Hướng dẫn phát triển và chế độ ưu đãi nhóm nghiên cứu mạnh ở Đại học Quốc gia Hà Nội
Đại học Quốc gia Hà Nội ban hành kèm theo Quyết định số 3273 /QĐ-ĐHQGHN ngày 25 tháng 10 năm 2021 của Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội về việc Hướng dẫn phát triển và chế độ ưu đãi nhóm nghiên cứu mạnh ở Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN).
Điều 1. Giải thích từ ngữ
1. Nhóm nghiên cứu
Nhóm nghiên cứu là tổ chức nghiên cứu gồm một nhóm các nhà khoa học, liên kết với nhau cùng nghiên cứu và phát triển sản phẩm khoa học và công nghệ (KH&CN), gắn với hỗ trợ đào tạo thông qua hoạt động KH&CN, chia sẻ lợi ích kinh tế và khoa học thông qua cùng thực hiện một hoặc các nhiệm vụ KH&CN trong khoảng thời gian tối thiểu là 03 năm. Nhóm nghiên cứu có các đặc điểm cụ thể:
– Là một hình thức tổ chức nghiên cứu mở, phi hành chính, tự nguyện gắn kết với nhau thông qua hoạt động chuyên môn và lợi ích tài sản trí tuệ chung mang lại từ mỗi thành viên trong nhóm, có cam kết phối hợp thông qua đề án công nhận nhóm nghiên cứu.
– Nhóm nghiên cứu được kết hợp từ ít nhất 05 nhà khoa học chính nhiệm/cơ hữu trở lên (có một trưởng nhóm và các thành viên) ở một hay nhiều tổ chức KH&CN hoặc đơn vị thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN).
– Các thành viên trong nhóm nghiên cứu ngoài các nhà khoa học cơ hữu/chính nhiệm còn có thể có các thành viên kiêm nhiệm từ các tổ chức khác nhau trong và ngoài nước.
2. Nhóm nghiên cứu mạnh cấp ĐHQGHN
Là nhóm nghiên cứu, có khả năng triển khai các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia hoặc quốc tế, hướng tới sản phẩm KH&CN trọng điểm quốc gia, có khả năng định hướng và dẫn dắt thị trường KH&CN thông qua hướng nghiên cứu tiên tiến hoặc sản phẩm KH&CN có tác động lớn trong thực tiễn hoặc trong khoa học, có khả năng làm nòng cột để hướng tới hình thành trường phái nghiên cứu và đào tạo nhân lực như một tổ chức KH&CN trong các đơn vị thuộc ĐHQGHN.
Điều 2. Mục đích phát triển nhóm nghiên cứu mạnh
1. Hình thành các sản phẩm KH&CN chủ lực, mang thương hiệu ĐHQGHN, tham gia giải quyết được những vấn đề cấp bách, trọng yếu của xã hội, quốc gia.
2. Làm căn cứ để đầu tư phát triển các hướng nghiên cứu khoa học trọng điểm, mũi nhọn.
3. Góp phần phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và thực hiện Chiến lược KH&CN của ĐHQGHN hiện hành.
Điều 3. Các loại hình nhóm nghiên cứu mạnh cấp ĐHQGHN
1. Nhóm nghiên cứu mạnh định hướng nghiên cứu cơ bản: hướng đến công bố bài báo khoa học, sách chuyên khảo chất lượng cao.
2. Nhóm nghiên cứu mạnh định hướng ứng dụng: hướng đến các sản phẩm KH&CN ứng dụng thực tiễn, thương mại hóa, hoặc chuyển giao với doanh nghiệp, giải pháp được áp dụng giải quyết vấn đề kinh tế – xã hội, công trình/báo cáo tư vấn chính sách cho các Ban của Đảng, các cơ quan nhà nước và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các tài sản trí tuệ (quyền sở hữu công nghiệp, sáng chế, giải pháp hữu ích, giống cây trồng, vật nuôi,…).
3. Nhóm nghiên cứu mạnh định hướng sản xuất thử nghiệm, thương mại hóa, khởi nghiệp: hướng đến phát triển các sản phẩm công nghệ hoàn chỉnh để chuyển giao ứng dụng trong thực tiễn, thương mại hóa.
