Cách đây 20 năm, Quyết định số 92/2004/QĐ-TTg ngày 25/5/2004 của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã đánh dấu sự ra đời của Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU-UET) trên cơ sở tổ chức lại

Hành trình 20 năm phát triển: Trường Đại học Công nghệ tự hào khẳng định vị thế là trường đại học hàng đầu Việt Nam và trên trường quốc tế

Bắt đầu

End

Cách đây 20 năm, Quyết định số 92/2004/QĐ-TTg ngày 25/5/2004 của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã đánh dấu sự ra đời của Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU-UET) trên cơ sở tổ chức lại Khoa Công nghệ và Trung tâm Hợp tác Đào tạo và Bồi dưỡng Cơ học thuộc ĐHQGHN. Trong suốt 2 thập kỷ qua, UET đã trở thành nơi khởi nguồn của những ý tưởng đổi mới, nơi ươm mầm tài năng và phát triển các nghiên cứu có tầm ảnh hưởng lớn đến cộng đồng và xã hội. Hành trình 20 năm là chặng đường kiên trì, nỗ lực không ngừng và tự hào là nền tảng vững chắc để UET tiếp tục khẳng định vị thế, vươn xa hơn trên trường quốc tế.

Với sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài, Trường ĐH Công nghệ – ĐHQGHN khẳng định vị thế là một trường đại học đào tạo, nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ kỹ thuật hàng đầu cả nước và đang từng bước tiếp cận chuẩn mực quốc tế.

Những mốc son lịch sử về quá trình xây dựng và trưởng thành của UET

Khoa Công nghệ (tiền thân của Trường Đại học Công nghệ) chính thức được thành lập theo Quyết định số 1348/TCCB của Giám đốc ĐHQGHN. Việc thành lập Khoa Công nghệ góp phần hoàn thiện sứ mệnh trở thành đại học đa ngành, đa lĩnh vực của ĐHQGHN. Khoa Công nghệ, tiền thân của Trường ĐH Công nghệ, là khoa trực thuộc đầu tiên của ĐHQGHN, được thành lập trên cơ sở Khoa Công nghệ Thông tin và Khoa Công nghệ Điện tử – Viễn thông thuộc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên. Đây là mô hình rất đặc biệt và đặc thù, chỉ có ở ĐHQGHN.

Bằng cơ chế tự chủ cao, ĐHQGHN đã có quyết sách sáng tạo trong việc hình thành và phát triển lĩnh vực công nghệ. Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 92/2004/QĐ-TTg ngày 25 tháng 5 năm 2004 thành lập Trường Đại học Công nghệ trên cơ sở Khoa Công nghệ. GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu, Hiệu trưởng sáng lập của Nhà trường, với tấm lòng vì sự nghiệp giáo dục và đào tạo đã gửi gắm vào sự ra đời của Trường ĐH Công nghệ, cụm từ “Bồi dưỡng nhân tài” được thể hiện trong Quyết định thành lập Nhà trường. Trường ĐH Công nghệ  đã trở thành thành viên trong ngôi nhà chung ĐHQGHN, là đơn vị đầu tiên được thực hiện theo chủ trương này.

Cố GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu, Hiệu trưởng sáng lập của Nhà trường phát biểu trong Lễ công bố quyết định thành lập và Khai giảng năm học 2004 – 2005

Từ một tổ chức tinh gọn, vận hành theo cơ chế mở, linh hoạt, huy động được sức mạnh tổng hợp trong và ngoài ĐHQGHN nhưng thực hiện được khối lượng lớn các hoạt động trong các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, phục vụ người học góp phần nâng cao vị thế và uy tín của đơn vị cũng như của toàn ĐHQGHN. Đến nay, Trường ĐH Công nghệ có 9 đơn vị chức năng, 8 đơn vị đào tạo, 5 đơn vị nghiên cứu ứng dụng và triển khai. Việc thành lập các đơn vị mới gồm Viện Công nghệ hàng không vũ trụ (2017), Khoa Công nghệ nông nghiệp (2018), Viện Trí tuệ nhân tạo (2022), Khoa Công nghệ xây dựng – giao thông (2022) đã đẩy mạnh việc hoàn thiện và phát triển định hướng nghiên cứu, triển khai của Trường trong một số lĩnh vực mới trên cơ sở phát huy thế mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông.

