Kiến nghị có cơ chế đặc thù về tuổi nghỉ hưu đối với giáo sư, phó giáo sư
GS Nguyễn Đình Đức cho rằng NĐ 50/2022/NĐ-CP gây ra nhiều vấn đề trong quá trình đào tạo và tình trạng chảy máu chất xám từ công sang tư.
Theo thống kê của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, năm 2023, trong gần 82.000 giảng viên đại học, có 711 giáo sư (chiếm 0,87%) và 5.292 phó giáo sư (chiếm 6,47%) tham gia giảng dạy toàn thời gian. So với nhiều quốc gia trên thế giới, tỉ lệ này còn thấp. [1]
Trước đây, theo Nghị định số 141/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục đại học, thời gian kéo dài làm việc đối với giảng viên có chức danh phó giáo sư là không quá 7 năm và đối với giảng viên có chức danh giáo sư là không quá 10 năm.
Tuy nhiên, kể từ 15/8/2022 khi Nghị định số 50/2022/NĐ-CP có hiệu lực, trong đó thay thế Điều 9 Nghị định số 141/2013/NĐ-CP, đã thay đổi về thời gian kéo dài làm việc đối với đội ngũ này.
Cụ thể, đối với viên chức có học hàm giáo sư, phó giáo sư, việc nghỉ hưu ở tuổi cao hơn là không quá 5 năm (60 tháng), tính từ thời điểm viên chức đủ tuổi nghỉ hưu. Điều này vô hình chung đã làm giảm tuổi nghỉ hưu của các giáo sư và phó giáo sư.
“Chảy máu chất xám” từ công sang tư
Về vấn đề này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Đình Đức – Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Theo Giáo sư Đức, đội ngũ trí thức có trình độ cao như giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ là đội ngũ lao động đặc thù. Nên việc kéo dài thời gian làm việc đối với đội ngũ này khi đủ tuổi nghỉ hưu là chính sách đúng đắn, hết sức phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Đình Đức – Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công Nghệ, Nguyên Trưởng ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội.
“Trước Nghị định số 50/2022/NĐ-CP, chúng ta có Nghị định số 141/2013/NĐ-CP. Nhưng khi Nghị định số 50/2022/NĐ-CP chính thức có hiệu lực, đã nảy sinh một số bất cập.
Bởi có những giáo sư, phó giáo sư được ký hợp đồng kéo dài thời gian làm việc theo Nghị định số 141/2013/NĐ-CP, được làm việc thêm 7 – 10 năm, tức là được làm việc tới năm 67 – 70 tuổi. Trong khi đó, có những giáo sư, phó giáo sư được ký hợp đồng kéo dài thời gian làm việc theo Nghị định số 50/2022/NĐ-CP, ký thêm hợp đồng làm việc 5 năm tới 65 tuổi. Đây tuy chỉ là một vấn đề nhỏ, nhưng cũng thể hiện điểm không thống nhất và hạn chế” – Giáo sư Nguyễn Đình Đức nhận định.
Nói đến những bất cập lớn hơn của vấn đề, Giáo sư Đức cho biết, các giáo sư, phó giáo sư là đội ngũ trí thức có trình độ chuyên môn và uy tín cao, là đội ngũ các nhà khoa học đầu ngành, không dễ đào tạo được trong một sớm một chiều.
Đây là nguồn nhân lực quý báu của nhà trường. Nhất là khi hiện nay, đội ngũ này đang chiếm tỉ lệ không lớn trong các trường đại học.
Vì vậy, việc tận dụng và kéo dài tuổi công tác với đội ngũ giáo sư, phó giáo sư là cần thiết và phù hợp.
Truyền thống này đã được ông bà ta đúc kết trong câu nói “thầy già, ca sĩ trẻ”. Trong đó, “thầy già” thể hiện hàm ý khi người thầy có tuổi làm việc càng cao, sẽ tích lũy được càng nhiều kinh nghiệm, tri thức và uy tín trong giảng dạy.
Theo thông lệ quốc tế, hiện nay độ tuổi nghỉ hưu chỉ áp dụng cho đội ngũ làm công tác lãnh đạo, quản lý cấp cao; còn phần lớn các giáo sư, phó giáo sư vẫn là những người đứng đầu ngành, vẫn tiếp tục nghiên cứu và giảng dạy, tiếp tục đảm nhiệm vị trí lãnh đạo chuyên môn chứ không chịu sự ràng buộc của quy định về tuổi nghỉ hưu.
Giáo sư, phó giáo được coi là “cây đa, cây đề” trong các trường đại học và cũng là đội ngũ dẫn dắt các nhóm nghiên cứu, hướng nghiên cứu trong sự phát triển của khoa học công nghệ ở các trường đại học, viện nghiên cứu.
