Giải thưởng Best paper award tại Hội nghị quốc tế về các Công nghệ Truyền thông tiên tiến (ATC – 2024) thuộc về nhóm nghiên cứu của Trường ĐH Công nghệ kết hợp ĐH Quốc gia Yang Ming Chiao Tung, Đài Loan

Vượt qua 307 bài báo nộp từ 24 quốc gia, bài báo “Enhancing Quality for VVC Compressed Videos with Omniscient Quality Enhancement Model” do nhóm nghiên cứu Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã đạt giải Best paper award tại Hội nghị quốc tế về các Công nghệ Truyền thông tiên tiến 2024 (International Conference on Advanced Technologies for Communications – ATC).

 

Đại diện nhóm tác giả, PGS. TS. Hoàng Văn Xiêm lên nhận Giải thưởng Bài báo xuất sắc nhất hội nghị

Các thành viên trong nhóm nghiên cứu hỗn hợp về Xử lý tín hiệu Video tại Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia Yang Ming Chiao Tung, Đài Loan cảm thấy rất vui và tự hào khi kết quả nghiên cứu của nhóm đã được các nhà khoa học tại Hội nghị đánh giá cao và trao giải thưởng Bài báo xuất sắc nhất.

Giải thưởng là sự ghi nhận tới những nỗ lực của thầy và trò trong hướng nghiên cứu mới về việc phát triển các mô hình trí tuệ nhân tạo cho vấn đề\ nâng cao chất lượng hình ảnh, video.

Kết quả nghiên cứu của bài báo là sự hợp tác khoa học hiệu quả và chặt chẽ giữa nhóm nghiên cứu của hai trường đại học với 4 thành viên, trong đó 2 thành viên thuộc Khoa Điện tử viễn thông, Trường ĐH Công nghệ là PGS. TS Hoàng Văn Xiêm, sinh viên Bùi Minh Hiếu và 2 thành viên ĐH Quốc gia Yang Ming Chiao Tung, Đài Loan là GS. Peng Wen-Hsiao, Viện trưởng Viện Khoa học Dữ liệu và nghiên cứu sinh Nguyễn Quang Sang.

Chia sẻ về “cơ duyên” hợp tác này, PGS.TS Hoàng Văn Xiêm cho biết: “Trong nhóm tác giả có thành viên Nguyễn Quang Sang là cựu sinh viên và học viên tiêu biểu của Trường ĐH Công nghệ là “cầu nối” giữa hai trường đại học khi đã và đang công tác và theo học chương trình Tiến sĩ tại Trường ĐH Quốc gia Yang Ming Chiao Tung, Đài Loan dưới sự đồng hướng dẫn của GS. Wen-Hsiao Peng và PGS. Hoàng Văn Xiêm”. Bên cạnh đó, phát huy những thế mạnh nghiên cứu của hai bên trong lĩnh vực công nghệ, các thành viên đã thực hiện đề xuất một giải pháp, mô hình cải thiện chất lượng video sau giải mã sử dụng thông tin tổng hợp từ không gian, thời gian và tần số trong một kiến trúc học sâu tổng quát. Mô hình đề xuất được áp dụng vào chuẩn mã hóa video mới nhất hiện nay là H.266/VVC (ra đời năm 2023) và giúp nâng cao đáng kể chất lượng video, đồng thời giảm được dung lượng thông tin cần thiết khi truyền cũng như lưu trữ.

Hình ảnh kiến trúc đề xuất của bài báo

Với các thành viên chủ chốt của nhóm nghiên cứu đều là những người có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực xử lý video và trí tuệ nhân tạo, nên kết quả nghiên cứu của bài báo có ý nghĩa thực tiễn rõ ràng, PGS.TS Hoàng Văn Xiêm cho biết: “Ý nghĩa thực tiễn của nghiên cứu thể hiện ở khả năng trực tiếp sử dụng trong các ứng dụng đòi hỏi chất lượng video cao nhưng bị hạn chế bởi băng thông, tốc độ truyền thông tin. Các ứng dụng phổ biến về truyền thông video như Zooms, Google Meets hay Microsoft Teams là những ứng dụng sẽ hưởng lợi từ các kết quả nghiên cứu của bài báo”. Tuy nhiên, PGS.TS Hoàng Văn Xiêm cũng chia sẻ về có những khó khăn trong quá trình nghiên cứu như việc tổ chức thực hiện huấn luyện các mô hình học máy, do yêu cầu về trang thiết bị và cấu hình máy tính hiệu năng cao.

Kết quả của bài báo mặc dù chỉ là bước đầu của một hướng nghiên cứu mới mà PGS. Hoàng Văn Xiêm và nhóm nghiên cứu bắt đầu triển khai từ cuối năm 2023, đó là hướng kết hợp giữa Trí tuệ nhân tạo với Dữ liệu lớn video. “Sau nhiều thời gian thử nghiệm, phát triển, các kết quả nghiên cứu sẽ ngày càng rõ ràng và tích cực hơn. Và giải thưởng là một trong những thành công bước đầu khích lệ nhóm nghiên cứu tiếp tục phát triển các hướng tiếp cận cho bài toán rất mới mẻ và thách thức này. Mỗi một bài báo khoa học được công bố đều là những tâm huyết, sự cố gắng và nỗ lực của tất cả các tác giả và không có kết quả nào là nhỏ. Tuy nhiên, để một bài báo có chất lượng thì đóng góp nghiên cứu phải rõ ràng, kết quả nghiên cứu phải được trình bày cẩn thận với những đánh giá về định lượng đầy đủ, nhiều góc cạnh và đặc biệt nội dung mô tả phải dễ hiểu, dễ tiếp cận cho người đọc.” – PGS. Hoàng Văn Xiêm chia sẻ. 

Một điều thú vị là đầu năm 2024, nhóm nghiên cứu của PGS. TS. Hoàng Văn Xiêm cũng đã nhận được Giải thưởng Best paper award tại Hội nghị Quốc tế về Nghiên cứu, Đổi mới và Tầm nhìn cho Tương lai (RIVF-2023) với kết quả nghiên cứu ứng dung các mô hình AI trong phát hiện lỗi tấn công mạng truyền thông VANET.

  PGS. TS. Hoàng Văn Xiêm, Chủ nhiệm Bộ môn KT Robot, Khoa Điện tử Viễn thông

Định hướng nghiên cứu:

– Mã hóa và xử lý dữ liệu ảnh/video

–  AI và thị giác máy trong công nghiệp

– Tương tác thông minh Người – Robot

Công bố khoa học:

– > 30 bài báo ISI/Scopus

– > 40 bài báo hội nghị quốc tế uy tín

– Giải thưởng KHCN Quả cầu vàng 2019

– 05 Giải bài báo xuất sắc: ATC-24, RIVF-23, ECIT-22, IWAIT-18, PCS-15

 

GS. TS. Wen-Hsiao Peng, Viện trưởng Viện Khoa học Dữ liệu, Đại học Quốc gia Yang Ming Chiao Tung, Đài Loan

Định hướng nghiên cứu:

– Neural network for video coding

– ISO/IEC & ITU-T Video coding standards

– Computer vision and semantic segmentation

Công bố khoa học:

– > 200 bài báo khoa học

– 15 bằng sáng chế về xử lý video

– IEEE Fellow

– Chair của IEEE CASS

(UET-News)

 

 

Bài viết liên quan