Hội đồng Khoa học và Đào tạo phiên họp lần thứ IV, nhiệm kỳ 2019-2024

   Ngày 24/12/2021, Hội đồng Khoa học và Đào tạo trường Đại học Công nghệ (ĐHCN) đã tổ chức phiên họp lần thứ IV, nhiệm kỳ 2019-2024 thông qua nhiều nội dung quan trọng phát triển Trường ĐHCN (Đại học Quốc gia Hà Nội). 
   Tham dự phiên họp gồm có các thành viên Hội đồng Khoa học và Đào tạo Trường ĐHCN và thủ trưởng các đơn vị trực thuộc.

   Phát biểu khai mạc, Hiệu trưởng Nguyễn Việt Hà chia sẻ với thành viên trong Hội đồng về những thay đổi mới của Nhà trường trong thời gian tới. Năm 2022, Nhà trường sẽ nâng mức độ tự chủ lên thành đơn vị tự chủ chi thường xuyên. Từ đó, Trường sẽ gia tăng mức độ tự chủ kèm theo các vấn đề về điều kiện đảm bảo chất lượng và các hoạt động mang tính giải trình của Nhà trường. Trường đã hoàn thành bước phát triển đầu tiên trong giai đoạn mới bằng việc tổ chức hội nghị đại biểu bầu Hội đồng Trường nhiệm kỳ I. Trong thời gian qua do ảnh hưởng dịch Covid-19, các hoạt động chuyển sang trực tuyến nhưng công tác đào tạo, tuyển sinh và nghiên cứu khoa học vẫn đảm bảo tiến độ và chất lượng đào tạo.

   Hiệu trưởng đã thông tin ngắn gọn đến các thành viên Hội đồng các nội dung cụ thể liên quan đến phiên họp lần thứ III về đẩy mạnh phát triển chương trình đào tạo, tổ chức khoa học công nghệ và các đơn vị trong Trường, Hội đồng đề xuất ngành, chuyên ngành phù hợp xu thế 4.0 trong đó có chương trình đại học về Trí tuệ nhân tạo. Dựa vào những đóng góp của Hội đồng, Nhà trường hoàn thành Đề án mở ngành Trí tuệ nhân tạo báo cáo ĐHQGHN. Để việc tổ chức chương trình đào tạo mới hiệu quả, Nhà trường đề xuất tái cấu trúc các phòng thí nghiệm để thành lập Viện Trí tuệ nhân tạo; điều chỉnh chương trình đào tạo gia tăng tính liên thông, hiệu quả.

   Tại hội nghị các đại biểu đã lắng nghe GS.TS Chử Đức Trình – Phó Hiệu trưởng trình bày báo cáo về hoạt động và kết quả trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học năm 2021. Về đào tạo, Nhà trường có 17 chương trình đào tạo bậc đại học, 10 chương trình đào tạo bậc cao học và 08 chương trình đào tạo bậc tiến sĩ. Tổng số sinh viên là 5.720, trong đó sinh viên chất lượng cao theo Thông tư 23 chiếm tỉ lệ 32,7%. Trong năm qua, Trường đã giữ ổn định công tác đào tạo trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 nhớ các hoạt động tích cực và kịp thời bằng việc tổ chức hoạt động đào tạo trực tuyến; kết quả tuyển sinh đại học (đạt 106%), sau đại học (cao học đạt 127%, nghiên cứu sinh đạt 150%); xây dựng quy hoạch ngành, chuyên ngành đào tạo giai đoạn 2021-2025. Về khoa học công nghệ, tiếp tục phân cấp và giao quyền chủ động cho các đơn vị trong xây dựng, phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh và các cán bộ khoa học đầu đàn, đầu ngành; triển khai và thu hút nhiều đều tài, dự án nghiên cứu khoa học các cấp, cụ thể là 07 đề tài cấp Nhà nước, 12 đề tài cấp Bộ, 24 đề tài cấp ĐHQGHN, 58 đề tài cấp cơ sở, 12 hợp đồng và nhiệm vụ hợp tác khoa học công nghệ trong, ngoài nước; số lượng công bố quốc tế tăng với 160 bài báo/ báo cáo thuộc danh mục ISI và Scopus, trong đó 84 bài báo ISI Q1/Q2; 13 đơn đăng ký sở hữu trí tuệ được chấp nhận hợp lệ.


   Sau báo cáo kết quả công tác đào tạo, nghiên cứu khoa họ, GS.TS Chử Đức Trình tiếp tục báo cáo Đề án thành lập Viện Trí tuệ nhân tạo. Tiếp theo, các thành viên trong Hội đồng lắng nghe PGS.TS. Nguyễn Linh Trung – Viện trưởng Viện Tiên tiến về kỹ thuật và công nghệ báo cáo Đề án thành lập Phòng thí nghiệm Kết nối trí tuệ số.

    Trong phần thảo luận, các thành viên Hội đồng đều nhất trí cao đối với hai đề án của Nhà trường báo cáo tại hội nghị. Bên cạnh đó, các thành viên trong Hội đồng đã trao đổi, góp ý và đưa ra một số giải pháp về các vấn đề liên quan đến tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp đúng hạn, công tác tuyển sinh và thu hút đội ngũ cán bộ. Phó Giám đốc ĐHQGHN PGS.TS. Phạm Bảo Sơn, đồng thời là thành viên trong Hội đồng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác quản trị đại học và tài chính. Nhà trường cần phân cấp và giao quyền tự chủ tài chính mạnh hơn nữa để từng đơn vị phát huy thế mạnh trong nghiên cứu. Dựa trên cơ sở đó, Nhà trường phát triển các sản phẩm khoa học và công nghệ trọng điểm mang thương hiệu Trường ĐHCN, ĐHQGHN và mang tầm quốc gia. Theo đó, những đề tài cấp nhà nước, phòng thí nghiệm trọng điểm và nhóm nghiên cứu mạnh là những yếu tố cần được đẩy mạnh và phát triển. Về khoa học và công nghệ, Nhà trường cần vận dụng linh hoạt các chính sách để đẩy mạnh hoạt động gồm chính sách học bổng dành cho nghiên cứu sinh từ đó thu hút nguồn nhân lực; khung chế độ quy định làm việc của giảng viên ĐHQGHN và áp dụng Nghị định 99 của Chính phủ để xây dựng nguồn quỹ khoa học và công nghệ của Nhà trường.

PGS.TS. Nguyễn Linh Trung báo cáo Đề án thành lập Phòng thí nghiệm Kết nối trí tuệ số

   Kết thúc phiên họp, GS.TS Nguyễn Hữu Đức – Chủ tịch Hội đồng KH&ĐT Trường Đại học Công nghệ đã tóm lược những ý kiến trao đổi, góp ý, tư vấn của các thành viên trong Hội đồng. Cụ thể là, quản trị đại học trong giai đoạn mới; chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo để nâng cao tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đúng hạn; phát triển đội ngũ cán bộ bằng cách xây dựng tích hợp với đội ngũ nghiên cứu sau đại học. Các tư vấn này sẽ được chuyển tới Ban Giám hiệu để làm căn cứ chỉ đạo các hoạt động khoa học và đào tạo của trường trong năm học mới nhằm đạt được các mục tiêu, kế hoạch đã đặt ra.

Tuyết Nga – Đăng Hoàng (UET-News)

Bài viết liên quan