Hợp tác với Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel xúc tiến Thành lập Viện Công nghệ hàng không vũ trụ và mở chương trình đào tạo đại học về hàng không vũ trụ năm 2017

Lễ ra mắt khoa Công nghệ Nông nghiệp năm 2018

Lễ ra mắt Viện Trí tuệ nhân tạo năm 2022

Lễ ra mắt Khoa Công nghệ Xây dựng – Giao thông nhân dịp kỷ niệm 19 năm thành lập và công bố quyết định công nhận Chủ tịch Hội đồng Trường, Hiệu trưởng nhà trường

Hành trình bứt phá, khẳng định vị thế hàng đầu trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ tại Việt Nam và khu vực 

Dấu mốc 20 năm và những con số biết nói

Trải qua chặng đường 20 năm xây dựng và phát triển, Trường ĐH Công nghệ đã góp phần vào công cuộc đổi mới giáo dục nước nhà. Năm 2023, để tiếp tục tăng tốc và bứt phá, Trường ĐH Công nghệ đã công bố Chiến lược phát triển trường đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Mục tiêu của Chiến lược này chính là duy trì vị thế một trường đại học nghiên cứu và đổi mới sáng tạo hàng đầu trong lĩnh vực khoa học và ứng dụng công nghệ của Việt Nam, đạt các tiêu chí của đại học nghiên cứu tiên tiến của Châu Á, trong đó có một số lĩnh vực, ngành và chuyên ngành đạt chuẩn mực trình độ quốc tế, nằm trong bảng xếp hạng 200-300 thế giới vào năm 2035.

GS.TSKH. Nguyễn Đình Đức – Chủ tịch Hội đồng Trường (bên trái) trao Nghị quyết ban hành Chiến lược phát triển trường đến năm 2035, tầm nhìn năm 2045 cho GS.TS. Chử Đức Trình – Hiệu trưởng Nhà trường

Đào tạo, tuyển sinh không ngừng tăng trưởng và phát triển

Hiện nay, Nhà trường đang triển khai đào tạo 18 chương trình đào tạo đại học, 11 chương trình đào tạo thạc sĩ và 09 chương trình đào tạo tiến sĩ.

Để phát huy thế mạnh trong lĩnh vực công nghệ kỹ thuật và gắn với phát triển bền vững, trách nhiệm xã hội, Trường ĐH Công nghệ chú trọng đào tạo các ngành gắn liền với nhu cầu xã hội như Công nghệ nông nghiệp, Công nghệ kỹ thuật xây dựng, Trí tuệ nhân tạo, Công nghệ Hàng không vũ trụ, Kỹ thuật robot…

Sau 20 năm, quy mô đào tạo của Trường đạt gần 8.000 người học với chất lượng đầu vào cao, là một trong những trường đại học khối ngành kỹ thuật và công nghệ có điểm trúng tuyển cao nhất cả nước. Song song đào tạo kiến thức chuyên môn, Nhà trường chú trọng đào tạo kỹ năng cho sinh viên gồm kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng mềm, kỹ năng tin học, ngoại ngữ đáp ứng chuẩn đầu ra và yêu cầu xã hội được nhà tuyển dụng đánh giá cao, với tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau một năm tốt nghiệp hàng năm đạt trên 95%, năm 2023 đạt 96,5%. Có thể thấy, Nhà trường đã cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực chất lượng cao, nhiều cựu sinh viên giữ các chức vụ quản lý tại các doanh nghiệp, tập đoàn trong nước và quốc tế và khởi nghiệp thành công.