Điều 4. Tiêu chí đối với trưởng nhóm nghiên cứu mạnh cấp ĐHQGHN
Các trưởng nhóm nghiên cứu mạnh trong 03 năm gần nhất cần đáp ứng các tiêu chí như sau:
1. Tiêu chí chung
Là cán bộ chính nhiệm/cơ hữu của ĐHQGHN, đã từng là trưởng bộ môn/tổ chức KH&CN trở lên. Có học vị tiến sỹ trở lên, có uy tín khoa học và khả năng lãnh đạo nhóm. Đã từng chủ nhiệm 01 nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia hoặc là chủ nhiệm nhiệm vụ KH&CN hợp tác quốc tế hoặc là thành viên của tổ chức KH&CN quốc tế.
2. Tiêu chí riêng
a) Đối với trưởng nhóm nghiên cứu mạnh định hướng nghiên cứu cơ bản
Đạt được 01 trong các tiêu chí sau:
– Là tác giả chính/tác giả liên hệ của ít nhất 02 bài báo trên tạp chí thuộc hệ thống ISI/Scopus hoặc 01 bài báo ISI thuộc nhóm tạp chí Q1 theo phân loại của Scimago.
– Là chủ biên/đồng chủ biên của 01 sách chuyên khảo chất lượng cao (tương đương chất lượng các sách chuyên khảo trong danh mục cơ sở dữ liệu Scopus).
b) Đối với trưởng nhóm nghiên cứu mạnh định hướng nghiên cứu ứng dụng Đạt được 01 trong các tiêu chí sau:
– Là tác giả đứng đầu của 01 văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, sáng chế, giải pháp hữu ích được chấp nhận đơn.
– Có ít nhất 01 sản phẩm công nghệ hoàn chỉnh ứng dụng thực tiễn.
– Có ít nhất 01 sản phẩm mới được áp dụng để giải quyết các vấn đề kinh tế – xã hội hoặc 01 công trình/báo cáo tư vấn được ứng dụng cho các Ban của Đảng, các cơ quan nhà nước và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
c) Đối với trưởng nhóm nghiên cứu mạnh định hướng sản xuất thử nghiệm, thương mại hóa, khởi nghiệp
Đạt được 01 trong các tiêu chí sau:
– Đã thương mại hóa được 01 sản phẩm KH&CN với kinh phí từ 200 triệu đồng trở lên.
– Có sản phẩm KH&CN hình thành được doanh nghiệp (spin-off, start-up) hoặc có sản phẩm KH&CN tham gia chuỗi giá trị hàng hóa của một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
3. Các trường hợp đặc biệt do Giám đốc ĐHQGHN quyết định.
Điều 5. Tiêu chí đối với nhóm nghiên cứu mạnh cấp ĐHQGHN
Các nhóm nghiên cứu mạnh, trong 03 năm gần nhất cần đáp ứng đủ 4 nhóm tiêu chí như sau:
1. Nhóm tiêu chí về năng lực tạo sản phẩm
a) Nhóm nghiên cứu mạnh theo định hướng nghiên cứu cơ bản
Đạt được 01 trong các tiêu chí sau:
– Có số bài báo trên tạp chí thuộc hệ thống ISI/Scopus đạt tỉ lệ 02 bài báo/cán bộ/năm hoặc số bài báo thuộc nhóm tạp chí Q1 theo phân loại của Scimago đạt tỉ lệ 01 bài báo/cán bộ/năm.
– Có số sách chuyên khảo chất lượng cao đạt tỉ lệ 0,5 sách/cán bộ/năm.
b) Nhóm nghiên cứu mạnh theo định hướng nghiên cứu ứng dụng
Đạt được 01 trong các tiêu chí sau:
– Có số văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, sáng chế, giải pháp hữu ích được chấp nhận đơn đạt tỉ lệ 0,2 văn bằng/cán bộ/năm.
– Có 01 sản phẩm công nghệ cao hoặc sản phẩm quốc gia trong danh mục hiện hành của Bộ KH&CN.
