Dự án nghiên cứu của Trường Đại học Công nghệ – ĐHQGHN được Quỹ VinIF tài trợ nghiên cứu
Ngày 25/10/2022 tại Hà Nội, dự án do PGS.TS. Đỗ Thị Hương Giang (Phó Chủ nhiệm Khoa Vật lý kỹ thuật và công nghệ nano đồng thời là GĐ PTN Trọng điểm Công nghệ Micro và Nano) làm chủ nhiệm đề tài đã được Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (gọi tắt là Quỹ VinIF) tài trợ.
Dự án “Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo hệ thống thiết bị kiểm tra, phát hiện sai hỏng, khiếm khuyết bên trong sắt thép không phá hủy dựa trên công nghệ đo từ thông rò độ nhạy siêu cao tích hợp công nghệ tự động cảnh báo thông minh và lắp đặt thử nghiệm trên dây chuyền sản xuất thép” của PGS. TS. Đỗ Thị Hương Giang là Chủ nhiệm đề tài được hội đồng xét chọn từ 250 hồ sơ, trải qua 3 vòng đánh giá xét duyệt hồ sơ, Hội đồng Khoa học công nghệ của VinIF đã công bố 19 dự án khoa học và công nghệ được tài trợ trong năm 2022.
Dự án “Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo hệ thống thiết bị kiểm tra, phát hiện sai hỏng, khiếm khuyết bên trong sắt thép không phá hủy dựa trên công nghệ đo từ thông rò độ nhạy siêu cao tích hợp công nghệ tự động cảnh báo thông minh và lắp đặt thử nghiệm trên dây chuyền sản xuất thép” của PGS. TS. Đỗ Thị Hương Giang là Chủ nhiệm đề tài, được Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup tài trợ
Dự án của PGS.TS. Đỗ Thị Hương Giang đã đạt được các yêu cầu của Quỹ VinIF, cụ thể về mức độ cần thiết của đề tài; năng lực nghiên cứu của tác giả; cơ sở vật chất của đơn vị thực hiện; tính sáng tạo, ý nghĩa khoa học; tác động tới kinh tế – xã hội; tính thuyết phục của mục tiêu cũng như giá trị khoa học – công nghệ của sản phẩm, dịch vụ.
Chia sẻ về đề tài, PGS.TS. Đỗ Thị Hương Giang nhấn mạnh: “Hiện nay, các ngành công nghiệp mũi nhọn hầu hết các kết cấu đều được cấu thành từ vật liệu là sắt/thép, tuy nhiên trong quá trình chế tạo hoặc theo thời gian vận hành sử dụng do tác nhân bên ngoài tác động sẽ hư hỏng. Những vật liệu đó có lớp bảo vệ bên ngoài hoặc nằm sâu bên trong với kích thước nhỏ không phát hiện được, sẽ gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, hoạt động kinh doanh sản xuất, chưa kể tổn hại đến sức khỏe, tính mạng con người… Dựa trên công nghệ đo từ thông rò độ nhạy siêu cao tích hợp công nghệ tự động cảnh báo thông minh và lắp đặt thử nghiệm trên dây chuyền sản xuất thép nhóm nghiên cứu hi vọng sẽ chế tạo được hệ thống phát hiện và cảnh bảo sớm kịp thời nhằm khắc phục được nhiều hậu quả nghiêm trọng sẽ xảy ra”.
Đề tài được nghiên cứu, làm chủ hoàn toàn công nghệ lõi chế tạo thành công cảm biến đo từ thông rò theo phương pháp không phá hủy với độ nhạy độ chính xác cao và tích hợp công nghệ tự động cảnh báo thông minh mang thương hiệu Việt Nam dựa trên cảm biến siêu nhạy từ trường có các thông số kỹ thuật tương đương các thiết bị ngoại nhập, giá thành rẻ, công nghệ chế tạo được lựa chọn phù hợp với điều kiện sản xuất trong nước. Hệ thống được nhóm nghiên cứu lắp đặt, tích hợp và chạy thử nghiệm hệ thống thiết bị trên dây chuyền sản xuất thép ống trong nhà máy sản xuất thép thuộc các doanh nghiệp, tập đoàn thép tại Việt Nam để kiểm tra phát hiện các lỗi hàn cao tần trên thép ống, cảnh báo và đánh dấu phân loại sản phẩm ngay trên băng tải mà không can thiệp vào hệ thống sản xuất.
Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu đã xây dựng, làm chủ quy trình chế tạo và đóng gói hoàn thiện theo kiểu dáng mẫu mã công nghiệp của hệ thống để sẵn sàng phục vụ cho lắp đặt, chuyển giao hoặc sản xuất thương mại cung cấp cho thị trường trong nước và hướng tới thị trường xuất khẩu.
Nhấn mạnh về tầm quan trọng của dự án, PGS.TS. Đỗ Thị Hương Giang khẳng định: “Đây là một sản phẩm mang tính liên ngành cao, quy tụ được nhiều nhóm nghiên cứu thuộc các lĩnh vực khác nhau gồm vật liệu/vật lý, điện tử đo lường/điều khiển, cơ khí tự động hóa ở các đơn vị trung tâm nghiên cứu trong nước, phát huy được nội lực trong nghiên cứu, chế tạo và phát triển sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm công nghệ cao mang thương hiệu Việt Nam, hướng tới cung cấp không chỉ nhu cầu trong nước mà cả quốc tế, khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Thành công của đề tài tạo cơ sở để hình thành các doanh nghiệp khoa học công nghệ, phát triển bền vững dựa trên kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, tạo tiền đề cho sự hình thành các doanh nghiệp Spin-off trên cơ sở các công nghệ lõi được nghiên cứu và phát triển, góp phần phát triển kinh tế đất nước”.
Đây là năm thứ tư Trường ĐHCN nhận được tài trợ dự án nghiên cứu đối với các công trình khoa học do Quỹ VinIF tổ chức. Năm 2019, đề tài “Hệ thống trí tuệ nhân tạo chuẩn đoán và tiên lượng bệnh nhồi máu cơ tim dựa trên siêu âm tim” do TS. Trần Quốc Long (Khoa Công nghệ thông tin) – là Chủ nhiệm đề tài được Quỹ VinIF tài trợ, với mức tài trợ là 6,5 tỷ đồng. Năm 2020, đề tài “Thiết bị và vật liệu tiên tiến cho khảo sát quy mô lớn dữ liệu về nước” của GS. TS. Hoàng Nam Nhật (khoa Vật lý kỹ thuật và công nghệ nano) là Chủ nhiệm đề tài và “Hệ thống giao tiếp tiếng Việt dựa trên AI sử dụng tín hiệu mắt và tín hiệu điện não cho người tổn thương chức năng vận động” do PGS.TS. Lê Thanh Hà (khoa Công nghệ thông tin) – là Chủ nhiệm đề tài được Quỹ VinIF tài trợ, với với tổng mức tài trợ 10 tỷ đồng. Năm 2021, Thiết bị và phần mềm thông minh thu nhận, xử lý và cảnh báo sớm lũ quét, sạt lở đất dựa trên nền tảng dữ liệu lớn và công nghệ IoT. PGS.TS Phạm Mạnh Thắng (Khoa Cơ học kỹ thuật và tự động hóa) là Chủ nhiệm đề tài được Quỹ VinIF tài trợ.
Bài viết liên quan:
VINIF tài trợ 5 dự án khoa học công nghệ và 54 suất học bổng cho ĐHQGHN
Dự án về Vật liệu thế hệ mới và Trí tuệ nhân tạo của Trường ĐHCN được Quỹ VinIF tài trợ nghiên cứu
(UET-News)