Trường Đại học Công nghệ không ngừng đổi mới, sáng tạo, phụng sự cộng đồng

Cách đây 20 năm, Quyết định số 92/2004/QĐ-TTg ngày 25/5/2004 của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã đánh dấu sự ra đời của Trường Đại học Công nghệ (UET) – Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) trên cơ sở tổ chức lại Khoa Công nghệ và Trung tâm Hợp tác Đào tạo và Bồi dưỡng Cơ học thuộc ĐHQGHN.

Trong suốt 2 thập kỷ qua, UET đã trở thành nơi khởi nguồn của những ý tưởng đổi mới, nơi ươm mầm tài năng và phát triển các nghiên cứu có tầm ảnh hưởng lớn đến cộng đồng và xã hội.

Đào tạo, tuyển sinh không ngừng tăng trưởng, điểm trúng tuyển cao nhất cả nước

Hiện nay, nhà trường đang triển khai đào tạo 18 chương trình đào tạo đại học, 11 chương trình đào tạo thạc sĩ và 9 chương trình đào tạo tiến sĩ. UET luôn chú trọng đào tạo các ngành gắn liền với nhu cầu xã hội. Bên cạnh những ngành đào tạo truyền thống đã khẳng định vị thế, thương hiệu nhà trường như: Công nghệ thông tin, Khoa học máy tính, Điện tử – Viễn thông, Kỹ thuật máy tính, Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử, Vật lý kỹ thuật…, nhà trường đã mở mới thêm nhiều ngành đào tạo đáp ứng nhu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, các ngành đào tạo mang tính trách nhiệm xã hội như: Công nghệ nông nghiệp, Công nghệ kỹ thuật xây dựng, Trí tuệ nhân tạo, Công nghệ hàng không vũ trụ, Kỹ thuật robot, Thiết kế công nghiệp và đồ họa,…

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức – Chủ tịch Hội đồng Trường (bên trái) trao Nghị quyết ban hành Chiến lược phát triển trường đến năm 2035, tầm nhìn năm 2045 cho GS.TS. Chử Đức Trình – Hiệu trưởng Nhà trường.

Sau 20 năm, quy mô đào tạo của UET đạt gần 8.000 người học với chất lượng đầu vào cao, là một trong những trường đại học khối ngành kỹ thuật và công nghệ có điểm trúng tuyển cao nhất cả nước. Năm 2024, nhà trường tuyển sinh 2.960 chỉ tiêu đại học. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau một năm tốt nghiệp hằng năm của UET đạt trên 95%, năm 2023 đạt 96,5%.

Đội ngũ giảng viên – thương hiệu của UET

Từ những ngày đầu thành lập, đội ngũ cán bộ khoa học trình độ cao của UET luôn được nhà trường chú trọng phát triển, trở thành tiềm lực mạnh nhất, là vốn quý nhất làm nên thương hiệu và những giá trị cốt lõi của UET.

Kế thừa những chính sách thu hút, bồi dưỡng cán bộ đầu ngành, đầu đàn và chính sách “cán bộ tạo nguồn” của GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu – Hiệu trưởng sáng lập trường, từ những ngày đầu với 17 cán bộ, viên chức, đến nay, UET đã có 312 cán bộ, viên chức. Tỷ lệ tiến sĩ trên tổng số giảng viên, cán bộ nghiên cứu là 61%, trong đó tỷ lệ GS, PGS là 14,5%.

Xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh, có trường phái và vị thế khoa học cao

Với chủ trương tạo môi trường nghiên cứu tích cực, những năm gần đây, UET tập trung xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh, có trường phái và vị thế khoa học cao.

Trong giai đoạn 2020-2022, UET đã công bố 928 bài báo, trong đó có 507 bài trong danh mục Wos/Scopus; tỷ lệ công bố khoa học trong cơ sở dữ liệu Scopus thuộc nhóm Q1, Q2 trên tổng số công bố thuộc Scopus đạt trên 60%. Đặc biệt, năm 2023, số bài báo quốc tế công bố trên Wos/Scopus là 271, tăng 30% so với năm 2022.

Giai đoạn 2020-2022, hoạt động chuyển giao công nghệ và sở hữu trí tuệ có những bước tiến với 23 hợp đồng khoa học công nghệ được ký kết và 9 sản phẩm công nghệ hoàn chỉnh được chuyển giao cho các đơn vị trong nước và quốc tế; 40 phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích bao gồm cả hồ sơ được chấp nhận hợp lệ. 

Khẳng định thương hiệu trên các bảng xếp hạng thế giới

Từ năm 2019 đến nay, nhiều lĩnh vực của UET liên tiếp có mặt trên các bảng xếp hạng quốc tế như THE, QS ranking. Năm 2023, 4 lĩnh vực của UET được QS Rankings xếp hạng: Khoa học máy tính và Hệ thống thông tin xếp hạng 501-550; Cơ kỹ thuật, hàng không và chế tạo xếp hạng 501-520; Kỹ thuật điện và điện tử xếp hạng 501-520; Vật lý và thiên văn học xếp hạng 551-600. UET trở thành một trường đại học nghiên cứu và đổi mới sáng tạo hàng đầu trong lĩnh vực khoa học và ứng dụng công nghệ của Việt Nam…

Trường Đại học Công nghệ và Samsung Điện tử Hàn Quốc ký kết văn bản hợp tác tổ chức chương trình VNU-Samsung Tech Track với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có trình độ thạc sĩ lĩnh vực bán dẫn và vi mạch.

Với những thành tích to lớn trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng, Trường Đại học Công nghệ đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2019; Huân chương Lao động hạng Nhì (theo quyết định số 923/QĐ-CTN ngày 10/8/2023), Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Cờ thi đua của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Đại học Quốc gia Hà Nội…

(Theo Báo Công an nhân dân)

(https://cand.com.vn/giao-duc/truong-dai-hoc-cong-nghe-khong-ngung-doi-moi-sang-tao-phung-su-cong-dong-i734970/)

Bài viết liên quan