Trường Đại học Công nghệ và Khoa Công nghệ thông tin vinh dự nhận Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo

    Trong không khí chào đón Xuân Tân Sửu, Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Khoa Công nghệ thông tin (Trường Đại học Công nghệ) vinh dự được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tặng Bằng khen vì những thành tích xuất sắc trong năm học 2018-2019 và năm học 2019-2020.

     Trường ĐHCN hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác từ năm học 2018-2019 đến năm học 2019-2020

    Nhà trường nhận Bằng khen của Bộ GD&ĐT theo Quyết định số 694/QĐ-BGDĐT ngày 08/02/2021 vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác từ năm học 2018-2019 đến năm học 2019-2020.

     Về đào tạo, từ năm 2009 đến nay, Trường triển khai áp dụng toàn diện phương thức đào tạo tín chỉ thay thế đào tạo niên chế. Năm học 2019-2020, Nhà trường đang tổ chức đào tạo 35 chương trình đào tạo (CTĐT), trong đó có 17 CTĐT đại học, 10 CTĐT thạc sỹ và 08 CTĐT tiến sỹ. Một số ngành đào tạo mang tính tiên phong trong nước như Kỹ thuật robot, Công nghệ hàng không vũ trụ. Công tác tuyển sinh đầu vào bậc đại học (ĐH), sau đại học (SĐH) được quan tâm, điểm chuẩn tuyển sinh đại học của Trường ĐHCN luôn giữ ở mức cao và ổn định nằm trong nhóm các trường dẫn đầu của cả nước. Quy mô tuyển sinh đại học đã tăng hơn 1.000 chỉ tiêu, chỉ tiêu tuyển sinh đại học chính quy năm 2019 là 1.460 chỉ tiêu, tiếp tục tăng 11,5% so với năm 2018.

Thực hiện tốt công tác tuyển sinh, đạt 1.480 sinh viên (chỉ tiêu 1.450) với chất lượng đầu vào tốt

     Từ năm 2015, Nhà trường đã tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, đào tạo trực tuyến và triển khai đào tạo kết hợp quy mô toàn trường. Trên cơ sở đó, đến nay tỷ lệ môn học có giáo trình, bài giảng ở dạng in, điện tử, số hóa là 24%. Năm học 2019-2020, do dịch Covid-19 và thực hiện giãn cách xã hội nhưng Nhà trường đã chủ động tăng cường hạ tầng cho hệ thống website môn học (máy chủ, đường truyền), triển khai công cụ hỗ trợ giảng dạy trực tuyến, qua đó thực hiện giảng dạy trực tuyến quy mô toàn trường. Nhà trường sử dụng các phần mềm DoIt hỗ trợ người học kiểm tra, hoàn thiện khóa luận, luận văn, luận án; phần mềm chống sao chép mã nguồn được ứng dụng trong môn có nội dung lập trình.

Hoàn thành nhiệm vụ quy hoạch chi tiết 1/500 và thiết kế cơ sở dự án thành phần xây dựng khu trường ĐHCN tại Hòa Lạc

     Hoạt động khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế phát triển về quy mô và chất lượng. Toàn trường đã công bố 221 bài báo trong đó có 89 bài báo đăng tạp chí thuộc danh mục ISI và SCOPUS, tăng 25% so với năm 2019. Trường đã được cấp 04 bằng sáng chế và 16 quyết định chấp nhận đơn hợp lệ. Về cơ sở vật chất, hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin, Nhà trường đã hoàn thành Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Trường ĐHCN tại Hòa Lạc. Về công tác đảm bảo chất lượng, Nhà trường đã hậu kiểm định 3 CTĐT được kiểm định theo Bộ tiêu chuẩn của AUN-QA; xây dựng hệ thống hỗ trợ quá trình tự đánh giá CTĐT, cơ sở dữ liệu về đảm bảo chất lượng.

     Trường ĐHCN cũng là địa chỉ tin cậy được Bộ GD&ĐT giao thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, bồi dưỡng đội tuyển học sinh Việt Nam dự thi Olympic tin học quốc tế từ năm 2011. Tính đến năm 2020 là năm thứ năm Trường ĐHCN có đội tuyển đạt giải cao tại kỳ thi Lập trình sinh viên quốc tế ACM/ICPC khu vực châu Á và là năm thứ 10 có đội tuyển đại diện tham dự Vòng chung kết toàn cầu kỳ thi ACM/ICPC. Năm 2018, đội tuyển Việt Nam đạt thành tích cao nhất từ trước đến nay với xếp hạng 14/140 đội tuyển tham dự vòng chung kết. Sinh viên Trường ĐHCN nhiều năm liên tục đạt giải cao trong các kỳ thi PROCON, Imagine cup; đội UET Fastest Vô địch tại cuộc chung kết Cuộc đua số 2018; đội tuyển sinh viên tham dự kỳ thi Olympic Toán học và Vật lý giành thứ hạng cao; nhiều nhóm sinh viên đạt giải thưởng khoa học công nghệ trong nước và quốc tế. Sinh viên Trường ĐHCN đạt được nhiều giải trưởng của Honda Yes, chiếm 34 trên tổng số 120 sinh viên trên toàn quốc (tính từ năm 2006). Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm trong vòng 6 tháng sau tốt nghiệp đạt kết quả cao là 96%.

