau này.

      Bộ Y tế có quy định cụ thể về các tiêu chuẩn dinh dưỡng cho lứa tuổi này, song thực tế ở các trường học là rất khó kiểm soát và thực hiện chế độ đủ dinh dưỡng cho học sinh. 

     TS. Phạm Ngọc Hùng – đại diện nhóm nghiên cứu của Khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐHCN, ĐHQGHN cho biết: “Cho dù các trường mầm non và tiểu học muốn tuân thủ các quy định thì cũng không có công cụ để quản lý dinh dưỡng cho các thực đơn mà họ sử dụng. Các cơ quan quản lý nhà nước cũng rất khó để kiểm tra việc tuân thủ các quy định này đối với các cơ sở đào tạo vì thiếu phương tiện thống nhất để kiểm tra, giám sát. Hơn nữa,  để có chế độ dinh dưỡng đầy đủ cho phát triển thể lực của học sinh thì cần có sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình. Chế độ ăn uống của học sinh ở trường nên được cung cấp kịp thời tới phụ huynh nhằm giúp họ chuẩn bị chế độ ăn uống cho các cháu khi ở nhà. Và sản phẩm quản lý dinh dưỡng cho các trường mầm non và tiểu học được phát triển nhằm giải quyết các vấn đề nói trên”.

       – Ông có thể nói rõ hơn về sản phẩm?

      Đây là công cụ hỗ trợ công tác đảm bảo dinh dưỡng trong các trường, nó không chỉ đưa ra được các thông số về dinh dưỡng cho thực đơn hàng ngày của các trường, làm cơ sở cho việc đánh giá chất lượng dinh dưỡng của bữa ăn, mà còn là một công cụ hữu ích cho người quản lý trong việc sắp xếp thực đơn trong các trường mầm non, tiểu học. Sản phẩm này cũng là một công cụ hữu hiệu cho các cơ quan quản lý nhà nước về dinh dưỡng cũng như phụ huynh học sinh theo dõi việc đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ và cân đối cho học sinh-thế hệ tương lai của đất nước. Chúng tôi đã và đang phối hợp với Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Viện Dinh dưỡng Quốc gia và Công ty cổ phần CIS đưa sản phẩm ứng dụng rộng rãi trong các cơ sở đào tạo mầm non và tiểu học trên cả nước.

      – Điểm mới của công trình và hướng phát triển sản phẩm là gì thưa ông?

     Theo khảo sát của chúng tôi, đây là sản phẩm duy nhất trên thị trường đáp ứng các yêu cầu về đảm bảo dinh dưỡng. Sản phẩm được phát triển như là một mô-đun của hệ thống quản lý tổng thể nên khá dễ dàng tích hợp với các hệ thống đang có tại các cơ sở đào tạo. Các tiện ích của sản phẩm cho phép triển khai sản phẩm tại hầu hết các cơ sở đào tạo trên cả ba miền với nhiều yêu cầu khác nhau. Chúng tôi xây dựng một hệ thống trên nền Web nhằm cung cấp một tiện ích cho tất cả mọi người có nhu cầu tra cứu thành phần dinh dưỡng cho các thực đơn hàng ngày. Dịch vụ này góp phần đảm bảo sức khỏe cho mọi người nhất là những người phải tuân thủ các chế độ ăn uống theo chỉ định bác sĩ. Chúng tôi cũng đang xây dựng hệ thống quản lý tổng thể cho các cơ sở đào tạo nhằm giúp cho các đơn vị có một hệ thống thống nhất nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và phục vụ.

      – Việc nghiên cứu và triển khai ứng dụng sản phẩm này đã được tiến hành như thế nào thưa ông?

      Với sự hỗ trợ của Hiệu trưởng các trường trong khu vực Cầu Giấy, Hà Nội, năm 2011, chúng tôi đã phát triển sản phẩm và tiến hành áp dụng thử nghiệm tại Trường Mầm non Dịch Vọng Hậu, Trường Mầm non Ánh Sao, Trường Tiểu học Nghĩa Tân.

      Năm 2012, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) có dự án về xây dựng hệ thống quán lý dinh dưỡng cho các trường tiểu học trên cả nước. Chúng tôi đã phối hợp với Công ty cổ phần CIS và Viện Dinh dưỡng Quốc gia nhằm hoàn thiện và đưa sản phẩm vào ứng dụng trong các trường tiểu học.

      Hiện tại, sản phẩm đã được sử dụng thử nghiệm tại Trường Mầm non Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy, Hà Nội), cùng một số trường tiểu học ở Bình Đinh, Thái Nguyên và Hải Phòng.

