Trường ĐHCN: Thành công từ những quyết sách sáng tạo, những con người tâm huyết và triết lý phát triển có tầm nhìn
Bắt đầu
End
Đó là chia sẻ của các thế hệ lãnh đạo Trường Đại học Công nghệ (ĐHCN) tại buổi giao lưu nhân dịp kỷ niệm 15 năm ngày thành lập (25/05/2004-25/05/2019), 20 năm ngày truyền thống (18/10/1999 – 18/10/2019) và chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 tổ chức sáng ngày 20/11 tại Trung tâm sự kiện Trống đồng.
Tham dự chương trình gặp mặt có, có PGS.TS. Bùi Thế Duy – Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; về phía ĐHQGHN có PGS.TS. Phạm Bảo Sơn – Phó Giám đốc cùng đại diện lãnh đạo các phòng ban chức năng và các trường đại học thành viên; về phía Trường ĐHCN có GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu – Hiệu trưởng sáng lập, GS.TS. Nguyễn Hữu Đức – nguyên Hiệu trưởng, PGS. TS. Nguyễn Việt Hà – Hiệu trưởng Nhà trường; PGS.TS. Nguyễn Thị Bảo Ngọc – Chủ tịch Hội Cựu giáo chức cùng các thầy/cô cựu giáo chức và toàn thể cán bộ, giảng viên, giảng viên kiêm nhiệm, giảng viên thỉnh giảng trong toàn trường. Đại diện Ban liên lạc cựu sinh viên Trường ĐHCN dự và tặng hoa chúc mừng nhà trường.
Trong buổi gặp mặt, chặng đường 20 năm phát triển của Nhà trường được tái hiện thông qua giao lưu, chia sẻ những câu chuyện từ các thế hệ lãnh đạo của Trường, gồm GS.VS. NGND.Nguyễn Văn Hiệu – Hiệu trưởng sáng lập Trường, GS.TS. NGND. Nguyễn Hữu Đức – nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Hiệu trưởng Trường nhiệm kỳ I, PGS.TS. NGND. Hồ Sĩ Đàm – nguyên Phó Chủ nhiệm khoa Công nghệ, PGS.TS. NGƯT. Hà Quang Thụy – nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Phó Hiệu trưởng, GS.TS. NGƯT. Nguyễn Thanh Thủy – nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Phó Hiệu trưởng.
Buổi giao lưu của các thế hệ lãnh đạo nhân dịp kỷ niệm 15 năm ngày thành lập, 20 năm ngày truyền thống và chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
Những quyết sách sáng tạo
Chia sẻ về sự ra đời của khoa Công nghệ và Trường ĐHCN, GS.VS Nguyễn Văn Hiệu bồi hồi nhớ lại và dành sự cảm ơn đặc biệt đối với Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt – người đã có ý tưởng xây dựng hai “tập đoàn các trường đại học” đa ngành, đa lĩnh vực ở hai đầu đất nước với quyền tự chủ cao nhất nhằm đào tạo nhân lực khoa học công nghệ đạt trình độ quốc tế. Hai Đại học Quốc gia ra đời từ sáng kiến đó. Quá trình hoàn thiện cơ cấu đa ngành ở Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), lĩnh vực công nghệ đã được ưu tiên. Việc thành lập khoa Công nghệ trực thuộc ĐHQGHN có con dấu và tài khoản riêng với vai trò gần giống một trường đại học là quyết sách sáng tạo dựa trên cơ chế tự chủ cao của ĐHQGHN nhờ vậy Trường ĐHCN được ra đời nhanh chóng chỉ sau 5 năm hoạt động của khoa Công nghệ. Mô hình này sau đó được thực hiện để thành lập các trường đại học khác như Trường Đại học Kinh tế, Trường Đại học Giáo dục,…
