Gặp gỡ cựu sinh viên Phạm Tuấn Anh: Đồng hành với UET trong công tác hướng nghiệp và tuyển dụng sinh viên
Trường Đại học Công nghệ – ĐHQGHN (VNU-UET) không chỉ là nơi nuôi dưỡng, vun đắp đam mê cho sinh viên trong học tập, nghiên cứu mà còn là bệ phóng vững chắc, giúp người học gặt hái những thành tựu lớn trong sự nghiệp. Cựu sinh viên Phạm Tuấn Anh – K48, khoa Công nghệ thông tin trưởng thành từ mái trường UET nay là Giám đốc CTCP JobOKO Toàn Cầu luôn biết ơn ngôi trường đã tạo đà cho bản thân phát triển và trở thành đối tác đồng hành cùng UET trong hướng nghiệp, tuyển dụng sinh viên.
Cùng gặp gỡ cựu sinh viên Phạm Tuấn Anh để lắng nghe những chia sẻ và lời khuyên hữu ích của anh về nghề nghiệp tương lai dành cho sinh viên UET.
Cựu sinh viên Phạm Tuấn Anh – Giám đốc CTCP JobOKO Toàn Cầu tại sự kiện Ngày hội việc làm của Trường ĐH Công nghệ 2024
Trở về Trường Đại học Công nghệ – ĐHQGHN, những kỷ niệm nào khiến anh gợi nhớ đến quãng thời gian “thanh xuân vườn trường” không thể quên của bản thân?
Khóa K48, khoa Công nghệ thông tin là một trong những khóa đầu tiên khi Trường Đại học Công nghệ – ĐHQGHN mới thành lập năm 2004, lúc bấy giờ phòng học và giảng đường còn khó khăn và thiếu thốn, nhưng chúng tôi đi học rất vui. Chúng tôi đến từ các vùng quê khác nhau của đất nước, công nghệ thông tin là ngành khá mới mẻ, máy tính là thứ tôi chưa từng được chạm vào trước khi nhập học, nhưng các thành viên trong lớp đều coi UET là mái nhà chung đoàn kết với những người thầy, người cô nhiệt tình hỗ trợ và truyền thụ kiến thức ngày đêm miệt mài truyền lửa đam mê cho từng sinh viên.
Dù thời điểm đó, các hoạt động dành cho sinh viên không nhiều, nhưng mỗi sự kiện diễn ra đều để lại nhiều dấu ấn đối với mỗi sinh viên. Tôi ấn tượng nhất là cuộc thi FIRA Robosoccer, bởi chính nó đã giúp tôi có thêm nhiều trải nghiệm, cơ hội và sự trưởng thành. Cuộc thi lập trình giả lập robot đá bóng, lập trình bằng C++ được thầy Đào Kiến Quốc tâm đắc đưa từ nước ngoài về Trường nhằm tạo phong trào và phát triển kỹ năng lập trình cho sinh viên. Tôi háo hức tham gia với động lực là đội giành giải nhất sẽ được sang Mỹ thi đấu. Trong gần 3 tháng không kể ngày đêm, tôi tập trung tìm hiểu sâu về bóng đá đỉnh cao trong thực tế, tìm cách thử nghiệm tạo ra rất nhiều thuật toán mới để điều khiển robot di chuyển tốt nhất, cải tiến các giải thuật… hướng tới mục tiêu tiền đạo di chuyển nhanh, sút chuẩn, phòng thủ chặt, thủ môn xuất sắc. Ngoài thời gian học, cứ rảnh rỗi là tôi tập trung lập trình. Khi thi đấu trải qua nhiều vòng thi rất kịch tính, điều tôi nhớ khá phấn khích là loại được đội năm trước vô địch ngay ở vòng loại với tỉ lệ điểm số chênh lệch lớn, đội này vốn rất tự tin vì họ có nhiều kinh nghiệm lập trình, thi đấu từ năm trước ở vòng quốc gia và quốc tế.