Khảo sát tình hình việc làm của sinh viên sau 1 năm tốt nghiệp (số liệu tháng 12/2023)

Tiên phong trong kiểm định và đảm bảo chất lượng

Từ những ngày đầu thành lập, “Tiên phong” là một trong những khẩu hiệu hành động gắn với sự phát triển của Nhà trường trong nhiệm vụ đổi mới đào tạo, nghiên cứu, kiểm định chất lượng luôn được Nhà trường quan tâm từ khi thành lập đến nay. Từ năm 2016, Trường đã tổ chức thí điểm đánh giá chuẩn đầu ra các chương trình đào tạo với sự tham gia của đại diện doanh nghiệp, cựu sinh viên; triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động đào tạo và quản lý đào tạo như hỗ trợ giảng dạy trực tuyến, thi trắc nghiệm trên máy tính, nhập điểm mã vạch.

Trường ĐH Công nghệ đơn vị đào tạo đi đầu trong việc kiểm định cơ sở giáo dục cũng như kiểm định chương trình đào tạo. Đến nay, Trường có 13 chương trình đào tạo đã được kiểm định theo tiêu chuẩn AUN-QA và tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Từ ngày 8/11 – 12/11/2022, Đoàn đánh giá ngoài đến từ Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (CEA) đã hoàn thành đợt khảo sát chính thức, đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục chu kỳ 2 tại Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Từ ngày 04/10 – 08/10/2023, Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Thăng Long đã khảo sát chính thức đánh giá chất lượng 07 chương trình đào tạo trình độ đại học của Trường Đại học Công nghệ

Đội ngũ giảng viên – tiềm lực mạnh nhất làm nên thương hiệu UET

Nhà trường kiên trì phát triển theo định hướng trường đại học nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và đảm bảo chất lượng sinh viên, nên từ khi thành lập cho đến nay, đội ngũ cán bộ khoa học trình độ cao luôn được Nhà trường chú trọng phát triển, trở thành tiềm lực mạnh nhất, là vốn quý nhất làm nên thương hiệu và những giá trị cốt lõi của UET.

Kế thừa những chính sách thu hút, bồi dưỡng cán bộ đầu ngành, đầu đàn và chính sách “cán bộ tạo nguồn” của GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu – Hiệu trưởng sáng lập Trường, từ những ngày đầu với 17 cán bộ, viên chức đến nay với 312 cán bộ, viên chức. Tỷ lệ tiến sĩ trên tổng số giảng viên, cán bộ nghiên cứu là 61%, trong đó tỷ lệ GS, PGS là 14,5%.

Khoc học công nghệ – thế mạnh của UET

Với chủ trương tạo môi trường nghiên cứu tích cực, hướng tới chuẩn mực quốc tế, những năm gần đây Trường ĐH Công nghệ đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu song hành với đào tạo và trở thành nhu cầu hàng ngày của mỗi giảng viên, sinh viên. Nhà trường tập trung xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh, có trường phái và vị thế khoa học cao, hội nhập khu vực và quốc tế, các phòng thí nghiệm phối hợp với các tập đoàn công nghiệp lớn trong nước và quốc tế.

Trong giai đoạn 2020-2022, Trường ĐH Công nghệ đã công bố 928 bài báo, trong đó có 507 bài trong danh mục Wos/Scopus; tỷ lệ công bố khoa học trong cơ sở dữ liệu Scopus thuộc nhóm Q1, Q2 trên tổng số công bố thuộc Scopus đạt trên 60%. Đặc biệt, năm 2023 số bài báo quốc tế công bố trên Wos/Scopus là 271, tăng 30% so với năm 2022.

Năm 2023, Trường ĐH Công nghệ công bố 271 bài báo trên Wos/Scopus

Giai đoạn 2020-2022, hoạt động chuyển giao công nghệ và sở hữu trí tuệ có những bước tiến với 23 hợp đồng khoa học công nghệ được ký kết và 9 sản phẩm công nghệ hoàn chỉnh được chuyển giao cho các đơn vị trong nước và quốc tế; 40 phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích bao gồm cả hồ sơ được chấp nhận hợp lệ.  

