Hội thảo khoa học “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kĩ thuật, Toán học (STEM), thực hiện đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”

Ngày 26/9/2023, Trường Đại học Công nghệ, ĐHQGHN (VNU_UET) là đơn vị đăng cai Hội thảo khoa học “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kĩ thuật, Toán học (STEM), thực hiện đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”, tại Hội trường Nguyễn Văn Đạo. Sự kiện này do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức.

Tham dự hội thảo, về phía Ban Tuyên giáo Trung Ương có ông Vũ Thanh Mai – Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung Ương cùng lãnh đạo, đại diện các Vụ, cục chức năng trực thuộc. Về phía hai Đại học Quốc gia có PGS.TS. Nguyễn Hoàng Hải – Phó Giám đốc ĐHQGHN, PGS.TS. Nguyễn Minh Tâm – Phó Giám đốc ĐHQG TP. HCM. Về phía Trường ĐH Công nghệ có GS.TSKH. Nguyễn Đình Đức – Chủ tịch Hội đồng Trường, Trưởng Ban tổ chức Hội thảo, GS.TS. Chử Đức Trình – Hiệu trưởng Trường. Hội thảo còn có sự tham dự của đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Khoa học và Công nghệ, Vụ khoa giáo – văn xã (Văn phòng Chính phủ); Vụ Văn hóa – Giáo dục (Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội); lãnh đạo của các đại học vùng; các trường đại học đào tạo các ngành kỹ thuật – công nghệ, kinh tế và các lĩnh vực khoa học cơ bản; đại diện một số sở giáo dục đào tạo của một số địa phương trong cả nước và các trường trung học phổ thông chuyên, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

STEM – tiềm năng phát triển các ngành khoa học và công nghệ

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN – Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo chia sẻ về khái niệm, sự phát triển, tầm quan trọng của giáo dục STEM trên thế giới. Giáo sư cho biết: “Khái niệm STEM là viết tắt của cụm từ Khoa học, Công nghệ, Kỹ nghệ và Toán học (Science, Technology, Engineering and Math) và lần đầu tiên được Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ở Mỹ đưa ra vào năm 2001”. Chia sẻ giáo dục STEM tại Việt Nam, Giáo sư nhắc đến những chính sách Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về việc xây dựng đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ tại Quyết định số 579/QĐ-TTg ngày 19-4-2011 phê duyệt Chiến lược phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2020, Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 và năm 2022, là lần thứ 2 thuật ngữ STEM đã xuất hiện trong văn kiện chiến lược chính thức của Đảng và Nhà nước ta tại Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 ban hành Chiến lược phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo đến năm 2030.

Lĩnh vực STEM đang phát triển mạnh mẽ và được đánh giá là một trong những nguồn lực có tính chiến lược quan trọng nhất để đất nước nắm bắt những cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 để bứt phá đi lên. Phát biểu đề dẫn của GS. TSKH Nguyễn Đình Đức cho thấy: giai đoạn 1996-2022 Việt Nam đã công bố 119308 bài báo quốc tế, và số lượng công bố quốc tế của Việt Nam liên tục tăng mạnh trong những năm gần đây. Từ vị trí 76 thế giới năm 1996 về công bố khoa học, nước ta đã vươn lên vị trí 46 thế giới vào năm 2022, và chiếm phần lớn trong số đó là các công bố trong các lĩnh vực liên quan đến STEM.

GS.TSKH. Nguyễn Đình Đức – Chủ tịch Hội đồng Trường, Trưởng Ban tổ chức Hội thảo

Về giáo dục đào tạo, từ năm 2018 cho đến nay, hai ĐHQG, ĐH Bách khoa Hà Nội cùng một số trường đại học khác đã liên tiếp lọt vào top 1000 các trường đại học thế giới theo bảng xếp hạng đại học uy tín như QS, THE, WURN. Năm 2022, ĐHQGHN có 6 lĩnh vực được xếp hạng top 500 thế giới trong bảng xếp hạng QS ranking; riêng lĩnh vực Kỹ thuật và Công nghệ đã được xếp hạng 386 thế giới. Điều đáng nhấn mạnh là tất cả các trường, các lĩnh vực lọt vào các bảng xếp hạng này đều thuộc về các trường đại học có uy tín về đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực STEM của Việt Nam.

