Lễ khởi động dự án “Hệ thống nước bền vững áp dụng, Công nghệ 4.0 nhằm xây dựng các cộng đồng bền vững tại đồng bằng Sông Hồng và Phú Yên”
Ngày 04/10, Trường Đại học Công nghệ phối hợp với Trường Đại học Công nghệ Sydney (Úc) tổ chức Lễ khởi động dự án “Hệ thống nước bền vững áp dụng, Công nghệ 4.0 nhằm xây dựng các cộng đồng bền vững tại đồng bằng Sông Hồng và Phú Yên” thuộc Chương trình đổi mới sáng tạo Aus4Innovation giữa Chính phủ Úc và Việt Nam thực hiện.
Dự án này là một trong 3 dự án nhận được Chương trình Aus4Innovation (Chương trình đổi mới sáng tạo hợp tác giữa Úc và Việt Nam) trên tổng số 115 đề xuất và là dự án duy nhất có nội dung triển khai liên quan đến công nghệ.
Tham dự buổi lễ về phía ĐHQGHN có PGS.TS. Phạm Bảo Sơn – Phó Giám đốc, Trường ĐHCN với sự tham gia của PGS.TS. Trần Xuân Tú – Trưởng phòng KHCN&HTPT. Về phía đối tác có bà Robyn Mudie – Đại sứ Úc tại Việt Nam, GS. TS. Ian Burnett – Hiệu trưởng Trường Kỹ thuật và Công nghệ thông tin (UTS) cùng một số đại diện hơp tác thực hiện dự án.
Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Giám đốc Phạm Bảo Sơn khẳng định, đối với dự án này ĐHQGHN sẽ có những chủ trương, chính sách hỗ trợ tương ứng nhằm phát triển mạnh mẽ hơn nữa sự hợp tác giữa ĐH Công nghệ Sydney và ĐHQGHN nói riêng, và giữa hai nước nói chung trong lĩnh vực nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đồng thời, Phó Giám đốc nhấn mạnh rằng, dự án này cần sự quan tâm ủng hộ hơn nữa từ phía Đại học Công nghệ Sydney, Đại sứ quán Úc, và đặc biệt là Bộ Khoa học và Công nghệ có những hỗ trợ tiếp theo để phát huy hiệu quả của dự án.
Phó Giám đốc nhận định rằng yếu tố con người nắm vai trò quyết định trong quá trình chuyển giao. Việc xây dựng được đội ngũ các nhà khoa học, mô hình Rapido tại Việt Nam (đội ngũ kỹ sư cầu nối giữa hàn lâm và doanh nghiệp) sẽ là chìa khóa đảm bảo cho sự bền vững của dự án.
Chia sẻ về kinh nghiệm đổi mới tại Úc, bà Đại sứ Úc Robyn Mudie cho biết thực tế mà nói chúng tôi vẫn đánh giá cao việc chia sẻ các bài học, kinh nghiệm ứng dụng khoa học công nghệ để giúp việc phát triển kinh tế bền vững và lâu dài. Dự án “Hệ thống nước bền vững áp dụng Công nghệ 4.0 nhằm xây dựng các cộng đồng bền vững tại đồng bằng Sông Hồng và Phú Yên” được tài trợ bởi Úc cũng là ví dụ điển hình. Trong dự án này, chúng tôi đưa ra mô hình Rapido – là mô hình được triển khai thành công tại Úc và hiện nay, chúng tôi hợp tác chuyển giao để phù hợp với môi trường Việt Nam. Bên cạnh đó, Chương trình đổi mới sáng tạo Aus4Innovation sẽ tiếp tục đưa ra các dự án tương tự như vậy để hỗ trợ Việt Nam ứng dụng khoa công kỹ thuật trong việc phát triển kinh tế bền vững.