Tiên phong trong Mô hình hợp tác Trường – Viện – Doanh nghiệp

Nhà trường tự hào khi là một số ít trường đại học có nhiều thành công trong mô hình hợp tác Trường – Viện – Doanh nghiệp, với ví dụ điển hình Khoa Cơ học kỹ thuật và tự động hóa là kết quả hợp tác của Trường ĐH Công nghệ, Viện Cơ học, và Tổng công ty IMI. Tiếp nối thành công của mô hình này, đến nay Nhà trường mở rộng hợp tác một số đơn vị như Viện Công nghệ Hàng không vũ trụ hợp tác với Tập đoàn Công nghiệp viễn thông – quân đội Viettel; Khoa Cơ học kỹ thuật và Tự động hóa hợp tác với công ty LG Diplay VN Hải Phòng đào tạo chuyên ngành Công nghệ màn hình tiên tiến; Khoa Điện tử viễn thông hợp tác với Samsung Điện tử Hàn Quốc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực bán dẫn và vi mạch, …

Sinh viên ngành Công nghệ Hàng không vũ trụ tham dự hội thảo “Khám phá công nghệ Hàng không vũ trụ” do Viện Công nghệ Hàng không Vũ trụ, trường ĐH Công nghệ phối hợp với Viện Hàng không Vũ trụ Viettel tổ chức

Trường Đại học Công nghệ và Samsung Điện tử Hàn Quốc ký kết văn bản hợp tác tổ chức chương trình VNU-Samsung Tech Track với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có trình độ thạc sĩ lĩnh vực bán dẫn và vi mạch

Trường ĐH Công nghệ và LG Display Việt Nam Hải Phòng ký kết thỏa thuận hợp tác đào tạo chuyên ngành Công nghệ màn hình tiên tiến

Từ lợi thế của mô hình này, các thế hệ sinh viên UET có điều kiện, cơ hội để học tập, nghiên cứu, rèn luyện và phát triển tư duy trong môi trường chuyên sâu, bài bản, năng động và sáng tạo, gắn học tập với nghiên cứu và thực tiễn. Các sinh viên đều được học hỏi từ doanh nghiệp, những nhà nghiên cứu đầu ngành, tiếp cận với các thiết bị máy móc, công nghệ – kỹ thuật hiện đại trên thế giới và có nhiều cơ hội chinh phục nghề nghiệp.

Sinh viên ngành Công nghệ Hàng không Vũ trụ nghiên cứu chế tạo vệ tinh tại phòng Thí Nghiệm của Viện CNHK Vũ trụ Viettel

Từ ngày 13 đến 28/5/2024, sinh viên khóa đầu tiên của chuyên ngành Công nghệ màn hình tiên tiến tại Khoa Cơ học kỹ thuật và Tự động hóa đã tham gia chuỗi các học phần được tổ chức tại Công ty TNHH LG Display Việt Nam Hải Phòng

Cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm hiện đại, hướng tới mô hình giáo dục toàn diện cho sinh viên

Trong giai đoạn phát triển, Trường Đại học Công nghệ đặc biệt chú trọng đầu tư các phòng thí nghiệm với các trang thiết bị hiện đại, tiên tiến, phục vụ cho công tác giảng dạy và nghiên cứu.

Theo chiến lược phát triển đã đề ra, Nhà trường đang từng bước triển khai đồng bộ và hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo tại Khu đô thị Hòa Lạc. Năm 2023 đã trở thành cột mốc để lại dấu ấn lịch sử khi 750 sinh viên năm thứ nhất học tập tại Hòa Lạc theo mô hình đào tạo giáo dục toàn diện. Đến năm 2024, Nhà trường sẽ tiếp tục đưa 750 sinh viên năm thứ nhất lên Hòa Lạc.

 

Hơn 700 tân sinh viên khóa QH-2023-I/CQ (K68) được học tập với mô hình giáo dục toàn diện tại Hòa Lạc

Nhờ có cơ sở vật chất rộng rãi, tiện nghi và hiện đại, Trường ĐH Công nghệ có điều kiện để xây dựng những ngành mới, mô hình đào tạo giáo dục toàn diện cho sinh viên trên Hòa Lạc. Từ đó, đưa Hòa Lạc thành lợi thế và tài nguyên cho sự phát triển của Nhà trường trong giai đoạn tới.

