Trở thành Kỹ sư Công nghệ Hàng không Vũ trụ: Chế tạo những thiết bị bay để chinh phục không gian, tại sao không?
Thời đại công nghệ phát triển, chắc hẳn bạn không còn xa lạ với các thiết bị bay không người lái, máy bay và các hệ thống điều khiển, công nghệ vệ tinh… Nếu bạn mơ ước một ngày nào đó có thể vươn tới các vì sao, lái tàu vào vũ trụ hay lơ lửng trong không gian? Hoặc là một kỹ sư chế tạo tàu bay, các thiết bị bay? Hãy tin rằng đó đều là những giấc mơ có thể trở thành hiện thực! Sự phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật hiện nay chính là nền tảng cho điều đó, khi các kỹ sư ngành Công nghệ Hàng không vũ trụ đang ngày càng được “săn đón” bởi các tập đoàn, các viện nghiên cứu chế tạo trong nước và quốc tế. Hãy tìm hiểu ngay ngành học xu hướng này tại Trường Đại học Công nghệ, ĐHQGHN (UET) nhé!
Ngành Công nghệ Hàng không vũ trụ là gì?
Ngành Công nghệ Hàng không Vũ trụ đào tạo các kỹ sư đam mê chinh phục không gian. Chương trình đào tạo cung cấp các định hướng nghề nghiệp liên quan đến thiết kế, sản xuất các thiết bị bay không người lái, máy bay, các hệ thống điều khiển, công nghệ vệ tinh….
Một trong những đóng góp lớn của ngành Công nghệ Hàng không vũ trụ trong đời sống chính là: Chế tạo ra những chiếc máy bay – một trong những thành tựu vĩ đại nhất của nhân loại, giúp con người có thể đi đến bất kỳ đâu mình muốn trên trái đất trong một khoảng thời gian ngắn nhất; Chế tạo và điều khiển các vệ tinh nhân tạo di chuyển trong không gian, từ đó chúng ta có các chương trình dự báo thời tiết mỗi ngày, hay kết nối vệ tinh để liên lạc với mọi người bằng điện thoại, xem truyền hình vệ tinh với vô số bộ phim hấp dẫn,… Đặc biệt, một trong những công nghệ đỉnh cao của ngành Hàng không vũ trụ đó là chế tạo những con tàu du hành, nhằm thỏa mãn giấc mơ chinh phục vũ trụ bao la của loài người.
UET – Trường đại học tiên phong đào tạo lĩnh vực Công nghệ Hàng không Vũ trụ tại Việt Nam
Là một trong những trường đại học hàng đầu Việt Nam trong đào tạo lĩnh vực về Kỹ thuật – Công nghệ, xếp thứ hạng cao trên nhiều Bảng xếp hạng thế giới như QS rankings, THE,… Năm 2023, ngành Công nghệ Hàng không Vũ trụ thuộc lĩnh vực Cơ kỹ thuật, hàng không và chế tạo của trường được bảng xếp hạng QS thế giới xếp hạng 501-520 thế giới. Trường Đại học Công nghệ, ĐHQGHN (UET) luôn nỗ lực thực hiện sứ mệnh tiên phong cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thời đại, góp phần thúc đẩy nền kinh tế – xã hội – công nghiệp của đất nước phát triển mạnh mẽ.
Chương trình đào tạo ngành Công nghệ Hàng không Vũ trụ cũng là một trong số những chương trình mang xu hướng mới, đòi hỏi đội ngũ kỹ sư có đầy đủ phẩm chất, năng lực và trình độ chuyên môn cao. Theo học ngành này tại UET, sinh viên được cung cấp kiến thức theo các định hướng đào tạo cụ thể, bao gồm:
- Công nghệ thông tin, điện tử hàng không.
- Động lực học, điều khiển và cơ khí hàng không.
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có khả năng áp dụng kiến thức sâu rộng về các nguyên tắc cơ bản, các kỹ thuật hàng không vũ trụ để cung cấp các sản phẩm theo nhu cầu xã hội trong lĩnh vực hàng không vũ trụ và các lĩnh vực có liên quan; Phát triển các công nghệ tiên tiến và đề xuất giải pháp cho vấn đề hàng không vũ trụ trong nước và trên thế giới; Có kiến thức sâu rộng và có vai trò lãnh đạo, trung tâm trong các nhóm làm việc đa ngành liên quan đến các lĩnh vực Hàng không – Vũ trụ, Điện tử hàng không, Công nghệ thông tin, Khoa học vật liệu, Cơ học kỹ thuật và tự động hóa; Thiết kế, chế tạo các thiết bị bay, vệ tinh, nghiên cứu kỹ thuật thăm dò không gian, công cụ và thiết bị viễn thông, viễn thám, các dịch vụ liên quan và các kỹ thuật đặc biệt khác.
