[Góc nhìn với VTC1] GS.TS. Nguyễn Thanh Thủy: Cơ hội trí tuệ nhân tạo phát triển tại Việt Nam
Bắt đầu
End
Tại Việt Nam ứng dụng trí tuệ nhân tạo (gọi tắt là AI) đã, đang góp phần tạo ra những sản phẩm công nghệ mới thúc đẩy sự phát triển của mọi lĩnh vực, làm đòn bẩy để thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội. Vì vậy, chương trình Góc nhìn của VTC đã phỏng vấn GS.TS. Nguyễn Thanh Thủy về lĩnh vực AI tại Việt Nam.
GS. TS. Nguyễn Thanh Thủy là một trong những nhà khoa học, giảng viên nghiên cứu và giảng dạy về AI tại khoa Công nghệ thông tin (Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội). Đồng thời GS.TS. Nguyễn Thanh Thủy còn là Phó chủ nhiệm chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm quốc gia Hỗ trợ nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0.
Thưa Giáo sư, sự phát triển của AI tại Việt Nam hiện nay so với các nước trên thế giới như thế nào?
Nói đến AI tại Việt Nam, tôi có thể tóm tắt bởi 3 từ “bắt nhịp, đuổi kịp và bám sát”.
Thứ nhất là, từ năm 2017 các nước trên thế giới cũng bắt đầu xây dựng chiến lược trí tuệ nhân tạo quốc gia và chỉ trong vòng 3 năm đã có 50 quốc gia trên khắp thế giới xây dựng chiến lược quốc gia về trí tuệ nhân tạo, trong đó có Việt Nam.
Thứ hai là, quốc tế đã đánh giá chỉ số sẵn sàng của Chính phủ về AI thì Việt Nam có kết quả xếp thứ 70/194 nước được đánh giá. Cho đến nay, đây là một bước vượt trội của Việt Nam.
Thứ ba là, Việt Nam cũng được đánh giá về chỉ số sáng tạo quốc gia với kết quả 42/129 quốc gia được đánh giá.
Những kết quả này cho thấy, Việt Nam đã bắt đầu có những nền tảng về công nghiệp AI và bắt đầu hình thành một cách rất mạnh mẽ, với sự nổi trội về số lượng start- up trong lĩnh vực AI. Hơn nữa, trong quá trình phát triển AI thì nguồn nhân lực về lĩnh vực này bắt đầu được hình thành. Theo nguồn thống kê, cán bộ làm nghiên cứu AI ở các trường đại học là 700 người, trong đó có khoảng 300 thạc sĩ trở lên; nhân lực tại các tập đoàn, doanh nghiệp từ 650 người trở lên. Những con số này chứng tỏ Việt Nam bắt đầu có sự quan tâm về AI. Việt Nam đứng thứ 5/10 nước ASEAN về công bố về trí tuệ nhân tạo đăng tải trên các tạp chí quốc tế ISI, Scopus…
Có thể nói thời điểm hiện tại, trong số hơn 200 trường đại học có khoa CNTT thì hơn 50 khoa của các cơ sở giáo dục đại học có đào tạo khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo. Ngoài ra, năm 2018 với sự bảo trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ, Trường ĐHCN và các trường đại học, viện nghiên cứu, tập đoàn đã tổ chức thành công hội nghị quốc gia đầu tiên AI4life. Trong đó có sự tham gia của 600 đại biểu, với 2/3 số người tham dự đến từ doanh nghiệp. Từ năm 2018 đến nay, Bộ KH&CN cùng các đơn vị khác đã tổ chức sự kiện AI4VN.
GS.TS. Nguyễn Thanh Thủy (bên phải ảnh) tại chương trình Góc nhìn
Theo Giáo sư, ở Việt Nam AI đã chú trọng đầu tư vào những lĩnh vực nào?
