(VTV1) GS.VS. NGND. Nguyễn Văn Hiệu – Nhà Vật lý lỗi lạc, tổng công trình sư của khoa học Việt Nam

GS.VS. NGND. Nguyễn Văn Hiệu (1938-2022) là một trong số ít các nhà khoa học Việt Nam coi khoa học là sự nghiệp suốt đời. Số công trình khoa học của GS lên tới trên 200 công trình, trải rộng trên nhiều lĩnh vực. Ông là Hiệu trưởng sáng lập của Trường Đại học Công nghệ – ĐHQGHN (VNU-UET).

Năm 1964, khi mới 26 tuổi, ông bảo vệ luận án tiến sĩ khoa học, đây là lần đầu tiên ở Liên Xô có người bảo vệ tiến sĩ khoa học chỉ đúng một năm sau khi bảo vệ tiến sĩ. Đặc biệt là còn với hai lĩnh vực nghiên cứu hoàn toàn khác nhau. Khi mới 30 tuổi, ông được công nhận chức danh giáo sư vật lý lý thuyết và vật lý toán của Viện Dubna, Liên Xô (cũ) và Đại học Tổng hợp Lomonosov. Năm 1982, GS Nguyễn Văn Hiệu được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô (nay là Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga). Năm 1984, GS Nguyễn Văn Hiệu tiếp tục được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học thế giới thứ ba, Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Czech; rồi Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Cộng Hòa Dân Chủ Đức vào năm 1985. 

GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu có những quyết sách sáng tạo trong lĩnh vực nghiên cứu và đào tạo. Cụ thể là việc thành lập Viện khoa học vật liệu (năm 1993) – đánh dấu sự ra đời của viện nghiên cứu chuyên ngành lớn nhất Việt Nam về khoa học và vật liệu; Trường Đại học Công nghệ – ĐHQGHN (năm 2004) – mở ra lĩnh vực nghiên cứu, đào tạo mới về khoa học và công nghệ chưa từng có tại ĐHQGHN. Đặc biệt, Giáo sư có một niềm say mê phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước, giải quyết các bài toán liên quan đến nhân lực, công nghệ và đời sống dân sinh cho xã hội. Với tầm nhìn xa, GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu đã thành lập Trường Đại học Công nghệ với sứ mạng đào tạo nhân lực, nhân tài cho đất nước. Sau 20 năm phát triển, Nhà trường vẫn giữ nguyên sứ mạng của GS đặt ra từ ngày đầu thành lập và đang từng bước cố gắng thực hiện sứ mạng đó.

Với uy tín trong khoa học và quản lý, GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu đã được Đảng, Nhà nước giao nhiều trọng trách chức vụ quan trọng. Ông là Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam 03 khoá VI, VII và VIII và là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá V. Ông còn là đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam 05 khoá IV, V, VI, VII và VIII và là Viện trưởng Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Ở cương vị nào ông cũng luôn thể hiện trách nhiệm cao với đất nước, dân tộc. Ông luôn có ý kiến sắc sảo khi thảo luận ở các hội nghị của Đảng và Quốc hội về những vấn đề liên quan đến khoa học công nghệ và giáo dục của đất nước, cũng như có nhiều tư vấn rất có giá trị cho các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước qua các thời kỳ.

Với những cống hiến và đóng góp trong lĩnh vực giáo dục và khoa học công nghệ, năm 1986, GS. VS Nguyễn Văn Hiệu được Nhà nước Liên Xô trao tặng Giải thưởng Lê-nin về Khoa học và Kỹ thuật với khám phá về định luật bất biến kích thước của quá trình sinh hạt. Giải thưởng Lenin (tiếng Nga: Ленинская премия, chuyển tự Latinh: Leninskaya Premiya) là một trong những giải thưởng uy tín nhất của Liên Xô trao cho các thành tựu khoa học, công nghệ, văn học, nghệ thuật và kiến trúc. Ông là người Việt Nam duy nhất từng được nhận giải thưởng này.

Năm 1996, GS. VS Nguyễn Văn Hiệu được Nhà nước Việt Nam trao giải thưởng Hồ Chí Minh về tập hợp các công trình nghiên cứu mà ông đã thực hiện trong nhiều năm trước đó, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương độc lập hạng nhất (năm 2009), danh hiệu Nhà giáo nhân dân (năm 2010).

Những chia sẻ dưới đây của GS.TS Chử Đức Trình – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội cùng đồng nghiệp, học trò và người thân của GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu được phát sóng tại chương trình “Ánh sáng tri thức: Khoa học là lẽ sống” ngày 08/11/2023 với chủ đề về GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu – Nhà Vật lý lỗi lạc, tổng công trình sư của khoa học Việt Nam do Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất, sẽ giúp bạn đọc hiểu thêm về cuộc đời, sự nghiệp và những thành tựu của GS trong nghiên cứu khoa học, đào tạo.

Theo VTV

 

Bài viết liên quan