Phải biết đối diện với thành công và thất bại
Những năm gần đây, sáng tạo khởi nghiệp luôn là vấn đề được xã hội quan tâm và nhắc đến nhiều hơn. Trường Đại học Công nghệ – ĐHQGHN luôn hỗ trợ và tạo môi trường nhằm thúc đẩy sáng tạo khởi nghiệp trong sinh viên cũng như cựu sinh viên, tuy nhiên để đạt được thành công lại không dễ dàng.
Khởi nghiệp thành công từ ý tưởng sáng tạo
Công ty cổ phần Chọn lọc thông tin (InfoRe) được thành lập năm 2012 với các thành viên đồng sáng lập đều là những cựu sinh viên của Trường ĐHCN. Sau 4 năm khởi nghiệp, nhóm nghiên cứu của Infore chỉ tạo được tiếng vang khi đạt giải Nhất Công nghệ thông tin triển vọng tại Nhân tài Đất Việt năm 2016 với dự án “Hệ thống phân tích ngữ nghĩa và quản trị tương tác mạng xã hội SMCC”. Anh Nguyễn Việt Cường, hiện nay là giảng viên kiêm nhiệm Trường ĐHCN cho biết, ban đầu chúng tôi đi từ những sản phẩm hết sức sơ khai nhưng có ứng dụng học máy (machine learning) như tự động sinh văn bản phục vụ tối ưu máy tìm kiếm (SEO) rồi đến ứng dụng công nghệ máy tìm kiếm và phân tích ngữ nghĩa để quản trị danh tiếng trên mạng (ORM). Và như một sự phát triển tự nhiên khi mạng xã hội bùng nổ ở Việt Nam, chúng tôi nâng tầm ORM lên thành SMCC với khả năng quản trị tương tác mạng xã hội. Các ý tưởng về sản phẩm đa phần đến từ việc tương tác với khách hàng và tìm hiểu những xu hướng mới nhất trên thế giới. Vì vậy, SMCC là hệ thống phân tích thống kê thông tin trên mạng xã hội có đầy đủ chức năng của một hệ thống phần mềm dịch vụ SaaS (Software as a Service), hệ thống sử dụng các kỹ thuật Deep Learning tiên tiến để xử lý văn bản tiếng Việt.
Cựu sinh viên Nguyễn Khoa Bảo từng khởi nghiệp với 15 triệu đồng
Anh Nguyễn Khoa Bảo (cựu sinh viên K44Đ) cũng bắt đầu khởi nghiệp từ năm 2007 trong lĩnh vực số hóa tài liệu, bằng việc thành lập Công ty Cổ phần đầu tư Thương mại và phát triển công nghệ FSI. Thời kỳ đầu tiên khi khởi nghiệp, với số vốn 15 triệu và 4 thành viên, sau 9 năm anh Nguyễn Khoa Bảo đã không ngừng học hỏi, đổi mới trong lĩnh vực số hóa tài liệu để đưa doanh thu của công ty lên hơn 200 tỷ và nhân sự hơn 400 người. Cựu sinh viên Nguyễn Khoa Bảo chia sẻ, năm 2007-2008 ngành nghề công nghệ thông tin tương đối bão hòa, vì vậy FSI phải lựa chọn con đường đi tương đối khác biệt trong thị trường ngách tập trung số hóa tài liệu – là lĩnh vực mới vào thời điểm đó. Tuy nhiên, đến năm 2013 công ty mới có doanh thu đầu tiên trong lĩnh vực này. Còn 5 năm trở về trước, công ty chỉ nghiên cứu và phát triển để tạo nên được hình hài sản phẩm cho tương lai, đồng thời kinh doanh và phân phối máy scanner để lấy ngắn nuôi dài.