Trong năm 2022, 2023, tổ chức Research.com đã thống kê và xếp thứ hạng các nhà khoa học về công bố quốc tế trên thế giới. Và các nhà khoa học Việt Nam được ghi nhận và xếp hạng trong 6 lĩnh vực: kỹ thuật công nghệ, khoa học máy tính, khoa học môi trường, khoa học vật liệu, cơ khí – hàng không, và y tế cộng đồng – đều là các lĩnh vực liên quan đến STEM

GS.TSKH. Nguyễn Đình Đức nhấn mạnh: “Những con số này cho thấy trong những năm qua, cùng với chính sách đổi mới mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước, xu thế tự chủ và tích cực hội nhập của các trường đại học, chúng ta tự hào giáo dục đại học Việt Nam đã khởi sắc, có những bước tiến bứt phá ngoạn mục về chất lượng và trình độ trong nghiên cứu và đào tạo liên quan đến STEM, hội nhập mạnh mẽ với các chuẩn mực quốc tế trong một số lĩnh vực”.

Bên cạnh những thành tựu, báo cáo đề dẫn cũng nêu lên một số tồn tại, hạn chế. Do đó, hội thảo này được GS.TSKH Nguyễn Đình Đức kỳ vọng sẽ như một tiếng chuông thức tỉnh – điều trước tiên là để thống nhất ý chí và nhận thức sâu sắc của tất cả các ngành, các cấp, các cơ sở giáo dục và đào tạo ở các bậc trình độ về tầm quan trọng của giáo dục STEM, nguồn nhân lực STEM, và cần phải thi hành ngay các giải pháp thiết thực nhằm nhanh chóng nâng cao chất lượng nhân lực STEM ở Việt Nam. Từ nhận thức, cần sớm nghiên cứu kỹ các kinh nghiệm và chuẩn mức quốc tế để xây dựng chương trình đào tạo nội địa hóa STEM ở Việt Nam ở bậc đại học. Song song với chương trình đào tạo, phải tập trung đầu tư các hướng nghiên cứu mũi nhọn, trọng điểm và đầu tư phát triển công nghệ giáo dục STEM ở các bậc học. Đây là bài toán lớn, đòi hỏi có sự đồng hành đầu tư của Nhà nước và các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng tuyển sinh đầu vào, đảm bảo các môn học STEM phải có mặt trong bài thi đánh giá năng lực tuyển sinh đầu vào bậc đại học cũng như trong các chương trình đào tạo bậc sau đại học.

Báo cáo đề dẫn của GS Nguyễn Đình Đức phân tích và khẳng định lĩnh vực STEM phù hợp với xu thế thời đại, mang lại lợi ích lớn cho các trường và chính là yếu tố đảm bảo cho phát triển bền vững của các trường trong bối cảnh tự chủ đại học; thúc đẩy nghiên cứu trong lĩnh vực STEM còn góp phần trực tiếp thúc đẩy hội nhập quốc tế, nâng cao chất lượng đào tạo và ranking của nhà trường. Và cuối cùng, một vấn đề đặt ra là phải xây dựng được các tiêu chí để đánh giá năng lực đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực STEM của trường đại học, hay của tổ chức khoa học công nghệ.

Phát biểu tại hội thảo, GS.TS. Chử Đức Trình – Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ – ĐHQGHN nhấn mạnh, từ năm 1986 cho đến nay, Việt Nam được xem là hình mẫu thành công trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vì những lợi thế về địa lý, nền tảng chính trị ổn định và môi trường đầu tư ngày càng hoàn thiện. Những lĩnh vực như Công nghệ thông tin – truyền thông, điện tử, công nghệ cao, công nghiệp chế tạo và đặc biệt công nghiệp bán dẫn và vi mạch đang là những lĩnh vực đang phát triển rất nhanh của Việt Nam và có tiềm năng phát triển rất lớn trong thời gian tới.

GS.TS. Chử Đức Trình – Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ – ĐHQGHN

Trong bối cảnh như vậy, một lần nữa Đại hội Đảng lần thứ 13 tiếp tục xác định phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một đột phá chiến lược, là yếu tố quyết định đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và là lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất, bảo đảm cho phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững.