– Có số sản phẩm công nghệ hoàn chỉnh ứng dụng thực tiễn hoặc sản phẩm mới được áp dụng để giải quyết các vấn đề kinh tế – xã hội hoặc công trình/báo cáo tư vấn được ứng dụng cho các Ban của Đảng, các cơ quan nhà nước và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đạt tỉ lệ 0,3 sản phẩm/cán bộ/năm.
c) Nhóm nghiên cứu mạnh định hướng sản xuất thử nghiệm, thương mại hóa, khởi nghiệp
Đạt được 01 trong các tiêu chí sau:
– Có ít nhất 01 hợp đồng dịch vụ KH&CN hoặc thương mại hóa sản phẩm KH&CN với tổng kinh phí trên 1 tỷ đồng/năm.
– Có sản phẩm công nghệ chủ lực được chuyển giao và thu được doanh thu ít nhất 200 triệu đồng.
– Có 01 sản phẩm KH&CN lõi góp phần hình thành doanh nghiệp (spin-off, start-up) hoặc tham gia chuỗi giá trị hàng hóa của một hệ sinh thái.
2. Nhóm tiêu chí về năng lực hợp tác KH&CN Đạt được 01 trong các tiêu chí sau:
– Có 01 nhiệm vụ KH&CN hợp tác nghiên cứu chung với đối tác trong nước/quốc tế được triển khai.
– Có thành viên là chuyên gia của các tổ chức sở hữu trí tuệ quốc tế; chuyên gia kinh tế; kiến trúc sư/kinh tế trưởng trong một số ngành và lĩnh vực hoặc chuyên gia cao cấp hoặc thành viên của Hội đồng tư vấn Thủ tướng Chính phủ.
3. Tiêu chí về năng lực hỗ trợ đào tạo: Hướng dẫn thành công ít nhất 02 thạc sĩ.
4. Nhóm tiêu chí về năng lực cạnh tranh
Đạt được 01 trong các tiêu chí sau:
– Có sản phẩm KH&CN tham gia các sự kiện/triển lãm/cuộc thi đổi mới sáng tạo trong nước và quốc tế.
– Đấu thầu thành công các nhiệm vụ KH&CN các cấp đạt tỷ lệ 50 triệu đồng/cán bộ/năm.
– Là chuyên gia của các tổ chức sở hữu trí tuệ quốc tế; chuyên gia kinh tế; kiến trúc sư trưởng trong một số ngành và lĩnh vực.
5. Các trường hợp đặc biệt do Giám đốc ĐHQGHN quyết định
Điều 6. Chế độ ưu đãi
Nhóm nghiên cứu mạnh được hưởng các chế độ ưu đãi sau:
1. Trưởng nhóm nghiên cứu mạnh cấp ĐHQGHN được ưu tiên quy đổi giờ làm việc của hoạt động KH&CN thay thế cho hoạt động đào tạo.
2. Được ưu tiên đầu tư trang thiết bị, điều kiện nghiên cứu thông qua các dự án đầu tư phát triển, dự án tăng cường năng lực nghiên cứu của ĐHQGHN hoặc của đơn vị để thực hiện 01 dòng sản phẩm KH&CN ưu tiên.
3. Được ưu tiên sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị dùng chung của ĐHQGHN.
4. Được đầu tư kinh phí nghiên cứu theo phương thức do ĐHQGHN đặt hàng, giao nhiệm vụ.
5. Các nhóm nghiên cứu được cấp kinh phí để tổ chức hoạt động hàng năm theo Nghị định số 99/2014/NĐ-CP ngày 25 tháng 10 năm 2014 của Chính phủ quy định đầu tư phát triển tiềm lực và khuyến khích hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học.
6. Được đề xuất khen thưởng tại đơn vị và ĐHQGHN.
7. Được ưu tiên hỗ trợ kinh phí để tham dự Hội thảo quốc tế nếu có công trình tham gia hội thảo có xuất bản trong các tạp chí thuộc hệ thống ISI/Scopus hoặc là khách mời chủ trì hội thảo, khách mời trong phiên toàn thể dạng diễn giả chính. Kinh phí sử dụng từ các nguồn ở ĐHQGHN và đơn vị.