Nhà trường cũng hướng đến thực hiện số hóa triệt để các công tác điều hành, quản lý cũng như các quy trình nghiệp vụ thường xuyên. Các hệ thống, dịch vụ thông tin hiện tại được nâng cấp và kết nối tạo thành một hệ thống hợp nhất và thông suốt nhằm hỗ trợ tối đa các công tác quản lý, điều hành và các hoạt động ở mọi khía cạnh khác của trường.

Cổng thông tin việc làm Trường ĐH Công nghệ

Khẳng định vị thế thương hiệu trên các bảng xếp hạng thế giới

Từ năm 2019 đến nay, nhiều lĩnh vực của trường liên tiếp có mặt trên các bảng xếp hạng quốc tế như THE, QS ranking. Năm 2023, Nhà trường 4 lĩnh vực của nhà trường được QS Rankings xếp hạng: Kỹ thuật và công nghệ xếp hạng 451-500; Khoa học máy tính và Hệ thống thông tin xếp hạng 501-550; Cơ kỹ thuật, hàng không và chế tạo xếp hạng 501-520; Kỹ thuật điện và điện tử xếp hạng 501-520; Vật lý và thiên văn học xếp hạng 551-600.

 

Các lĩnh vực đào tạo của Trường ĐH Công nghệ được QS ranking xếp hạng năm 2023

Các lĩnh vực đào tạo của Trường ĐH Công nghệ được Times Higher Education xếp hạng năm 2023

Những bảng xếp hạng này đã phần nào khẳng định sự đúng đắn trong Chiến lược phát triển bền vững của nhà trường, duy trì vị thế là trường đại học kỹ thuật công nghệ hàng đầu cả nước, nằm trong nhóm các trường đại học tiên tiến ở Châu Á. Một trung tâm xuất sắc, đi đầu trong đào tạo tài năng, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

Hội nhập quốc tế, từng bước hiện thực hóa Chiến lược phát triển Trường đến năm 2030, tầm nhìn 2045

Mở rộng mạng lưới phát triển hợp tác trong nước và quốc tế

Ngoài việc phát triển mô hình Trường – Viện – Doanh nghiệp, Trường ĐH Công nghệ không ngừng mở rộng mạng lưới hợp tác trong nước và quốc tế. Điều này không chỉ mang lại những cơ hội hợp tác trong nghiên cứu, trao đổi học thuật, tăng cường kết nối với các hoạt động khoa học và công nghệ quốc tế, đẩy mạnh liên kết đào tạo quốc tế, mà còn tạo ra nhiều cơ hội cho người học tham gia vào các chương trình đào tạo, thực tập thực tế, tuyển dụng việc làm. Quốc tế hóa các chương trình đào tạo, thu hút sinh viên quốc tế tới học tập, nghiên cứu, tăng cường kết nối và xây dựng các cơ chế đặc thù thu hút chuyên gia nước ngoài đến thỉnh giảng và tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học.

Lễ ký kết hợp tác giữa Trường Đại học Công nghệ và Đại học Công nghệ Sydney, Úc

Ngày 10/2/2023, Khoa Công nghệ Xây dựng Giao thông đã đón GS Ueda Tamon, Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng Giao thông của Nhật Bản – Japan Society of Civil Engineering (JSCE) đến thăm và có buổi nói chuyện với các giảng viên và sinh viên của Khoa

GS. TSKH Pierre Duhamel – Giảng viên Trường Đại học Paris-Saclay, Pháp giảng dạy môn học Mạng truyền thông di động tại Trường ĐH Công nghệ

Năm 2023, Đoàn giảng viên, sinh viên Trường Đại học Công nghệ và Thiết kế Singapore tham gia chương trình Immersion Course tổ chức tại Trường Đại học Công nghệ

Ươm mầm các tài năng sinh viên tham gia các các cuộc thi trong nước và quốc tế

Sinh viên Trường ĐH Công nghệ đạt được nhiều thành tích cao trong các kỳ thi lớn tầm cỡ quốc gia, quốc tế như cuộc thi Olympic Toán học toàn quốc, cuộc thi Olympic Vật lý toàn quốc, cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo công nghệ quốc gia – RND to Startup, cuộc thi quốc tế về Thiết kế thực tế ảo…, trong đó có Kỳ thi lập trình sinh viên quốc tế ICPC.

