Khoa Công nghệ Thông tin

       Khoa Công nghệ Thông tin (CNTT) được thành lập vào ngày 11/02/1995 thuộc Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, hiện nay là Khoa CNTT thuộc Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc Gia Hà Nội. Được thành lập cách đây hơn 20 năm nhưng Khoa CNTT có truyền thống hơn 50 năm phát triển từ năm 1965 với việc đào tạo chuyên ngành Máy tính tại Khoa Toán Cơ thuộc Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Khoa đã xác định sứ mệnh đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực ngành CNTT và Máy tính chất lượng cao ở trình độ đại học và sau đại học; nghiên cứu phát triển và ứng dụng các lĩnh vực khoa học – công nghệ tiên tiến trên cơ sở phát huy thế mạnh về Khoa học Cơ bản và Công nghệ Thông tin và Truyền thông; tiên phong tiếp cận chuẩn mực giáo dục đại học khu vực và thế giới, đóng góp tích cực vào sự phát triển nền kinh tế và xã hội tri thức của đất nước.

1. Tổ chức bộ máy

       Ban chủ nhiệm khoa:

  • Chủ nhiệm khoa: GS.TS Lê Sỹ Vinh
  • Các Phó Chủ nhiệm khoa:        

                  – TS. Dương Lê Minh

                          PGS.TS. Phạm Ngọc Hùng

                     – TS. Võ Đình Hiếu

      Văn phòng khoa:

  • Địa chỉ: Phòng 301 – Nhà E3, 144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội.
  • Điện thoại: (024) 37547064
  • Website: http://fit.uet.vnu.edu.vn/

     Các Bộ môn và Phòng thí nghiệm trực thuộc:

  • Bộ môn Các Hệ thống Thông tin
  • Bộ môn Công nghệ Phần mềm
  • Bộ môn Khoa học Máy tính
  • Bộ môn Khoa học và Kỹ thuật tính toán
  • Bộ môn Mạng và Truyền thông Máy tính
  • Phòng Thí nghiệm An toàn thông tin
  • Phòng Thí nghiệm Công nghệ Tri thức
  • Phòng Thí nghiệm Hệ thống Nhúng
  • Phòng Thí nghiệm Tương tác Người – Máy

       Khoa hiện có 94 cán bộ giảng dạy, nghiên cứu và phục vụ trong đó có 01 giáo sư, 13 phó giáo sư và 60 tiến sĩ (bao gồm cả kiêm nhiệm).

2. Công tác đào tạo

       Khoa hiện đang tổ chức đào tạo 15 chương trình:

  • Chương trình đào tạo cử nhân ngành Khoa học Máy tính gồm chương trình đào tạo chuẩn và chương trình đào tạo chất lượng cao theo thông tư 23.
  • Chương trình đào tạo cử nhân ngành Công nghệ thông tin
  • Chương trình đào tạo cử nhân ngành Các hệ thống Thông tin
  • Chương trình đào tạo cử nhân ngành Truyền thông và Mạng máy tính
  • Chương trình đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ ngành Khoa học Máy tính
  • Chương trình đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ ngành Các hệ thống Thông tin
  • Chương trình đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ chuyên ngành Truyền dữ liệu và Mạng máy tính
  • Chương trình đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ chuyên ngành Công nghệ Phần mềm
  • Chương trình đào tạo thạc sĩ Quản lý Hệ thống thông tin
  • Chương trình đào tạo thạc sĩ về An toàn thông tin

      Mỗi năm, khoa đào tạo khoảng 1.800 sinh viên, 200 thạc sĩ và 50 nghiên cứu sinh.

3. Hoạt động Khoa học Công nghệ

      Khoa CNTT là một trong những đơn vị hàng đầu về nghiên cứu-triển khai. Giai đoạn 2013 đến nay, Cán bộ, giảng viên trong khoa thực hiện trên 50 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp. Số lượng sản phẩm khoa học công nghệ và công bố khoa học trong nước và quốc tế tăng nhanh, công bố trên 350 công trình khoa học. Trong đó có hơn 45 bài báo tạp chí ISI/Scopus (riêng năm 2016 toàn khoa công bố 76 bài báo gồm 5 bài Hội nghị trong nước, 43 bài Hội nghị quốc tế, 08 bài tạp chí trong nước và 20 bài tạp chí quốc tế trong đó có 08 bài thuộc danh mục tạp chí ISI/Scopus). Hằng năm, khoa tổ chức và đồng tổ chức nhiều Hội thảo khoa học quốc tế uy tín như KSE, RIVF, ATVA, QTNA v.v. Bên cạnh đó, khoa đã hình thành các nhóm tác giả quốc tế với sự đóng góp đáng kể từ các nhà khoa học thuộc Khoa CNTT.

        Khoa CNTT và các bộ môn, phòng thí nghiệm thuộc Khoa CNTT đã trở thành địa chỉ đến thăm và xúc tiến hợp tác với nhiều tổ chức khoa học – công nghiệp tiên tiến trên thế giới. Hoạt động phối hợp đào tạo Tiến sỹ của Khoa CNTT với các đơn vị thuộc Viện KH-CN tiên tiến Nhật Bản đã thu được các kết quả đáng ghi nhận. Một số nhóm nghiên cứu khoa học quốc tế bao gồm các nhà khoa học nước ngoài và các nhà khoa học thuộc Khoa CNTT đã hình thành và độ bền vững ngày càng cao như nhóm nghiên cứu Tin sinh học, nhóm nghiên cứu khai phá dữ liệu văn bản Y-Sinh, nhóm nghiên cứu xử lý ngôn ngữ tự nhiên v.v.

        Các hướng nghiên cứu chính của khoa gồm:

  • Học máy thống kê và ứng dụng
  • Xử lý ngôn ngữ tự nhiên
  • Công nghệ tri thức
  • Khai phá dữ liệu
  • Hệ thông tin địa lý (GIS)
  • Tích hợp dịch vụ
  • An toàn và bảo mật thông tin
  • Các công nghệ mạng tiên tiến
  • Các mạng không dây di động
  • Các ứng dụng mạng thế hệ mới
  • An ninh mạng
  • Định tuyến và định vị trong mạng không dây
  • Mạng ngang hàng
  • Kỹ nghệ yêu cầu
  • Kiến trúc phần mềm
  • Kiểm thử
  • Các phương pháp hình thức hệ thống nhúng và thời gian thực
  • Tin Sinh học
  • Hệ thống tính toán lớn
  • Tương tác người – máy
  • Xử lý ảnh
  • Đồ họa máy tính
  • Bảo mật ảnh
  • Các hệ thống thông minh

4.Hoạt động hợp tác – đối ngoại

       Khoa có quan hệ hợp tác với nhiều đối tác trong và ngoài nước. Năm 2015, Khoa đã thành lập Trung tâm nghiên cứu ứng dụng và hợp tác doanh nghiệp (tên tiếng Anh là Center for Applied Research and Business Cooperation) với vai trò là đầu mối để triển khai các hoạt động đào tạo, nghiên cứu với doanh nghiệp đối tác Toshiba, Samsung, Viettel R&D, NTT Data, Fsoft, SmartOSC…

Bài viết liên quan