Kết quả thi thành công ngoài mong đợi, tôi giành được giải nhất và được thêm giải thưởng sáng tạo do lối đá cuốn hút, luôn giành chiến thắng trong tất cả các trận đấu, do công ty Tinh Vân tài trợ. Lúc đó, tôi cảm thấy rất vui và tự hào khi cầm những đồng tiền đầu tiên kiếm được từ sự nỗ lực của bản thân. Tuy vậy, tôi có một chút tiếc nuối và hụt hẫng khi vòng quốc tế vì một số lý do mà ban tổ chức không bố trí cho đội tuyển sinh viên Việt Nam tham dự vào đấu trường quốc tế. Mặc dù, cuộc thi FIRA Robosoccer đến nay không còn được tổ chức tại UET nữa, nhưng sinh viên có thêm nhiều cơ hội trải nghiệm, trau dồi thêm các kỹ năng tại các đấu trường quốc tế ở các cuộc thi lớn hơn.
Những cảm xúc tiếc nuối và hụt hẫng của cuộc thi nhanh chóng qua đi, khi tôi được tuyển vào vườn ươm công nghệ TVI của Tinh Vân vào năm thứ 3. Ngày ấy cơ hội công việc cho sinh viên còn hạn chế, mô hình vườn ươm hay khởi nghiệp lại càng hiếm, nên đó cũng là cơ hội tốt… Và thực tế tại vườn ươm tôi được trải nghiệm dự án thực tế, trưởng thành dần về nhận thức.
Nhìn lại những chặng đường khó khăn, cùng những trải nghiệm với nhiều cung bậc cảm xúc, tôi cảm thấy mình may mắn khi được trải qua cảm giác chiến thắng bản thân bằng sự tự nỗ lực. Hơn cả là những cơ hội tốt để bắt đầu hành trình khám phá bản thân.
Tôi muốn kể chuyện này vì nhận thấy từ trải nghiệm cá nhân nếu các bạn sinh viên có thể tham gia các cuộc thi diễn ra trong thời gian dài, làm dưới dạng project với sự quyết tâm cao sẽ giúp gia tăng năng lực nhanh chóng, đồng thời cũng giúp các bạn dễ dàng có được những cơ hội tốt nhất từ các doanh nghiệp dựa trên chứng minh năng lực cá nhân. Tôi mong muốn Rất mong có thêm nhiều các cuộc thi tương tự tạo sân chơi cho sinh viên.
Với vai trò là cựu sinh viên UET, đồng thời là doanh nghiệp đồng hành với sự phát triển của Nhà trường, mong muốn của anh đối với các thể hệ sinh viên sau này như thế nào?
Dù với vai trò là doanh nghiệp hay cựu sinh viên, đối với tôi môi trường giáo dục và nghiên cứu tại Trường ĐH Công nghệ vẫn luôn là môi trường đào tạo chất lượng, các thầy cô giáo giỏi chuyên môn, tâm huyết hướng về sinh viên. Hơn nữa, với điểm tuyển sinh cao nên đều là những sinh viên giỏi và tài năng trên khắp cả nước được đào tạo tại Trường.
Tôi rất tự hào và vui mừng khi trở lại được trở thành một trong những doanh nghiệp đồng hành với Trường ĐH Công nghệ – mái nhà chung của nhiều thế hệ cựu sinh viên với vai trò là doanh nghiệp hỗ trợ trong công tác lĩnh vực hướng nghiệp và phát triển cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên. Những năm đầu tiên tốt nghiệp, với khát khao khởi nghiệp, tôi đã quyết định làm những gì đó sâu về kỹ thuật để khai thác lợi thế xuất phát điểm dân công nghệ vào lĩnh vực mới dựa trên nền tảng là những kiến thức công nghệ được học tập tại Trường. Vì vậy, tôi đã tập trung tối đa hóa lợi thế với xuất phát điểm từ kỹ thuật và trau dồi thêm các lĩnh vực khác để hoàn thiện. Và tôi cũng nhận ra sinh viên khối ngành kỹ thuật thường có sự hạn chế về kỹ năng mềm, nhưng lại tỉ mỉ và giỏi làm sản phẩm. Từ những kinh nghiệm của bản thân, tôi mong muốn được trở lại trường để giúp cho sinh viên Công nghệ tăng thêm cơ hội nghề nghiệp. Đồng thời các em được trau dồi và tham gia các hoạt động đào tạo kỹ năng, định hướng nghề nghiệp, tìm hiểu thêm thông tin thị trường lao động… để bản thân năng động hơn trong thời đại công nghệ số.