Năm 2022, đội tuyển EggCentroy của Nhà trường đạt huy chương Đồng tại vòng chung kết kỳ thi Lập trình sinh viên quốc tế toàn cầu ICPC. Đây là lần đầu tiên đại diện của Việt Nam có giải tại kỳ thi Chung kết toàn cầu Cuộc thi lập trình sinh viên quốc tế toàn cầu ICPC và cũng là lần đầu tiên các nước ASEAN có giải trong kỳ thi lập trình danh giá nhất toàn cầu này.

Năm 2024, Trường ĐH Công nghệ vinh dự là đơn vị đầu tiên đăng cai Chung kết ICPC châu Á – Thái Bình Dương. Trước đó, Trường ĐH Công nghệ đăng cai tổ chức kỳ thi Lập trình sinh viên quốc tế ICPC khu vực châu Á năm 2006.

Kỳ thi không chỉ khẳng định uy tín, thương hiệu của UET trong việc tổ chức các sự kiện quốc tế, mà còn góp phần đưa lĩnh vực công nghệ thông tin của Việt Nam nói chung và Trường ĐH Công nghệ nói riêng ghi dấu ấn trên trường quốc tế. Tại kỳ thi này, sinh viên Trường ĐH Công nghệ là đội có thứ hạng cao nhất của Việt Nam, đạt huy chương Bạc tại kỳ thi.

 

Trường ĐH Công nghệ vinh dự đăng cai Chung kết ICPC châu Á – Thái Bình Dương 2024 lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam

Đội EggCentroy tới từ Trường ĐH Công nghệ nhận huy chương Đồng tại vòng Chung kết toàn cầu Cuộc thi lập trình sinh viên quốc tế ACM/ICPC 2022 (Đây là lần đầu tiên đại diện của các nước ASEAN có giải trong kỳ thi lập trình danh giá nhất toàn cầu)

Đội Sudo giành Huy chương Bạc tại Chung kết Kỳ thi Lập trình sinh viên quốc tế ICPC Châu Á – Thái Bình Dương 2024 và là đội đạt thứ hạng cao nhất trong 12 đội tuyển Việt Nam tham dự kỳ thi này

Với những thành tích và chất lượng đào tạo trong lĩnh vực công nghệ thông tin, từ năm 2011, Nhà trường được được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) giao nhiệm vụ tập huấn đội tuyển quốc gia tham gia cuộc thi Olympic Tin học quốc tế (IOI). Năm 2013, Trường ĐH Công nghệ tiếp tục được sự tín nhiệm của Bộ GD&ĐT lựa chọn là cơ sở tổ chức và huấn luyện đội tuyển tham gia cuộc thi Olympic Tin học châu Á – Thái Bình Dương (APIO).

15 thí sinh thi trực tuyến Olympic Tin học châu Á – Thái Bình Dương 2023 tại Trường Đại học Công nghệ ngày 20/5/2023

Điểm đến của các diễn đàn, hội nghị, triển lãm quốc gia quốc tế trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ

Trường Đại học Công nghệ, ĐHQGHN được các tổ chức trong nước và quốc tế, các cơ quan quản lý tín nhiệm giao đăng cai tổ chức hội thảo, diễn đàn, triển lãm khoa học công nghệ, các hội nghị cấp quốc gia, quốc tế trong lĩnh vực Kỹ thuật – Công nghệ, STEM, bán dẫn và vi mạch,… đã khẳng định uy tín về nghiên cứu, năng lực tổ chức các sự kiện lớn, là nơi giao lưu, gặp gỡ của các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp, tổ chức hàng đầu trong lĩnh vực, đưa ra những sản phẩm, nghiên cứu trí tuệ, sáng tạo, những khuyến nghị giá trị, có ý nghĩa lớn cho sự phát triển của đất nước trong thời đại công nghệ 4.0.