Với vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của STEM và những vấn đề lớn đặt ra như vậy, qua hội thảo này, chúng ta nhận thức sâu sắc nhân lực STEM chất lượng cao, trình độ cao chính là nguồn lực cạnh tranh quốc tế của các quốc gia phát triển trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0 (ở Nhật Bản đã nói đến xây dựng Xã hội 5.0), và với Việt Nam cũng không là ngoại lệ.

VNU-UET, lan tỏa tinh thần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Một lần nữa, tầm quan trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực STEM được ông Vũ Thanh Mai, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh và đề nghị, Hội thảo tập trung thảo luận, đánh giá thực trạng, nguồn nhân lực, công tác đào tạo nguồn nhân lực về lĩnh vực STEM tại Việt Nam; làm rõ nguyên nhân xu hướng lựa chọn theo học các ngành STEM của học sinh sau khi tốt nghiệp THPT có xu hướng giảm; chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp, từng bước giải quyết 4 vấn đề. Vì vậy, để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phải có những ngành nghề lõi, lĩnh vực đặc biệt là đối với các trường ĐH khối kỹ thuật nói chung và Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN nói riêng. Ông Vũ Thanh Mai khẳng định: “Song song với việc xây dựng đội ngũ giảng viên chất lượng cao, có khả năng hội nhập quốc tế thì các trường đại học khối kỹ thuật nói chung và ĐHQGHN nói riêng có trách nhiệm chính là lan tỏa tinh thần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực STEM cho các trường đại học khác”.  

Ông Vũ Thanh Mai, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương

Tại hội thảo, các đại biểu và sinh viên Trường ĐH Công nghệ lắng nghe các báo cáo “Thực trạng đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực STEM” – PGS.TS. Nguyễn Danh Nam, ĐH Thái Nguyên; “Giải pháp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tron lĩnh vực STEM: Kinh nghiệm tại Trường ĐH Bách Khoa, ĐHQG TP. HCM” – PGS.TS. Bùi Hoài Thắng, ĐHQG TP HCM;  “Quy hoạch việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và hỗ trợ việc hình thành thị trường khoa học công nghệ: Những giải pháp thiết yếu trong công tác điều hành của Chính phủ để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực khoa học và công nghệ” – TS. Trịnh Quang Khải, Trường ĐH Giao thông vận tải; “Phát triển các chương trình đào tạo hợp tác quốc tế đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0” – PGS.TS. Nguyễn Đắc Trung, ĐH Bách khoa Hà Nội. Nội dung  của các báo cáo đánh giá nhu cầu, thực trạng về nguồn nhân lực trong các lĩnh vực STEM, đồng thời đề xuất các giải pháp tạo đột phá đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực STEM, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

PGS.TS. Nguyễn Danh Nam, Trưởng ban Đào tạo ĐH Thái Nguyên cho biết: “STEM mở rộng ra là nguồn nhân lực khoa học công nghệ phục vụ sự phát triển của mỗi quốc gia. Tại Việt Nam, thống kê tỷ lệ người học đại học, sau đại học thấp hơn so với các nước trên thế giới. Trình độ đại học chỉ đạt 55 người học/ 1 vạn dân và sau đại học chỉ đạt 2,2 người học/1 vạn dân. Vì vậy, phải đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực STEM phục vụ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo có khoảng 150 cơ sở giáo dục đại học đào tạo nguồn nhân lực STEM, trong đó có 30% trường đại học lớn đào tạo 75% số lượng sinh viên STEM. Vì vậy, vai trò của Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN quan trọng trong việc định hướng đối với đào tạo nguồn nhân lực STEM, phát triển các chương trình trọng điểm để đào tạo nguồn nhân lực về KH&CN và Toán học là nền tảng cho đổi mới sáng tạo, phát triển KH&CN của đất nước. Các chương trình đào tạo STEM giúp sinh viên có nền tảng kiến thức sâu rộng và đặc biệt là có năng lực về khoa học, kỹ thuật và toán học. Năng lực này giúp người học sau khi tốt nghiệp đảm nhiệm các vị trí việc làm thuộc lĩnh vực KH&CN, đặc biệt có khả năng thích nghi với sự thay đổi thị trường lao động và thị trường hướng tới cách mạng công nghiệp 4.0”.