Được biết CTCP JobOKO Toàn Cầu đã phối hợp với nhà trường xây dựng Cổng thông tin việc làm, anh có thể chia sẻ thêm về lợi ích của sản phẩm công nghệ này đối với sinh viên UET?
Dựa trên nền tảng công nghệ tuyển dụng (HR Tech) của CTCP JobOKO Toàn Cầu, chúng tôi đã hỗ trợ Nhà trường xây dựng cổng thông tin việc làm: https://vieclam.uet.vnu.edu.vn, kết nối các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ kỹ thuật. Từ đó, hỗ trợ sinh viên UET sau khi tốt nghiệp có những cơ hội việc làm đúng chuyên môn, chuyên ngành.
Sau 8 tháng triển khai đã có 90% sinh viên sử dụng & thu hút thêm gần 200 doanh nghiệp lớn tham gia tuyển dụng và kết nối cùng nhà trường, sinh viên.
CTCP JobOKO Toàn Cầu đã hỗ trợ Nhà trường xây dựng cổng thông tin việc làm
Cổng việc làm là một giải pháp kết nối sinh viên với doanh nghiệp và là nơi giúp sinh viên hiểu rõ về nghề nghiệp, xu hướng thị trường lao động. Từ đó, sinh viên sẽ có những định hướng trong học tập và Nhà trường sẽ có những những phương pháp giảng dạy đổi mới, chương trình đào tạo gắn liền với nhu cầu xã hội.
Sau thời gian hai bên hợp tác, sinh viên UET ngày càng trở nên tích cực và quan tâm nhiều hơn đến kỹ năng, nghề nghiệp tương lai, bên cạnh đó chất lượng các nhóm nội dung liên quan kỹ năng mềm ngày càng đa dạng, phong phú hơn phù hợp với xu thế công dân toàn cầu. Điều đó thể hiện sự năng động, nâng cao chất lượng đầu ra của Ban Giám hiệu cùng các thầy cô Nhà trường đối với sinh viên, nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động.
Qua đây, Công ty JobOKO nói chung và bản thân tôi nói riêng sẽ tiếp tục hợp tác, hỗ trợ Nhà trường xây dựng và triển khai các chương trình với định hướng hoàn thiện tối đa hiểu biết, kỹ năng cho sinh viên về nghề nghiệp. Chúng tôi sẽ đồng hành với Nhà trường trong nhiều hoạt động và chương trình hơn nữa bởi sự tâm huyết, nhiệt tình của đội ngũ lãnh đạo và thầy cô Trường ĐH Công nghệ luôn có tâm thế hướng về những giá trị tốt đẹp mang lại cho sinh viên.
Đối với hiện tượng sinh viên quá chú trọng vào làm việc kiếm tiền khi còn đang trong quá trình học tập. Quan điểm và lời khuyên của anh đối với sinh viên như thế nào?
Ngày nay, số lượng sinh viên chú trọng vào việc làm quá sớm, hoặc “mải mê” kiếm tiền mà quên mất nhiệm vụ quan trọng của bản thân là đang trong thời gian tích lũy kiến thức có xu hướng gia tăng. Khi kiếm được những khoản tiền đầu tiên các em sẽ cảm thấy vui mừng và “trượt dài” trong những niềm vui đó mà quên nhiệm vụ học tập của bản thân. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần nguồn nhân lực có gắn kết và có khả năng phát triển trong tương lai. Do vậy, nếu hiện tại các bạn chỉ tập trung vào công việc khi còn đang ngồi trên ghế giảng đường thì sẽ có những hệ lụy tương lai về con đường phát triển sự nghiệp cá nhân.
