GS.TS. NGND. Nguyễn Hữu Đức: 4 định hướng ưu tiên, 3 quan điểm phát triển và 2 nhóm sản phẩm là những nhiệm vụ chính trong nhiệm kỳ đầu
Tiếp nối chuỗi bài về quá trình thành lập Trường Đại học Công nghệ, ĐHQGHN vào ngày 25/05, Bản tin UET tiếp tục giới thiệu những chia sẻ về định hướng, quan điểm và nhóm sản phẩm của Nhà trường trong nhiệm kỳ đầu của GS. TS. NGND. Nguyễn Hữu Đức – Nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc ĐHQGHN, Hiệu trưởng nhiệm kỳ I của Trường ĐHCN, được đăng trong Kỷ yếu “15 năm xây dựng và trưởng thành”.
Cho đến nay, những định hướng và quan điểm này được kế thừa, phát huy trong lĩnh vực đào tạo, khoa học và công nghệ của Trường.
Xin Giáo sư cho biết một số nhiệm vụ quan trọng của Nhà trường sau khi Giáo sư trở thành Hiệu trưởng nhiệm kỳ I của Trường ĐHCN?
Trong giai đoạn những năm đầu phát triển của Nhà trường chúng tôi vừa phải xác định các định hướng và các lĩnh vực khoa học công nghệ ưu tiên của Nhà trường. Đồng thời cũng phải xác định quan điểm phát triển và cũng phải xác định, phát triển được các loại sản phẩm của Nhà trường. Sau các buổi thảo luận rất dài, nghiêm túc và sôi nổi Nhà trường đã xác định được 4 lĩnh vực phát triển ưu tiên của Nhà trường được tóm gọn trong 4 chữ cái là chữ GRIN. Chữ G liên quan đến chữ GEN, tức là chúng tôi cũng muốn phát triển Công nghệ sinh học ở trong Trường ĐHCN. Chữ R tiếng Anh tức là chữ ROBOTICS tức là Trường ĐHCN cũng phải có định hướng phát triển về tự động hóa. Chữ I tức là Information Techonology tức là chúng tôi rất quan tâm đến cốt lõi của Nhà trương trong lĩnh vực về CNTT-TT. Và chữ cuối cùng, chữ N là Công nghệ Nanô, cho đến bây giờ ngoài 4 chữ này thì Nhà trường có thể phát triển thêm chữ E liên quan đến tính chất công nghệ của Nhà trường, liên quan đến Công nghệ và Năng lượng, Công nghệ về biến đổi khí hậu, và về những Công nghệ tăng trưởng xanh nhưng mà thời gian trước đây chúng ta xác định được 4 chữ cái đấy, 4 định hướng phát triển của Nhà trường là một sự tổng quát rất là cao.
Về các quan điểm phát triển thì Nhà trường cũng đã xác định được chúng ta cần dựa trên 3 quan điểm. Quan điểm thứ nhất, là quan điểm phát triển Trường ĐHCN dựa vào CNTT-TT được CNTT-TT hỗ trợ. Nhưng ngược lại sẽ đặt hàng và tạo ra những bài toán nghiên cứu, phát triển cho lĩnh vực CNTT-TT. Quan điểm thứ hai là quan điểm phát triển dựa vào nội lực nhưng ngoại lực rất quan trọng. Trong môi trường phát triển Trường ĐHCN từ bấy giờ chúng ta phải quan tâm phát triển mô hình phối thuộc, các phòng thí nghiệm, khoa phối thuộc giữa Trường ĐHCN và các viện nghiên cứu thuộc Viện HL KH&CN Việt Nam và trong thời gian vừa rồi mô hình này cũng đã phát triển rất tốt. Quan điểm thứ ba của Trường ĐHCN là phát triển hướng đến chất lượng quốc tế và hội nhập tốt.
