Sinh viên trường ĐH Công nghệ chế tạo hệ thống báo cháy ứng dụng công nghệ IoT

Lê Đức Kiên là sinh viên K62M4, ngành công nghệ Kỹ thuật Cơ Điện Tử, Khoa Cơ Học Kỹ thuật điều khiển & Tự động hóa, trường ĐH Công nghệ. Ngay từ đầu năm 2 Kiên đã lên LAB tham gia nghiên cứu đề tài: “Ứng dụng công nghệ IoT cho hệ thống báo cháy”.

Chia sẻ lý do chọn đề tài này Kiên cho biết: “Như mọi người thấy, tình hình cháy nổ hiện nay ở nước ta đang diễn ra hết sức phức tạp. Số lượng các vụ cháy ngày càng tăng cao và gây hậu quả nghiêm trọng đặc biệt vào mùa nắng nóng. Một trong những nguyên nhân gây cháy lại xuất phát từ chính các hệ thống báo cháy cũ, do chập cháy, lâu không được tu dưỡng bảo trì. Ngoài ra các hệ thống báo cháy thông thường này còn tồn tại nhiều nhược điểm như: Lắp đặt phức tạp, giá thành cao, không được nâng cấp, cập nhật thường xuyên, chi phí sửa chữa cao. Đặc biệt gia chủ không thể biết được hệ thống báo cháy còn hoạt động hay không, do đó dẫn đến không kịp thời sửa chữa và nguy hiểm hơn khi xảy ra cháy mà hệ thống không cảnh báo. Do đó em thấy rằng cần phát triển một hệ thống báo cháy có ứng dụng công nghệ IoT nhỏ gọn, giá rẻ, mà người dùng có thể giám sát, điều khiển từ xa qua Internet.”

Hệ thống gồm 3 khối chính: Khối xử lý trung tâm, khối cảm biến và khối truyền thông. Sau khi khởi động, bộ xử lý trung tâm sẽ đọc tín hiệu từ cảm biến khói và cảm biến nhiệt độ. Sau đó, hệ thống sẽ phân tích, xử lý và gửi dữ liệu nhiệt độ, tình trạng hoạt động lên web server theo thời gian thực qua tính năng GPRS trên modul SIM tích hợp trên thiết bị. Khi cảm biến phát hiện khói hoặc nhiệt độ môi trường tăng đột ngột (dấu hiệu của sự cháy). Hệ thống sẽ kích hoạt còi báo, tin nhắn, quay số điện thoại tới thuê bao đã được cài sẵn trong hệ thống. Đồng thời đèn trạng thái Status trên giao diện Web server sẽ chuyển từ xanh sang đỏ để báo trạng thái có xảy ra cháy. Ngoài ra người dùng cũng có thể gửi tin nhắn để bật, tắt hệ thống và kiểm tra hoạt động của hệ thống bất cứ khi nào và bất cứ đâu. Đồng thời người dùng cũng có thể theo dõi tình trạng hoạt động và nhiệt độ khu vực lắp đặt bằng cách truy cập vào một giao diện web trên máy tính hoặc điện thoại.

Đề tài có tham khảo từ nhiều nguồn khác nhau như các bài báo nghiên cứu khoa học, bài báo phân tích tình hình cháy nổ cũng như kiến thức chuyên môn từ giáo trình trên thư viện của nhà trường. Hàng tuần, ở bộ môn sẽ có các báo cáo tiến độ, từ đó các thầy sẽ đưa ra nhận xét, đánh giá, để đưa ra hướng đi tiếp theo. Ngoài ra, khi bất chợt gặp khó khăn nan giải, thầy trò sẽ cùng ngồi suy nghĩ để tìm ra hướng giải quyết tối ưu nhất.

Trong quá trình nghiên cứu đề tài Kiên chia sẻ có những thuận lợi như: Được Nhà trường, Khoa và các thầy trong LAB ủng hộ, cung cấp hỗ trợ kiến thức chuyên môn, cũng như đầy đủ trang thiết bị, môi trường học tập tốt nhất để hoàn thiện đề tài.

Những khó khăn như: Đề tài yêu cầu kiến thức chuyên môn từ nhiều lĩnh vực: Điện tử, Cơ học và CNTT. Do đó mất nhiều thời gian và công sức để học tập, áp dụng các kiến thức trên. Nhưng Kiên không xem đây là khó khăn mà đó là thử thách giúp em hoàn thiện, phát triển bản thân nhiều hơn.

Ths Trần Như Chí đang cùng hướng dẫn Kiên với PGS.TS Bùi Thanh Tùng có những nhận xét về khả năng ứng dụng vào thực tế của đề tài: “Hệ thống có thể áp dụng ngay vào các căn hộ chung cư hay các hộ gia đình với giá thành rẻ, nhỏ gọn tiện lợi, độ chính xác cao, có thể lắp đặt một cách nhanh chóng. Có thể kết hợp hệ thống mới với hệ thống được lắp đặt trước đó”.

Kiên cũng chia sẻ thêm về hướng phát triển của đề tài trong thời gian tới:

“Trong thời gian tới, hướng phát triển của đề tài tiếp theo sẽ là tích hợp thêm phương thức truyền thông WiFi và camera. Biến hệ thống báo cháy thành một hệ thống đa chức năng: báo cháy và giám sát. Đồng thời tích hợp thêm tính năng xử lý ảnh, phát hiện đám cháy qua hình ảnh. Nhờ đó làm tăng độ tin cậy của hệ thống. Ngoài ra người dùng vừa có thể theo dõi nhiệt độ, tình trạng hoạt động, và quan sát hình ảnh từ camera bằng qua giao diện website”.

UET-news

Bài viết liên quan