Nghiên cứu cải tiến tuabin gió Savonius – cơ hội sử dụng năng lượng tái tạo
Bắt đầu
End
TS. Lê Đình Anh là một trong những giảng viên trẻ của Viện Công nghệ Hàng không vũ trụ, Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội). Với niềm đam mê nghiên cứu về năng lượng tái tạo, Tiến sĩ tiếp tục được ĐHQGHN cấp học bổng duy trì dành cho thực tập sinh có năng lực nghiên cứu xuất sắc năm 2022.
Nghiên cứu khoa học hướng đến giá trị xã hội
Từ năm 2021, TS. Lê Đình Anh đã đăng ký và nhận được học bổng nghiên cứu sinh, thực tập sinh có năng lực nghiên cứu xuất sắc của Quỹ Phát triển ĐHQGHN. Năm 2023, là năm thứ 2 Tiến sĩ nhận được học bổng duy trì, điều này là một trong những niềm vui mừng và tự hào của Tiến sĩ. “Bởi vì, để tiếp tục được nhận học bổng, các ứng viên phải trải qua vòng xét chọn và đánh giá kỹ lưỡng từ hội đồng Quỹ. Trên thực tế, số lượng ứng viên được tiếp tục cấp học bổng duy trì là không nhiều” – TS. Lê Đình Anh chia sẻ. Với chuyên ngành Hệ thống cơ khí trong lĩnh vực thủy khí động lực học, TS. Lê Đình Anh bắt đầu làm việc tại Trường ĐH Công nghệ từ năm 2019, sau khi hoàn thành Tiến sĩ tại Đại học Tohoku (Nhật Bản). Từ đó đến nay, Tiến sĩ đã có 18 công bố trên tạp chí ISI/Scopus và 22 bài báo trên các tạp chí uy tín trong nước cũng như hội nghị quốc gia, quốc tế. Năm 2022, TS. Lê Đình Anh đạt nhiều thành tích, cụ thể là Bằng khen của Giám đốc ĐHQGHN cho nhà khoa học có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu và đổi mới sáng tạo; học bổng thực tập sinh có thành tích nghiên cứu xuất sắc; học bổng sau tiến sĩ của Quỹ đổi mới sáng tạo VinGroup.
TS. Lê Đình Anh – giảng viên Viện Công nghệ Hàng vũ trụ
Hiện nay, tiến sĩ cùng nhóm nghiên cứu đang tập trung vào 3 lĩnh vực là: nghiên cứu về hiện tượng xâm thực trong máy và thiết bị thủy lực, trong đó có các thiết bị liên quan trực tiếp đến Công nghệ hàng không vũ trụ như động cơ tên lửa, bơm, vòi phun nhiên liệu,…; nghiên cứu giảm cản cho thiết bị và phương tiện bay, phương tiện công cộng; nghiên cứu năng lượng tái tạo với định hướng chính về cải tiến tua-bin gió trục đứng. Đây cũng là định hướng nghiên cứu cấp thiết và nhận được học bổng duy trì từ Quỹ Phát triển ĐHQGHN.
Với tính cấp thiết và tính thực tiễn cao từ việc phát triển nguồn năng lượng mới, TS. Lê Đình Anh đã dẫn dắt nhóm nghiên cứu triển khai đề tài “Nghiên cứu cải tiến công suất khí động cho tuabin gió Savonius”. “Ngày nay, với tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa nhanh tại Việt Nam, tình hình thiếu điện cho sinh hoạt và phục vụ công nghiệp ngày càng trở nên trầm trọng, nhất là vào mùa cao điểm nắng nóng. Bên cạnh đó, trên thế giới nguồn năng lượng hóa thạch được sử dụng đang ngày càng suy giảm gây thiếu hụt năng lượng cho sự phát triển xã hội. Do vậy, nghiên cứu phát triển nguồn năng lượng sạch với hiệu suất cao là yêu cầu cấp thiết cho sự phát triển của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng trong tương lai. Điển hình như, ở nước ta tình trạng thiếu điện và cắt điện luân phiên ở một số tỉnh/thành phố ngay từ những ngày đầu mùa hè tháng 5/2023 đã gây tác động không nhỏ đến đời sống sinh hoạt của nhân dân. Điều đó cho thấy nghiên cứu phát triển các nguồn năng lượng mới bên cạnh nguồn năng lượng truyền thống để giảm tải cho lưới điện quốc gia là vô cùng cấp thiết. Bên cạnh đó, phát triển năng lượng tái tạo nói chung, và năng lượng gió nói riêng có thể góp phần hỗ trợ an sinh xã hội như cung cấp điện năng cho các hộ nghèo miền núi và hải đảo chưa thể tiếp cận điện lưới ” – TS. Lê Đình Anh chia sẻ.