Với sinh viên Trường ĐH Công nghệ, học tập kiến thức nên được ưu tiên hàng đầu nhất là năm thứ nhất và năm thứ hai cần tập trung trau dồi kiến thức cơ bản. Đến năm thứ ba, năm thứ tư khi các em đã trưởng thành, sắp xếp cân bằng giữa việc học tập với các hoạt động khác, lúc đó các bạn có thể tham gia các chương trình thực tập/partime để “va chạm” với môi trường thực tế, cố gắng phấn đấu để được doanh nghiệp nhìn nhận sẵn sàng cho tham gia dự án thực tế là tốt nhất. Khi đi làm thêm, nếu các em có năng lực tốt và được doanh nghiệp đánh giá cao để được tham gia các dự án thực tế, thử sức trong các nhiệm vụ khó, quan trọng nhất là các em nỗ lực để tạo ra sản phẩm đưa vào sử dụng thực tế thì càng tuyệt vời. Những thành quả đó là minh chứng cho năng lực cá nhân, môi trường đào tạo không chỉ tốt về kiến thức chuyên môn mà gắn liền với thực tế. Mặt khác, khi đang là sinh viên các em có tố chất lãnh đạo, kỹ năng mềm tốt và khả năng dẫn dắt đội nhóm được doanh nghiệp công nhận và đặt ra bài toán thực tiễn để giải quyết, thì chứng tỏ bản thân em sau khi tốt nghiệp có khả năng khởi nghiệp. Sự nỗ lực khi sắp ra trường chính là bước tạo đà, tạo sự khác biệt so với số đông còn lại trong hành trình sự nghiệp.nên
Bản thân tôi nói riêng và các doanh nghiệp nói chung đánh giá cao các bạn có khả năng cân bằng tốt giữa việc học tập đạt kết quả cao và làm partime, được tham gia dự án thực tế tại các doanh nghiệp, cùng với đó là trau dồi kỹ năng tự học. Khi còn ngồi trên giảng đường, các bạn không nên đặt mục tiêu đi làm thêm là kiếm tiền, mà chỉ nên coi đó là một tiến trình học từ thực tế, kiếm tiền chỉ nên là việc phụ. Nếu có năng lực tốt, biết cách xây dựng lộ trình hợp lý, tiền sẽ tự tìm đến các bạn một cách rất tự nhiên mà không cần nóng vội, đốt cháy giai đoạn.
Cựu sinh viên Phạm Tuấn Anh đã đồng hành với Nhà trường tại sự kiện Ngày hội việc làm qua các năm
Những lời nhắn gửi của anh đến các thế hệ sinh viên sau để các em phát huy được sự năng động, sáng tạo và chất riêng của UETer?
Anh luôn tự hào mình đã được học tập tại UET, anh tin là các em cũng sẽ vậy. Chương trình đào tạo bài bản với năng lực chuyên môn tốt của đội ngũ giảng viên cùng sự tâm huyết của Nhà trường sẽ giúp các em luôn tự tin vững bước sau khi ra trường. Tiếp thu những kiến thức quý báu từ thầy cô, học thêm từ bạn bè, trau dồi thêm kỹ năng mềm, khả năng thích ứng và hòa nhập môi trường doanh nghiệp – đó chính là những kỹ năng quan trọng giúp bản thân tỏa sáng trên con đường sự nghiệp. Từ đó các em sẽ trở thành sinh viên toàn diện, có đủ năng lực và kiến thức kết nối tốt với môi trường lao động và tạo ra cơ hội cho bản thân để đạt được mục tiêu nghề nghiệp trong tương lai.
Đừng quên rằng luôn nỗ lực từ sớm, chỉ có nỗ lực tự thân mới giúp chúng ta trở nên khác biệt.
Cảm ơn những chia sẻ tâm huyết và lời khuyên hữu ích của cựu sinh viên Phạm Tuấn Anh. Hy vọng trong tương lai sẽ có thêm nhiều thế hệ sinh viên UET thành đạt, tiếp nối truyền thống gặt hái những thành tựu lớn trong sự nghiệp như những thế hệ anh chị đi trước, góp phần làm rạng danh mái trường Công nghệ, chung tay kiến tạo những giá trị tốt đẹp để phát triển đất nước và xã hội.
(UET-News)