Đào tạo nguồn nhân lực Điện tử – Viễn thông trong kỷ nguyên số

    Ngày 26/03/2021, Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Hội vô tuyến – Điện tử Việt Nam và các trường đại học tổ chức Hội thảo “Đào tạo nguồn nhân lực Điện tử – Viễn thông trong kỷ nguyên số”, với 3 đầu cầu tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và TP. Đà Nẵng.

   Tham dự hội thảo đầu cầu Hà Nội có TS. Nguyễn Quân – Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ; TS. Nguyễn Minh Hồng – Chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông; Ông Phạm Minh Tiến – Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Thông tin và truyền thông; ông Vũ Tuấn Đức – Giám đốc Trung tâm kỹ thuật công nghệ, Tổng công ty công nghiệp công nghệ cao Viettel; TS. Trần Đức Lai – Chủ tịch Hội Vô tuyến điện tử Việt Nam; PGS.TS. Vũ Văn San – Giám đốc Học viện Công nghệ bưu chính – viễn thông. Về phía Trường ĐHCN có PGS.TS. Nguyễn Việt Hà – Hiệu trưởng Nhà trường, GS.TS. Chử Đức Trình – Phó Hiệu trưởng Nhà trường, TS. Đinh Triều Dương – Chủ nhiệm khoa Điện tử viễn thông.

   Lĩnh vực Điện tử – Viễn thông góp phần phát triển kinh tế – xã hội

   Phát biểu khai mạc, TS. Trần Đức Lai khẳng định sau 35 năm đổi mới của đất nước lĩnh vực Điện tử – viễn thông sau này có thêm Công nghệ thông tin đã có những bước tiến vượt bậc, đóng góp tích cực cho sự phát triển của kinh tế đất nước. Những năm gần đây ngành Công nghệ thông tin – truyền thông (CNTT-TT) đang đứng trước cơ hội đặc biệt, đó là tích cực chuyển đổi số tận dụng những lợi thế của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để thúc đẩy tạo sự bứt phá, tăng trưởng, đổi mới sáng tạo, hướng tới khát vọng đưa Việt Nam trở thành quốc gia hùng cường, thịnh vượng.

   Để nhấn mạnh tầm quan trọng của lĩnh vực này đối với sự phát triển của kinh tế – xã hội, TS. Trần Đức Lai chia sẻ, mức tăng trưởng của lĩnh vực này 10%/năm. Theo Sách trắng về CNTT-TT năm 2020 tổng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực là trên 42 nghìn, tổng doanh thu đem lại trên 112 tỷ đô la Mỹ và giải quyết việc làm cho hơn 1 triệu lao động.

   TS. Trần Đức Lai mong muốn hội thảo sẽ được các nhà khoa học đưa ra những nhận định, đánh giá vai trò, vị trí của lĩnh vực Điện tử – viễn thông hiện nay; cấu trúc ngành và phân ngành, chuyên ngành cho phù hợp vai trò vị trí và xu hướng phát triển công nghệ mới; cách thức thay đổi suy nghĩ xã hội đối với lĩnh vực này.

TS.Trần Đức Lai – Chủ tịch Hội Vô tuyến điện tử Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo

    Vì vậy, công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực bậc đại học đóng vai trò vô cùng quan trọng. Một trong những nhân tố quyết định sự thành công. Theo Sách trắng, trên toàn quốc có 240 trường đại học, trong đó 158 trường đào tạo CNTT-TT, chiếm 65%. Chỉ tiêu tuyển sinh là 68 nghìn với 82% trúng tuyển. Điều đó cho thấy nhu cầu xã hội đối với ngành này vô cùng lớn.

     Tại hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Việt Hà – Hiệu trưởng Trường ĐHCN cũng khẳng định nguồn nhân lực đã và đang bùng nổ, có nhu cầu cao về lượng và chất. Hội thảo sẽ chia sẻ giải pháp kinh nghiệm quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo. Đồng thời tạo ra sự gắn kết chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý với doanh nghiệp và đơn vị đào tạo. Trường ĐHCN nói chung và Khoa ĐTVT nói riêng vô cùng vinh dự khi được Hội Vô tuyến điện tử Việt Nam tin tưởng giao nhiệm vụ đăng cai tổ chức chương trình hội thảo.

PGS.TS. Nguyễn Việt Hà – Hiệu trưởng Trường ĐHCN vinh dự khi được Hội Vô tuyến điện tử Việt Nam tin tưởng giao nhiệm vụ đăng cai tổ chức chương trình hội thảo

