Thu nhập trung bình của SV tốt nghiệp ngành Khoa học máy tính là 15 triệu/tháng

Theo PGS.TS Lê Sỹ Vinh, trong kỷ nguyên số, ngành Khoa học máy tính phát triển mạnh mẽ, đóng vai trò quan trọng với các công nghệ lõi về trí tuệ nhân tạo.

Khoa học máy tính là một trong những ngành học đang thu hút được sự quan tâm của rất nhiều học sinh, nhất là trong kỷ nguyên số với nhu cầu tuyển dụng nhân lực cao đồng thời mức thu nhập của ngành này cũng vô cùng hấp dẫn.

Tuy nhiên, để trúng tuyển vào ngành học này cũng không phải đơn giản. Nhiều trường đại học lấy điểm rất cao từ 27-29 điểm/3 môn. Thậm chí ngay cả thủ khoa cả nước cũng trượt đại học khi đăng ký xét tuyển ngành Khoa học máy tính.

Ngành học phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên số

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Sỹ Vinh, Chủ nhiệm Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay:

Trong hai năm gần đây chỉ tiêu ngành Khoa học máy tính của nhà trường khoảng hơn 300 sinh viên/năm với các hình thức tuyển sinh khác nhau như: xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông (khoảng trên 27 điểm); Thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội. Đặc biệt nhiều em đạt giải quốc tế, quốc gia, giải tỉnh các kì thi học sinh giỏi Tin, Toán và Vật lý được tuyển thẳng.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Sỹ Vinh, Chủ nhiệm Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội.

Cũng theo thầy Vinh, Khoa học máy tính là ngành nghiên cứu các cơ sở lý thuyết về thông tin và tính toán cùng việc thực hiện, ứng dụng của chúng trong hệ thống máy tính.

Trong kỷ nguyên số, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, ngành Khoa học máy tính phát triển mạnh mẽ, đóng vai trò vô cùng quan trọng với các công nghệ lõi về máy tính, trí tuệ nhân tạo,…

Trong khi đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Trần Vũ – Trưởng khoa Khoa học và Kỹ thuật Máy tính, Trường Đại học Bách Khoa – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh thông tin: Chỉ tiêu tuyển sinh ngành Khoa học máy tính những năm gần đây của trường có xu hướng tăng lên.

Chương trình đào tạo ngành Khoa học máy tính của trường ở bậc đại học được kiểm định bởi ABET – tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đại học các chương trình thuộc lĩnh vực công nghệ của Hoa Kỳ.

Hiện nay, trường có cách thức xét tuyển mới, khác biệt nhiều so với các cơ sở đào tạo khác ở Việt Nam. Cách xét tuyển của trường hiện nay tập trung vào năng lực tổng thể của người học. Với cách xét tuyển này, điểm chuẩn vào ngành Khoa học máy tính cũng nằm trong top cao nhất trong số các chương trình đào tạo của trường.

Thầy Vũ cũng cho biết thêm, với chương trình học ngành Khoa học máy tính, tỉ lệ thời gian giữa lý thuyết và thực hành trên lớp thường là 1:1. Bên cạnh các giờ thực hành ở phòng thí nghiệm, sinh viên sẽ phải hoàn thành các bài tập lớp, dưới dạng đồ án ở các môn học chuyên ngành.

Trong chương trình đào tạo, sinh viên bắt buộc phải tham gia thực tập ở các doanh nghiệp tối thiểu 8 tuần. Sinh viên phải hoàn thành chương trình thực tập mới có thể làm đồ án tốt nghiệp.

Là người trực tiếp giảng dạy bộ môn Khoa học máy tính ở Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), Tiến sĩ Lê Đức Trọng – Chủ nhiệm Bộ môn Khoa học máy tính thông tin: Mục tiêu của chương trình đào tạo cử nhân Khoa học máy tính là nhằm đào tạo những sinh viên giỏi về chuyên môn và cao về kỹ năng định hướng công nghiệp, đáp ứng được nhu cầu sử dụng nhân lực trình độ cao của các công ty, tập đoàn lớn về công nghệ thông tin tại Việt Nam cũng như thế giới.

Bên cạnh đó, chương trình cũng hướng tới góp phần đào tạo, bồi dưỡng các sinh viên tài năng định hướng học thuật, được hướng dẫn để phát triển khả năng nghiên cứu, xây dựng các mô hình, thuật toán, công nghệ lõi thuộc lĩnh vực Khoa học máy tính, để trở thành đội ngũ nhà khoa học kế cận tại các trường đại học, trung tâm, viện nghiên cứu trong tương lai.

