Định hướng của giảng viên hướng dẫn và công bố quốc tế giúp NCS trưởng thành trong nghiên cứu

   Dưới sự hướng dẫn của GS.TS. Thái Trà My và PGS.TS.Hoàng Xuân Huấn, nghiên cứu sinh (NCS) Phạm Văn Cảnh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với thời gian gần 3 năm. Đồng thời, luận án được công bố với 03 bài báo trên tạp chí thuộc danh mục ISI (với chỉ số IF cao) và 04 bài báo trên kỷ yếu các hội nghị quốc tế thuộc danh mục SCOPUS.

   Thành công với các công bố quốc tế

   Với sự yêu thích trong công tác giảng dạy, nghiên cứu lĩnh vực công nghệ thông tin và an toàn thông tin, NCS Phạm Văn Cảnh hiện đang công tác tại Học viện An ninh Nhân dân có thể dành trọn đam mê với công việc này. Vì vậy, NCS đã quyết định phát triển bản thân bằng con đường nghiên cứu học thuật và thi tuyển nghiên cứu sinh ngành Khoa học máy tính tại Trường ĐHCN vào kỳ tuyển sinh năm 2016 sau khi tốt nghiệp cao học cũng tại Trường ĐHCN.

   Gần 3 năm, miệt mài nghiên cứu với nỗ lực của bản thân và sự định hướng của các thầy cô hướng dẫn, NCS Phạm Văn Cảnh đã nhận được Giải thưởng Gương mặt trẻ tiêu biểu cấp Đại học Quốc gia Hà Nội bởi những thành tích xuất sắc trong học tập và nghiên cứu. NCS Phạm Văn Cảnh là một trong số những NCS tốt nghiệp trước thời hạn với các thành tích công bố quốc tế và chỉ số IF cao. NCS cho biết, trong quá trình học tập NCS, tôi có 07 công bố trình quốc tế, trong đó có 03 bài báo trên tạp chí thuộc danh mục ISI (với IF là 0.816 và 2.217) và 04 bài báo trên kỷ yếu các hội nghị quốc tế thuộc danh mục SCOPUS. Đề tài luận án tiến sĩ của tôi là “một số bài toán tối ưu trên mạng xã hội” với mục đích nghiên cứu các bài toán quản lý và lan truyền thông tin trên các mạng xã hội dưới dạng các bài toán tối ưu. Đề tài này được GS.TS. Thái Trà My và PGS.TS. Hoàng Xuân Huấn định hướng cho tôi trong quá trình học NCS. Trong quá trình thực hiện đề tài và nghiên cứu các tài liệu liên quan, tôi thấy đây là một hướng nghiên đang được quan tâm và có tính ứng dụng cao trong thực tế quản lý thông tin trên mạng xã hội. Đặc biệt, đối với mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay cần có những giải pháp để ngăn chặn thông tin sai lệch.

 NCS Phạm Văn Cảnh tại hội đồng bảo vệ luận án tiến sĩ vào tháng 1/2020

   Đề tài được NCS tập trung vào một số bài toán có ứng dụng trong lan truyền thông tin như ngăn chặn thông tin sai lệch và tối đa các ảnh hưởng tích cực trên mạng xã hội. Đây là những bài toán quan trọng và được quan tâm nghiên cứu nhiều trong thời gian gần đây. Hiện nay, NCS Phạm Văn Cảnh cùng nhóm cộng sự đang cộng tác với một số đơn vị để tiếp tục mở rộng các hướng nghiên cứu đối với lớp bài toán này. Đồng thời, tiếp tục phát triển các nghiên cứu theo hướng ứng dụng để có thể áp dụng trong thực tế quản lý và giám sát thông tin trên mạng xã hội.

   Môi trường học tập, nghiên cứu tích cực

  Có thể nói, môi trường học tập và nghiên cứu tích cực là một trong những yếu tố giúp NCS Phạm Văn Cảnh hoàn thành sớm chương trình đào tạo trong gần 3 năm. NCS cho biết, Trường ĐHCN là một môi trường tuyệt vời cho các NCS lĩnh vực Công nghệ thông tin. Tôi cảm nhận rõ sự nhiệt tình, trách nhiệm và tính nghiêm túc của từng giảng viên trong từng môn học cũng như quá trình hướng dẫn đề tài cho NCS.Tôi luôn trân trọng những hỗ trợ, chỉ bảo của GS. TS. Thái Trà My và PGS. TS. Hoàng Xuân Huấn trong quá trình nghiên cứu đề tài. Điều này đã giúp bản thân tôi nói riêng và các NCS nói chung đạt được kết quả nghiên cứu mang tính ứng dụng thực tiễn. Các phòng ban trong trường luôn tạo điều kiện, giải quyết nhanh chóng các yêu cầu và thủ tục liên quan với người học. Đây cũng là một trong các yếu tố lớn giúp tôi có thể hoàn thành chương trình đào tạo trong gần 3 năm.

