Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội: 25 năm hướng đến phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội, quốc gia
Bắt đầu
End
Ngày 18/10/1999, Giám đốc ĐHQGHN đã ký quyết định số 1348/TCCB thành lập Khoa Công nghệ trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại Khoa Công nghệ Thông tin và Khoa CN ĐT-VT thuộc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên thành hai ngành thuộc Khoa Công nghệ. Ngày 25/5/2004, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 92/2004/QĐ-TTg thành lập Trường ĐHCN trên cơ sở khoa Công nghệ và Trung tâm Hợp tác Đào tạo và Bồi dưỡng Cơ học thuộc ĐHQGHN. Trải qua chặng đường gần 25 năm xây dựng và phát triển, nhà trường đã khẳng định vị thế là một trong những trường đại học đào tạo, nghiên cứu về công nghệ, kỹ thuật hàng đầu cả nước và đang từng bước tiếp cận chuẩn mực quốc tế.
Quyết sách sáng tạo và Nhân tố cá nhân kiệt xuất
Năm 1993, ĐHQGHN được thành lập trên cơ sở sắp xếp tổ chức lại từ ba trường đại học hàng đầu đó là Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Trường Đại học Sư Phạm Ngoại ngữ Hà Nội để trở thành một trung tâm đại học với cơ cấu đa ngành, đa lĩnh vực. Bằng cơ chế tự chủ cao, ĐHQGHN đã có quyết sách sáng tạo trong việc hình thành và phát triển lĩnh vực công nghệ.
Ngày 18/10/1999, Khoa Công nghệ, tiền thân của Trường ĐH Công nghệ, là khoa trực thuộc đầu tiên của ĐHQGHN, được thành lập trên cơ sở Khoa Công nghệ Thông tin và Khoa Công nghệ Điện tử – Viễn thông thuộc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên. Đây là mô hình rất đặc biệt và đặc thù, chỉ có ở ĐHQGHN.
Sau khi thành lập khoa, GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu – Chủ nhiệm khoa Công nghệ và GS.VS. Nguyễn Văn Đạo – Giám đốc ĐHQGHN với những uy tín trong khoa học và quản trị, với những quyết sách sáng tạo, quyết liệt và tầm nhìn xa, đến ngày 25/5/2004, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định thành lập Trường ĐH Công nghệ. GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu, Hiệu trưởng sáng lập của Nhà trường, với tấm lòng vì sự nghiệp giáo dục và đào tạo đã gửi gắm vào sự ra đời của Trường ĐH Công nghệ, cụm từ “Bồi dưỡng nhân tài” được thể hiện trong Quyết định thành lập Nhà trường. Kể từ đó, sứ mạng “Bồi dưỡng nhân tài” luôn được coi là niềm tự hào, là mệnh lệnh và là kim chỉ nam của biết bao thế hệ cán bộ, giảng viên Nhà trường.
GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu, Hiệu trưởng sáng lập của Nhà trường phát biểu trong Lễ công bố quyết định thành lập và Khai giảng năm học 2004 – 2005
Vai trò cá nhân kiệt xuất của cố GS.VS.NGND. Nguyễn Văn Hiệu cùng việc quy tụ một lực lượng lớn các cán bộ có trình độ cao từ các trường đại học thành viên thuộc ĐHQGHN và các Viện nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã giúp Trường ĐHCN (tiền thân là khoa Công nghệ) nhanh chóng lớn mạnh về đội ngũ cán bộ chuyên môn và cán bộ khoa học.
Phát triển bền vững và thực hiện trách nhiệm xã hội, quốc gia
Từ những ngày thành lập, kế thừa những hoạt động bồi dưỡng nhân tài từ bậc phổ thông, bậc đại học, bậc sau đại học, đến nay Trường ĐH Công nghệ đã thu hút được nhiều cán bộ khoa học, giảng viên được đào tạo trong nước và quốc tế, thông qua chính sách thu hút và bồi dưỡng cán bộ đầu ngành, đầu đàn. Đặc biệt, chính sách “cán bộ tạo nguồn” của GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu là cơ sở và nền tảng để Nhà trường đạt thành tựu về khoa học công nghệ và đào tạo như ngày hôm nay. Những ngày đầu với 17 cán bộ, viên chức đến nay với hơn 300 cán bộ, trong đó giảng viên, nghiên cứu viên chiếm tỷ lệ 75%. Đội ngũ cán bộ, giảng viên và nghiên cứu viên chất lượng cao đã góp phần phát triển vào sự nghiệp giáo dục đào tạo và xây dựng thương hiệu Trường ĐH Công nghệ.