Điều 7. Tổ chức thực hiện
1. Văn phòng và các ban chức năng.
– Ban Khoa học Công nghệ là đầu mối tổ chức xét, công nhận nhóm nghiên cứu mạnh cấp ĐHQGHN, bố trí nguồn ngân sách từ kinh phí sự nghiệp KH&CN để ưu tiên giao nhiệm vụ cho nhóm nghiên cứu theo các Khoản 2, 3, 4, 6, 7 của Điều 6.
– Ban Tổ chức Cán bộ là đầu mối thực thi khoản 1 của Điều 6.
– Ban Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên là đầu mối để xét khen thưởng theo khoản 6 của Điều 6.
– Ban Kế hoạch Tài chính là đầu mối bố trí nguồn lực tài chính đầu tư phát triển cho các nhóm nghiên cứu mạnh cấp ĐHQGHN thông qua các dự án đầu tư phát triển và nguồn lực sự nghiệp Giáo dục – Đào tạo theo khoản 2 của Điều 6.
– Ban Hợp tác và Phát triển là đầu mối tổ chức hỗ trợ nhóm nghiên cứu mạnh cấp ĐHQGHN theo khoản 7 của Điều 6.
– Ban Thanh tra và Pháp chế là đầu mối tổ chức thực hiện các hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến tổ chức và hoạt động của các nhóm nghiên cứu mạnh ở ĐHQGHN.
2. Nhóm nghiên cứu mạnh
– Nhóm nghiên cứu mạnh đánh giá hiệu quả hoạt động của nhóm theo tiêu chí tại Điều 5 báo cáo đơn vị trước ngày 01 tháng 12 hàng năm để được tổ chức thực hiện các ưu đãi theo Điều 6.
– Sau giai đoạn 03 năm kể từ khi được ĐHQGHN công nhận, nhóm nghiên cứu mạnh báo cáo đơn vị đánh giá và đề xuất để ĐHQGHN tiếp tục công nhận nhóm nghiên cứu mạnh trong thời gian tiếp theo.
– Với các nhóm không được công nhận là nhóm nghiên cứu mạnh cấp ĐHQGHN thì sẽ không được áp dụng các chế độ ưu đãi nêu tại Điều 6 của hướng dẫn này.
3. Các đơn vị
– Thủ trưởng các đơn vị tổ chức sử dụng nguồn lực của đơn vị để hỗ trợ các nhóm nghiên cứu theo các khoản 1, 3, 5, 6, 7 của Điều 6.
– Trước ngày 31 tháng 3 hàng năm, đơn vị gửi Thuyết minh công nhận nhóm nghiên cứu mạnh về ĐHQGHN (theo mẫu) qua Ban Khoa học Công nghệ để tổ chức đánh giá công nhận nhóm nghiên cứu mạnh cấp ĐHQGHN trong dịp kỷ niệm Ngày KH&CN Việt Nam 18 tháng 05.
– Các đơn vị tổng hợp tình hình hoạt động của các nhóm nghiên cứu mạnh, báo cáo ĐHQGHN trước ngày 25 tháng 12 hàng năm.
4. Hiệu lực thi hành
– Hướng dẫn này có hiệu lực thi hành từ ngày ký và thay thế cho hướng dẫn số 1409/HD-KHCN ngày 08 tháng 05 năm 2013 của Giám đốc ĐHQGHN về xây dựng và phát triển các Chương trình nghiên cứu trọng điểm và Nhóm nghiên cứu mạnh ở ĐHQGHN.
– Chánh Văn phòng ĐHQGHN, Trưởng các Ban chức năng và Thủ trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức triển khai Hướng dẫn này. Ban Khoa học Công nghệ là đầu mối giám sát việc thực hiện, định kỳ báo cáo Giám đốc ĐHQGHN.
– Trong quá trình thực hiện Hướng dẫn này, nếu có vấn đề vướng mắc, các đơn vị có liên quan báo cáo ĐHQGHN (qua Ban Khoa học Công nghệ) nghiên cứu, xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.