Môi trường tích cực khích lệ nghiên cứu khoa học
Trong suốt những năm gắn bó với Trường ĐH Công nghệ, TS. Lê Đình Anh luôn được tạo mọi điều kiện cho việc nghiên cứu với nhiều đề tài như: chủ trì 01 đề tài NAFOSTED, 01 đề tài cấp ĐHQG, 01 đề tài cấp cơ sở, và là thành viên của 02 đề tài cấp Bộ và tương đương. Chính điều này đã tạo động lực và nền tảng để Tiến sĩ có cơ hội theo đuổi đam mê. “Trường ĐH Công nghệ là trường đại học uy tín, có thứ hạng cao trong lĩnh vực khoa học công nghệ, cùng môi trường đào tạo và nghiên cứu chuyên nghiệp với các giảng viên được đào tạo ở nước ngoài. Nhà trường cũng tạo điều kiện nghiên cứu tốt cho giảng viên và nghiên cứu viên như: thành lập các nhóm nghiên cứu mạnh, hỗ trợ các công trình nghiên cứu khoa học, khuyến khích giảng viên thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học,… Ngoài ra, Nhà trường còn có các đơn vị đào tạo và triển khai nghiên cứu phù hợp với chuyên ngành đào tạo và định hướng nghiên cứu của tôi” – TS. Lê Đình Anh chia sẻ.
TS. Lê Đình Anh (áo đỏ) cùng các cán bộ Viện Công nghệ Hàng không vũ trụ triển khai “Nghiên cứu cải tiến công suất khí động cho tuabin gió Savonius”
Với môi trường nghiên cứu tích cực, TS. Lê Đình Anh đã giúp người học có cơ hội cọ xát và tham gia nghiên cứu ngay từ khi là sinh viên năm thứ 2, thứ 3. Xuất phát từ một trong những lý do này, mà TS. Lê Đình Anh triển khai các định hướng nghiên cứu: “Qua quá trình tham gia nghiên cứu, người học sẽ có cơ hội phát triển trong lĩnh vực Cơ học chất lưu và mô phỏng số. Từ đó, Nhà trường góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên môn tốt cho xã hội. Đồng thời, kết quả nghiên cứu hướng đến hỗ trợ việc tính toán thiết kế và kiểm nghiệm các thiết bị thủy lực, thiết bị hàng không có độ an toàn, hiệu năng cao. Qua đó, tăng tính kinh tế và hiệu suất của quá trình sản xuất thực, cũng như hướng tới phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội”.
Thông qua việc hỗ trợ nghiên cứu khoa học từ Nhà trường, nhóm nghiên cứu đề tài: “Nghiên cứu cải tiến công suất khí động cho tuabin gió Savonius”, đã và đang chế tạo một loại tuabin gió cỡ nhỏ, dễ sản xuất, phù hợp với điều kiện gió ở nước ta. Bước đầu nhóm nghiên cứu đã đạt được các kết quả khả quan và công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín trong ngành. TS. Lê Đình Anh khẳng định: “Dựa trên những nghiên cứu nhóm đã triển khai, kết quả đề tài sẽ hứa hẹn khả năng ứng dụng cũng như chuyển giao công nghệ trong tương lai”.
Cùng với sự khích lệ, đồng hành từ phía ĐHQGHN, Trường ĐH Công nghệ, TS. Lê Đình Anh cùng nhóm nghiên cứu Viện Công nghệ Hàng không vũ trụ sẽ tiếp tục thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu theo các định hướng đang triển khai và mong muốn sẽ sớm đưa được sản phẩm để ứng dụng thực tiễn trong thời gian tới.
Bài viết liên quan:
Nghiên cứu cải tiến hiệu suất tua-bin gió Savonius ở tỉ tốc cao
(UET-News)