   Những yếu tố này đã giúp NCS có thêm điều kiện thuận lợi để rút ngắn thời gian học tập và nghiên cứu, những vẫn đi kèm chất lượng đào tạo là những công bố khoa học trên các tạp chí quốc tế. NCS Phạm Văn Cảnh khẳng định, đối với NCS thì công bố quốc tế là điều bắt buộc trong quá trình học tập. Việc công bố quốc tế giúp ích cho tôi rất nhiều trong công tác chuyên môn. Khi bạn có một công bố quốc tế, những nhà khoa học biết bạn đang nghiên cứu gì và cách nghiên cứu của bạn như thế nào. Khi bạn gửi công trình của bạn tới những tạp chí hoặc hội nghị quốc tế, các đồng nghiệp của bạn sẽ đưa cho bạn những ý kiến, những lời khuyên đối với công trình của bạn. Đối với tôi, điều đó giúp ích cho việc hoàn thiện các bản thảo và kể cả các nghiên cứu sau này của bản thân. Ngoài ra, khi tham dự các hội nghị quốc tế, tôi có cơ hội được làm quen và học hỏi các kiến thức của các cộng sự khác. Đây là việc rất quan trọng trong giới học thuật. Nhờ đó tôi có thể biết được các hướng nghiên cứu mới và phong cách của mỗi nhà khoa học.

    Là một người thầy luôn tâm huyết với công tác giảng dạy và nghiên cứu, PGS. TS. Hoàng Xuân Huấn (giảng viên khoa Công nghệ thông tin) nhận định, việc hướng dẫn NCS hoàn thành một luận án để bảo vệ không khó. Điều khó nhất là sau khi bảo vệ, chủ đề và kết quả nghiên cứu đủ sức thuyết phục để làm hành trang ban đầu cho TS mới này giao thiệp quốc tế, đi trọn cuộc đời nghiên cứu khoa học về sau hay không.
    Các thầy trong nước phải giảng dạy nhiều và điều kiện làm việc chưa bằng nước ngoài. Vì vậy, việc liên kết và hợp tác với các giáo sư nước ngoài sẽ giúp ích cho NCS trong việc công bố công trình nghiên cứu, đồng thời khi làm nghiên cứu NCS sẽ tự tin hơn.

Các hội nghị nghiên cứu khoa học dành cho nghiên cứu sinh và các buổi seminar chuyên môn với các diễn giả là nhà khoa học nước ngoài được Nhà trường tổ chức thường xuyên 

   Vai trò định hướng, liên kết quốc tế của giảng viên hướng dẫn

   Các đề tài của nghiên cứu sinh mang tính ứng dụng cao, có định hướng tốt, đặc biệt là trong việc hướng dẫn có sự liên kết với các trường đại học quốc tế sẽ giúp ích cho nghiên cứu sinh trong quá trình học tập và nghiên cứu. Do đó, vai trò kết nối và định hướng của các thầy cô hướng dẫn đối với NCS luôn được Trường ĐHCN nói riêng và ĐHQGHN nói chung quan tâm. Điều này được thể hiện ngay trong sự nhiệt tình, tâm huyết của các thầy cô hướng dẫn, PGS. TS. Hoàng Xuân Huấn chia sẻ, là giảng viên lâu năm, tôi cho rằng mình phải có trách nhiệm gây dựng các nhóm nghiên cứu về các chủ đề thời sự mà trong nước cần có, đặt nền tảng cho giảng dạy nghiên cứu về sau. Những năm qua, trong nước có nhiều cán bộ trẻ được đào tạo ở nước ngoài về và vẫn theo đuổi, phát triển các chủ đề nghiên cứu của luận án hoặc chủ đề do giáo sư nước ngoài hướng dẫn, nên có những chủ đề trong nước cần nghiên cứu nhưng thiếu người làm. Vì vậy, tôi cố gắng cập nhật kiến thức để xây dựng một vài nhóm theo khả năng có thể. Trước đây, tôi đã tạo nhóm nghiên cứu về Học máy và Tin – sinh và đến nay trong nhóm đã có 6 NCS bảo vệ luận án theo chủ đề này. Riêng chủ đề “các bài toán tối ưu tổ hợp trên mạng xã hội” của NCS Phạm Văn Cảnh thì tôi thấy trong trường cần có người nghiên cứu sâu từ lâu. Vì vậy, tôi đã đưa ra hướng nghiên cứu cho NCS Phạm Văn Cảnh với việc đề xuất cô Thái Trà My (Trường Đại học Tổng hợp Florida, Mỹ) làm hướng dẫn chính để trực tiếp hỗ trợ NCS hiệu quả hơn. Bởi vì, từ năm 2011 tôi đã biết cô Thái Trà My là nhà khoa học hàng đầu về lĩnh vực này. Hơn nữa, quan trọng là đối với lĩnh vực nghiên cứu mới, công tác đánh giá và phát triển các bài toán nghiên cứu, chọn tạp chí công bố thích hợp, sửa bài công bố thì cô Trà My có nhiều trải nghiệm hơn. Còn việc phát triển kỹ năng nghiên cứu bao gồm kỹ năng mềm thì tôi đảm nhận như các NCS mà tôi đã hướng dẫn chính.

