Chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật xây dựng

1. Một số thông tin về chương trình đào tạo

– Tên ngành đào tạo:

+ Tiếng Việt: Kĩ thuật xây dựng

+ Tiếng Anh: Civil Engineering

+ Mã số: 8580201

– Tên các chuyên ngành đào tạo:

+ Kĩ thuật xây dựng

+ Quản lí đô thị và công trình

– Danh hiệu tốt nghiệp: Thạc sĩ

– Tên văn bằng tốt nghiệp:

+ Tiếng Việt: Thạc sĩ ngành Kĩ thuật xây dựng

+ Tiếng Anh: Master in Civil Engineering

2.  Mục tiêu của chương trình đào tạo

     Chương trình được xây dựng với mục tiêu đào tạo các thạc sĩ ngành Kĩ thuật xây dựng có kiến thức thực tế và lí thuyết sâu, rộng, có thể làm chủ kiến thức trong lĩnh vực kĩ thuật xây dựng theo một trong hai hướng chuyên ngành (Kĩ thuật xây dựng hoặc Quản lí đô thị và công trình); có khả năng nghiên cứu phát triển, đổi mới và sử dụng các công nghệ phù hợp trong lĩnh vực kĩ thuật xây dựng, từ đó giúp cải tiến và nâng cao hiệu quả hoạt động nghề nghiệp.

    Chương trình đào tạo thạc sĩ ngành Kĩ thuật xây dựng sẽ góp phần cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực kĩ thuật xây dựng cho các đơn vị giáo dục chuyên nghiệp, các các doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng như các cơ quan quản lí liên quan của Nhà nước.

3.  Thông tin tuyển sinh

3.1.  Hình thức tuyển sinh

  • Thi tuyển hoặc xét tuyển (theo Hướng dẫn tuyển sinh sau đại học hàng năm của Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) và Phương án tuyển sinh hàng năm của đơn vị).

3.2.  Đối tượng tuyển sinh

  • Công dân Việt Nam có bằng tốt nghiệp đại học (cử nhân/kĩ sư) loại khá trở lên ngành phù hợp với ngành Kĩ thuật xây dựng (theo danh mục nêu tại mục 3.3). Trường hợp ứng viên tốt nghiệp đại học dưới loại khá cần có công bố khoa học (sách, giáo trình, bài báo đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành hoặc các báo cáo đăng trên kỷ yếu hội nghị, hội thảo khoa học chuyên ngành) liên quan đến lĩnh vực Kĩ thuật xây dựng; Có năng lực ngoại ngữ từ Bậc 3 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam;
  • Công dân nước ngoài được xét tuyển theo quy định đối với người nước ngoài vào học tại ĐHQGHN.
  • Các yêu cầu về hồ sơ được thực hiện theo quy định chung của ĐHQGHN và quy định cụ thể của Trường Đại học Công nghệ.

3.3.  Danh mục các ngành phù hợp: được chia thành 2 nhóm:

  • Nhóm 1: Các ngành phù hợp không cần phải học bổ sung kiến thức: Kĩ thuật xây dựng (7580201), Công nghệ kĩ thuật xây dựng (7510103), Kĩ thuật xây dựng công trình thủy (7580202), Kĩ thuật xây dựng công trình biển (7580203), Kĩ thuật xây dựng công trình giao thông (7580205), Kĩ thuật cơ sở hạ tầng (7580210), Quản lí đô thị và công trình (7580106), Quy hoạch vùng và đô thị (7580105), Đô thị học (7580112), Cơ kĩ thuật (7520101), Kiến trúc (7580101), Kiến trúc đô thị (7580104).
  • Nhóm 2: Các ngành phù hợp phải học bổ sung kiến thức: Kĩ thuật Cơ khí (7520103), Kĩ thuật tài nguyên nước (7580212), Địa kĩ thuật xây dựng (7580211), Kĩ thuật cấp thoát nước (7580213), Kinh tế xây dựng (7580301), Quản lí xây dựng (7580302).

    Trong quá trình tổ chức tuyển sinh, dựa trên tình hình thực tế, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ có thể quyết định điều chỉnh, bổ sung danh mục ngành phù hợp dựa trên đề xuất của Bộ môn Công nghệ Kĩ thuật xây dựng và báo cáo ĐHQGHN trước khi thực hiện.

     3.4.  Danh mục các học phần bổ sung kiến thức (dành cho đối tượng có bằng tốt nghiệp đại học phù hợp thuộc nhóm 2): gồm 3 học phần với 6 tín chỉ:

  • Quản lí dự án và rủi ro (2 tín chỉ)
  • Phong thủy trong xây dựng (2 tín chỉ)
  • Những vấn đề hiện đại trong lĩnh vực công nghệ và kĩ thuật xây dựng (2 tín chỉ)

Bài viết liên quan