PGS.TS. Nguyễn Danh Nam, Trưởng ban Đào tạo ĐH Thái Nguyên báo cáo “Thực trạng đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực STEM”

Khá thích thú và tò mò khi được tham dự hội nghị về STEM, sinh viên QH-2022-I/CQ của khoa Cơ học kỹ thuật và tự động hóa là Phạm Việt Anh và Chu Văn Hưng đã lắng nghe các bài tham luận và hiểu rõ về thực trạng, tầm quan trọng của STEM  đối với cơ hội nghề nghiệp và sự phát triển của xã hội. Phạm Việt Anh cho biết: “Hội thảo này rất có ích đối với chúng em, qua đây chúng em biết được lĩnh vực STEM cần cho sự phát triển khoa học và công nghệ, đời sống con người, cơ hội nghề nghiệp trong tương lai. Và sau buổi hội thảo này, em sẽ có thêm động lực để tìm hiểu về lĩnh vực STEM và nâng cao kiến thức, kỹ năng của bản thân”.

Đồng quan điểm với Việt Anh, Chu Văn Hưng khẳng định: “STEM là tương lai của Việt Nam và trên thế giới trong quá trình đổi mới, hội nhập toàn cầu. Em thấy một số giải pháp thiết thực đối với sinh viên như ĐH Thái Nguyên đưa ra đơn hàng chính phủ nâng cao hiệu suất STEM, hoặc của Trường ĐH Bách Khoa – ĐHQG TP HCM thay đổi chương trình giảng dạy giúp sinh viên làm quen môi trường STEM sớm nhất. Tuy nhiên, bản thân sinh viên cần có sự năng động, tích cực tham gia hội thảo về lĩnh vực STEM và đặc biệt tham gia nghiên cứu khoa học để trau dồi thêm kiến thức và kỹ năng”.

Sinh viên Phạm Việt Anh (bên trái ảnh) – khoa Cơ học kỹ thuật và tự động hóa và Chu Văn Hưng – khoa Cơ kỹ thuật thích thú khi được tham dự hội nghị về STEM

Tổng kết hội thảo, Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hoàng Hải đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu trên nhiều khía cạnh về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực STEM.
Khoa học & công nghệ và giáo dục & đào tạo là hai khâu đột phá quan trọng để đạt được các mục tiêu của Đại hội XIII. Bối cảnh thế giới luôn thay đổi, đòi hỏi con người phải giải quyết các bài toán mang tính liên ngành cao. Xu hướng khoa học và công nghệ đã chuyển từ chuyên ngành sang liên ngành và hiện nay là xuyên ngành. Gần đây, khoa học công nghệ hội tụ tiếp tục phát triển để phục vụ nhu cầu của con người trong tương lai dài hạn, tích hợp với trí tuệ nhân tạo” – Phó Giám đốc Nguyễn Hoàng Hải nhận định.
Phó Giám đốc ĐHQGHN cho rằng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực STEM là xu thế tất yếu cho sự vận động, chuyển mình của thế giới với các công nghệ lõi. Trong hơn 10 năm qua, Việt Nam đã thay đổi bước tiến quan trọng về chất lượng trình độ và hội nhập quốc tế nhất định, lĩnh vực STEM cũng được đưa vào chương trình giảng dạy ở bậc phổ thông, trong khi chưa được chú trọng ở bậc đại học và sau đại học. Tuy nhiên, sự phát triển đó chưa tương xứng với các nước trên thế giới.
Theo Phó Giám đốc Nguyễn Hoàng Hải, cần đẩy mạnh hơn nữa giáo dục STEM tại bậc phổ thông, giáo dục định hướng, tư vấn nghề nghiệp cho học sinh phổ thông về các lĩnh vực STEM và có cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút học sinh theo học các ngành đào tạo thuộc các lĩnh vực. Cùng với đó, cần nghiên cứu các kinh nghiệm và chuẩn mực quốc tế về đào tạo nhân lực cao trong lĩnh vực STEM để xây dựng các chương trình đào tạo và đầu tư, phát triển công nghệ giáo dục STEM tại Việt Nam ở các bậc học. Đồng thời, cần có các giải pháp đẩy mạnh hợp tác quốc tế về đào tạo, nghiên cứu khoa học với các trường đại học, các cơ sở đào tạo uy tín trên thế giới và với doanh nghiệp. Đặc biệt, cần xây dựng đội ngũ giảng viên có năng lực quản lý, chuyên môn; thường xuyên cập nhật, bổ sung học liệu các môn học STEM…

