Xây dựng Mạng lưới Học thuật Việt Nam – Quốc tế trong lĩnh vực Công nghệ thông tin – Khoa học máy tính
Ngày 29/7/2022, trong khuôn khổ Hội thảo Mùa hè 2022 của Dự án PHER, cuộc họp hợp phần các mạng lưới học thuật Việt Nam – quốc tế lĩnh vực Công nghệ thông tin – Khoa học máy tính (VIAN-IT) đã được tổ chức tại Trường Đại học Công nghệ – ĐHQGHN.
Tham gia cuộc họp về phía Đại học Indiana (Mỹ) có GS.TS Đinh Trung Hằng, về phía Trường Đại học Công nghệ có GS.TS Chử Đức Trình, Phó Hiệu trưởng nhà trường, GS.TS Nguyễn Thanh Thuỷ, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Đào tạo nhà trường, các chuyên gia đến từ các nhóm nghiên cứu chính của các đơn vị thuộc ĐHQGHN là Trường Đại học Công nghệ, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Trường Quốc tế, Viện Công nghệ Thông tin.
Cuộc họp là hoạt động hỗ trợ nghiên cứu và tăng cường kết nối các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực Công nghệ Thông tin và Khoa học máy tính của ba đại học tại Việt Nam (Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, Đại học Đà Nẵng), Đại học Indiana cùng các học giả và nghiên cứu uy tín trên thế giới để thành lập Mạng lưới học thuật quốc tế.
Các học giả của ĐHQGHN tham gia mạng lưới sẽ có cơ hội trao đổi chuyên môn, dẫn dắt và cố vấn bởi các họcgiả uy tín để có các sản phẩm nghiên cứu được công bố trên các tạp chí nghiên cứu quốc tế. Đồng thời, các sản phẩm này sẽ được thuyết trình và thảo luận tại các Hội thảo Khoa học hàng năm của dự án. Bên cạnh đó, các học giả cũng sẽ là những nhân tố hỗ trợ các hoạt động cải tiến và đổi mới các chương trình đào tạo.
Phát biểu khai mạc, GS.TS. Chử Đức Trình coi đây là cơ hội để Việt Nam xây dựng được nhiều mạng lưới học thuật quốc tế hoạt động hiệu quả, có kết quả tốt trong công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo và kết nối Đại học – Doanh nghiệp. GS mong muốn nhóm VIAN-IT sẽ là cầu nối của các nhà khoa học làm việc trong lĩnh vực Công nghệ Thông tin – Truyền Thông, Khoa học Máy tính, Điện tử Viễn thông, Công nghệ Nông nghiệp, Hàng không Vũ trụ và các lĩnh vực liên quan.
Giáo sư nhấn mạnh, Nhà trường sẽ đồng hành với nhóm VIAN-IT trong việc vận hành, và hi vọng nhóm sẽ đạt nhiều kết quả tốt, đề xuất được nhiều chính sách về khoa học công nghệ cho Chính phủ. Đồng thời nhóm cũng tạo ra được các diễn đàn có thể định vị và truyền thông cho xã hội trong việc lựa chọn nghề nghiệp của học sinh trong thời gian tới.
GS.TS. Chử Đức Trình phát biểu khai mạc Cuộc họp
Tại phiên họp, GS.TS Đinh Trung Hằng giới thiệu về Dự án hợp tác đổi mới giáo dục đại học (PHER); mạng lưới VIAN và chương trình học giả (visiting scholar) của dự án; cũng như giới thiệu các nhà khoa học Mỹ đã nhận lời tham gia VIAN-IT.
GS.TS Đinh Trung Hằng giới thiệu các chuyên gia VIAN lĩnh vực CNTT-KHMT từ IU
GS.TS. Nguyễn Thanh Thủy giới thiệu các nhóm nghiên cứu chính trong 4 đơn vị có nghiên cứu và đào tạo KHMT trong ĐHQGHN
TS. Võ Đình Hiếu – Phó Chủ nhiệm khoa CNTT, Trường ĐH Công nghệ giới thiệu các nhóm nghiên cứu của trường ĐH Công nghệ
TS. Đỗ Thanh Hà đại diện trường ĐH Khoa học Tự nhiên giới thiệu các nhóm nghiên cứu của trường
TS Nguyễn Quang Thuận đại diện trường Quốc tế giới thiệu các nhóm nghiên cứu của trường
PGS. TS. Trần Xuân Tú – Viện trưởng Viện CNTT giới thiệu các nhóm nghiên cứu của Viện
Phần thảo luận, các nhà quản lý, chuyên gia tập trung trao đổi về ưu tiên để VIAN-IT hoạt động hiệu quả,về phát triển lộ trình, kế hoạch hoạt động của VIAN, những ưu tiên hoạt động của nhóm và lập kế hoạch chi tiết hoạt động năm 2022 cũng như kế hoạch hoạt động trong 4 năm tới.
Dự án Hợp tác đổi mới giáo dục đại học (PHER) do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ kéo dài trong 5 năm với kinh phí 14,2 triệu đô-la thông qua trường Đại học Indiana (Hoa Kỳ) thực hiện nhằm mục tiêu xây dựng các mô hình và phương pháp tiếp cận sáng tạo, phát triển các mối quan hệ đối tác để hỗ trợ 3 đại học lớn của Việt Nam là Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Đà Nẵng.
Dự án PHER tập trung vào 4 trụ cột:
– Thứ nhất là Đổi mới quản trị – đem tới cơ hội tăng cường năng lực quản trị đại học cho lãnh đạo của các đại học Việt Nam.
– Thứ hai là nâng cao chất lượng dạy và học – tập trung phát triển năng lực đội ngũ giảng viên trong việc thiết kế các khóa học hiện đại, số hóa chương trình đào tạo để giúp sinh viên mở rộng tiếp cận với nguồn tài nguyên dạy và học chất lượng cao. Đồng thời, chương trình sẽ xây dựng các cộng đồng giảng viên trong nhiều lĩnh vực chuyên môn để khuyến khích hợp tác liên trường về học thuật.
– Thứ ba là nâng cao năng lực nghiên cứu – giúp cải thiện năng lực nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, gắn kết các hoạt động nghiên cứu với nhu cầu kinh tế, xã hội của đất nước thông qua các hoạt động trao đổi học giả và giảng viên, hội thảo và các khóa học ngắn hạn.
– Thứ tư là tăng cường kết nối đại học – doanh nghiệp – dự án hỗ trợ các đại học xây dựng và duy trì quan hệ đối tác giữa trường đại học và doanh nghiệp.
UET-NEWS