Sau 4 năm hoạt động, Công ty cổ phần VP9 Việt Nam (VP9VN) được thành lập bởi 4 thành viên sáng lập đều là cựu sinh viên của Trường ĐHCN đã gặt hái được thành công trong lĩnh vực truyền dẫn âm thanh và hình ảnh qua internet. VP9VN là công ty khởi nghiệp của các nhà khoa học trẻ tại Việt Nam, dựa trên công trình nghiên cứu nén audio/video nhỏ để giúp truyền tải tín hiệu truyền hình đi xa qua Internet một cách ổn định và hiệu quả. Đặc biệt, công ty gặt hái được thành công hơn nữa khi sản phẩm “Giải pháp toàn diện cho camera giám sát” đạt giải tại Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2016. Và sản phẩm được nhóm nghiên cứu kỳ vọng sẽ mở đầu thời đại của camera thông minh thay thế camera thường, là sản phẩm quan trọng nhất trong cuộc cách mạng Internet vạn vật.
Hãy đối diện với thất bại
Khởi nghiệp luôn có những người thành công những cũng không ít người thất bại. Tuy nhiên, cách bạn đứng lên như thế nào sau thất bại mới là điều quan trọng nhất. Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng – Ủy viên BCH Trung ương, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Tổng giám đốc Viettel chia sẻ những suy nghĩ của bản thân về vấn đề này, nếu thất bại là một bài học thì nó không phải là thất bại. Con người thường trăn trở và trưởng thành hơn sau khi thất bại. Giá trị cốt lõi thứ hai của Viettel là chấp nhận thách thức, chấp nhận sai và thông qua thất bại để trưởng thành. Bất kỳ một quá trình học hỏi đều phải trải qua các thất bại rất lớn. Có một thực tế là doanh nghiệp đã thành công thường sẽ dừng lại ở mức độ thành công đó. Quan trọng nhất là khi mình đã đạt được nhiều thứ lại sợ mất nên không dám thử.
Bên cạnh đó, cách đón nhận và thái độ đối diện thất bại lại được Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, để thành công đầu tiên nên quan tâm thất bại của những người xung quanh và biến thành kinh nghiệm của bản thân. Thái độ đối diện với thất bại, cách đón nhận thất bại còn quan trọng hơn đối với sự thành công hay thất bại. Với tư cách là nhà nghiên cứu thì thất bại đáng suy ngẫm nhất là sự đầu hàng của bản thân trước vấn đề khoa học hóc búa. Vì vậy, thất bại lớn nhất của những người làm nghiên cứu là tự đặt giới hạn cho bản thân.
Cựu sinh viên Nguyễn Thanh Hưng
Cựu sinh viên Nguyễn Thanh Hưng, Giám đốc Công ty VTC Intecom cho biết, muốn thành công phải đưa ra quyết định đúng, muốn quyết định đúng phải có nhiều kinh nghiệm và muốn có nhiều kinh nghiệm thì phải thất bại. Thất bại sẽ tạo ra nhiều kinh nghiệm, vì vậy quá trình này cần đẩy nhanh hơn. Tôi luôn khuyến khích sinh viên nên đi làm thêm, đúc rút kinh nghiệm và tìm kiếm niềm yêu thích. Với nền tảng như vậy thì trong tương lai các bạn chắc chắn sẽ thành công.
Hành trang để bắt đầu khởi nghiệp
Sáng tạo khởi nghiệp là quá trình đòi hỏi sự kiên trì và nền tảng vững chắc từ sinh viên. Nhà nước, các doanh nghiệp rất ủng hộ và tâm đắc với vấn đề khởi nghiệp, nhưng để khởi nghiệp thành công lại cần rất nhiều kỹ năng và yếu tố quyết định.
Cựu sinh viên Nguyễn Thanh Hưng cho biết, khởi nghiệp không phải việc đơn giản mà nó cần hội tụ yếu tố kinh nghiệm, vốn, môi trường, kinh doanh, pháp lý… Thế hệ trẻ mới ra trường hiện nay là thế hệ ba không là không tiền – làm chệch hướng, chọn sai lĩnh vực và đánh mất tuổi trẻ; không kinh nghiệm và không có kế hoạch tương lai. Nhưng những “số không đó” lại là sức mạnh rất lớn giúp các bạn trẻ sẵn sàng lăn xả để làm, thực hiện ước mơ. Vì vậy, điều quan trọng mà thế hệ trẻ cần có là thái độ tích cực. Các bạn làm việc chăm chỉ, đam mê với công việc và cách nhìn nhận vấn đề tích cực sẽ giúp bản thân đi đến thành công hơn.
