Giáo sư Chử Đức Trình: “Giữ chân” giảng viên giỏi hiện đang là vấn đề nan giải

Việc thu hút và giữ chân những giảng viên giỏi ở lại gắn bó và cống hiến cho trường vẫn là bài toán khó, đòi hỏi phải thực hiện bằng nhiều cách.

Theo lãnh đạo một số cơ sở giáo dục đại học, Dự thảo thông tư quy định “Chuẩn cơ sở giáo dục đại học” của Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải có lộ trình thực hiện và khảo sát về khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn đó của trường đại học.

Bởi thực tế hiện nay, đối với các trường đại học nằm trong top đầu, những quy định trong dự thảo thông tư này không quá cao. Tuy nhiên, đối với các trường đại học top dưới, đặc biệt là các trường đại học địa phương sẽ rất khó để thực hiện một số tiêu chuẩn, trong đó có tiêu chuẩn về giảng viên.

Bàn về tiêu chuẩn giảng viên trong dự thảo, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, trưởng phòng đào tạo của trường đại học ở Tuyên Quang chia sẻ, nhà trường không đào tạo trình độ tiến sĩ, tỉ lệ giảng viên trình độ tiến sĩ của trường hiện nay là trên 30%. Do đó, trường đạt được điểm a) Tiêu chí 2.3. quy định tỉ lệ giảng viên trình độ tiến sĩ “Đạt trên 20% và từ năm 2025 đạt trên 25% đối với cơ sở đào tạo không đào tạo tiến sĩ”.

Cùng chia sẻ, Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, hiện Trường Đại học Công nghệ đạt trên 60% tỉ lệ giảng viên trình độ tiến sĩ. Có thời điểm trước đây, trường đạt 70-80% tỉ lệ giảng viên trình độ tiến sĩ (trong đó giáo sư, phó giáo sư đạt gần 30%), nên dễ dàng thực hiện điểm b) Tiêu chí 2.3.

Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Tuy nhiên, Giáo sư Chử Đức Trình cho rằng, việc giữ chân giảng viên giỏi ở lại trường công tác hiện nay là một vấn đề nan giải.

Trên thực tế, cách đây 1-2 năm, có giảng viên của Trường Đại học Công nghệ đã xin chuyển sang một số trường đại học tư thục vì chính sách thu hút (dù số lượng giảng viên chuyển đi không đáng kể).

“Thu hút và giữ chân giảng viên giỏi gắn bó và cống hiến cho trường vẫn là bài toán khó, đòi hỏi phải thực hiện bằng nhiều cách. Trong đó, điều kiện tất yếu là tập thể nhà trường phải phấn đấu để duy trì thứ hạng trường đại học nằm trong top đầu cả nước và khu vực ở lĩnh vực đào tạo.

Giảng viên giỏi khi lựa chọn cơ sở giáo dục đại học để làm việc không chỉ nhìn vào thu nhập, lương, thưởng mà còn quan tâm đến thương hiệu nhà trường, môi trường, điều kiện phát triển, khả năng thỏa mãn đam mê nghiên cứu khoa học, có đồng nghiệp và sinh viên giỏi,…”, thầy Trình chia sẻ.

Xây dựng văn hóa nghiên cứu để giữ chân giảng viên giỏi

Thầy Trình cho rằng, cơ sở giáo dục đại học nào cũng mong muốn tuyển được những giảng viên có trình độ tốt nhất. Song, muốn có giảng viên trình độ tốt, trước tiên, trường phải có nguồn thu tài chính tốt để đảm bảo đời sống giảng viên.

Thêm nữa, những chính sách cho cán bộ giảng viên của trường vẫn luôn là nền tảng để giữ chân giảng viên giỏi. Bên cạnh đó, các trường đại học công lập cũng cần tăng cường công tác quản trị trường đại học hiện đại. Vì nếu công tác quản trị không tốt, tỉ lệ đầu tư cho nhân lực (lương, thưởng) sẽ không được đảm bảo.

