Seminar khoa học trực tuyến: Mô hình hóa kênh truyền thông giữa drone và thiết bị mặt đất qua đo lường vô tuyến

    Ngày 21/4/2020, Viện Tiên tiến về Kỹ thuật và Công nghệ (Trường Đại học Công nghệ) đã phối hợp với Hội Xử lý Tín hiệu (gọi tắt là IEEE SPS) thuộc Hiệp hội Kỹ sư Điện, Điện tử quốc tế (gọi tắt là IEEE) tổ chức seminar khoa học trực tuyến (webinar) về “Mô hình hóa kênh truyền thông giữa drone và thiết bị mặt đất qua đo lường vô tuyến” (Wireless Channel Modelling of Drone-Ground links using RF measurements).

    Hội thảo được quảng bá rộng rãi đến các thành viên IEEE ở Việt Nam và đồng nghiệp, nhằm mục đích trao đổi khoa học, góp phần thúc đẩy phát triển cộng đồng chuyên môn xử lý tín hiệu ở Việt Nam. Hội thảo cũng nằm trong chuỗi các bài giảng, seminar khoa học do Viện Tiên tiến về Kỹ thuật và Công nghệ tổ chức hàng tuần.

       GS. KVS Hari, Viện Khoa học Ấn Độ

GS. Ken Ma, Trường Đại học Trung Hoa tại Hồng Kông

   Tại hội thảo, GS. KVS Hari đã giới thiệu ngắn gọn tầm quan trọng của việc nghiên cứu mô hình kênh truyền thông giữa drone và thiết bị mặt đất. Nếu sử dụng công nghệ LTE để truyền, sự tồn tại của đường truyền tầm nhìn thẳng từ drone đến trạm cơ sở LTE sẽ gây ra nhiễu làm giảm chất lượng đường truyền. Nhóm nghiên cứu của GS. KVS Hari đã tiến hành thiết kế hệ thống đo đạc thực nghiệm kênh truyền giữa drone và thiết bị mặt đất, tại các dải tần 2.4 GHz và 5.8 GHz, sử dụng các thiết bị và nền tảng điện tử, vô tuyến đơn giản, có sẵn trên thế giới và dễ trang bị, như HackRF, BladeRF, USRP N210, Odroid Xu4, Raspberry-pi 3. Từ đó, các kỹ thuật xử lý tín hiệu được sử dụng để ước lượng kênh truyền cũng như mô hình hóa các tính chất thống kê của kênh truyền.

 Hệ thống đo đạc kênh truyền­

Các thiết bị vô tuyến sử dụng  

Kết quả thống kê kênh truyền sau khi áp dụng các kỹ thuật xử lý tín hiệu 

    Với hình thức trực tuyến, qua hệ thống WebEx Cisco của IEEE, hội thảo đã thu hút sự tham dự của hơn 50 nhà khoa học từ nhiều trường đại học trong cả nước, như Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Kỹ thuật quân sự, Trường Đại học Bách khoa TP. HCM, Học viên Công nghệ Bưu chính Viễn thông ở Hà Nội và TP.HCM, Trường Đại học Duy Tân ở Đà Nẵng, Trường Đại học Công nghệ Thông tin – Truyền thông ở Thái Nguyên, … Ngoài ra, hội thảo cũng có sự tham dự của một số nhà khoa học người Việt đang ở nước ngoài.

TS. Anand Nayyar từ Trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) đang trao đổi trực tuyến với GS Hari

    GS. KVS Hari đang công tác tại Viện Khoa học Ấn Độ (Bangalore). Ông nhận bằng cử nhân Kỹ sư tại Đại học Osmania, Học viện Công nghệ Ấn Độ, bằng Tiến sỹ tại Đại học California ở San Diego. Ông cũng có nhiều thời gian làm việc tại Trường Đại học Stanford ở Mỹ và Viện Kỹ thuật Hoàng gia Thụy Điển. Các đề tài nghiên cứu của GS Hari liên quan đến xử lý tín hiệu đối với các ứng dụng không dây 5G, hệ thống radar, xe tự hành… Ông là đồng tác giả của chuẩn IEEE 802.16 (WiMAX) về các mô hình kênh truyền thông vô tuyến. Ông là biên tập viên của Tạp chí xử lý tín hiệu số EURASIP từ 2006 đến 2016, hiện nay là Tổng biên tập Tạp chí Viện Khoa học Ấn Độ xuất bản bởi Springer. Ông là Giám đốc vùng Châu Á – Thái Bình Dương của IEEE SPS nhiệm kỳ 2018-2019 và nay là Phó Chủ tịch IEEE SPS nhiệm kỳ 2020-2022. GS Hari là Fellow của Viện Hàn làm Kỹ thuât Quốc gia Ấn Độ và của IEEE. 

    Hiệp hội Kỹ sư Điện, Điện tử quốc tế (Institute of Electrical and Electronics Engineers) được gọi tắt là IEEE, thành lập năm 1963 với mục tiêu là tổ chức khoa học và giáo dục. Dựa trên cơ sở hợp nhất của Hiệp hội Kỹ sư điện Hoa kỳ (1884) và Hiệp hội Kỹ sư Vô tuyến điện (1912). IEEE đã dần phát triển thành một tổ chức quốc tế, tập hợp được các nhà khoa học, các nhà giáo dục, các chuyên gia đầu ngành, các kỹ sư hướng đến việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ trong các lĩnh vực điện, điện tử, truyền thông, khoa học và kỹ thuật máy tính, tự động hóa, … Hiện nay IEEE có 39 hội chuyên ngành (societies) với các thành viên đến từ hơn 160 nước, hoạt động trong 325 chi hội tại tất cả các vùng lãnh thổ. Hiện nay, ở Việt Nam có khoảng 200 nhà khoa học và chuyên gia kỹ thuật tham gia IEEE trong nhiều chuyên ngành khác nhau: Truyền thông (ComSoc), Vi mạch (SSCS), Trí tuệ tính toán (CIS), Xử lý tín hiệu (SPS), …

    IEEE là cơ quan phát triển các tiêu chuẩn quốc tế hàng đầu với gần 900 tiêu chuẩn đã được ban hành và hơn 400 tiêu chuẩn đang được soạn thảo về các lĩnh vực Điện, Điện tử, Điều khiển, Truyền thông, Công nghệ Thông tin, Thiết bị sản xuất năng lượng và dịch vụ và các ngành có liên quan. Ngoài ra, IEEE còn là hiệp hội có uy tín nhất, xuất bản tới gần 1/3 số ấn phẩm trong các lĩnh vực này trên toàn thế giới. Nhiều tạp chí do IEEE xuất bản liên tục đứng trong Top 10 những tạp chí có ảnh hưởng nhiều nhất về các lĩnh vực trên.

Tuyết Nga (UET-News)

Bài viết liên quan