Đội ngũ này không chỉ phát huy năng lực trong nước mà còn tham gia vào các hoạt động hợp tác quốc tế, nên có uy tín và ảnh hưởng nhất định về mặt chuyên môn học thuật trong và ngoài nước.
Đây là yếu tố rất quan trọng để thu hút nhân tài, tập hợp đội ngũ, nhất là các cán bộ trẻ tài năng trong và ngoài nước để từ đó xây dựng và phát triển các nhóm nghiên cứu, trường phái học thuật của trường đại học.
Từ các thống kê về đội ngũ tiến sĩ, phó giáo sư và giáo sư trong nhiều năm nay cho thấy, mặc dù đã có sự bổ sung hằng năm và cải thiện tích cực cả về số lượng và chất lượng, nhưng so với thế giới, tiềm lực khoa học công nghệ này so với các trường đại học trên thế giới còn rất thấp.
“Việc đào tạo được đội ngũ này cũng không hề dễ dàng, không phải ngày một, ngày hai là có được. Mà muốn trở nên ưu tú như vậy phải có tố chất, mất nhiều thời gian, công sức,… Thậm chí, với các giáo sư, phó giáo sư, đây cũng là sự cống hiến của cả cuộc đời cho sự nghiệp khoa học công nghệ và đào tạo.
Chưa kể, các giáo sư, phó giáo sư trong những lĩnh vực đặc thù như văn hóa, nghệ thuật lại càng quý và hiếm”, Giáo sư Nguyễn Đình Đức nhận định.
Ngoài ra, Giáo sư Nguyễn Đình Đức cũng cho biết, quy định về thời gian làm việc tăng thêm của giáo sư, phó giáo sư theo Nghị định số 50/2022/NĐ-CP đã gây ra nhiều vấn đề trong quá trình đào tạo, đặc biệt là tình trạng “chảy máu chất xám” từ công sang tư.
Khi chính sách được áp dụng, các trường công đã gặp khó khăn trong việc thu hút đội ngũ này.
Bởi vì đội ngũ giáo sư, phó giáo sư khi hết tuổi quy định buộc họ phải nghỉ tại các cơ sở giáo dục công lập. Nếu vẫn muốn tiếp tục cống hiến, thì họ phải làm việc tại các cơ sở giáo dục tư thục. So với các trường đại học công lập, các trường tư thục sẽ có nhiều chính sách thu hút, đãi ngộ hơn (trả lương cao hơn, được giao đảm trách vị trí lãnh đạo bộ môn, khoa…).
Đây là một kẽ hở rất lớn, khiến các trường đại học công lập mất dần đội ngũ nhân lực chất lượng cao để mở ngành và duy trình ngành, đặc biệt là các ngành đào tạo sau đại học; mất đi người dẫn dắt các nhóm nghiên cứu, hướng dẫn nghiên cứu sinh… Và thậm chí, còn thu hút theo cả những đội ngũ khác.
Căn cứ theo Điều 6, Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo trình độ tiến sĩ cần đảm bảo:
“Có ít nhất 01 giáo sư hoặc 02 phó giáo sư và 03 tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu (các ngành đào tạo giáo viên tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam, ngành đào tạo Ngôn ngữ, văn học và văn hóa Việt Nam, ngành đào tạo Ngôn ngữ, văn học và văn hóa nước ngoài, ngành đào tạo Thể dục, thể thao, ngành đào tạo thuộc lĩnh vực Nghệ thuật, phải có ít nhất 01 giáo sư hoặc 01 phó giáo sư và 02 tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu), trong đó có một giáo sư hoặc phó giáo sư có kinh nghiệm quản lý đào tạo hoặc giảng dạy đại học tối thiểu từ 03 năm trở lên (không trùng với giảng viên cơ hữu là điều kiện mở ngành đào tạo trình độ tiến sĩ của các ngành khác), chịu trách nhiệm chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo”.
“Đây chính là một thực tế hiện nay. Ngay như Đại học Quốc gia Hà Nội cũng phải chịu ảnh hưởng bởi chính sách này.
Thực tế, có nhiều giáo sư, phó giáo sư khi hết tuổi lao động nhưng còn đủ sức khỏe, minh mẫn, còn có khả năng giảng dạy, dẫn dắt nghiên cứu và cống hiến tốt, có mong muốn tiếp tục làm việc ở các trường đại học, viện nghiên cứu mà mình đã từng gắn bó, hoặc tại các cơ sở giáo dục đại học công lập lớn, có uy tín như Đại học Quốc gia Hà Nội; nhưng vì những quy định rào cản, nên sau khi đến tuổi nghỉ hưu, buộc phải chuyển ra làm ngoài đơn vị tư thục làm việc”, thầy Đức trăn trở.
Khi nói về quy định kéo dài thời gian công tác không quá 5 năm (60 tháng) sau tuổi nghỉ hưu đối với giáo sư và phó giáo sư có ảnh hưởng như thế nào đối với các cơ sở đào tạo có nhóm ngành đặc thù, Tiến sĩ Phạm Hùng Cường – Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp cho biết: “Đây sẽ là khó khăn chung của các cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt là đối với các trường đào tạo lĩnh vực đặc thù về nghệ thuật như Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp.