Sau 4 định hướng ưu tiên, 3 quan điểm phát triển thì Nhà trường cũng xác định hai nhóm sản phẩm mà Nhà trường cần phải đạt được đến. Sản phẩm thứ nhất là nhóm các sản phẩm hoạt động thường xuyên, nhóm sản phẩm có thể đạt được đến trong thời gian trước mắt và hằng năm. Nhóm sản phẩm thứ hai, là nhóm sản phẩm chiến lược mà cần phải đầu tư để không thể trong một năm có thể đạt được, thậm chí có thể đến 5- 7 năm sau chúng ta đạt được sản phẩm lớn. Đối với những sản phẩm của nhóm thứ nhất thì chúng ta cũng đã triển khai rất hiệu quả. Trong ba năm liền sinh viên của Trường ĐHCN luôn luôn được lọt vào vòng chung kết của các cuộc thi sinh viên Lập trình quốc tế và vòng chung kết này bao giờ cũng là sinh viên của 100 các trường đại học hàng đầu thế giới. Về lĩnh vực CNTT-TT và 3 năm liền cán bộ, sinh viên, cựu sinh viên của trường ĐHCN đều có giải thường Nhân tài Đất Việt và cũng 3 năm liên tục từ sau ngày thành lập chúng ta luôn luôn đấu thầu và có những chương trình nghiên cứu, những đề tài nghiên cứu cấp nhà nước.
“Trạm thu tín hiệu vệ tinh đầu tiên của Việt Nam” do GS.TS. Nguyễn Hữu Đức chủ nhiệm đề tài
Đối với những sản phẩm có tính chiến lược như tôi đã nói ở trên trường ĐHCN ngay từ đầu đã quan tâm đến chữ G phát triển gen, phát triển về các bài toán về Công nghệ sinh học ở trong Trường ĐHCN. Như chúng ta đã biết vừa rồi cùng với sự chuẩn bị ngay từ năm đầu như vậy, năm 2014 những kết quả về nghiên cứu thành công bộ gen người Việt đầu tiên là một minh chứng cho công tác chuẩn bị để những sản phẩm chiến lược của Nhà trường. Và cũng có sản phẩm thứ hai nữa là chúng ta cũng đã khởi động, đầu tư cách đây 5 năm và đến hôm nay thì các nhà khoa học của Nhà trường cũng đã thiết kế xong một vi mạch đầu tiên của ĐHQGHN. Và chúng tôi hiện nay đang liên hệ với các công ty sản xuất lớn ở trên thế giới để đưa thiết kế này có thể sản xuất được vi mạch đầu tiên của ĐHQGHN. Và cũng có thể là sản phẩm nữa đầu tư dài hạn từ thời gian rất lâu, nhưng năm nay mới có đấy là những sensor đo từ trường rất nhạy mà có thể ứng dụng vào nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống xã hội và cho phát triển công nghiệp Việt Nam.
Những ngày đầu tiên thành lập Trường, Nhà trường đã gặp phải những khó khăn như thế nào?
Những năm đầu Nhà trường đã phải đối mặt với những khó khăn và thách thức lớn. Khó khăn thứ nhất, chúng ta đang phải đối mặt với một khó khăn chuyển từ quản trị đại học ở cấp khoa lên quản trị đại học cấp trường. Khó khăn thứ hai là liên quan đến tính chuyên nghiệp và khả năng hoàn thành nhiệm vụ của đội ngũ công tác quản lý và khó khăn thứ ba là khó khăn về cơ sở vật chất. Để giải quyết được những khó khăn này đặc biệt những khó khăn về tập tục truyền thống và thói quen cùng những khó khăn về quản trị đại học là những vấn đề rất lớn. Lúc đó, tôi nghĩ rằng chúng ta không thể giải quyết những khó khăn đó trong ngày một ngày hai được. Và giải pháp của chúng tôi đưa ra lúc ấy là không tập trung giải quyết những khó khăn của Nhà trường mà phải thực hiện thông qua một giải pháp gián tiếp. Đấy chính là giải pháp về công tác chính trị tư tưởng. Chúng tôi đã tập trung vào những giải pháp để tập hợp được sự đồng lòng, đồng thuận, đồng tâm và hiệp lực của toàn thể cán bộ sinh viên của trường ĐHCN để tạo ra không khí làm việc mới, hi sinh quên mình vì sự phát triển giai đoạn đầu để tạo ra những động lực phát triển giai đoạn đầu cho Nhà trường.
Theo Nguyễn Tùng (thực hiện) – Kỷ yếu 15 năm xây dựng và trưởng thành