Cùng quan điểm như vậy, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định chính những lúc mình không có gì, khi đó lại là lúc mình có mọi thứ. Còn khi thành công thì nỗi sợ hãi là có thật. Bởi vì, khi thành công sẽ có xu thế dùng lại kinh nghiệm đã thành công. Nhưng cuộc sống thay đổi liên tục nên dùng lại những kinh nghiệm thành công lại trở thành thất bại.
Cựu sinh viên Nguyễn Khoa Bảo khẳng định điều quan trọng trong khởi nghiệp là ý tưởng sáng tạo và đột phá. Vì hiện nay để khởi nghiệp các bạn trẻ sẽ thuận lợi hơn với nhiều quỹ tài chính sẵn sàng đầu tư cho các bạn với ý tưởng khởi nghiệp khả thi. Đồng thời, các bạn đang ở thời điểm kỷ nguyên số, internet phát triển bùng nổ và xã hội quan tâm nhiều đến vấn đề khởi nghiệp cũng là một trong những điều kiện thuận lợi cho những ước mơ, hoài bão mới. Tuy nhiên, để thành công thì các bạn phải chuẩn bị hành trang kiến thức, am tường nhất định về lập nghiệp công ty, hiểu biết về pháp luật, kiến thức điều hành, xác lập sản phẩm chủ đạo (lĩnh vực thực sự khác biệt, có yếu tố công nghệ).
Trưởng phòng nghiên cứu phát triển Bryan Lee của Công ty HUMAX Vietnam nhấn mạnh khởi nghiệp là cơ hội tốt để các bạn trẻ có thêm kinh nghiệm, dù thành công hay thất bại cũng sẽ là bài học quý giá. Ở Hàn Quốc rất ủng hộ việc các sinh viên sau khi ra trường bắt đầu khởi nghiệp. Khi đã có kinh nghiệm các bạn sẽ trưởng thành và phát triển nhanh hơn trong tương lai.
Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ về khởi nghiệp
Chia sẻ về việc làm thế nào để bắt đầu khởi nghiệp. Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh, điều khó nhất của khởi nghiệp là tìm ra nhu cầu của xã hội và thị trường để giải quyết được vấn đề. Khi Viettel khởi nghiệp, tôi đã đọc câu chuyện về Chủ tịch Hutchison với triết lý kinh doanh tránh chỗ đông người. Viettel đã áp dụng quan điểm này vào việc kinh doanh, thể hiện bằng hành động càng nhiều người nghĩ đấy là việc khó và nguy hiểm thì Viettel sẽ làm. Để các bạn tìm được chỗ đứng cho mình thì tôi khuyên các bạn nên tránh chỗ đông người. Hiện nay, công nghệ giải quyết được rất nhiều vấn đề thực tế của xã hội trong các lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục… Từ những sự sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ, chúng ta đang thực hiện một cuộc cách mạng xóa mù tri thức, xóa mù công nghệ để đưa tri thức, công nghệ đến từng con người, từng hộ gia đình và họ dùng những tri thức đấy để phục vụ cuộc sống tốt hơn. Điều quan trọng là các bạn sinh viên phải nhận thức và lan tỏa được thông điệp này đến những người xung quanh. Từ đó, các bạn sẽ thấy được tầm quan trọng của việc mình đang làm và sẽ làm. Do vậy, Trường ĐHCN nói riêng và ĐHQGHN nói chung cần đặt cao vấn đề dùng công nghệ giải quyết vấn đề xã hội.
Theo Tuyết Nga (Bản tin VNU số 315)