Khoa Công nghệ – ĐHQGHN được tổ chức từ Khoa Công nghệ Thông tin và Khoa Công nghệ Điện tử – Viễn thông thuộc Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, quá trình phát triển luôn thể hiện vai trò tiên phong. PGS. TS Hồ Sĩ Đàm chia sẻ các việc làm tiên phong đã được thể hiện ngay trong những đơn vị tiền thân của Khoa Công nghệ và Trường ĐHCN, cụ thể như khoa CNTT của Trường đã có 2 ngành đào tạo (ngoài CNTT còn chương trình Tin học sau này là Khoa học máy tính), trong khi các khoa của nhiều trường đại học khác chỉ có một ngành đào tạo. Tính tiên phong thể hiện ở việc, Trường mở đầu cho khái niệm “cán bộ tạo nguồn”, khái niệm này đã mở đường cho việc bồi dưỡng, phát triển đội ngũ giảng viên và có giá trị cho đến tận bây giờ. Tính tiên phong còn thể hiện mạnh mẽ trong định hướng xây dựng một đại học số hóa và đưa các ứng dụng công nghệ trong hoạt động dạy – học và quản lý điều hành ngay từ những năm 2000 tại khoa Công nghệ và cũng chỉ mới được nhắc đến nhiều trong vài năm trở lại đây gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Một đặc trưng nữa được xem là bản sắc riêng của Trường ĐHCN là “bồi dưỡng nhân tài”. PGS.TS. Hà Quang Thụy đã lý giải: Trường ĐHCN là trường duy nhất ở Việt Nam trong quyết định thành lập của Thủ tướng Chính phủ có ghi cụm từ “bồi dưỡng nhân tài”. Nhiệm vụ “bồi dưỡng nhân tài” khởi nguồn từ hoạt động bồi dưỡng các đội tuyển học sinh giỏi, giai đoạn hiện nay được phát triển ở mức cao hơn, gắn liền với đào tạo chất lượng cao. Nhiều sinh viên của trường đã đạt giải cao trong các kỳ thi quốc tế như ACM/ICPC và có được các công việc cạnh tranh trên thị trường nhân lực quốc tế.
Tại buổi giao lưu GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu, GS.TS. Nguyễn Hữu Đức, PGS.TS. Hồ Sĩ Đàm, PGS.TS. Hà Quang Thụy và GS.TS. Nguyễn Thanh Thủy đã chia sẻ những kỷ niệm về việc thành lập khoa Công nghệ và Trường ĐHCN, quyết sách sáng tạo, triết lý phát triển có tầm nhìn
Những con người tâm huyết
Trường ĐHCN được xây dựng bởi trái tim, khối óc và tâm huyết của các thế hệ cán bộ, giảng viên và sinh viên. Chia sẻ về điều này, GS.TS Nguyễn Hữu Đức nhớ lại, khi mới nhận nhiệm vụ có rất nhiều việc phải làm. Nhà trường có đội ngũ cán bộ giỏi, tâm huyết, phản biện sắc sảo, làm thế nào để từng người bỏ qua những vấn đề riêng để đoàn kết, thống nhất thực hiện mục tiêu chung. Lãnh đạo Nhà trường khi đó đã làm tốt việc này, tạo được một khối đoàn kết, thống nhất, một không khí hồ hởi, phấn khởi xây dựng trường. Đối với một trường đại học,bài toán đào tạo, nghiên cứu luôn là một nhiệm vụ quan trọng nhưng một bài toán đau đầu hơn lúc đó là làm thế nào đảm bảo “cơm áo gạo tiền” cho cán bộ, giảng viên yên tâm làm việc, công hiến.
GS.TS Nguyễn Hữu Đức nhớ lại kỷ niệm lần đầu nhận nhiệm vụ làm Hiệu trưởng tại Trường ĐHCN
Theo PGS.TS Hà Quang Thụy, tuy thời gian đầu có khó khăn, thách thức nhưng Đảng ủy và Ban Giám hiệu Nhà trường luôn là một tập thể đoàn kết, kiên trì với mục tiêu phát triển lâu dài của trường và có những giải pháp với các công việc trước mắt. Mỗi người bằng tâm huyết, cách làm của mình đã luôn cố gắng tạo được sự ủng hộ lớn nhất từ mọi phía cho sự phát triển của trường.