Bên cạnh đó, chương trình học cũng mang lại nhiều giá trị vượt trội cho sinh viên như:
- Kỹ sư tốt nghiệp chương trình có nhiều cơ hội việc làm tại các Hãng hàng không, các Viện nghiên cứu trong và ngoài nước, thực tập và làm việc tại Viện Hàng không Vũ trụ – Viettel.
- Hệ thống 05 phòng thí nghiệm, thực hành hiện đại
- Cơ hội tham gia các seminar cùng với sự góp mặt của các chuyên gia, nhà lãnh đạo của các tổ chức về Hàng không Vũ trụ
Sinh viên ngành Công nghệ Hàng không vũ trụ của UET học hỏi, trao đổi trong buổi seminar “Seeing the Angel ” với sự góp mặt của ông Daniel Saul Goldin – Tổng giám đốc NASA, Hoa Kỳ (từ năm 1992-2001), các lãnh đạo Trung Tâm Vũ trụ Việt Nam – VNSC
- Cơ hội được trải nghiệm máy bay không người lái (Unmanned Aerial Vehicle – UAV) để được hướng dẫn cách nghiên cứu, chế tạo thiết bị bay, các nguyên tắc khí động học… và phục vụ các đề tài nghiên cứu về giám sát thiên tai như lũ lụt, cháy rừng,…
Viện Công nghệ Hàng không vũ trụ (Trường Đại học Công nghệ) tổ chức tiếp nhận và bay thử nghiệm máy bay không người lái (UAV) tại Hòa Lạc, đây là cơ hội rất tốt để các sinh viên được học từ thực tiễn
Buổi trải nghiệm đã mang đến cho sinh viên sự thích thú cũng như tò mò về thiết bị khoa học nổi bật hàng đầu tại Việt Nam
- Môi trường năng động, sáng tạo với nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học, chế tạo, thiết kế các thiết bị bay, thiết bị công nghệ hiện đại… dành cho sinh viên, giúp mỗi người học được thỏa sức sáng tạo không giới hạn, bộc lộ tài năng.
Các kỹ sư tương lai của ngành Công nghệ Hàng không vũ trụ năng động, tự tin và thỏa sức sáng tạo trong các chương trình, cuộc thi đổi mới sáng tạo do Nhà trường hay ĐHQGHN tổ chức
- Nhiều hoạt động ngoại khóa thú vị, hấp dẫn, cùng các câu lạc bộ đa dạng để sinh viên UET phát triển toàn diện về trí tuệ, tinh thần, kỹ năng mềm,… có nhiều cơ hội gặp gỡ, học hỏi, giao lưu với các thầy cô, bạn bè trong và ngoài trường
Sinh viên ngành Công nghệ Hàng không Vũ trụ trẻ trung, hoạt bát trong Ngày hội tư vấn tuyển sinh, nhiệt tình tham gia các hoạt động ngoại khóa, hoạt động của các Câu lạc bộ trong trường
Cơ hội học tập tại Học viện Hàng không Moskva (MAI) – Nơi đào tạo các chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực
Được thành lập từ năm 1930, Học viện Hàng không Moskva (Moscow Aviation Institute – MAI) là một trong những trường đại học kỹ thuật hàng đầu thế giới về đào tạo chuyên gia cho ngành công nghiệp hàng không và hàng không vũ trụ.Tại đây sinh viên có thể nhận được những kiến thức khoa học kỹ thuật tiến bộ nhất, giúp tìm được vị trí làm việc xứng đáng khi ra trường. MAI có hơn 120 phòng thí nghiệm hiện đại, ba phòng thiết kế sinh viên, các trung tâm máy tính, nhà máy chế thử – thực nghiệm và đặc biệt MAI là trường đại học duy nhất trên thế giới có sân bay riêng.
Học viện Hàng không Moskva (MAI) và Trường Đại học Công nghệ – ĐHQGHN đã ký các thỏa thuận hợp tác về đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực Công nghệ hàng không vũ trụ. Sau các hoạt động hợp tác thành công về nghiên cứu, năm 2022, hai bên tiếp tục ký thỏa thuận triển khai cho sinh viên ngành Công nghệ hàng không vũ trụ có cơ hội được học tại MAI theo hình thức 2+2.