Thầy Trọng cũng cho biết, trong 3 học kỳ đầu, sinh viên ngành Khoa học máy tính được trang bị các kiến thức cơ sở của ngành công nghệ thông tin, thực hành tại phòng máy nhằm củng cố kiến thức và nâng cao kỹ năng về lập trình, tư duy lập trình, giải quyết vấn đề thông qua các học phần như nhập môn lập trình, lập trình nâng cao, cấu trúc dữ liệu và giải thuật…

Dựa trên cơ sở đó, trong những kỳ tiếp theo, sinh viên được học và thực hành các học phần chuyên ngành phát triển kiến thức, kỹ năng theo bốn định hướng chuyên sâu bao gồm: “phát triển phần mềm và ứng dụng”, “các hệ thống ứng dụng trí tuệ nhân tạo”, “phân tích dữ liệu thông minh” và “tương tác người máy”.

Tiến sĩ Lê Đức Trọng – Chủ nhiệm Bộ môn Khoa học máy tính, Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội. 

Cả bốn định hướng đều trang bị kiến thức chuyên ngành nền tảng, cho phép sinh viên phát triển theo hướng học thuật và công nghiệp. Đa số các học phần chuyên ngành đều sử dụng hình thức thi, đánh giá cuối kỳ qua việc thực hiện “bài tập lớn”, trong đó khuyến nghị sinh viên đề xuất, giải quyết các bài toán thực tế sử dụng kiến thức thu nhận được trong học phần.

Bên cạnh đó, nhằm giúp sinh viên nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm thực tế tại cơ quan, tổ chức sau khi tốt nghiệp, ở kỳ hè năm 3, khoa triển khai học phần thực tập doanh nghiệp trong thời gian 3 tháng.

Trong đó, đối với sinh viên theo hướng công nghiệp, đăng ký thực tập tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nằm trong mạng lưới hợp tác của Khoa Công nghệ thông tin. Khoa phân công cán bộ giảng viên hỗ trợ những sinh viên này trong suốt thời gian thực tập.

Đối với sinh viên theo hướng học thuật, đăng ký thực tập nghiên cứu trực tiếp với các cán bộ giảng viên của khoa. Kết thúc thời gian học tập, tất cả sinh viên hoàn thành báo cáo thực tập có nhận xét, xác nhận của nơi thực tập và cán bộ hướng dẫn nộp về Văn phòng Khoa.

Tiến sĩ Lê Đức Trọng thông tin, mức học phí với sinh viên ngành Khoa học máy tính khoảng 35 triệu đồng/năm học (10 tháng). Sinh viên chỉ cần có máy tính cá nhân để phục vụ học tập và tự thực hành.

Cơ hội việc làm rộng mở, mức lương có thể lên tới 100 triệu đồng/ tháng

Chia sẻ về cơ hội việc làm và mức lương của ngành này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Sỹ Vinh cho hay: Theo kết quả khảo sát của nhà trường trong 3 năm gần đây, gần như tất cả các sinh viên tốt nghiệp ngành Khoa học máy tính đều có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Trong đó đa số thuộc khối doanh nghiệp, công ty tư nhân chiếm gần 50%, khối nhà nước chiếm khoảng trên 15%, một tỷ lệ không nhỏ khởi nghiệp (tự tạo việc làm).

“Mức lương trung bình sau khi tốt nghiệp khoảng 15 triệu đồng. Nhiều sinh viên xuất sắc ra trường có mức thu nhập lên tới 50-100 triệu đồng/tháng khi làm cho các tập đoàn công nghệ lớn hoặc công ty nước ngoài”, thầy Vinh thông tin.

Cơ hội việc làm của ngành Khoa học máy tính cực kỳ rộng mở

Anh Nguyễn Thành Nhân – cựu sinh viên ngành Khoa học máy tính, Trường Đại học Bách Khoa – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá đây là một ngành học có cơ hội việc làm rộng mở với rất nhiều sự lựa chọn, thu nhập cũng ở mức tương đối cao.

“Tôi bắt đầu làm việc từ năm 3 đại học, sau khi tốt nghiệp năm 2022, tôi vẫn tiếp tục công việc này. Công việc của tôi cũng liên quan trực tiếp đến ngành Khoa học máy tính. Hiện tại, tôi đang làm kỹ sư phần mềm tại Shopee Việt Nam.

Tôi thấy cơ hội việc làm của ngành Khoa học máy tính rất rộng mở và có rất nhiều sự lựa chọn. Hiện tại mức thu nhập của tôi đã đáp ứng được nhu cầu cuộc sống và tôi hoàn toàn có thể tự lập. Mức thu nhập của ngành này về cơ bản khá tốt, có thể đáp ứng được mức sống ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Mức thu nhập của nhân viên IT cũng khá cao. Với sinh viên mới ra trường nhiều doanh nghiệp có thể trả mức khởi điểm 8 triệu đồng/ tháng. Còn với những bạn giỏi, có kiến thức và kỹ năng cao thì công ty có thể trả mức lương lên tới 1.000 USD/1 tháng. Ở những vị trí quản lý hay người có nhiều kinh nghiệm hơn thì mức thù lao còn cao hơn rất nhiều”.

