Chương trình đào tạo ngành Hệ thống thông tin (CLC TT23)

STT

Nội dung chuẩn đầu ra
1 Về kiến thức
  Sinh viên tốt nghiệp chương trình đào tạo có kiến thức thực tế vững chắc, kiến thức lý thuyết sâu, rộng trong lĩnh vực đào tạo. Sinh viên tốt nghiệp CTĐT HTTT CLC có kiến thức toán học, khoa học và kỹ thuật cần thiết cho lĩnh vực Máy tính và CNTT (nói chung), ngành HTTT (nói riêng) và miền ứng dụng (kinh doanh, dịch vụ công, giáo dục, …); có kiến thức nền tảng về các nguyên lý cơ bản, các quy luật tự nhiên và xã hội trong lĩnh vực Máy tính và CNTT (nói chung) và HTTT (nói riêng) để phát triển kiến thức mới và có thể tiếp tục học tập ở trình độ cao hơn; có kiến thức chuyên sâu trong lĩnh vực Máy tính và CNTT (nói chung) và ngành HTTT (nói riêng), đặc biệt là kiến thức chuyên sâu về (i) Tích hợp dịch vụ và quản lý dữ liệu lớn và (ii) Khoa học dữ liệu và phân tích kinh doanh trong thời đại số hóa; nắm vững các kỹ thuật và có kiến thức thực tế để có thể giải quyết các công việc phức tạp; có kiến thức cơ bản về khoa học xã hội, phát triển bền vững và pháp luật; có kiến thức về lập kế hoạch, tổ chức và giám sát các quá trình trong lĩnh vực. Kiến thức và năng lực chuyên môn của cử nhân HTTT CLC được chi tiết hóa như dưới đây.
1.1 Kiến thức chung
1.1.1 Kiến thức về lý luận chính trị
–         Trình bày được hệ thống tri thức khoa học về triết học Mác – Lênin, Kinh tế chính trị Mác – Lênin;

–         Trình bày được hệ thống tri thức khoa học về Chủ nghĩa xã hội khoa học;

–         Trình bày được những kiến thức cơ bản, có tính hệ thống về tư tưởng, đạo đức, giá trị văn hóa Hồ Chí Minh và lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam.

1.1.2 Kiến thức về ngoại ngữ

–         Năng lực ngoại ngữ đạt chuẩn tương đương bậc 4/6 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam;

–         Có thể nghe hiểu các nội dung trao đổi trong các cuộc trao đổi, hội nghị, hội thảo quốc tế;

–         Có thể giao tiếp ở mức độ trôi chảy, tự nhiên với người bản ngữ;

–         Có thể hiểu ý chính của một văn bản phức tạp về các chủ đề cụ thể và trừu tượng, kể cả những trao đổi kỹ thuật thuộc lĩnh vực chuyên môn của bản thân;

–         Có thể viết được các văn bản rõ ràng, chi tiết với nhiều chủ đề khác nhau và có thể giải thích quan điểm của mình về một vấn đề, nêu ra được những ưu điểm, nhược điểm của các phương án lựa chọn khác nhau.

1.1.3 Giáo dục thể chất và quốc phòng an ninh
–         Hiểu và vận dụng những kiến thức khoa học cơ bản trong lĩnh vực thể dục thể chất vào quá trình tập luyện và tự rèn luyện, ngăn ngừa các chấn thương để củng cố và tăng cường sức khỏe. Sử dụng các bài tập phát triển thể lực chung và thể lực chuyên môn đặc thù. Vận dụng những kỹ, chiến thuật cơ bản, luật thi đấu vào các hoạt động thể thao ngoại khóa cộng đồng;

–         Hiểu được nội dung cơ bản về đường lối quân sự và nhiệm vụ công tác quốc phòng – an ninh của Đảng, Nhà nước trong tình hình mới. Vận dụng kiến thức đã học vào chiến đấu trong điều kiện tác chiến thông thường.

1.2 Kiến thức theo lĩnh vực
1.2.1. Kiến thức vật lý

–         Biết được các kiến thức cơ bản về Vật lý cơ, nhiệt, điện và quang; hiểu được các hiện tượng và quy luật Vật lý và các ứng dụng liên quan trong khoa học kỹ thuật và đời sống; biết được mối liên quan kiến thức Vật lý cơ, nhiệt, điện và quang với các chủ đề của Máy tính và CNTT (nói chung) và HTTT (nói riêng), đặc biệt là thành phần hạ tầng công nghệ của các HTTT.