Trên thực tế, AI tại Việt Nam được ứng dụng trong tất cả các ngành kinh tế – xã hội. Các ứng dụng AI trong lĩnh vực tài chính và thương mại điện tử chiếm 48% ứng dụng về AI; giao thông vận tải và hậu cần chiếm 18%; các lĩnh vực khác như y tế, du lịch, nông nghiệp… Ở Việt Nam, quan tâm phát triển khá đồng đều các công nghệ trí tuệ nhân tạo (Xử lý ngôn ngữ tự nhiên, thị giác máy, người máy…), phát triển nền tảng theo chiều ngang là kết hợp AI với công nghệ hỗ trợ như IOT, Blockchain, điện toán đám mây… đồng thời theo chiều dọc, với những giải pháp trọn gói cho doanh nghiệp.
Khi nói về hệ sinh thái AI thì con người là yếu tố quan trọng. Vậy Giáo sư có nhận định như thế nào về nguồn lực nhân sự AI tại Việt Nam hiện nay?
Hiện nay nguồn lực nhân sự tại Việt Nam chia làm hai tầng lớp. Một là, những đội ngũ nhân lực triển khai, ứng dụng tại doanh nghiệp, đơn vị với số lượng khoảng 650 người. Hai là đội ngũ nghiên cứu và mang tính chất triển khai, giảng dạy trong các trường đại học, viện nghiên cứu với khoảng 700 cán bộ.
Ngoài ra, nguồn nhân lực triển khai còn trở nên phong phú khi có sự tham gia của các tập đoàn công nghệ nước ngoài tại Việt Nam. Đồng thời, nguồn nhân lực phát triển khi các tập đoàn công nghiệp công nghệ Việt Nam xây dựng thêm các trung tâm và những khóa huấn luyện được đào tạo ở các trường đại học.
Một điểm mới là tại Việt Nam đã hình thành các bài giảng công chúng và những khóa huấn luyện có tính chất nâng cao. Những hoạt động này là sự phối hợp của các chuyên gia trường đại học trực tiếp đến huấn luyện tại các doanh nghiệp.
Thưa Giáo sư, vậy các trường đại học và viện nghiên cứu đào tạo về AI hiện nay đã đáp ứng đủ nhu cầu doanh nghiệp, quốc tế chưa?
Ở Việt Nam, lực lượng Công nghệ thông tin – truyền thông nói chung và có chất lượng nói riêng vẫn còn thiếu, đặc biệt là về AI. Tuy nhiên các trường đại học, viện nghiên cứu rất năng động với sự phối kết hợp giữa các bên. Ngoài vai trò của doanh nghiệp – viên – trường, còn phải nói đến vai trò quan trọng của Nhà nước. Các trường đại học top đầu có những chương trình đào tạo giải quyết cả khâu nghiên cứu, triển khai. Còn những trường đại học khác với các nhóm nghiên cứu mạnh, thì họ năng động đưa ra các chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu địa phương.
Nguồn nhân lực AI nói riêng và trong lĩnh vực công nghệ thông tin nói chung cần hội tụ yếu tố như thế nào?
Về công việc, nhân lực phải được đào tạo toàn diện về đội ngũ nghiên cứu, triển khai trong trường đại học và đội ngũ ứng dụng ở các doanh nghiệp. Công tác đào tạo đồng bộ và cơ cấu phù hợp ở ba cấp độ chuyên gia, kỹ sư/phân tích viên/thiết kế và kỹ thuật viên triển khai. Về khía cạnh công nghệ, đào tạo cần quan tâm đến dữ liệu, công nghệ trí tuệ nhân tạo và công nghệ tính toán.
Trường Đại học Công nghệ (ĐHQGHN) có những khóa đào tạo ngắn hạn về AI (ảnh cắt từ chương trình Góc nhìn)
Hiện nay các tập đoàn công nghệ quốc tế đang dần chiếm lĩnh thị trường sử dụng AI ở Việt Nam, quan điểm của Giáo sư về vấn đề này như thế nào?