“Điều quan trọng để giữ chân giảng viên chính là văn hóa nghiên cứu trong trường đại học vì giảng viên không chỉ muốn truyền đạt kiến thức cho sinh viên, được làm việc với cộng sự giỏi, sinh viên giỏi mà còn rất đam mê, cống hiến cho nghiên cứu khoa học”

_Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình chia sẻ_

Theo thầy Trình, việc xây dựng văn hóa nghiên cứu bao gồm: các điều kiện làm việc, trang bị phòng nghiên cứu cho giảng viên, phòng lab – phòng thí nghiệm cho sinh viên; có cộng đồng giao lưu các nhà khoa học trên thế giới, tổ chức các hội thảo trao đổi và học tập kinh nghiệm. Dựa trên những điều kiện này, giảng viên sẽ phát triển được đề tài, thúc đẩy hợp tác với doanh nghiệp và nhận được các nguồn đầu tư từ nhà trường, xã hội lớn hơn rất nhiều so với mức thu nhập trường trả cho giảng viên.

Tuy nhiên, rất ít trường đại học xây dựng được văn hoá nghiên cứu, nhất là đối với các trường đại học địa phương.

“Thực tế cho thấy, có giảng viên khi đi học tiến sĩ ở nước ngoài trở về Việt Nam ít nhiều cảm thấy bị lạc lõng nếu đơn vị tiếp nhận họ không xây dựng được văn hoá nghiên cứu phù hợp”, thầy Trình trăn trở.

Đồng quan điểm với thầy Trình, theo trưởng phòng đào tạo trường đại học ở Tuyên Quang, mỗi trường đại học sẽ có cách làm khác nhau để thu hút và giữ chân giảng viên tức là làm sao để giảng viên cảm thấy muốn được giảng dạy và cống hiến các công trình khoa học cho nhà trường.

Ngoài áp dụng các điều kiện bắt buộc giảng viên làm nghiên cứu khoa học, các trường cũng nên có những chính sách khuyến khích để giảng viên nỗ lực, ra sức thi đua làm nghiên cứu.

“Những chính sách khuyến khích giảng viên được nhà trường đưa vào quy chế chi tiêu nội bộ. Ví dụ, tuỳ theo đề tài nghiên cứu của giảng viên thuộc cấp nào, trường sẽ có quy định mức thưởng tương ứng; hay những giảng viên có bài đăng trên tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI, Scopus… cũng sẽ được trường hỗ trợ kinh phí, khen thưởng.

Đối với giảng viên đi làm nghiên cứu sinh, nhà trường hỗ trợ một phần học phí, còn những khoản chi phí như mua nguyên vật liệu, thiết bị thí nghiệm… để phục vụ nghiên cứu thì giảng viên phải tự lo nên rất vất vả. Do đó, theo tôi, nhà nước nên có thêm chính sách hỗ trợ đối với giảng viên của trường khi làm nghiên cứu sinh”, vị này mong muốn.

Ngoài ra, theo vị này, trường cũng mong thu hút được giáo sư, phó giáo sư về trường công tác để đủ điều kiện mở các ngành đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo nhưng đến nay vẫn khó thực hiện vì chính sách đầu tư thu hút nhân tài của trường, địa phương chưa đủ sức hấp dẫn.

Hiện nay, để nâng tỉ lệ giảng viên trình độ tiến sĩ, nhiều trường đại học đã và đang đầu tư cho giảng viên làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài. Nhưng có giảng viên học xong lại chuyển sang trường khác công tác.

Trước thực trạng này, Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình cho rằng, xã hội cũng nên có sự cảm thông vì khi làm nghiên cứu sinh ở môi trường giáo dục phát triển, hiện đại, giảng viên sẽ được tiếp xúc với kiến thức tân tiến, rộng mở. Vậy nên, chính cơ sở giáo dục cử giảng viên đi học cũng phải sẵn sàng thay đổi để tiếp nhận văn hoá nghiên cứu, giảng dạy mới khi giảng viên về trường công tác.

Theo Ngọc Mai (Báo Giáo dục Việt Nam)

Bài viết liên quan