Ngày 26/9/2023, Trường Đại học Công nghệ đăng cai Hội thảo khoa học “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kĩ thuật, Toán học (STEM), thực hiện đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”

Ngày 28/9/2023, Trường Đại học Công nghệ tổ chức diễn đàn “SEMI SEA TalentCONNECT” 

Ngày 11/01/2024, Hội thảo quốc tế về tích hợp hệ thống (International Symposium on System Integration, viết tắt là SII) do Trường Đại học Công nghệ, ĐHQGHN đăng cai tổ chức tại Quảng Ninh

Hướng tới tương lai: từng bước hiện thực hóa Chiến lược phát triển trường đến năm 2030, tầm nhìn 2045

Trường ĐH Công nghệ với triết lý giáo dục “Sáng tạo và vun đắp giá trị nhân văn của công nghệ”, mục tiêu giáo dục của đại học định hướng nghiên cứu không chỉ để tiếp cận tri thức và công nghệ tiên tiến mà còn nâng cao năng lực sáng tạo tri thức và công nghệ mới, định hướng áp dụng công nghệ vị nhân sinh và phát triển bền vững; góp phần hình thành thế hệ công dân mới có năng lực và trách nhiệm phụng sự xã hội.

Nhà trường đa dạng hóa các loại hình đào tạo theo hướng xã hội hóa nhằm một mặt đáp ứng yêu cầu phát triển xã hội, mặt khác khai thác hiệu quả tiềm năng phát triển của Trường theo hướng đào tạo liên kết với các đại học quốc tế uy tín, đào tạo ngắn hạn, đào tạo theo đặt hàng của nhà tuyển dụng. Xây dựng các ngành mới là trụ cột của công nghiệp hóa như bán dẫn và vi mạch, cơ khí, chế tạo máy, khoa học và công nghệ sự sống, đồng thời phát triển nhanh các ngành phục vụ cách mạng công nghiệp 4.0, dựa trên các ngành cốt lõi và truyền thống, có thế mạnh của Trường như công nghệ tài chính, công nghệ logistics, thiết kế công nghiệp và đồ họa… và các ngành liên quan đến quản lý, quản trị các lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ.

Các nhà khoa học, chuyên gia giáo dục, các nhà quản lý tham dự lễ công bố Chiến lược của Trường ĐH Công nghệ, ngày 28/11/2023

Nhà trường sẽ không ngừng nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Phát triển nghiên cứu công nghệ lõi, công nghệ nền trên cơ sở khoa học cơ bản và định hướng công nghệ xanh; phát triển và ứng dụng công nghệ tích hợp liên ngành, công nghệ hàng không vũ trụ, công nghệ cao trong nông nghiệp; tiến tới phát triển một số sản phẩm công nghệ quốc gia ứng dụng trong thực tiễn, chuyển giao và thương mại hóa. Hình thành và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh có trường phái và vị thế khoa học cao, hội nhập khu vực và quốc tế.

 Với những thành tích to lớn trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng, Trường ĐH Công nghệ đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương lao động hạng Ba năm 2019; Huân chương lao động hạng Nhì (theo quyết định số 923/QĐ-CTN ngày 10/8/2023), Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Cờ thi đua của Chính phủ, Bộ GD&ĐT và ĐHQGHN.

20 năm hình thành và phát triển, Trường ĐH Công nghệ đã đào tạo nhiều thế hệ cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ tài năng – những người đã cống hiến tri thức và nhiệt huyết của mình vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những thành tích giáo dục mà các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên và sinh viên Trường ĐH Công nghệ đã đạt được không chỉ là niềm tự hào mà còn là tiền đề quan trọng tạo thế và lực để nhà trường phát triển, trở thành một trường đại học nghiên cứu và đổi mới sáng tạo hàng đầu trong lĩnh vực khoa học và ứng dụng công nghệ của Việt Nam; khẳng định vị thế trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam và trên trường quốc tế.

(UET-News)

Thêm mô tả