Khoa Công nghệ nông nghiệp: Lễ ký kết hợp tác với các đối tác trong lĩnh vực công nghệ nông nghiệp và ra mắt Hội đồng Khoa học và đào tạo nhiệm kỳ 2020-2025

   Nhân dịp kỷ niệm hai năm thành lập, Khoa Công nghệ nông nghiệp (Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội) đã long trọng tổ chức lễ ký kết hợp tác với các đối tác trong lĩnh vực công nghệ nông nghiệp và ra mắt Hội đồng Khoa học và đào tạo, vào sáng ngày 25/12/2020.

   Tham dự lễ kỷ niệm về phía đối tác có GS.TS Phạm Xuân Hội – Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp, PGS.TS. Nguyễn Quốc Hùng – Viện trưởng Viện nghiên cứu rau quả, PGS.TS. Mai Quang Vinh – Viện trưởng Viện Công nghệ xanh, TS. Trần Văn Thể – Phó Viện trưởng Viện Môi trường nông nghiệp, Ông Thân Văn Hùng – Phó chủ tịch Hiệp hội nông nghiệp số Việt Nam, TS. Nguyễn Quang Hải – Phó Viện trưởng Viện Thổ nhưỡng nông hóa, TS. Phạm Doãn Lân – Phó viện trưởng Viện Chăn nuôi, TS. Phạm Văn Dân – Giám đốc Trung tâm Chuyển giao công nghệ và khuyến nông (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) và đại diện lãnh đạo của Viện Bảo vệ thực vật, Viện nghiên cứu lúa quốc tế. Về phía Trường ĐHCN, có PGS.TS. Nguyễn Việt Hà – Hiệu trưởng Nhà trường, TS. Nguyễn Anh Thái – Phó Hiệu trưởng Nhà trường; GS.TS. Chử Đức Trình – Phó Hiệu trưởng Nhà trường, GS.TS. Lê Huy Hàm – Chủ nhiệm khoa CNNN cùng đại diện lãnh đạo các phòng chức năng và toàn thể cán bộ, giảng viên của khoa. Đồng thời có sự tham dự của các thành viên trong Hội đồng Khoa học và đào tạo khoa CNNN nhiệm kỳ 2020-2025. 

PGS.TS. Nguyễn Việt Hà – Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc

     Phát biểu khai mạc, PGS.TS. Nguyễn Việt Hà – Hiệu trưởng Nhà trường gửi lời cảm ơn đến những đối tác đã hợp tác và hỗ trợ khoa CNNN nói riêng và Nhà trường nói chung trong suốt hai năm qua. “Từ những ngày đầu thành lập, Trường ĐHCN (ĐHQGHN) có trách nhiệm đào tạo nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ cao. ĐHQGHN rất quan tâm đến việc mở rộng lĩnh vực đào tạo, thúc đẩy những công nghệ mà tập thể cán bộ khoa học hùng hậu của nhà trường đã phát triển, tích lũy trong những suốt chặng đường phát triển của mình vào lĩnh vực mới, quan trọng  bậc nhất của đất nước là nông nghiệp.

    Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và nông nghiệp số, ĐHQGHN mong muốn tạo dựng vị thế và phát triển các ứng dụng công nghệ khác nhau của Nhà trường vào lĩnh vực nông nghiệp. Vì vậy với sự ủng hộ của GS.TS Lê Huy Hàm, Trường ĐHCN đã thành lập khoa CNNN với mong muốn tham gia một khâu trong chuỗi giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực cho  nông nghiệp 4.0. Đồng thời, với vị trí một đơn vị đào tạo Nhà trường sẽ là cầu nối giữa các nhà khoa học trong và ngoài ĐHQGHN, nhằm góp phần xây dựng nền ngành nông nghiệp tại Việt Nam hiệu quả và bền vững”.

    Chia sẻ về thời gian đầu tiên khi nhận nhiệm vụ là Chủ nhiệm khoa CNNN, GS.TS. Lê Huy Hàm cho biết: “Khi nhận được đề nghị của Trường ĐHCN và ĐHQGHN về nhiệm vụ dẫn dắt khoa CNNN, tôi đã có nhiều băn khoăn và suy nghĩ. Thứ nhất, hiện nay hệ thống nghiên cứu và đào tạo trong lĩnh vực nông nghiệp đã rất lớn. Thứ hai, hệ thống này cần sự thay đổi để phù hợp xu hướng mới là chuyển từ ứng dụng công nghệ sang tạo ra công nghệ và tiến tới sáng tạo ra công nghệ. Vậy thì tại sao lại phải xây dựng thêm ngành đào tạo về nông nghiệp. Nhưng sau khi tôi đi tham quan các phòng thí nghiệm, được Trường ĐHCN giới thiệu về tiềm năng của ĐHQGHN, tôi lại có ý tưởng mới. Đó là, ngành nông nghiệp đang thiếu công nghệ tiên tiến, hiện đại, như điện tử viễn thông, tư động hóa, nano, công nghệ số mà ĐHQGHN đã làm chủ… Vì thế, tôi đã nhận lời cùng với các thầy/cô dẫn dắt, bước vào cuộc du hành lý thú trong lĩnh vực công nghệ nông nghiệp.