Cho đến nay, Nhà trường đang từng bước hoàn thiện và phát triển định hướng nghiên cứu, triển khai một số lĩnh vực mới trên cơ cơ sở phát huy thế mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông, với việc thành lập thêm các đơn vị mới gồm Viện Công nghệ hàng không vũ trụ (2017), Viện Tiên tiến về kỹ thuật và công nghệ (2017), Khoa công nghệ nông nghiệp (2018), Viện Trí tuệ nhân tạo (2022), Khoa công nghệ xây dựng – giao thông (2022). Những lĩnh vực này được xây dựng và xác lập tầm nhìn chiến lược và sứ mệnh của Trường ĐH Công nghệ “lấy Khoa học cơ bản mạnh mẽ làm nền tảng vững chắc để phát triển các ngành và lĩnh vực khoa học công nghệ hiện đại của thế kỷ 21 theo hướng Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Công nghệ Nano, Công nghệ Sinh học và Tự động hóa”.
Hợp tác với Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel xúc tiến Thành lập Viện Công nghệ hàng không vũ trụ và mở chương trình đào tạo đại học về hàng không vũ trụ năm 2017
Lễ ra mắt khoa Công nghệ Nông nghiệp năm 2018
Lễ ra mắt Viện Trí tuệ nhân tạo năm 2022
Lễ ra mắt Khoa Công nghệ Xây dựng – Giao thông nhân dịp kỷ niệm 19 năm thành lập và công bố quyết định công nhận Chủ tịch Hội đồng Trường, Hiệu trưởng nhà trường
Môi trường đào tạo chuẩn mực chất lượng cao đã được thiết lập với hệ thống chương trình đào tạo được phát triển, hoàn thiện ở mọi bậc đào tạo theo hướng tiên tiến, hiện đại; Chất lượng đào tạo được xã hội ghi nhận, đánh giá cao; là đơn vị đào tạo đi đầu trong việc kiểm định cơ sở giáo dục cũng như kiểm định chương trình đào tạo. Đến nay, Trường ĐH Công nghệ có 13 chương trình đào tạo đã được kiểm định theo tiêu chuẩn AUN-QA và tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Từ ngày 8/11 – 12/11/2022, Đoàn đánh giá ngoài đến từ Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (CEA) đã hoàn thành đợt khảo sát chính thức, đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục tại Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội
Từ ngày 04/10 – 08/10/2023, Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Thăng Long đã khảo sát chính thức đánh giá chất lượng 07 chương trình đào tạo trình độ đại học của Trường Đại học Công nghệ
Đến nay, quy mô đào tạo của trường đạt gần 8000 sinh viên với chất lượng đầu vào cao, thuộc một trong những trường đại học có điểm trúng tuyển cao nhất cả nước trong khối các trường đào tạo kỹ thuật và công nghệ, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm cao, đạt hơn 95%. Năm 2023, Nhà trường tuyển sinh 1865/1850 chỉ tiêu với chất lượng tuyển sinh tốt. Đặc biệt, năm 2023, Nhà trường triển khai mô hình giáo dục toàn diện tại Hòa Lạc cho hơn 700 sinh viên năm thứ nhất thuộc các chương trình đào tạo Công nghệ thông tin, Công nghệ thông tin định hướng thị trường Nhật Bản, Kỹ thuật máy tính, Công nghệ Hàng không vũ trụ, Vật lý kỹ thuật, Kỹ thuật năng lượng, Cơ Kỹ thuật, Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa.
Hơn 700 tân sinh viên khóa QH-2023-I/CQ (K68) được học tập với mô hình giáo dục toàn diện tại Hòa Lạc
Nhà trường đã khẳng định được năng lực nghiên cứu; phát triển được môi trường nghiên cứu tích cực với các chính sách giao quyền chủ động về hoạt động khoa học và công nghệ, cũng như nhiều chính sách đổi mới trong hoạt động đã thúc đẩy và thu hút nhiều đề tài dự án nghiên cứu với tổng kinh phí lớn. Các nhà khoa học của trường chủ trì nhiều đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước, cấp bộ và nhiều công bố khoa học trên các tạp chí ISI/Scopus. Nhà trường chủ trì Hội thảo quốc tế thường niên về Công nghệ thông tin, Hội thảo quốc tế ICAMA được tổ chức 2 năm một lần và Hội thảo thường niên về Vật liệu tiên tiến. Đặc biệt, năm 2023, Nhà trường đăng cai tổ chức các hội thảo lớn, có uy tín, thu hút nhiều đại biểu trong nước và quốc tế tham dự như Hội thảo “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kĩ thuật, Toán học (STEM), thực hiện đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”; diễn đàn “SEMI SEA TalentCONNECT”; Hội thảo quốc tế của IEEE về Xử lý tín hiệu thống kê lần thứ 22.