PGS.TS. Nguyễn Hoàng Hải – Phó Giám đốc ĐHQGHN 

Hội thảo là sự kiện quan trọng – lần đầu tiên bàn và thảo luận một cách thấu đáo và sâu sắc, toàn diện các khía cạnh của STEM trong giáo dục đại học. Hội thảo này đã mang lại một bức tranh khái quát toàn cảnh về sự phát triển của STEM tại Việt Nam và trên thế giới. Qua đây, Phó Giám đốc ĐHQGHN đề xuất một số giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực STEM. Cụ thể là, cần đẩy mạnh tính liên thông, liên bậc học, giáo dục định hướng, tư vấn nghề nghiệp cho học sinh và sinh viên; xây dựng cơ chế chính sách thu hút sinh viên vào lĩnh vực STEM; nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh trong lĩnh vực STEM; xây dựng đội ngũ giảng viên có năng lực quản lý và chuyên môn tốt; cập nhật, bổ sung, xây dựng các chương trình STEM phù hợp và hiện đại ở bậc đại học; và một đề xuất rất quan trọng là Nhà nước cần kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ một số lĩnh vực khoa học cơ bản của STEM.

Một số hình ảnh tại Hội thảo

Các đại biểu tham dự Hội thảo. ảnh 1

PGS.TS. Bùi Hoài Thắng, ĐHQG TP HCM báo cáo “Giải pháp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tron lĩnh vực STEM: Kinh nghiệm tại Trường ĐH Bách Khoa, ĐHQG TP. HCM”

TS. Trịnh Quang Khải, Trường ĐH Giao thông vận tải báo cáo “Quy hoạch việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và hỗ trợ việc hình thành thị trường khoa học công nghệ: Những giải pháp thiết yếu trong công tác điều hành của Chính phủ để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực khoa học và công nghệ” 

PGS.TS. Nguyễn Đắc Trung, ĐH Bách khoa Hà Nội báo cáo “Phát triển các chương trình đào tạo hợp tác quốc tế đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0”


(UET-News)

Bài viết báo chí:

Đài Truyền hình Việt Nam:

                             

ĐHQGHN: Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực STEM là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của đất nước

Truyền hình Thông tấn: Chưa chú trọng STEM ở bậc đại học

Báo Tin tức – Thông tấn xã Việt Nam: Nhân lực STEM chất lượng cao là nguồn lực cạnh tranh quốc tế

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam: (Truyền hình) Hội thảo về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực STEM

VOV2: Chất lượng giáo dục STEM ở bậc Đại học quyết định chất lượng nguồn nhân lực

Báo Đại biểu nhân dân: Cần đưa các môn học STEM vào bài thi đánh giá năng lực tuyển sinh đại học

Báo Đại biểu nhân dân: Việt Nam mới chỉ có 55 sinh viên/10.000 dân theo học các lĩnh vực giáo dục STEM

Báo Đại Đoàn kết: Bàn giải pháp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực STEM

Báo Giáo dục Việt Nam: GS.Nguyễn Đình Đức: Giáo dục STEM chưa được chú trọng ở đại học

Báo Giáo dục Việt Nam: Phó Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ nêu 4 nhóm vấn đề cần giải quyết trong đào tạo STEM

Báo Dân trí: Giáo sư lọt top thế giới cảnh báo tiếng Anh vẫn là “điểm đen” của giáo dục

Báo Giáo dục và thời đại: Giải pháp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực STEM

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lĩnh vực STEM

Báo Tuổi trẻ online: Chưa chú trọng giáo dục STEM ở bậc đại học

Báo Lao động: Đề xuất đưa các môn học STEM vào bài thi đánh giá năng lực tuyển sinh đại học

 

 

 

Bài viết liên quan