1.2.2. Kiến thức toán học

–         Nắm được các kiến thức cơ bản của Giải tích toán học (tính giới hạn, tính đạo hàm, tính tích phân của các hàm một biến và hàm nhiều biến, v.v.), lô-gic hệ thống các kiến thức Giải tích toán học và biết được các chủ đề của Máy tính và CNTT (nói chung) và HTTT (nói riêng) sử dụng các kiến thức Giải tích toán học;

–         Nắm được các kiến thức cơ bản của Đại số cao cấp (ma trận và các phép biến đổi, giải các hệ phương trình nhiều biến số, và các kiến thức đại số tuyến tính khác), lô-gic hệ thống kiến thức Đại số cao cấp và biết được các chủ đề của Máy tính và CNTT (nói chung) và HTTT (nói riêng) sử dụng các kiến thức Đại số cao cấp.

1.2.3. Kiến thức tin học

–         Giải thích được các kiến thức cơ bản về thông tin;

–         Sử dụng được công cụ xử lý thông tin thông dụng (hệ điều hành, các phần mềm hỗ trợ công tác văn phòng và khai thác Internet,…);

–         Có khả năng phân tích, đánh giá và lập trình một ngôn ngữ lập trình;

–         Có khả năng phân tích, đánh giá phương pháp lập trình hướng thủ tục và lập trình hướng đối tượng; phân biệt được ưu và nhược điểm của hai phương pháp lập trình;

–         Hiểu các kiến thức cơ bản về nguyên lý hoạt động của hệ thống phần cứng, phần mềm, tối ưu hóa hệ thống kết hợp giữa phần cứng và phần mềm.

1.3 Kiến thức theo khối ngành
–         Vận dụng được các kiến thức liên quan đến cấu trúc dữ liệu về mảng, danh sách liên kết, hàng đợi, ngăn xếp, cây nhị phân, bảng băm;

–         Vận dụng được các thuật toán cơ bản liên quan đến sắp xếp, tìm kiếm và các thuật toán khác trên các cấu trúc dữ liệu;

–         Vận dụng được các khái niệm cơ bản của lý thuyết xác suất;

–         Vận dụng được các phương pháp phân tích tín hiệu, phân tích và thiết kế hệ thống tuyến tính trong các miền biểu diễn khác nhau.

1.4 Kiến thức theo nhóm ngành
–         Nền tảng về CNTT: Cơ bản về lập trình, Thuật toán và độ phức tạp, Kiến trúc và tổ chức máy tính, Hệ điều hành, Tính toán dựa trên mạng, Ngôn ngữ lập trình, Đồ họa và tính toán trực quan, hệ thống thông minh;

–         Xu hướng mới trong CNTT: Các công nghệ mới nổi trong CNTT, Thách thức đối với sự phát triển CNTT: Tính hiệu quả của CNTT, vai trò chiến lược của CNTT (đặc biệt là HTTT) trong tổ chức.

1.5 Kiến thức ngành
–         Quản lý HTTT và tính lãnh đạo: Xác định và thiết kế các cơ hội để cải tiến tổ chức dựa trên CNTT. Tích hợp kế hoạch chiến lược phát triển với kế hoạch HTTT;

–         Quản lý dữ liệu và thông tin: quản lý HTTT (bao gồm cả việc quản lý, điều hành, và đảm bảo cơ sở hạ tầng CNTT) hoạt động liên tục trong tổ chức;

–         Phân tích và thiết kế hệ thống (Phân tích thỏa hiệp: trade-offs): thiết kế và so sánh các giải pháp, tìm nguồn cung ứng cho các phương án (giải pháp) thay thế; Thiết kế và thi hành giải pháp HTTT: tích hợp trong thiết kế và thi hành giải pháp tích hợp mạnh với yếu tố kinh doanh đạt hiệu suất cao;

–         Quản lý dự án HTTT: Chuẩn quản lý dự án, các khái niệm, vòng đời dự án, mười vùng tri thức quản lý (tích hợp, phạm vi, thời gian, chi phí, chất lượng, tài nguyên con người, truyền thông, rủi ro, mua sắm, bên liên quan) và 49 quy trình quản lý dự án;