Từ khoá tuyển sinh năm 2022 của Trường Đại học Công nghệ – ĐHQGHN, sinh viên theo học ngành Công nghệ Hàng không vũ trụ nếu hoàn thành chương trình đào tạo 2 năm theo quy định của Nhà trường, đáp ứng đủ tiêu chuẩn của Học viện Hàng không Moskva (MAI) về Tiếng Anh và bài kiểm tra đầu vào, sẽ được học chuyển tiếp 2 năm cuối tại MAI – Liên bang Nga (học bằng Tiếng Anh với các sinh viên quốc tế khác), nhận bằng tốt nghiệp Cử nhân Kỹ thuật hàng không của MAI.
Ngoài ra, sinh viên theo học tại UET còn có nhiều cơ hội nhận được các học bổng khuyến khích học tập, được xét vào trao tặng thường niên theo năm, theo kỳ như: Học bổng dành cho sinh viên có thành tích học tập xuất sắc; Học bổng cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; Học bổng ngoài ngân sách đến từ các nhà tài trợ như Samsung Vietnam (STP), Học bổng Toshiba, Học bổng Annex, Học bổng ADF… Đối với sinh viên trúng tuyển, nhập học năm 2023, nhà trường cấp học bổng cho tất cả sinh viên với mức học bổng tương đương 15% mức học phí.
Vị trí việc làm đa dạng dành cho sinh viên
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên ngành Công nghệ hàng không Vũ trụ có thể đảm nhận các vị trí công việc sau:
- Lập trình điều khiển để thiết kế chế tạo các thiết bị bay Công ty công nghệ sản xuất thiết bị: drone, flycam để quay phim, thiết bị dùng để giao hàng, ứng dụng trong nông nghiệp: dùng để giám sát, tưới tiêu tự động (thiết bị bay không người lái), các hệ thống điều khiển, công nghệ vệ tinh, tên lửa.
- Kỹ sư thiết kế, chế tạo các thiết bị bay, vệ tinh.
- Kỹ sư vận hành và bảo dưỡng các thiết bị bay.
- Kỹ sư thiết kế, lập trình các hệ thống điều khiển, hệ thống nhúng.
- Kỹ sư xây dựng hệ thống giám sát không gian, xử lý ảnh viễn thám.
- Làm việc tại các công ty Hàng không, Viện Hàng không Vũ trụ – Viettel, Vietnam Airline, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam hay các cơ quan nghiên cứu của chính phủ, cơ quan quản lý và các cơ sở đào tạo về Hàng không Vũ trụ.
- Làm kỹ sư bảo trì, ô tô và kỹ thuật điện trong các công ty ô tô lớn trên toàn cầu (Toyota, Honda- Phân tích thiết kế hình dáng khí động cái thiện lực nâng và giảm lực cản của ô tô, thiết kế khung sườn ô tô).
Ngoài lĩnh vực kỹ thuật hàng không vũ trụ, sinh viên tốt nghiệp hoàn toàn đủ năng lực và trình độ làm việc trong lĩnh vực kỹ thuật liên quan. Nhiều người chọn làm việc trong ngành hàng không dân dụng như bảo trì máy bay hoặc kiểm soát không lưu.
Những gương mặt tài năng của ngành Công nghệ Hàng không Vũ trụ – UET
Những sinh viên tiêu biểu của ngành Công nghệ Hàng không Vũ trụ gặt hái được nhiều thành tựu khi còn ngồi trên ghế nhà trường, không chỉ là minh chứng cho thế hệ kỹ sư trình độ cao do UET đào tạo, mà còn khẳng định môi trường học tập của Nhà trường luôn thúc đẩy tư duy, khai phá năng lực cho người học, đội ngũ giảng viên tận tâm, nhiệt huyết, đồng hành cùng sinh viên trong suốt quá trình học tập và nghiên cứu.
“Công nghệ Hàng không vũ trụ là một ngành đặc thù và khá mới mẻ tại Việt Nam, nhưng trong quá trình học tập, dưới sự giảng dạy của thầy cô Viện Công nghệ Hàng không vũ trụ đã giúp mình không chỉ thành thạo các kiến thức về hàng không và các ngành liên quan, mà còn hình thành khả năng tự học. Nhờ vậy khi ra trường, các sinh viên có thể làm việc ở rất nhiều mảng khác nhau như: hàng không vũ trụ, công nghệ thông tin, năng lượng, cơ khí,…”
Kỹ sư Bành Đức Minh – Thủ khoa ngành Công nghệ Hàng không vũ trụ
Hiện nay, công nghệ in 3D đã được ứng dụng phổ biến trong rất nhiều các lĩnh vực từ kiến trúc, xây dựng, thời trang, mỹ thuật, y học, thẩm mỹ, giáo dục đến các ngành công nghiệp sản xuất… Tuy nhiên, đối với một sinh viên việc sở hữu một máy in 3D dường như rất khó bởi giá thành của chúng tương đối đắt đỏ. Để giải quyết vấn đề này, Vũ Văn Đại – sinh viên ngành Công nghệ Hàng không Vũ trụ, đã tự mình bắt tay vào tìm hiểu và nghiên cứu công nghệ in 3D để tự chế tạo loại máy in này và có thể sản xuất các mô hình máy bay trong quá trình học tập.