PGS.TS. Hà Quang Thụy nói về bản sắc “bồi dưỡng nhân tài”
Triết lý phát triển có tầm nhìn
Đánh giá về giá trị làm lên thành công của trường trong 20 năm xây dựng và phát triển, GS.TS Nguyễn Thanh Thủy cho rằng sau 20 năm xây dựng từ khoa Công nghệ, và 15 năm xây dựng trưởng thành Trường ĐHCN có thể nói thời gian không dài so với các trường đại học trong cả nước, đặc biệt các trường truyền thống. Nhưng, Nhà trường đã đi qua các bước xây dựng, trưởng thành, phát triển và tiền đề quan trọng của phát triển bền vững, và đạt được thành quả như ngày hôm nay là nhờ đội ngũ của các thầy/cô – đội ngũ tinh tú. Đặc biệt là, Trường ĐHCN vô cùng tự hào với 4 khoa ban đầu đã có 3 Nhà giáo Nhân dân gồm GS.VS Nguyễn Văn Hiệu, PGS.TS. Hồ Sĩ Đàm và GS.TS. Nguyễn Hữu Đức cùng nhiều nhà giáo ưu tú khác. Ngoài yếu tố đội ngũ cán bộ tri thức, Trường ĐHCN có sự phát triển nhanh chóng còn dựa vào các quan điểm, triết lý phát triển có tầm nhìn được khởi nguồn từ các thế hệ lãnh đạo đầu tiên. Ban đầu là chữ GRIN thể hiện bốn lĩnh vực khoa học công nghệ mũi nhọn của trường là Công nghệ thông tin và truyền thông, Tự động hóa và Robotics, Công nghệ Nanô, Công nghệ Gen và sau này, được mở rộng thành GRIN-E trong đó “E” là các ngành mới như công nghệ năng lượng, môi trường, công nghệ vũ trụ.
GS.TS. Nguyễn Thanh Thủy chia sẻ những triết lý phát triển có tầm nhìn của các thế hệ lãnh đạo
Nhắc đến triết lý, không thể không nhắc đến 3 thành tố cấu thành khí thế và tạo nên thành công của Nhà trường đã được biết đến cách đây 20 năm bởi những thế hệ lãnh đạo đi trước. Đó là khẩu hiệu “Sáng tạo – Tiên phong – Chất lượng cao”. Nhà trường đã lấy Công nghệ thông tin làm nòng cốt phát triển các lĩnh vực Điện tử viễn thông, Cơ học kỹ thuật và tự động hóa, Vật lý kỹ thuật và công nghệ nano, cho đến nay lĩnh vực CNTT quay trở lại hỗ trợ đắc lực cho sự phát triển các ngành khác. Nhà trường đã thể hiện được tính đa ngành liên ngành và phù hợp định hướng phát triển trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Những quan điểm, định hướng và triết lý phát triển của Nhà trường được thể hiện trong cả tên gọi tiếng Anh lẫn tiếng Việt là Trường Đại học Công nghệ (University of Engineering and Technology), nghĩa là ngay từ khi xây dựng trường các thế hệ lãnh đạo đã đặt hai chân quan trọng cho sự phát triển của Nhà trường là công nghệ và kỹ thuật, vì vậy chúng ta đã có chỗ đứng vững và mạnh bởi nền tảng công nghệ nhưng không bỏ quên vai trò của kỹ thuật.
Có thể nói, thành công của Trường ĐHCN sau 20 năm xây dựng và phát triển có được là nhờ những quyết sách sáng tạo, sự tâm huyết của đội ngũ cán bộ giảng viên trình độ cao và một triết lý có tầm nhìn được các thế hệ lãnh đạo Trường ĐHCN kiên trì phát triển.
Tuyết Nga (UET-News)