Nhiều sản phẩm khoa công nghệ được xã hội đón nhận

    Nhiều sản phẩm nghiên cứu có ý nghĩa xã hội và nhận được đầu tư từ các tập đoàn, doanh nghiệp. Cụ thể, cán bộ tại Phòng Thí nghiệm Trọng điểm Công nghệ Micro-Nano đã nghiên cứu, chế tạo Bộ đôi sản phẩm “Máy sát khuẩn tay và máy khử khuẩn phòng kín tự động” và đưa vào sử dụng khi dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam; “Hệ thống giao tiếp tiếng Việt dựa trên AI sử dụng tín hiệu mắt và tín hiệu điện não cho người tổn thương chức năng vận động”, do PGS.TS. Lê Thanh Hà và nhóm tác giả thực hiện, đã được chính thức đưa vào thử nghiệm và được cấp bằng độc quyền sáng chế; đề tài “Thiết bị và vật liệu tiên tiến cho khảo sát quy mô lớn dữ liệu về nước” của GS.TS. Hoàng Nam Nhật (khoa Vật lý kỹ thuật và công nghệ nano) là Chủ nhiệm đề tài được Quỹ VinIF đầu tư; sản phẩm “Chip vi lưu xét nghiệm máu phát hiện sớm ung thư phổi”, do GS.TS. Chử Đức Trình –chủ nhiệm đề tài cùng các nhà khoa học thuộc Trường triển khai thực hiện; “Hệ thống đánh giá chất lượng đại học Việt Nam (University Performance Metrics – http://upm.vn/” do GS.TS Nguyễn Hữu Đức và nhóm nghiên cứu thực hiện, được triển khai tại nhiều trường đại học.

   Khoa CNTT đạt thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” năm học 2019-2020

   Cùng ngày, Bộ Trưởng Bộ GD&ĐT đã ra Quyết định số 690/QĐ-BGDĐT tặng Bằng khen cho Khoa Công nghệ Thông tin (CNTT) vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” năm học 2019-2020. Đặc biệt, Khoa CNTT lần đầu tiên tổ chức thành công kỳ thi Olympic Tin học quốc tế 2020 với điểm cầu trực tuyến được thực hiện tại Trường ĐHCN.  Sau 25 năm xây dựng và phát triển, đến nay Khoa đã đào tạo tất cả 03 bậc đào tạo: Đại học, Thạc sĩ và Tiến sĩ với quy mô đào tạo trên 2.500 sinh viên, đứng thứ nhất về quy mô tại Trường ĐHCN. Đến nay, đội ngũ cán bộ giảng dạy hiện có 93 cán bộ trong đó tỷ lệ giảng viên, nghiên cứu viên có học vị tiến sĩ trở lên chiếm 48%. Năm học 2019-2020, Khoa có 33 bài báo quốc tế trong đó có 18 bài ISI/Scopus. Trong suốt những năm qua, Khoa là đơn vị trực tiếp tổ chức tập huấn và thi học sinh giỏi Tin học quốc tế Châu Á Thái Bình Dương và Tin học quốc tế của Việt Nam. Bên cạnh đó, Khoa có nhiều sản phẩm khoa học công nghệ có ứng dụng thực tiễn như: DoIt (giải Nhì cuộc thi Nhân tài Đất Việt), GeneBook (giải mã thông tin di truyền và ứng dụng trong y tế, sức khoẻ), VNU-SMM (hệ thống phân tích thông tin truyền thông trực tuyến); Hệ thống mô phỏng 3D ứng dụng bảo tồn các văn hoá phi vật thể; Hệ thống tự động lập lịch ca trực thông minh cho Thuỷ điện Lai Châu; Hệ thống phân tích và nhận dạng hình ảnh siêu âm tim hỗ trợ chẩn đoán; Hệ thống phân tích, giám sát chất lượng không khí; .v.v.

Khoa CNTT lần đầu tiên tổ chức thành công kỳ thi Olympic Tin học quốc tế 2020 với điểm cầu trực tuyến được thực hiện tại Trường ĐHCN

    Bằng khen của Bộ GD&ĐT là sự ghi nhận cho những nỗ lực của Nhà trường nói chung và khoa Công nghệ thông tin nói riêng trong thời gian qua đối với các hoạt động đổi mới phương thức giáo dục, hướng tới chuyển đổi số toàn ngành. Đây cũng là động lực để  tập thể công chức, viên chức, người lao động và học viên, sinh viên của Nhà trường nỗ lực và cống hiến nhiều hơn nữa trên hành trình góp phần xây dựng nền giáo dục của quốc gia.

Tuyết Nga (UET-News)

Bài viết liên quan