ChatGPT – Công nghệ lõi và sự ảnh hưởng

    Ngày 22/03/2023, Khoa Công nghệ thông tin (Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội) đã tổ chức seminar với chủ đề đang được xã hội quan tâm gần đây là “ChatGPT – Công nghệ lõi và sự ảnh hưởng” tại nhà E3, bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến.

  Ban tổ chức hân hạnh được đón tiếp PGS.TS. Phạm Bảo Sơn – Phó Giám đốc ĐHQGHN – là một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực Xử lý ngôn ngữ tự nhiên. Buổi hội thảo có sự tham dự của các chuyên gia trong lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo (gọi tắt là AI) đang công tác trong và ngoài Trường ĐH Công nghệ, gồm GS.TS. Nguyễn Thanh Thủy – Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Công nghệ thông tin, Trưởng phòng thí nghiệm mục tiêu AI; PGS.TS. Phan Xuân Hiếu – Trưởng phòng thí nghiệm Công nghệ tri thức; TS. Nguyễn Văn Vinh – chuyên gia về dịch máy tại Khoa Công nghệ thông tin; PGS.TS. Lê Hồng Phương – Trưởng phòng thí nghiệm Khoa học dữ liệu, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQGHN). Buổi hội thảo đã thu hút gần 200 người tham dự (bao gồm cả tham dự trực tuyến). 

    Gần đây, ChatGPT của OpenAI đã gây ấn tượng mạnh với thế giới nhờ khả năng thông minh đáng kinh ngạc. Nhiều nhà khoa học và nhà quản lý đã dự báo ChatGPT và những công cụ dựa trên trí tuệ nhân tạo khác sẽ có những ảnh hưởng sâu rộng đến cuộc sống con người. Để tạo diễn đàn trao đổi, giao lưu với các chuyên gia về xu thế của Chat GPT và lĩnh vực AI trong tương lai, phát biểu khai mạc hội thảo PGS.TS. Lê Sỹ Vinh – Chủ nhiệm Khoa Công nghệ thông tin: “Cách đây 5 năm, chúng ta chứng kiến sự ra đời của deep learning đã tạo ra làn sóng mạnh mẽ và bây giờ thế giới ấn tượng với sự ra đời của Chat GPT. Vì vậy, qua buổi hội thào cùng những kiến thức chuyên sâu trong lĩnh vực công nghệ thông tin của các chuyên gia GS.TS. Nguyễn Thanh Thủy – là một trong những người đầu tiên giảng dạy về AI ở Việt Nam; PGS.TS. Phan Xuân Hiếu – nhà nghiên cứu trong lĩnh vực xử lý ngôn ngữ tự nhiên và khoa học dữ liệu; PGS.TS. Lê Hồng Phương – chuyên gia về phân tích dữ liệu lớn và toán ứng dụng; TS. Nguyễn Văn Vinh – chuyên gia về dịch máy tiếng Việt, các nhà khoa học và sinh viên Trường ĐH Công nghệ mong muốn được tìm hiểu rõ hơn về công nghệ, sự phát triển của xu hướng này trong tương lai”.

PGS.TS. Lê Sỹ Vinh phát biểu khai mạc hội thảo

    Với kinh nghiệm nhiều năm và là chuyên gia nghiên cứu về dịch máy tiếng Việt, TS. Nguyễn Văn Vinh – giảng viên Khoa Công nghệ thông tin đã trình bày về các kỹ thuật nền tảng của mô hình ngôn ngữ lớn (Large Language Model – LLM) nói chung và ChatGPT nói riêng. Có thể nói, ứng dụng này đã làm các chuyên gia, nhà nghiên cứu ấn tượng với khả năng của ứng dụng và nhận định ứng dụng là bước ngoặt trong lĩnh vực AI. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm mạnh của ứng dụng, TS. Nguyễn Văn Vinh cũng đưa ra những hạn chế của ứng dụng này trong quá trình sử dụng.

TS. Nguyễn Văn Vinh trình bày về các kỹ thuật nền tảng của ChatGPT

    Trong phần thảo luận, những vấn đề về cơ hội việc làm của sinh viên; cơ chế sử dụng ứng dụng trong giảng dạy, nghiên cứu; yếu tố đạo đức trong AI; tính chính xác thông tin của ứng dụng… nhận được nhiều sự quan tâm từ phía giảng viên, nhà khoa học và sinh viên. Đứng trước sự lo ngại về vấn đề được nêu ra trong hội thảo, các chuyên gia đều nhận định sự ra đời của Chat GPT là cơ hội và thách thức đối với sinh viên, giảng viên, nhà nghiên cứu. Theo đó, GS.TS. Nguyễn Thanh Thủy và PGS.TS. Lê Hồng Phương đã đưa ra những sự kiện làm minh chứng cho cơ hội, thách thức luôn xuất hiện khi những “cái mới” thay thế “cái cũ”. Cụ thể là, sự xuất hiện của internet tại Việt Nam làm thay đổi xã hội, công nghệ của đất nước, cũng như phương tiện giao thông thay thế cho xe ngựa đã trở thành cơ hội phát triển của xã hội và con người có thêm những cơ hội nghề nghiệp mới. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đưa ra những “khuyến cáo” cho người dùng về những lo ngại trong tính chính xác của thông tin khi sử dụng ứng dụng, vì vậy Chat GPT sẽ có ý nghĩa tích cực khi người dùng sử dụng ứng dụng một cách “thông minh”, có sự kiểm chứng thông tin và tra cứu theo hướng khám phá, trợ giúp về mặt nghiên cứu.

GS.TS. Nguyễn Thanh Thủy giải đáp những vấn đề được nhiều giảng viên, nhà khoa học và sinh viên quan tâm về ChatGPT

PGS.TS. Phạm Bảo Sơn tham gia thảo luận

PGS.TS. Lê Hồng Phương trong phần thảo luận

(UET-News)

Bài viết liên quan