GS.TS. Lê Huy Hàm chia sẻ về những ngày đầu nhận nhiệm vụ là Chủ nhiệm khoa CNNN

    Tại buổi lễ, Chủ nhiệm khoa GS.TS. Lê Huy Hàm chia sẻ về hướng phát triển của khoa trong tương lai. “Những định hướng nông nghiệp số và tự động hóa trong nông nghiệp sẽ được cụ thể bằng những dự án, hành động cụ thể trong năm tới với mục đích rất rõ ràng là phát triển ứng dụng công nghệ mới trong nông nghiệp. Một số hướng nghiên cứu của khoa tập trung vào GIS cho giám sát và cảnh báo trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; tự động hóa các quá trình sản xuất, giám sát,  phân tích, dự báo và quản lý thị trường nông nghiệp và chuỗi cung ứng nông sản; từ trường, đèn LED và nano cho nông nghiệp. Sản xuất, người nông dân sẽ là người đánh giá cuối cùng các công nghệ tạo ra ”. .

GS. TS Chử Đức Trình – Phó Hiệu trưởng Nhà trường chụp ảnh lưu niệm với các cán bộ, giảng viên và sinh viên khoa CNNN

    Lễ ra mắt Hội đồng Khoa học và đào tạo nhiệm kỳ 2020-2025  

    Với đặc thù liên ngành rộng của lĩnh vực CNNN, khoa CNNN cần sự tư vấn rỗng  rãi của các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực công nghệ, nông nghiệp và để đạt được mục tiêu đặt ra. Đây cũng là những nhận định của PGS.TS. Nguyễn Việt Hà và GS.TS. Lê Huy Hàm tại buổi lễ.

    Hiệu trưởng Nguyễn Việt Hà chia sẻ, “sau 2 năm dưới sự dẫn dắt, chỉ đạo của GS.TS Lê Huy Hàm và sự hỗ trợ của các đơn vị hợp tác khoa CNNN đã xây dựng thành công chương trình đào tạo và tuyển sinh 2 khóa sinh viên với điểm đầu vào chất lượng cao. Tuy nhiên, chặng đường phía trước vẫn còn dài,để khoa CNNN ngày càng phát triền và đạt được mục tiêu hỗ trợ đắc lực cho nghành nông nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số… thì sự hợp tác, chia sẻ của các nhà khoa học, doanh nghiệp là điều hết sức cần thiết. Hiệu trưởng khẳng định Nhà trường nói chung và khoa CNNN nói riêng sẽ đầu tư, dồn toàn tâm toàn lực để phát triển lĩnh vực công nghệ nông nghiệp”.

    GS.TS. Lê Huy Hàm nhấn mạnh,“hãy cùng nhau ước mơ về tương lai với một nền nông nghiệp thông minh, nơi sinh viên ra trường vừa là “nông dân” biết lập trình cho các quá trình sản xuất, lại là các kỹ sư công nghệ biết trồng cây, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và marketing”.

     Vì vậy, khoa CNNN đã đề xuất thành lậpHội đồng Khoa học và đào tạo nhiệm kỳ 2020-2025  gồm 25 thành viên đều là chuyên gia đầu nghành đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ và nông nghiệp. Các thành viên hội đồng khoa học và đào tạo đã đóng góp các ý kiến thiết thực để phát triển khoa công nghệ nông nghiệp và cải tiến chương trình đào tạo kỹ sư ngành công nghệ nông nghiệp phù hợp hơn nữa với nhu cầu của thực tế nông nghiệp công nghệ cao.

    Lễ ký kết hợp tác với 9 đối tác trong lĩnh vực công nghệ nông nghiệp

    Trong suốt hai năm qua, khoa CNNN đã hoạt động tích cực, tham quan, học hỏi và kết nối với nhiều viện, doanh nghiệp, trung tâm và hiệp hội hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.  

Lễ ký kết với các đối tác trong lĩnh vực công nghệ nông nghiệp đã diễn ra thành công

    Trong buổi lễ kỷ niệm hai năm thành lập khoa CNNN, trường ĐHCN đã ký biên bản ghi nhớ với Viện Chăn nuôi, Trung tâm Chuyển giao công nghệ và khuyến nông, Viện Di truyền nông nghiệp, Viện Môi trường nông nghiệp, Viện Nghiên cứu rau quả, Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, Viện Thổ nhưỡng nông hóa, Công ty TNHH đầu tư sản xuất phát triển nông nghiệp Vineco, Viện Bảo vệ thực vật.

   Các đơn vị đối tác sẵn sàng tiếp nhận sinh viên kiến tập, thực tập; chia sẻ các trang thiết bị nghiên cứu; đặt hàng các bài toán về công nghệ cho lĩnh vực nông nghiệp và chuyển giao các công nghệ này cho doanh nghiệp và người dân. Việc ký kết biên bản ghi nhớ mở ra cơ hội hợp tác giữa Nhà trường với các doanh nghiệp, các viện nghiên cứu, hiệp hội, trung tâm nêu trên về lĩnh vực công nghệ nông nghiệp nói chung và nông nghiệp kỹ thuật số nói riêng.  

Video giới thiệu về khoa CNNN

                                 

Tuyết Nga – Đăng Hoàng (UET-News)

Bài viết liên quan