7 chuyên đề về ô nhiễm không khí châu Á được thảo luận tại hội thảo quốc tế
Ngày 01/02/2023, Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội (UET-VNU) đã phối hợp với Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC) và tổ chức Hệ thống Phân tích, Nghiên cứu, Huấn luyện (START) tổ chức khai mạc hội thảo quốc tế về ô nhiễm không khí ở châu Á tại Hà Nội.
Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm của cộng đồng các nhà khoa học và nghiên cứu trong nước, quốc tế thuộc các lĩnh vực liên quan. Về phía Trường ĐH Công nghệ có sự tham dự của PGS.TS. Nguyễn Hoài Sơn – Trưởng phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác phát triển, PGS.TS. Nguyễn Thị Nhật Thanh – Khoa Công nghệ thông tin. Về phía khách mời có ông Marc Knapper – Đại sứ Mỹ tại Việt Nam.
Ngày nay, khí phát thải nhà kính – Greenhouse Gas (GHG) và các chất gây ô nhiễm khí hậu chu kì ngắn – short-lived climate pollutants (SLCP) trong khu vực châu Á đã và đang gia tăng do sự gia tăng nhanh chóng của dân số và các hoạt động công nghiệp. Nhiều thành phố lớn trong vùng Nam Á và Đông Nam Á (S/SEA) đang hứng chịu các vấn đề phức tạp về chất lượng không khí, trong đó hầu hết nguyên nhân đều đến từ quá trình công nghiệp hoá và đô thị hoá đi kèm với việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Bên cạnh đó, hiện tượng cháy rừng và thảm thực vật và các hoạt động đốt rừng làm nương hoặc đốt phụ phẩm nông nghiệp đang là những nguồn lớn làm gia tăng mức độ ô nhiễm không khí ở các vùng này. Việc định lượng được các khí GHG và SLCP từ các nguồn khác nhau và hiểu được tác động của chúng tới sức khỏe và ảnh hưởng đến khí hậu là những nhiệm vụ quan trọng yêu cầu sự phối hợp của các phương pháp đo đạc, lập bản đồ và quan trắc từ trên xuống (vệ tinh viễn thám) và từ dưới lên (quan trắc từ mặt đất). Hội thảo quốc tế lần này sẽ đánh giá, so sánh các phương pháp ước tính GHG và SLCP từ nhiều nguồn, bao gồm nguồn đốt sinh khối trong khu vực châu Á; hiểu hơn về tác động của GHG và sol khí tới biến đổi khí hậu, sức khỏe con người; tìm hiểu về tiềm năng của viễn thám bằng vệ tinh trong việc định lượng các chất thải gây ô nhiễm, sol khí và các đợt ô nhiễm; đánh giá, so sánh các phương pháp mô hình hóa đặc tính của phát thải và tăng cường các hoạt động trao đổi, đào tạo thông qua hợp tác hiệu quả.
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Hoài Sơn bày tỏ sự vui mừng khi được tham dự hội thảo quốc tế về ô nhiễm không khí châu Á. PGS nhận định: “Trong bối cảnh vấn đề ô nhiễm không khí tại châu Á đang trở nên cấp bách và nghiêm trọng, hội thảo lần này có ý nghĩa quan trọng và là cơ hội cho các nhà nghiên cứu, nhà khoa học đa ngành chia sẻ kiến thức, hướng nghiên cứu mới, mở rộng hợp tác nghiên cứu khoa học và cùng nhau tìm ra giải pháp. Dựa trên thế mạnh của nghiên cứu liên ngành trong lĩnh vực viễn thám, mô hình hóa ô nhiễm không khí và thực tế về chất lượng không khí, Nhà trường hy vọng sẽ góp phần hiểu biết về các vấn đề ô nhiễm không khí ở Châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng”.
PGS.TS. Nguyễn Hoài Sơn phát biểu tại hội thảo
Hội thảo diễn ra đến hết ngày 03/02/2023 với hơn 40 bài trình bày diễn thuyết chia thành 07 chuyên đề gồm các bài thuyết trình về lập trình; kiểm kê GHG và các khí thải gây ô nhiễm sử dụng các hệ thống hỗ trợ đưa ra quyết định; thay đổi sử dụng đất và phát thải; chất lượng không khí và sức khỏe bao gồm ảnh hưởng của COVID-19; ô nhiễm sol khí; phát thải do đốt sinh khối.
Những nội dung này sẽ được trình bày bởi các nhà khoa học đến từ các tổ chức, cơ quan quốc tế liên kết qua Chương trình Sáng kiến các Nhà Khoa học Nam và Đông Nam Á (SARI), bao gồm: Mạng lưới Thông tin Quan trắc Toàn cầu về Rừng và Thay đổi Sử dụng đất khu vực Nam/Đông Nam Á (GOFC-GOLD), các nhà khoa học đến từ Viện Nghiên cứu Môi trường Quốc gia Nhật Bản (NIES), cộng đồng ASEAN và các tổ chức, cơ quan khác, trong đó nổi bật là sự tham gia của các nhà khoa học từ trung tâm NASA và các cơ quan trực thuộc NASA, Mỹ.
GS.TS. Chris Justice (NASA LCLUC Program and UMd, USA) giới thiệu các cập nhật mới và mục tiêu của NASA LCLUC
Bên cạnh đó, hội thảo cũng có sự tham gia góp mặt của các nhà khoa học trong nước thuộc các lĩnh vực viễn thám, môi trường và y tế, sức khỏe. Thông qua việc trình bày nghiên cứu “LASER Pulse Project – Improving Air Pollution Monitoring and Management of Vietnam With Satellite Observations”, PGS.TS. Nguyễn Thị Nhật Thanh (Khoa Công nghệ thông tin) đã khẳng định tầm quan trọng, ưu điểm vượt trội của việc giám sát và cảnh báo ô nhiễm môi trường ở Việt Nam thông qua quan sát vệ tinh, dựa trên chỉ số bụi mịn. Từ đó, nhóm nghiên cứu do PGS làm Chủ nhiệm đề tài đã xây dựng và phát triển mạng lưới hợp tác liên ngành viễn thám – khí tượng – công nghệ thông tin và truyền thông trong ĐHQGHN, khu vực và quốc tế. Dự án LASER Pulse Project của nhóm nghiên cứu dựa trên các kết quả nghiên cứu trước đó về Hệ thống cảnh báo và giám sát mức độ ô nhiễm không khí sử dụng ảnh vệ tinh.
PGS.TS. Nguyễn Thị Nhật Thanh trình bày nghiên cứu “LASER Pulse Project – Improving Air Pollution Monitoring and Management of Vietnam With Satellite Observations”
(UET-News)