Áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp và chăm sóc cây trồng
Sau thành công tại cuộc thi “Sáng tạo khởi nghiệp ĐHQGHN 2017”, TS. Bùi Đình Tú (Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật năng lượng, Phó chủ nhiệm khoa) cùng ThS. Nguyễn Đăng Cơ và nhóm sinh viên Khoa Vật lý kỹ thuật và Công nghệ nano (Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội) tiếp tục phát triển và cải tiến sản phẩm “Hệ thống LED chiếu sáng và các hệ thống giám sát thông số trong nông nghiệp ứng dụng công nghệ IoT”.
Phát triển sản phẩm để chuyển giao công nghệ
Sau 4 năm nghiên cứu và hoàn thiện hệ thống, TS. Bùi Đình Tú cùng các thành viên trong nhóm nghiên cứu đã thiết lập thành bộ sản phẩm “Hệ thống LED chiếu sáng và các hệ thống giám sát thông số trong nông nghiệp ứng dụng công nghệ IoT” để sản xuất hàng loạt khi cần lắp đặt hoặc chuyển giao công nghệ. Đồng thời, nhóm nghiên cứu đã cải tiến để các hệ thống trở thành thiết bị nhỏ gọn và tính năng được mở rộng bằng việc kết nối với nhiều cảm biến theo yêu cầu người dùng.
TS. Bùi Đình Tú cùng ThS. Nguyễn Đăng Cơ và nhóm sinh viên Khoa Vật lý kỹ thuật và Công nghệ nano đã nghiên cứu, chuyển giao mô hình hệ thống LED chiếu sáng và thiết bị giám sát thông số trong nông nghiệp ứng dụng công nghệ IoT
Chia sẻ về hệ thống chiếu sáng và giám sát thông số trong nông nghiệp, TS. Bùi Đình Tú cho biết: “Thiết bị có các module tùy theo độ phức tạp của thành phần, quy mô sản xuất nông nghiệp, trong đó bao gồm các module cảm biến như cảm biến cường độ ánh sáng, độ ẩm không khí, nhiệt độ, độ pH, có khả năng hiển thị, điều khiển từ xa thông qua kết nối internet, mạng GSM,…., tùy theo nhu cầu sử dụng khách hàng có thể lựa chọn, hoặc được tư vấn để lựa chọn các module phù hợp. Các module điều khiển áp dụng công nghệ khoa học kết hợp với mạng internet thông qua các phần mềm”.
Do nhu cầu áp dụng công nghệ kỹ thuật trong công nghệ ngày càng phát triển, nên sau khi hệ thống được phát triển thì nhóm nghiên cứu đã nhận được sự quan tâm từ các doanh nghiệp, trung tâm nghiên cứu. Cụ thể là hệ thống chiếu sáng đã được nhóm nghiên cứu phối hợp với Trung tâm công nghệ sinh học – Viện nghiên cứu ứng dụng & phát triển trường Đại học Hùng Vương (Phú Thọ) chuyển giao cho các trung tâm và các hộ trồng lan trong cả nước.
Hệ thống LED chiếu sáng được chuyển giao và ứng dụng tại vườn lan – Kiên Trần (Việt Trì, Phú Thọ) và nhiều hộ trồng lan trên cả nước
Người Việt làm chủ công nghệ
TS. Bùi Đình Tú nhấn mạnh: “So với hệ thống nước ngoài thì hệ thống này đã tích hợp được điều kiện môi trường của Việt Nam nên rất thích hợp với nền nông nghiệp của nước ta và sản phẩm hoàn toàn do người Việt làm chủ công nghệ”. Điều này cũng chính là lời nhắn nhủ của Tiến sĩ gửi gắm đến từng lứa học trò. “Vừa là một nhà khoa học, lại mang trọng trách của một người thầy, vì vậy ngoài việc giúp sinh viên có nền tảng kiến thức chuyên môn tôi còn mong muốn sinh viên tạo ra giá trị thực tế cho xã hội và làm chủ tương lai. Và sản phẩm khoa học công nghệ do sinh viên nghiên cứu khi còn trên ghế nhà trường chính là hành trang cùng sinh viên kiến tạo tương lai. Cho đến nay, một số cựu sinh viên khóa 58V, 59V, 60V đã thành lập doanh nghiệp và chủ động tạo ra những sản phẩm với kỹ thuật, công nghệ ứng dụng trong nông nghiệp” – TS. Bùi Đình Tú chia sẻ.
Đối với hệ thống LED chiếu sáng và các hệ thống giám sát thông số trong nông nghiệp ứng dụng công nghệ IoT do nhóm nghiên cứu làm chủ công nghệ nên hệ thống sẽ được bảo hành trọn đời và nếu xảy ra sự cố kỹ thuật sẽ được xử lý, khắc phục ngay. Bên cạnh đó, với thế mạnh về vật lý nhóm nghiên cứu sẽ thiết kế và chuẩn hóa cảm biến với những vật liệu, linh kiện chống chọi sự ăn mòn trong quá trình điện hóa, phù hợp với môi trường để nâng cao độ bền cho sản phẩm. Quan trọng nhất là, hệ thống được giám sát trên điện thoại thông qua phần mềm do nhóm nghiên cứu xây dựng với độ bảo mật cao.
Trong thời gian tới, TS Bùi Đình Tú ấp ủ hướng nghiên cứu và phát triển về sản phẩm trong lĩnh vực bảo quản nông sản sử dụng các công nghệ trong vật lý. Quan trọng nhất là không sử dụng chất bảo quản nhưng vẫn tạo giá trị cho sản phẩm.
Tuyết Nga – Đăng Hoàng (UET-News)