   Thực trạng và giải pháp đào tạo nhân lực ĐTVT trong kỷ nguyên số

   Để tạo diễn đàn thảo luận về nội dung đánh giá, định hướng và đổi mới trong ngành đào tạo  Điện tử- Viễn thông, tại hội thảo các nhà khoa học sẽ trình bày các vấn đề liên quan đến lĩnh vực này. TS. Đinh Triều Dương – Chủ nhiệm khoa Điện tử Viễn thông, Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN cho rằng: “Điện tử viễn thông đang có những thay đổi mạnh mẽ trong bối cảnh kỷ nguyên số hiện nay. Việt Nam đang trở thành công xưởng sản xuất hàng điện tử của thế giới, là nước đứng thứ 2 thế giới về sản xuất điện thoại và linh kiện. Lĩnh vực điện tử thu hút hơn 10 tỷ USD vốn FDI (Samsung, Foxconn, LG, Panasonic, Intel…) và chỉ tính riêng năm 2019 doanh thu lĩnh vực này ước đạt 112 tỷ USD. Điều này đã tạo nên những thuận lợi và thách thức cho việc đào tạo nhân lực của ngành học này”. Đồng thời, TS. Đinh Triều Dương đã trình bày “Đào tạo nguồn nhân lực Điện tử – Truyền thông tại Trường ĐHCN, ĐHQGHN”: “Kể từ khi thành lập cho đến nay, Khoa Điện tử Viễn thông, Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN đã đào tạo tổng số 4500 cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ ngành điện tử-viễn thông. Hàng năm, 95% sinh viên tốt nghiệp có việc làm, phần lớn làm đúng ngành, đúng nghề và có mức lương cao. Khai thác thế mạnh đa ngành, đa lĩnh vực của một đơn vị đào tạo của ĐHQGHN, Khoa Điện tử Viễn thông, Trường ĐH Công nghệ hướng đến đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao đạt chất lượng quốc tế và bồi dưỡng nhân tài trong lĩnh vực điện tử viễn thông; Sáng tạo và chuyển giao những kết quả, sản phẩm khoa học công nghệ tiên tiến, tạo ra một số trường phái nghiên cứu khoa học công nghệ mạnh trong lĩnh vực điện tử viễn thông. Cùng với đó, Khoa phát triển đội ngũ cán bộ giảng dạy, nghiên cứu khoa học công nghệ của ngành điện tử viễn thông đạt trình độ khu vực và từng bước tiếp cận trình độ quốc tế; Hợp tác toàn diện với các cơ sở nghiên cứu khoa học, các tập đoàn công nghệ cao có uy tín trong nước và quốc tế trong việc triển khai các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học công nghệ trong lĩnh vực điện tử viễn thông; Kết hợp chặt chẽ đào tạo, nghiên cứu khoa học và dịch vụ để đa dạng hóa và tăng tỷ trọng nguồn thu bổ sung, đặc biệt là các nguồn thu từ đào tạo chất lượng cao, nghiên cứu khoa học công nghệ trình độ cao dựa trên sự đầu tư của các dự án trọng điểm để tiếp tục hiện đại hóa các phòng thực hành và phòng thí nghiệm nghiên cứu”.

TS. Đinh Triều Dương – Chủ nhiệm khoa ĐTVT đã trình bày vấn đề “Đào tạo nguồn nhân lực Điện tử – Truyền thông tại Trường ĐHCN, ĐHQGHN”

   PGS.TS. Nguyễn Hữu Thanh (Phó Chủ tịch Hội Vô tuyến – Điện tử Việt Nam) đã trình bày “Thực trạng đào tạo và nhu cầu xã hội đối với nguồn nhân lực Điện tử – Viễn thông trong giai đoạn hiện nay” với nhận định ngành ĐTVT là trung gian và đóng vai trò trung tâm của nhiều ngành mũi nhọn như Cơ điện tử, Tự động hóa, CNTT, Kỹ thuật máy tinh… Vì vậy, nhu cầu tuyển dụng của công ty nhân lực CNTT-TT ngày càng đa dạng, yêu cầu ngày càng tăng trong lĩnh vực nghiên cứu – phát triển.

   Nhận định được tầm quan trọng, vị thế của ngành ĐTVT, PGS.TS. Nguyễn Tiến Ban (Trưởng khoa Viễn thông 1, Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông) đã trình bày “Đổi mới chương trình đào tạo đại học ngành Viễn thông hướng đến mục tiêu chuyển đổi số”, với thực trạng chương trình đào tạo chưa có sự mềm dẻo, sinh viên ít có sự lựa chọn các mảng kiến thức mình thích và quan tâm; nội dung đào tạo về kỹ thuật và hệ thống hạ tầng viễn thông; chưa phù hợp với xu hướng phát triển ứng dụng.

PGS.TS. Nguyễn Tiến Ban trình bày “Đổi mới chương trình đào tạo đại học ngành Viễn thông hướng đến mục tiêu chuyển đổi số”

  Bên cạnh đó, hội thảo còn trình bày về thực tế đào tạo của các trường đại học và tuyển dụng của các doanh nghiệp. “Đào tạo nguồn nhân lực ĐTVT tại Miền Trung và Tây Nguyên” – đại diện Đại học Đà Nẵng; “Nhân lực ngành Điện tử – viễn thông: Nhân tố trọng yếu cho sự phát triển của các doanh nghiệp/tập đoàn điện tử và mạng truyền thông tại Việt Nam” – ông Vũ Tuấn Đức (đại diện Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel); “Chất lượng nguồn nhân lực lĩnh vực điện tử – viễn thông: Nhu cầu từ doanh nghiệp” – ông Đỗ Đức Dũng (đại diện Tập đoàn điện tử Samsung Việt Nam).

  Một số hình ảnh tại Hội thảo

 Tuyết Nga – Đăng Hoàng (UET-News)

Bài viết liên quan