Cựu sinh viên Vũ Văn Đại, ngành Công nghệ Hàng không vũ trụ – Chế tạo máy in 3D để sản xuất mô hình máy bay khi mới chỉ là sinh viên năm ba
Từ quá trình nghiên cứu các phiên bản khởi đầu cũng như những kinh nghiệm và kiến thức được tích lũy khi học trên ghế Nhà trường, đã giúp Đại chế tạo thành công sản phẩm, hoàn thiện hơn những phiên bản đầu, với nhiều ưu điểm được tổng hòa như: chất lượng sản phẩm in tốt, bề mặt mịn, độ chính xác cao, kích thước khổ in lớn hơn, độ rung lắc và tiếng ồn khi hoạt động được giảm thiểu rõ rệt.
Hiện nay, sau khi tốt nghiệp, Đại đang đảm nhiệm vị trí kỹ sư thiết kế máy bay không người lái tại Trung tâm Công nghệ cao, Viettel.
Nhóm sinh viên K63AE của Viện Hàng không vũ trụ với đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo Drone mang vật phẩm 1kg hạ cánh tự động” đã đạt giải Nhất sinh viên nghiên cứu khoa học cấp trường và đạt giải Nhì tại Hội nghị sinh viên NCKH cấp ĐHQGHN.
Về tính ứng dụng thực tiễn của đề tài, Quang Đạt – thành viên của nhóm nghiên cứu cho biết: “Trên thế giới, mô hình Drone mang vật nặng 1kg dùng để giao hàng đã xuất hiện tại một số quốc gia, nên tính ứng dụng của đề tài này rất cần thiết. Nếu tại Việt Nam đề tài này được triển khai thực tiễn sẽ là bước tiến lớn cho ngành chuyển phát, giúp giảm thời gian giao hàng, hạn chế ùn tắc giao thông, tiết kiệm chi phí, giảm phụ thuộc vào yếu tố con người và giảm ô nhiễm môi trường. Quan trọng là, chúng ta có thể làm chủ công nghệ và làm nền tảng phát triển các công nghệ khác. Sản phẩm mà nhóm nghiên cứu thực hiện đáp ứng những tiêu chí giá thành rẻ, nguyên vật liệu phổ biến và dễ dàng vận hành cho người sử dụng đó là điểm vượt trội mà đội nhóm tham gia nghiên cứu chế tạo hướng tới”.
Sinh viên ngành Công nghệ Hàng không vũ trụ có nhiều ý tưởng đột phá để làm chủ công nghệ, mang đến nhiều sản phẩm có tính ứng dụng cao trong thực tiễn
Sản phẩm Drone của nhóm nghiên cứu
Hỡi các “member” yêu thích lĩnh vực Hàng không – Vũ trụ, là fan của NASA hay đam mê với những thiết bị bay không người lái… Hãy tự tin theo đuổi ước mơ của chính mình và vẽ nên bức tranh tương lai tươi đẹp, nhiều trải nghiệm và bài học bổ ích cùng Chương trình đào tạo đại học ngành Công nghệ Hàng không Vũ trụ tại Trường Đại học Công nghệ – ĐHQGHN ngay hôm nay nhé!
Bài viết liên quan:
VTV1 – Ngành Công nghệ Hàng không Vũ trụ – HỌC GÌ? LÀM GÌ
Sức hút và triển vọng lớn của ngành Công nghệ Kỹ thuật Cơ điện tử tại UET
Ngành Công nghệ kỹ thuật Điện tử – Viễn thông tại UET: Gen Z đam mê công nghệ không thể bỏ lỡ!
Tự tin đón đầu xu hướng việc làm với tấm bằng Kỹ sư Kỹ thuật Máy tính
Lựa chọn ngành Kỹ thuật năng lượng: Bước đệm trở thành công dân toàn cầu, nâng tầm sự nghiệp
Ngành Mạng máy tính và Truyền thông dữ liệu: Thị trường “khát” nhân lực, cơ hội việc làm rộng mở
Vật lý Kỹ thuật – Ngành học tiên phong trong lĩnh vực công nghệ mới
Sở hữu tấm bằng Kỹ sư Robot, nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn tại các công ty trong nước và quốc tế