–         Kiến trúc doanh nghiệp: Khung kiến trúc doanh nghiệp, mô hình dữ liệu doanh nghiệp, kiến trúc hướng dịch vụ, tích hợp dịch vụ, quản lý rủi ro, quản lý nội dung, quản trị hệ thống, …;

–         Khai thác và sử dụng tri thức người dùng: Các yếu tố ảnh hưởng đến trải nghiệm người dùng, Kinh nghiệm người dùng trong ngữ cảnh thiết kế, tích hợp vấn đề an ninh và kinh nghiệm người dùng, …;

–         Thực tập về quản lý dự án: Kiến thức, kỹ năng (cứng và mềm) về quản lý dự án trong thực tiễn;

–          Kiến thức miền ứng dụng (doanh nghiệp và ngân hàng, dịch vụ công và giáo dục, chăm sóc sức khỏe, hoạt động phi lợi nhuận, …); Mô hình tổng quát cho miền ứng dụng (chẳng hạn như đối với miền ứng dụng kinh doanh: mô hình kinh doanh, thiết kế và quản lý quy trình kinh doanh, lý thuyết tổ chức, chiến lược kinh doanh); Đặc tả cốt lõi về miền ứng dụng (chẳng hạn, miền ứng dụng kinh doanh: tài chính, kế toán, tiếp thị, khoa học dịch vụ, hành vi tổ chức, luật kinh doanh); Đo lường đánh giá hiệu suất đối với miền ứng dụng (chẳng hạn như đối với miền ứng dụng kinh doanh: phân tích hiệu năng của tổ chức, phân tích hiệu năng của cá nhân và đội, phân tích kinh doanh, thông minh kinh doanh, các độ đo liên quan); Kiến thức Tích hợp dịch vụ và quản lý dữ liệu lớn, Khoa học dữ liệu và phân tích kinh doanh;

–          Khóa luận tốt nghiệp: Nghiên cứu và đề xuất mô hình, giải pháp và thi hành các bài toán thời sự của HTTT ở quy mô phù hợp.

1.6 Năng lực tự chủ và trách nhiệm
–         Có năng lực làm việc độc lập hoặc làm việc theo nhóm trong điều kiện làm việc thay đổi, chịu trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm đối với nhóm; có khả năng hướng dẫn, giám sát những người khác thực hiện nhiệm vụ xác định; có khả năng tự định hướng, đưa ra kết luận chuyên môn và có thể bảo vệ được quan điểm cá nhân; tự học tập, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; có năng lực lập kế hoạch, điều phối, quản lý các nguồn lực, đánh giá và cải thiện hiệu quả các hoạt động.
2 Về kỹ năng
2.1 Kỹ năng chuyên môn
2.1.1 Các kỹ năng nghề nghiệp và giải quyết các vấn đề phức tạp
–         Có kỹ năng hoàn thành công việc phức tạp đòi hỏi vận dụng kiến thức lý thuyết và thực tiễn của ngành được đào tạo trong những bối cảnh khác nhau; có kỹ năng phân tích, tổng hợp, đánh giá dữ liệu và thông tin, tổng hợp ý kiến tập thể và sử dụng những thành tựu mới về khoa học công nghệ để giải quyết những vấn đề thực tế hay trừu tượng trong lĩnh vực được đào tạo; có năng lực dẫn dắt chuyên môn để xử lý những vấn đề quy mô địa phương và vùng miền;

–         Vận dụng các kiến thức cơ bản về Toán và Vật lý trong khoa học công nghệ và đời sống;

–         Biết lập trình và sử dụng các công cụ phần mềm, cũng như khả năng tự học các ngôn ngữ lập trình, công nghệ mới theo yêu cầu của bài toán thực tế;

–         Biết và vận dụng được quy trình thiết kế, phân đoạn quy trình thiết kế và phương pháp tiếp cận trong bài toán thực tế;

–         Biết và vận dụng quy trình lập kế hoạch, sắp xếp công việc, quản lý thời gian và nguồn lực;

–         Biết tìm kiếm, cập nhật, tổng hợp, khai thác thông tin.