Việc thâm nhập của các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ công nghiệp thế giới về lĩnh vực AI đối với Việt Nam là điều khách quan. Điều này chứng tỏ Việt Nam đang có sức hút và hội nhập quốc tế. Các doanh nghiệp quốc tế đến Việt Nam sẽ góp phần thúc đẩy thị trường ứng dụng tại Việt Nam, còn các doanh nghiệp start-up đến Việt Nam để thu hút những nhân lực chất lượng cao về AI của Việt Nam.
Nhưng tôi nghĩ phải có tư duy biến nguy thành cơ hội. Cơ hội này rất quan trọng, từ đó giúp cho các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp tiếp cận được công nghệ mới; nguồn nhân lực có điều kiện làm việc trong môi trường chuyên nghiệp.
Theo Giáo sư, hướng phát triển AI của Việt Nam trong tương lai như thế nào?
Những năm gần đây, Bộ Chính trị và Chính phủ cùng Bộ Khoa học và công nghệ, Bộ Thông tin và truyền thông cũng có chỉ đạo quan trọng và khẳng định con đường phát triển của Việt Nam. Trong đó, có nhắc đến phát triển công nghệ và nền tảng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và khẳng định AI được xem như một công nghệ có tính chất cốt lõi.
Từ đó, ứng dụng trở thành điểm chốt và doanh nghiệp trở thành bộ phận trung tâm triển khai. Chúng ta hướng tới xã hội sáng tạo, có sản phẩm hỗ trợ người dân. Đồng thời, Chính phủ có thêm tiện ích, dịch vụ công và sự hỗ trợ của công nghệ 4.0. Trong đó, AI giúp Chính phủ quản lý hiệu quả, nền kinh tế thêm dịch vụ, sản xuất thông minh tăng trưởng bền vững. Đồng thời AI góp phần nâng cao nguồn lực để giữ vững an ninh quốc gia, quốc phòng.
Trong thời gian tới, Việt Nam cần có động thái gì để thúc đẩy lĩnh vực AI phát triển và hội nhập thế giới?
Về góc độ Nhà nước, có định hướng của Bộ Chính trị và Thủ tướng chính phủ. Đặc biệt tháng 10/2018 Thủ tướng đã chỉ đạo xây dựng chiến lược quốc gia về AI và khi Thủ tướng phê duyệt sẽ là điểm tựa quan trọng cho doanh nghiệp, viện nghiên cứu và trường đại học.
Về góc độ viện nghiên cứu và trường đại học, các trường rất năng động và hình thành các chương trình đào tạo chính quy. Quan trọng là không chỉ đào tạo chính quy các phần về AI mà còn lồng ghép trong các trường đại học khác như lĩnh vực tài chính – ngân hàng, giao thông vận tải, nông nghiệp số…
Ngoài ra, Việt Nam còn dần hình thành các AI hub tức là cho phép những người làm công tác chuyên môn ở viện, trường đại học, doanh nghiệp kết hợp với nhau để tạo ra không gian sáng tạo.
Vai trò của các doanh nghiệp là đầu tàu. Hình thành các quỹ đầu tư của tư nhân hướng tới việc phát triển AI. Đồng thời cần quan tâm toàn diện đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như các start-up.
Đây là những biện pháp cụ thể thúc đẩy AI Việt Nam phát triển trong thời gian tới.
– Các sáng kiến, thành tích nghiên cứu khoa học: 30 bài báo đăng trong tạp chí, hội nghị quốc gia, quốc tế; 05 sáng kiến cấp cơ sở được áp dụng vào năm 2017, năm 2018 và năm 2019; 03 đề tài nghiên cứu khoa học cấp ĐHQGHN đã nghiệm thu năm 2014 và năm 2015.
– Các thành tích khen thưởng: năm 2014 được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động Hạng Ba; 05 năm tiếp theo từ năm học 2014-2015 đến năm học 2019-2020 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở; Bằng khen của Giám đốc ĐHQGHN năm 2013 và 2016; Bằng khen của Bộ GD&ĐT năm 2014 và 2019; Bằng khen của Bộ TT&TT năm 2014.
Theo chương trình Góc nhìn – VTC1