      Qua việc triển khai thử nghiệm, chúng tôi thu được các phảm hồi nhằm hoàn thiện sản phẩm và hướng tới triển khai đại trà tại các cơ sở trên cả nước.

      – Những thuận lợi và khó khăn khi thực hiện nghiên cứu sản phẩm này?

      Nhóm nghiên cứu và phát triển sản phẩm của chúng tôi gồm 6 thành viên, đều là những người năng động, có kỹ năng phát triển sản phẩm và kỹ năng làm việc theo nhóm tốt. Nhóm của chúng tôi đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ Cục Y tế dự phòng, Viện Dinh dưỡng quốc gia và các Trường tiểu học trong suốt quá trình nghiên cứu và thử nghiệm chương trình.

      Với sự cố vấn của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, chúng tôi đã tiến hành số hóa cơ sở dữ liệu đối với hơn 500 loại thực phẩm được sử dụng phổ biến ở Việt Nam (mỗi thực phẩm có hơn 20 vi chất), đáp ứng nhu cầu về thông tin chi tiết đối với thực phẩm được sử dụng trong nhà trường và các đơn vị cung cấp bữa ăn cho học sinh.

      Tuy nhiên, trong quá trình tiến hành nghiên cứu sản phẩm, chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn. Yêu cầu từ các Trường về quản lý dinh dưỡng là rất khác nhau nên để tích hợp tất cả các yêu cầu vào một sản phẩm là rất khó. Hiện tại, chưa có cơ sở dữ liệu tin cậy về danh mục thực phẩm được sử dụng phổ biến ở Việt Nam cùng với các thông tin về hàm lượng các vi chất. Việc chuyên tâm cho phát triển sản phẩm cũng đang là một mối quan ngại của chúng tôi, khi các nghiên cứu từ phòng thí nghiệm đem ứng dụng vào thực tế, trở thành các sản phẩm thương mại độc lập có hàm lượng tri thức trong đó.

       – Ông có thể cho biết những ứng dụng của sản phẩm?

      Sản phẩm được phát triển như là một hệ thống con của hệ thống quản lý tổng thể các trường mầm non và tiểu học với các chức năng chính: Cung cấp các danh mục thực phẩm, món ăn, thực đơn mẫu (cả 3 miền) cũng như thông tin về lượng vi chất được cung cấp hàng ngày cho từng học sinh thông qua các thực phẩm được sử dụng; Thiết lập thực đơn trong ngày và kiểm tra việc đảm bảo chế độ dinh dưỡng của thực đơn theo các quy định hiện hành. Cho phép tinh chỉnh thực đơn nhằm đáp ứng các quy định. Từ thực đơn và số lượng học sinh có mặt, thiết lập danh mực thực phẩm cần chuẩn bị trong ngày; Thiết lập các báo cáo và phiếu ăn cho học sinh cho hệ thống nghiệp vụ kế toán theo danh sách đã được hệ thống quản lý học sinh cung cấp; Cung cấp thông tin về tình trạng kho hiện tại, các thực phẩm có trong kho, theo dõi việc xuất/nhập kho, cũng như mua các thực phẩm sử dụng hàng ngày; Theo dõi việc đến trường của học sinh, cũng như theo dõi việc báo ăn hàng ngày của từng học sinh, sau đó, chuyển lại các thông tin về báo ăn trong ngày cho hệ thống quản lý dinh dưỡng, hỗ trợ việc lập thực đơn; Theo dõi tình hình sức khỏe của học sinh, đưa ra các khuyến cáo về chế độ dinh dưỡng cần thiết đối với học sinh theo từng độ tuổi và khoảng thời gian nhất định; Website thông tin của trường đưa ra các thông tin về chế độ dinh dưỡng của học sinh, cũng như các thông tin về sức khỏe của học sinh đến với phụ huynh, và nhận lại ý kiến phản hồi của phụ huynh.

Trân trọng cảm ơn ông.

TS. Phạm Ngọc Hùng

     Tên sản phẩm: Hệ thống quản lý dinh dưỡng cho các trường mầm non và tiểu học (UETNUTRISCHOOL)

      Nhóm phát triển: Phạm Ngọc Hùng, Vũ Việt Dũng, Trần Trọng Hóa, Nguyễn  Thành  Nhân, Lê Khánh Trình, Phạm Văn Doanh   

        Đơn vị: Khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN

Theo Đỗ Ngọc Diệp (VNU-News)

Bài viết liên quan