Đại sứ Úc tại Việt Nam bà Robyn Mudie
Dự án do nhóm nghiên cứu hỗn hợp giữa Đại học Công nghệ Sydney và Trường Đại học Công nghệ đề xuất và được tài trợ 1 triệu đô la Úc (tương đương 16 tỷ đồng). Là hiệu quả hoạt động của Trung tâm hợp tác Nghiên cứu và Đổi mới công nghệ giữa Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Công nghệ Sydney, chính thức vận hành từ tháng 3/2017 tại Trường Đại học Công nghệ. Qua quá trình triển khai các hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa trong những năm vừa qua, nhóm nghiên cứu đề xuất ứng dụng nền tảng IoT, trí tuệ nhân tạo và xử lý dữ liệu lớn trong hệ thống quản lý nước tại địa phương cũng như những vùng sâu vùng xa nhằm tằng cường khả năng xử lý nước, cải thiện hệ thống giám sát chất lượng nước, giúp loại bỏ các chất gây ô nhiễm trong nguồn nước và xây dựng hệ thống dễ tiếp cận, được quản lý bởi cộng đồng địa phương.
Mục tiêu xây dựng được mô hình công nghệ, áp dụng Công nghệ 4.0 trong việc giám sát nguồn nước tại đồng bằng Sông Hồng và Phú Yên. Quan trọng nhất là việc xây dựng mô hình kết nối và tạo cầu nối giữa trường đại học – hàn lâm với công nghiệp, thể hiện thông qua hệ thống Rapido được UTS chuyển giao, thử nghiệm và điều chỉnh cho phù hợp Việt Nam. Qua đó, xây dựng một mô hình chuyển giao công nghệ giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận kết quả nghiên cứu, phát triển với chi phí thấp hơn. Bên cạnh đó, các hoạt động trong dự án còn hướng tới việc hướng dẫn cộng đồng người dân cách tiếp cận dữ liệu về chất lượng nước trực tuyến, cũng như cách sử dụng các dữ liệu đó để vận hành hệ thống này hàng ngày; phát triển các hệ thống lọc nước mới với hiệu suất cao, áp dụng công nghệ và thiết kế mới.
Bà Đặng Thị Thủy- Giám đốc Trung tâm ứng dụng và chuyển giao công nghệ Phú Yên cho biết hiện nay vấn đề môi trường biển được Chính phủ, Nhà nước Việt Nam ngày càng quan tâm, trong đó có các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, đặc biệt là Phú Yên. Trong thời gian qua, vấn đề nuôi trồng thủy hải sản tại Phú Yên không nằm trong công tác quy hoạch và đa số dân tự phát, cho nên vấn đề môi trường chưa được kiểm soát tốt như một số nước trên thế giới. Vì vậy, vào năm 2017 tại Phú Yên đã xảy ra hiện tượng chết tôm số lượng lớn và thiệt hại gần 700 tỷ đồng/ 600 hộ dân. Sự việc này là cảnh báo cho vấn đề môi trường trong thời gian tới. Khi dự án “Hệ thống nước bền vững áp dụng, Công nghệ 4.0 nhằm xây dựng các cộng đồng bền vững tại đồng bằng Sông Hồng và Phú Yên” được tài trợ bởi Chương trình đổi mới sáng tạo Aus4Innovation, lại càng được tỉnh Phú Yên quan tâm và mong muốn dự án góp phần quan trọng trong vấn đề cảnh báo môi trường cho vùng vịnh Xuân Đài – di tích danh lam thắng cảnh đẹp tại Phú Yên. Bà Đặng Thị Thủy hi vọng dự án sẽ được triển khai sớm và đạt kết quả tốt cho người dân tại tỉnh Phú Yên, để từ đó dự án có mô hình chuyển giao cho các tỉnh bạn.
Với mục tiêu xây dựng mô hình kết nối và tạo cầu nối giữa trường đại học – hàn lâm với công nghiệp, thể hiện thông qua hệ thống Rapido được UTS chuyển giao, thử nghiệm và điều chỉnh cho phù hợp Việt Nam. Vì vậy, với sự vào cuộc của các nhóm nghiên cứu tại Trường Đại học Công nghệ (liên quan đến các vấn đề công nghệ cốt lõi) và các nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (liên quan đến các vấn đề môi trường, nguồn nước…) là hết sức quan trọng, tạo nên sự bền vững của dự án và mở ra những cơ hội mới trong tương lai.
Thông tin báo chí:
– Truyền hình VTV1:
Tuyết Nga (UET_News)