2.1.2 Thiết kế cơ hội để cải tiến tổ chức dựa trên CNTT (Hình thành ý tưởng)
–         Liên kết từng phần và đầy đủ chiến lược CNTT (chiến lược HTTT) và chiến lược tổ chức;

–         Cải thiện quy trình tổ chức nhờ các giải pháp CNTT;

–         Hiểu và thiết kế vai trò của HTTT quản lý rủi ro của tổ chức và thiết lập giám sát rủi ro;

–         Xác định chính xác và khai thác tốt cơ hội được tạo ra thông qua đổi mới công nghệ mới nổi;

–         Làm tài liệu về yêu cầu thông tin;

–         Nâng cao kinh nghiệm của các bên liên quan (nhà đầu tư) trong tương tác với các tổ chức, bao gồm các vấn đề tương tác người-máy;

–         Quản lý được dự án HTTT.

2.1.3 Thiết kế và thi hành giải pháp HTTT (Thiết kế và thi hành)
–         Thiết kế kiến ​​trúc doanh nghiệp;

–         Xác định, đánh giá, và thu thập các giải pháp cụ thể và các tùy chọn tìm nguồn cung ứng, cấu hình và tích hợp các giải pháp tổ chức sử dụng các giải pháp đóng gói;

–         Thiết kế và thi hành các giải pháp cung cấp một trải nghiệm người dùng chất lượng cao đối với HTTT, các mô hình tiếp nhận công nghệ (Technology Acceptance Model: TAM) của người sử dụng;

–         Thiết kế an toàn hệ thống và hạ tầng dữ liệu;

–         Thiết kế và thi hành các ứng dụng, kiến ​​trúc ứng dụng và hệ thống tích hợp ứng dụng;

–         Quản lý và khai thác dữ liệu và thông tin tổ chức, thiết kế các mô hình dữ liệu và thông tin;

–         Quản lý tài nguyên phát triển / mua sắm HTTT;

–         Quản lý dự án HTTT.

2.1.4 Quản lý hoạt động CNTT đang diễn ra (Vận hành)
–         Quản lý việc sử dụng các nguồn tài nguyên công nghệ doanh nghiệp;

–         Quản lý hiệu suất và năng lực mở rộng ứng dụng;

–         Duy trì HTTT hiện có;

–         Quản lý mối quan hệ với các nhà cung cấp dịch vụ công nghệ;

–         Bảo mật dữ liệu và hạ tầng hệ thống;

–         Đảm bảo tính liên tục kinh doanh;

–         Cải tiến và tiến hoá HTTT.

2.1.5 Kỹ năng phản biện, phê phán và sử dụng các giải pháp thay thế trong điều kiện môi trường không xác định hoặc thay đổi
–         Có kỹ năng phát hiện, đánh giá và phân tích vấn đề, mô hình hóa đề giải quyết vấn đề chuyên môn;

–         Xác định vấn đề và phạm vi: thu thập dữ liệu và biện minh, hình thành giả thiết và các trường hợp ngoại lệ, xác định đích tổng thể và phân độ ưu tiên theo ngữ cảnh, lên phương án xử lý;

–         Mô hình hóa: Xác định giả thiết để đơn giản hóa hệ thống và môi trường phức tạp, xác định cấp độ quy mô, ranh giới các cấp độ và xu hướng chuyển hóa giữa các cấp độ quy mô, kiểm tra tính nhất quán của mô hình hóa và phát hiện lỗi mô hình hóa, tổng quát hóa giải pháp phân tích mô hình hóa;

–         Phân tích ước lượng và định lượng: Cấp độ của quy mô, ranh giới giữa các cấp độ, xu hướng chuyển dịch theo các cấp độ quy mô (quan hệ lượng – chất), tính nhất quán và lỗi liên quan tới tính nhất quán, tổng quá hóa giải pháp phân tích;

–         Phân tích sự hiện diện của các yếu tố bất định theo tư duy phản biện: Thông tin không chắc chắn và sự nhập nhằng, các mô hình thống kê và mô hình dãy sự kiện khả năng, phân tích rủi ro, phân tích chi phí – lợi nhuận, phân tích quyết định và sự phòng ngừa đối với ngoại lệ;

–         Kết thúc vấn đề: Giải pháp cho bài toán.