Bởi những rào cản về mặt cơ chế, chính sách sẽ khiến các trường có nhóm ngành đặc thù khó thu hút, giữ chân được đội ngũ giảng viên cao cấp (giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ), dẫn đến những bất lợi trong việc đào tạo ngành học.
Với một trường đào tạo đặc thù, không được hưởng cơ chế đặc thù, dẫn đến nguồn kinh phí chi cho điều kiện cơ sở vật chất, chế độ đãi ngộ đối với viên chức nói chung và đặc biệt đối với đội ngũ giảng viên chất lượng cao (phó giáo sư, giáo sư, tiến sĩ) cũng rất hạn hẹp.
So với mặt bằng chung, những đãi ngộ cho giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ của đơn vị thấp hơn nhiều, khó cạnh tranh với các cơ sở tư nhân”.
Cần có cơ chế đặc thù, tạo điều kiện cho giáo sư, phó giáo sư
Chính sách của Nhà nước quy định về độ tuổi nghỉ hưu được coi như một quyền lợi của người lao động sau quá trình cống hiến. Thế nhưng, làm sao để chính sách này được thực hiện một cách hợp lý, đặc biệt áp dụng với đội ngũ lao động đặc thù, thuộc trình độ trí thức cao trong xã hội lại là một điều cần phải xem xét.
Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Đình Đức cho biết, vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 45-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.
Nghị quyết số 45 này đã đánh giá khái quát về kết quả sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về đội ngũ trí thức.
Bên cạnh đó, Nghị quyết 45 cũng khẳng định: “Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh toàn diện là đầu tư cho xây dựng, bồi đắp “nguyên khí quốc gia” và phát triển bền vững; là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và xã hội.
Cần chú trọng phát triển đội ngũ trí thức Việt Nam cả trong và ngoài nước, có cơ chế, chính sách đột phá thu hút, trọng dụng trí thức, đặc biệt là trí thức tinh hoa, chuyên gia đầu ngành và nhân tài của đất nước; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng lớp trí thức trẻ, kế cận.
Tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng, học thuật, thực hành dân chủ trong hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo của trí thức vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; tạo môi trường, điều kiện và động lực để phát huy vai trò, sự cống hiến đặc biệt quan trọng của đội ngũ trí thức…”
Như vậy, nhiệm vụ của các đơn vị, cơ quan, bộ ngành không chỉ là phải tận dụng, phát huy, mà còn phải tạo mọi điều kiện thuận lợi cho đội ngũ trí thức (trong đó có các giáo sư, phó giáo sư) làm việc, cống hiến.
Giáo sư Đức nêu quan điểm: “Nhà nước cần cân nhắc về việc quy định tuổi nghỉ hưu đối với giáo sư, phó giáo sư, vì không phải ngẫu nhiên có thể đào tạo được đội ngũ này.
Theo tôi, cần phải xem xét lại về Nghị định số 50/2022/NĐ-CP. Trước đây Nghị định số 141/2013/NĐ-CP đã được thực hiện khá tốt, vì thế tôi nghĩ nên tiếp tục duy trì.
Ngoài ra, Nghị định liên quan đến vấn đề này chỉ nên áp dụng cho những người không đủ sức khỏe, có thể về hưu. Còn những người đủ sức khỏe, mong muốn cống hiến thì nên tận dụng. Nên để việc nghỉ hưu đối với các giáo sư, phó giáo sư là quyền, chứ không phải là nghĩa vụ bắt buộc.
Đặc biệt, trong bối cảnh tự chủ đại học như hiện nay, các cơ sở giáo dục đại học hoàn toàn có thể làm được điều đó. Vậy nên để các trường tự quyết để thu hút đội ngũ giáo sư, phó giáo sư chứ không đề ra những quy định mang tính rào cản”.
Thầy Đình Đức cũng cho rằng, Nhà nước cũng nên có chính sách để tạo điều kiện cho các giáo sư, phó giáo sư được tiếp tục làm quản lý cấp chuyên môn như chủ nhiệm bộ môn, trưởng nhóm nghiên cứu, trưởng phòng thí nghiệm… tại các tổ chức khoa học then chốt.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Tứ Thành – Đại học Bách Khoa Hà Nội, nếu chưa thay đổi về quy định tuổi nghỉ hưu cao hơn đối với viên chức giáo sư, phó giáo sư thì Nhà nước nên có thêm các chính sách, quy định và phân chia rõ ràng về quyền lợi cho đội ngũ này.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://giaoduc.net.vn/khoang-50-so-luong-gs-pgs-duoc-cong-nhan-hang-nam-lam-viec-tai-ha-noi-post239390.gd