Ngày 26/9/2023, Trường Đại học Công nghệ – ĐHQGHN là đơn vị đăng cai Hội thảo khoa học “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kĩ thuật, Toán học (STEM), thực hiện đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”
Ngày 28/9/2023, tại Trường Đại học Công nghệ – ĐHQGHN, diễn đàn “SEMI SEA TalentCONNECT” được tổ chức bởi Hiệp hội bán dẫn Đông Nam Á (SEMI SEA) – Thành viên của SEMI toàn cầu, Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông – Bộ Thông tin và Truyền thông và Trường Đại học Công nghệ – ĐHQGHN
Từ năm 2019 đến nay, nhiều lĩnh vực của trường liên tiếp có mặt trên các bảng xếp hạng quốc tế như THE, QS ranking. Năm 2023, Nhà trường có 4/6 lĩnh vực được QS Rankings xếp hạng: Kỹ thuật và công nghệ xếp hạng 451-500; Khoa học máy tính và Hệ thống thông tin xếp hạng 501-550; Cơ kỹ thuật, hàng không và chế tạo xếp hạng 501-520; Kỹ thuật điện và điện tử xếp hạng 501-520.
Nhà trường rất tự hào khi là một số ít trường đại học có nhiều thành công trong mô hình hợp tác Trường – Viện – Doanh nghiệp với ví dụ điển hình Khoa Cơ học kỹ thuật và tự động hóa là kết quả hợp tác của Trường ĐH Công nghệ, Viện Cơ học, và Tổng công ty IMI. Tiếp nối thành công của mô hình này Nhà trường mở rộng hợp tác một số đơn vị như Viện Công nghệ Hàng không vũ trụ hợp tác với Tập đoàn Công nghiệp viễn thông – quân đội Viettel, một số ngành đào tạo hợp tác với Samsung, LG.
Ngày 30/8/2023, Trường Đại học Công nghệ hợp tác mở chuyên ngành Công nghệ màn hình tiên tiến với LG Display Việt Nam Hải Phòng
Từ năm 2011, Trường ĐHCN được được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) giao nhiệm vụ tập huấn đội tuyển quốc gia tham gia cuộc thi Olympic Tin học quốc tế (IOI). Với những kết quả đạt được của tại cuộc thi IOI, Trường ĐHCN tiếp tục có được sự tín nhiệm của Bộ GD&ĐT đối với cuộc thi Olympic Tin học châu Á – Thái Bình Dương (APIO) khi Việt Nam lần đầu tiên tham gia vào năm 2013. Năm 2022 là năm đội tuyển sinh viên đạt thành tích cao nhất với Huy chương Đồng tại kỳ thi Chung kết toàn cầu Lập trình sinh viên quốc tế ACM/ICPC và là lần đầu tiên đại diện của Việt Nam cũng như các nước khối ASEAN có giải trong kỳ thi này.
Đội EggCentroy tới từ Trường ĐH Công nghệ nhận huy chương Đồng tại vòng Chung kết toàn cầu Cuộc thi lập trình sinh viên quốc tế ACM/ICPC 2022 (Đây là lần đầu tiên đại diện của các nước ASEAN có giải trong kỳ thi lập trình danh giá nhất toàn cầu)
Tiếp nối nhiệt huyết, tấm lòng cao cả vì sự nghiệp giáo dục của GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu, lãnh đạo, giảng viên, cán bộ Nhà trường sẽ quyết tâm đồng lòng, đoàn kết, phấn đấu với mục tiêu đến năm 2035, trở thành một trường đại học kỹ thuật công nghệ hàng đầu trong nước, nằm trong nhóm các trường đại học tiên tiến ở Châu Á; một trung tâm xuất sắc, đi đầu trong đào tạo tài năng, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ với giá trị cốt lõi: “Đổi mới sáng tạo, Hợp tác, Chất lượng cao, Nhân văn”, Triết lý giáo dục: Sáng tạo và vun đắp giá trị nhân văn của công nghệ và khẩu hiệu hành động “Sáng tạo – Tiên phong – Chất lượng cao”.
Trường ĐHCN là trường đại học thành viên của ĐHQGHN, được thành lập ngày 25/5/2004 theo Quyết định số 92/2004QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, trên cơ sở tổ chức lại Khoa Công nghệ và Trung tâm Hợp tác Đào tạo và Bồi dưỡng Cơ học thuộc ĐHQGHN, với đặc trưng điển hình nhất trong sứ mạng và nhiệm vụ của Trường là “Bồi dưỡng nhân tài”. Một điểm mốc rất có ý nghĩa lịch sử (được chọn là Ngày Truyền thống của Nhà trường) là ngày 18/10/1999, hợp nhất Khoa Công nghệ Thông tin và Khoa Công nghệ Điện tử- Viễn thông thuộc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên thành Khoa Công nghệ trực thuộc ĐHQGHN (đơn vị tiền thân của Trường ĐHCN). GS.VS. NGND Nguyễn Văn Hiệu – nhà khoa học có uy tín quốc tế của Việt Nam – là Hiệu trưởng sáng lập của Trường.
(UET-News)