2.1.6 Khả năng nghiên cứu và khám phá tri thức
–         Nguyên tắc nghiên cứu và điều tra: Các câu hỏi quan trọng cần phải kiểm tra, Giả thiết để kiểm thử, giám sát và nhóm giám sát;

–         Điều tra thực nghiệm: Khái niệm và chiến lược thực nghiệm, điều tra xã hội học, xây dựng thực nghiệm và mô tả, kiểm thử và đánh giá kết quả;

–         Khảo sát qua tài liệu và thông tin điện tử: Xác định và tìm kiếm thông tin sử dụng thư viện, các công cụ tìm kiếm trực tuyến; Sắp xếp và phân loại thông tin, Độ tin cậy của chất lượng thông tin, các vấn đề mở, trích dẫn tài liệu tham khảo;

–         Kiểm thử và bảo vệ giả thiết: Thẩm định thống kê về dữ liệu, nắm bắt và khắc phục hạn chế của dữ liệu thực nghiệm, kết luận về kết quả rút ra từ thực nghiệm và điều tra.

2.1.7 Kỹ năng đánh giá chất lượng công việc sau khi hoàn thành và kết quả thực hiện của các thành viên trong nhóm
–         Có khả năng phân tích, tổng hợp và đánh giá toàn cục cũng như chi tiết kết quả của tất cả các thành viên;

–         Tư duy hệ thống: Suy xét mang tính lịch sử từ cấu trúc thành phần – chức năng – hành vi của hệ thống, các cách nhìn khác nhau tới hệ thống, ngữ cảnh (xã hội-doanh nghiệp – kỹ thuật) của hệ thống, giao tiếp của môi trường tới hệ thống và hành vi của hệ thống;

–         Nhận biết những điểm nổi bật và tương tác trong hệ thống: trừu tượng hóa để xác định và mô hình hóa các thực thể/thành phần hệ thống, các mối quan hệ – tương tác – giao diện giữa các thành phần, các thuộc tính – chức năng – hành vi nổi bật trong hệ thống, quá trình tiến hóa thích nghi theo thời gian;

–         Sắp xếp trình tự ưu tiên và tập trung (Biết phân cấp độ ưu tiên và định hướng tập trung vào ưu tiên cao): nhận biết được tất cả các yếu tố liên quan tới toàn bộ hệ thống, phát hiện các yếu tố dẫn xuất để xếp độ ưu tiên cao, phân bố tài nguyên để giải quyết vấn đề;

–         Trao đổi cân bằng các yếu tố khác nhau (Hoán đổi, quyết định và cân đối giải pháp): Các yếu tố cần giải quyết dựa trên sự cân bằng, Tối ưu hóa hệ thống trên cơ sở cân bằng giữa các yêu tố, giải pháp tối ưu và linh hoạt trong vòng đời hệ thống, các cải tiến hệ thống tiềm năng.

2.1.8 Kỹ năng truyền đạt vấn đề và giải pháp tới người khác tại nơi làm việc; chuyển tải, phổ biến kiến thức, kỹ năng trong việc thực hiện những nhiệm vụ cụ thể hoặc phức tạp
–         Có kỹ năng phân tích, truyền đạt chính xác và rõ ràng các vấn đề gặp phải trong công việc tới những người khác.
2.1.9 Hiểu bối cảnh tổ chức và ngoại cảnh
–         Hiểu được ngữ cảnh lịch sử và văn hóa của ngành HTTT: HTTT được hình thành và phát triển như một chuyên ngành khoa học, xu thế phát triển HTTT hiện đại;

–         Hiểu được vai trò và trách nhiệm của kỹ sư;

–         Hiểu được tác động của kỹ thuật/công nghệ đến xã hội;

–         Hiểu được quy định của xã hội về kỹ thuật/công nghệ;

–         Hiểu được các giá trị và vấn đề đương đại;

–         Hiểu được các vấn đề toàn cầu hóa (khía cạnh tích cực và tiêu cực), giữ gìn và phát huy bản sắc Việt Nam để hội nhập quốc tế;

–         Hiểu được tính bền vững và nhu cầu của phát triển bền vững.

–         Xác địnhđược tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp;

–         Nhận biết được các bên liên quan đến doanh nghiệp, chiến lược và mục tiêu của doanh nghiệp;

–         Có kiến thức về kinh doanh kỹ nghệ;

–         Làm việc thành công trong các tổ chức trong nước;

–         Phát triển và đánh giá công nghệ mới;

–         Xây dựng tài chính và kinh tế dự án.