Thành Nhân cũng cho biết thêm với mỗi doanh nghiệp sẽ có những công nghệ khác nhau nhưng những kiến thức nền tảng thì đòi hỏi các bạn phải nắm chắc.

“Vì thế, tôi cũng dành lời khuyên cho các bạn sinh viên khi còn ngồi trên ghế nhà trường nên nắm chắc các kiến thức nền tảng. Có như vậy, sau khi ra trường, thời gian bạn thích nghi với doanh nghiệp sẽ được rút ngắn lại, các doanh nghiệp cũng sẽ đánh giá bạn cao hơn.

Trường Đại học Bách Khoa đã dạy cho tôi các kiến thức nền tảng rất vững chắc. Có nhiều kiến thức từ khi đi học đến nay tôi vẫn ứng dụng vào làm việc. Ngoài ra, kiến thức về Khoa học máy tính nói riêng và Công nghệ thông tin nói chung thì không ngừng cập nhật nên cũng đòi hỏi bản thân tôi và đồng nghiệp phải luôn cập nhật các kiến thức mới để tự nâng cao năng lực của bản thân. Đặc biệt, tiếng Anh là yếu tố rất quan trọng với ngành Khoa học máy tính”, Thành Nhân bày tỏ.

Nhiều trường phải tăng quy mô đào tạo, đáp ứng nhu cầu xã hội

Chia sẻ về những thuận lợi và khó khăn khi đào tạo ngành Khoa học máy tính, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Sỹ Vinh bày tỏ: Ngành Công nghệ thông tin nói chung, trong đó có ngành Khoa học máy tính đang là một ngành nghề “hot” của xã hội. Tỷ lệ sinh viên sau khi tốt nghiệp có việc làm ở mức cao với mức lương tốt. Vì vậy, nhu cầu đào tạo hay lượng “sinh viên tiềm năng” là rất lớn.

Vị thế và hình ảnh của nhà trường nói chung, Khoa Công nghệ thông tin nói riêng từng bước được khẳng định chất lượng đào tạo trong gần 20 năm xây dựng và phát triển. Hiện nay, Trường Đại học Công nghệ là một trong những đơn vị đào tạo, nghiên cứu hàng đầu về Công nghệ thông tin, đặc biệt là ngành Khoa học máy tính tại Việt Nam. Chính vì vậy, ngành Khoa học máy tính thu hút được nguồn sinh viên chất lượng từ các trường trung học phổ thông trên toàn quốc, điểm đầu vào tương đối ổn định ở mức cao (trên 27 điểm).

Đội ngũ cán bộ giảng viên, chuyên gia được đào tạo bài bản tại các đơn vị trong và ngoài nước. Nhà trường nhận được sự quan tâm, đầu tư của Đại học Quốc gia Hà Nội trong nâng cao quy mô, chất lượng đội ngũ cán bộ giảng viên cũng như cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ nghiên cứu, giảng dạy.

Tuy nhiên, theo thầy Vinh nhà trường cũng gặp phải một số thách thức:

Ngành Công nghệ thông tin nói chung, và ngành Khoa học máy tính nói riêng thay đổi không ngừng theo xu hướng chung của thế giới đòi hỏi đội ngũ cán bộ giảng viên cũng cần thay đổi, cập nhật kiến thức, công nghệ thường xuyên để đảm bảo chất lượng giảng dạy, nghiên cứu;

Với sự tăng lên về quy mô đào tạo, yêu cầu phát triển của ngành, cơ sở hạ tầng, thiết bị cũng cần nâng cấp nhằm đáp ứng các nhu cầu về tính toán song song, tính toán hiệu năng cao;

Quy mô đào tạo tăng lên, đòi hỏi tăng về quy mô số lượng cán bộ giảng viên, chuyên gia. Việc tuyển dụng thêm cũng gặp nhiều khó khăn do việc cạnh tranh về cơ hội và mức đãi ngộ so với khối công nghiệp, đặc biệt với các nhân lực chất lượng cao, chuyên gia về AI, phân tích dữ liệu.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Trần Vũ – Trưởng khoa Khoa học và Kỹ thuật Máy tính, Trường Đại học Bách Khoa – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho biết nhu cầu xã hội về lao động lĩnh vực Công nghệ thông tin nói chung và ngành Khoa học máy tính nói riêng tăng nhanh. Do vậy, trường phải tăng quy mô đào tạo để đáp ứng nhu cầu của xã hội, của thị trường lao động.

Song song với việc tăng quy mô, trường đã và đang đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất cũng như phát triển năng lực đội ngũ giảng viên nhằm tạo điều kiện học tập tối ưu cho đông đảo sinh viên, đồng thời đảm bảo chất lượng đào tạo luôn đáp ứng được các chuẩn mực quốc tế.

Theo Báo Giáo dục Việt Nam

Bài viết liên quan