    Hiện nay, PGS.TS. Hoàng Xuân Huấn đang tiếp tục hướng dẫn chính một NCS khác phát triển chủ đề nghiên cứu của NCS Phạm Văn Cảnh. Còn NCS Phạm Văn Cảnh vẫn tiếp tục hợp tác với GS Trà My phát triển hướng nghiên cứu tiếp theo trong tương lai, để  phát triển một nhóm nghiên cứu các bài toán thông tin trên mạng xã hội với hy vọng theo kịp được các tiến bộ quốc tế hàng đầu. PGS.TS. Hoàng Xuân Huấn chia sẻ thêm, trong thời gian tới tôi hi vọng có thể đồng hướng dẫn NCS với TS.Phạm Văn Cảnh, bởi vì Cảnh là Tiến sĩ trẻ và có đam mê để tiếp nối những hướng nghiên cứu mà tôi tâm đắc.

    Không chỉ riêng các giảng viên đánh giá cao việc liên kết quốc tế trong công tác đồng hướng dẫn NCS mà chính NCS Phạm Văn Cảnh cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của thầy/cô giáo hướng dẫn và liên kết quốc tế đã mang lại những thành công trong học tập, nghiên cứu đối với người học. Các giảng viên đã giúp tôi xác định hướng nghiên cứu, bài toán nghiên cứu. Hướng nghiên cứu và bài toán nghiên cứu có tốt, mang tính thời sự thì khả năng công bố trên các tạp chí uy tín sẽ cao hơn. Ngoài ra, khi đã hoàn thành cần nghiên cứu các thầy cô cũng giúp tôi trình bày ý tưởng và các nội dung nghiên cứu thành một bài báo hoàn chỉnh.

    Bên cạnh đó, đội ngũ giảng viên của nhà trường được đào tạo ở các nước phát triển, do vậy các thầy cô luôn có những mối quan hệ khoa học tốt với những nhà khoa học có uy tín ở nước ngoài, điều này giúp ích rất nhiều cho NCS. Thứ nhất, NCS có cơ hội hợp tác làm việc với những nhà khoa học đó. Thứ hai, nhà trường thường xuyên tổ chức các buổi seminar chuyên môn với diễn giả là các nhà khoa học nước ngoài, qua đó giúp NCS nâng cao trình độ cũng như các kết quả nghiên cứu mới nhất trên thế giới. Điều cuối cùng và cũng là quan trọng nhất được Nhà trường cùng các giảng viên đồng lòng thực hiện. Chính là việc các nhà khoa học nước ngoài có thể đồng hướng dẫn NCS giúp ích rất nhiều cho NCS trong việc nghiên cứu. GS.TS. Thái Trà My hiện là GS tại trường đại học tổng hơp Florida (Mỹ) và cũng là cộng tác viên của nhà trường. NCS Phạm Văn Cảnh là học trò thứ 2 của cô đã bảo vệ thành công luận án TS.

Thông tin báo chí:

Báo GD&TĐ: Hợp tác nghiên cứu: Cầu nối đến công bố quốc tế

Tuyết Nga (UET-News)

Bài viết liên quan