2.1.10 Năng lực vận dụng kiến thức, kỹ năng vào thực tiễn
–         Vận dụng kiến thức trong thiết kế;

–         Thiết kế và mô phỏng quá trình triển khai;

–         Quy trình sản xuất (phần cứng, phần mềm, và tích hợp);

–         Kiểm tra, kiểm chứng, phê chuẩn và chứng nhận;

–         Quản lý và tối ưu hóa vận hành;

–         Hỗ trợ chu kỳ vòng đời hệ thống;

–         Cải thiện và phát triển hệ thống;

–         Các vấn đề liên quan đến kết thúc vòng đời;

–         So sánh phương án giải pháp sử dụng tiêu chí quyết định tổng hợp;

–         Lập vốn đầu tư cho các dự án chuyên sâu CNTT, hình thành biện minh về tài chính cho việc lựa chọn giữa các phương án thay thế.

2.1.11 Kỹ năng dẫn dắt, khởi nghiệp, tạo việc làm cho mình và cho người khác
–         Tìm tòi, cập nhật thông tin về phát triển công nghệ;

–         Phân tích, tổng hợp và đánh giá tác động của công nghệ đến xã hội, môi trường;

–         Nhận định các xu hướng phát triển tương lai;

–         Đánh giá sự khác biệt văn hóa cho các tùy chọn vượt qua ranh giới địa lý;

–         Lập kế hoạch và quản lý một dự án đến khi hoàn thành;

–         Tập dượt đánh giá dự án/giải pháp và lập luận phản biện;

–         Thiết kế và giới thiệu sản phẩm và dịch vụ mới;

–         Phát triển của các thiết bị, vật liệu hay quy trình mới để tạo ra sản phẩm hay dịch vụ mới;

–         Cài đặt và vận hành: Tạo và vận hành sản phẩm/dịch vụ tạo giá trị mới.

2.2 Kỹ năng bổ trợ
2.2.1 Các kỹ năng cá nhân

–         Tư duy sáng tạo: Khái quát hóa và trừu tượng hóa, tổng hợp và tổng quát hóa, vận dụng tốt quy trình vận động sáng tạo, biết vai trò của sáng tạo trong các hoạt động khoa học – công nghệ – nghệ thuật – nhân văn;

–         Có kỹ năng phê phán, phản biện;

–         Cập nhật thế giới công nghệ;

–         Quản lý tài nguyên và thời gian của cá nhân;

–         Có kỹ năng học suốt đời. Tự nâng cao nhận thức, tư duy đánh giá nhận thức (siêu nhận thức) và tích hợp tri thức.

2.2.2 Làm việc theo nhóm

–         Tạo lập các nhóm hiệu quả: nhóm thực hiện dự án hệ thống thông tin, dự án kho dữ liệu, dự án khai phá dữ liệu…;

–         Hiểu được quy trình hoạt động nhóm: Các vai trò nhóm, phân bổ vai trò tới thành viên, lãnh đạo nhóm, giao tiếp nhóm (giao tiếp từng thành viên và họp toàn nhóm phát triển), …;

–         Phát triển và tiến hóa nhóm: phát triển hoạt động nhóm theo vòng đời của dự án;

–         Lập nhóm đa ngành và nhóm kỹ thuật (nhóm thực hiện dự án kho dữ liệu, dự án khai phá dữ liệu…): yêu cầu kinh doanh có tính chủ đạo, giao tiếp chuyên gia HTTT với chuyên gia miền lĩnh vực kinh doanh.

2.2.3 Quản lý và lãnh đạo

–         Kỹ năng quản lý tổ chức: quản lý quy trình tổ chức, quản lý tài nguyên tổ chức, quản lý thay đổi, xây dựng, phát triển và huy động tài nguyên văn hóa tổ chức, quản lý dự án;

–         Kỹ năng quản lý nhân viên: quan tâm, động viên, khen thưởng và đào tạo phát triển nhân viên;

–         Kỹ năng dẫn dắt tập thể, huy động sức mạnh tập thể.

2.2.4 Kỹ năng giao tiếp
–         Biết cách lập luận, sắp xếp ý tưởng, cấu trúc giao tiếp;

–         Giao tiếp viết;

–         Giao tiếp đa phương tiện và điện tử;

–         Giao tiếp đồ họa;

–         Trình bày miệng;

–         Đặt câu hỏi, lắng nghe và hội thoại;

–         Đàm phán, thỏa hiệp và giải quyết xung đột;

–         Biện hộ, bảo vệ quan điểm;

–         Thiết lập quan hệ và mạng lưới đa dạng.

2.2.5 Kỹ năng giao tiếp sử dụng ngoại ngữ
Tương đương bậc 4/6 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam: hiểu được các ý chính của một báo cáo hay bài phát biểu về các chủ đề quen thuộc trong công việc liên quan đến ngành được đào tạo; có thể sử dụng ngoại ngữ để diễn đạt, xử lý một số tình huống chuyên môn thông thường; có thể viết được báo cáo có nội dung đơn giản, trình bày ý kiến liên quan đến công việc chuyên môn.
2.2.6 Các kỹ năng bổ trợ khác
–         Đương đầu với thách thức, rủi ro;

–         Thích nghi đa văn hóa.

3 Về phẩm chất đạo đức
3.1 Phẩm chất đạo đức cá nhân
–         Trung thực và công bằng;

–         Tiết kiệm và liêm chính;

–         Tôn trọng sự học (tình thầy-trò, tình bạn đồng môn, tinh thần học tập và rèn luyện suốt đời;

–         Trách nhiệm gia đình-xã hội: bản thân, gia đình, tổ chức, bạn bè, xã hội;

–         Tiên phong về mục đích và tầm nhìn trong cuộc sống, dám đương đầu với khó khăn – thử thách;

–         Lễ độ và khiêm tốn.

3.2 Phẩm chất đạo đức nghề nghiệp
–         Tác phong và hành vi chuyên nghiệp;

–         Tính kiên nhẫn, khẩn trương và sẵn sàng cung cấp kết quả, tài xoay xở và linh động: Có trách nhiệm với sản phẩm của mình, tự tin – cam đảm và nhiệt tình hoàn thành sản phẩm dự kiến, thích nghi với sự thay đổi, tính sẵn sàng và khả năng làm việc độc lập, làm việc cởi mở với người khác và chịu khó nắm bắt nhiều quan điểm, sẵn sàng tiếp nhận phản hồi và phê bình đồng thời với cung cấp phản ánh và hồi đáp;

–         Tinh thần phát huy sáng kiến và tính sẵn sàng quyết định khi còn có sự không chắc chắn: sự cần thiết và khai thác cơ hội phát huy sáng kiến, quyết định dựa trên thông tin đã có, phát triển quá trình thực thi sáng kiến, dự đoán lợi ích và rủi ro tiềm năng khi quyết định hoặc thực hiện một hành động;

–         Trung thành với tổ chức;

–         Cân bằng công việc và cuộc sống.

3.3 Phẩm chất đạo đức xã hội
–         Trách nhiệm với xã hội;

–         Tuân thủ luật pháp;

–         Tính công bằng và tôn trọng sự đa dạng;

–         Nhiệt tình tham gia công tác xã hội. Lòng trắc ẩn, phê phán và loại trừ điều xấu;

–         Trung thành với Tổ quốc.

4 Vị trí việc làm mà học viên có thể đảm nhiệm sau khi tốt nghiệp
–         Chuyên viên/chuyên gia thiết kế, xây dựng phát triển và kiểm thử các HTTT (ở mức cao là Kiến trúc sư HTTT);

–         Chuyên viên/chuyên gia tích hợp hệ thống, dịch vụ;

–         Quản trị HTTT, quản trị hệ CSDL;

–         Chuyên viên/chuyên gia phát triển ứng dụng thương mại điện tử (e-commerce), chính quyền điện tử (e-government), xã hội điện tử (e-society), …;

–         Chuyên viên/chuyên gia an ninh/an toàn HTTT;

–         Chuyên viên/chuyên gia quản lý dữ liệu lớn;

–         Chuyên viên/chuyên gia khoa học dữ liệu và phân tích kinh doanh;

–         Chuyên viên/chuyên gia CNTT khác;

–         Giám đốc bộ phận thông tin (CIO);

–         Nghiên cứu viên /giảng viên HTTT và CNTT.

5 Khả năng học tập, nâng cao trình độ sau khi tốt nghiệp
  Cử nhân tốt nghiệp CTĐT HTTT chất lượng cao có đủ năng lực để học tiếp lên trình độ thạc sĩ, tiến sĩ tại các trường đại học tiên tiến trong nước và trên thế giới.

Bài viết liên quan