Trường Đại học Công nghệ: Những quyết sách sáng tạo và vai trò cá nhân kiệt xuất
Nhân dịp kỷ niệm ngày truyền thống Trường ĐHCN (18/10/1999 – 18/10/2019), Bản tin UET trân trọng giới thiệu bài phỏng vấn GS. VS. NGƯT. Đào Trọng Thi- Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa- Giáo dục- Thanh thiếu niên và Nhi đồng; Nguyên Bí thư Đảng ủy và Nguyên GĐ ĐHQGHN được đăng trong “Kỷ yếu Trường ĐHCN: 15 năm xây dựng và trưởng thành”.
Xin Giáo sư cho biết chủ trương và các bước chuẩn bị trong lộ trình thành lập Trường Đại học Công nghệ- ĐHQGHN?
Năm 1993, Chính phủ có một Nghị định thành lập ĐHQGHN trên cơ sở sắp xếp tổ chức lại ba trường đại học lớn thời gian đó ở Hà Nội. Đó là Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (ĐHTHHN), Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 1 và Trường ĐH Sư Phạm Ngoại ngữ Hà Nội. Ban đầu, về cơ bản ĐHQGHN chỉ có khoa cơ bản và dự kiến sẽ tiếp tục sát nhập thêm một số trường đại học khác ở Hà Nội thuộc lĩnh vực kỹ thuật, kinh tế để ĐHQGHN có cơ cấu đa ngành, đa lĩnh vực. Sau khi Chính phủ có quyết định thành lập ĐHQGHN, lãnh đạo và cán bộ công nhân viên ĐHQGHN cũng rất tích cực triển khai thực hiện chủ trương của Chính phủ.
Nhưng sau một thời gian thực hiện có phát hiện ra rằng nếu như chúng ta tiếp tục sát nhập tiếp các trường đại học khác vào ĐHQGHN để đạt được một cơ cấu đa ngành, đa lĩnh vực thì đó là nhiệm vụ khó khăn và không có hiệu quả. Bởi vì các trường đại học của Việt Nam thời gian đó có tính đơn ngành, chuyên sâu rất cao. Bởi vậy, nếu chúng ta muốn đạt được cơ cấu đa ngành, đa lĩnh vực thì chúng ta phải tập hợp rất nhiều trường đại học ở Hà Nội thời gian đó. Vì chất lượng các trường đại học Việt Nam thời điểm đó không đồng đều và chất lượng của từng ngành, từng chuyên ngành trong một trường đại học không đồng nhất. Do vậy, nếu chúng ta đi theo con đường đó thì chúng ta sẽ phân tán sự đầu tư và không đạt được mục tiêu xây dựng một đại học đa ngành, đa lĩnh vực nhưng phải đạt chất lượng cao.
Xuất phát từ tình hình đó, lãnh đạo ĐHQGHN quyết định lựa chọn một con đường khác tức là tự mình thành lập những đơn vị mới để hình thành những lĩnh vực mới ngoài lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội nhân văn và ngoại ngữ hiện có. Thế thì cách thực hiện sẽ lựa chọn những đơn vị có tính chất ứng dụng cao hơn, có tính kỹ thuật nhiều hơn trong các đơn vị của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (KHTN), Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (KHXH&NV) để phát triển lên thành những trường đại học thành viên mới.
GS. VS Đào Trọng Thi (ngồi ở giữa, bên phải ảnh) và GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu (ngoài cùng, bên phải ảnh) đón tiếp Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm ĐHQGHN, Trường ĐHCN năm 2007
Kỳ vọng của ĐHQGHN vào Trường Đại học Công nghệ thời điểm đó như thế nào?
Để thành lập được một trường đại học, ĐHQGHN đã quyết định bước đầu tiên là thành lập các khoa trực thuộc. Và các khoa này có một đặc thù riêng của ĐHQGHN, tức là về mặt hành chính tương đương với các trường đại học nhưng không có đầy đủ các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn như trường đại học mà phải phối hợp với ĐHQGHN mới thực hiện đầy đủ được một quy trình đào tạo cho đến cấp bằng.
Sau khi thành lập các khoa trực thuộc được đầu tư phát triển và đến khi đáp ứng yêu cầu sẽ báo cáo Chính phủ để thành lập một trường đại học thành viên mới. Vì vậy, Trường ĐHCN cũng ra đời theo quy trình đó. Ban đầu trở thành một khoa trực thuộc rồi sau một thời gian chuẩn bị khẩn trương sẽ được nâng cấp lên thành một trường đại học. Trường đại học này khi ra đời đáp ứng được một kỳ vọng của lãnh đạo ĐHQGHN cũng như cán bộ, sinh viên ĐHQGHN là giải quyết, khắc phục được khiếm khuyết của ĐHQGHN thời gian đó, tức là trên thực tế là một trường đại học chỉ gồm các lĩnh vực khoa học cơ bản về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và ngoại ngữ. Trên cơ sở kinh nghiệm xây dựng phát triển Trường ĐHCN thì sau đó ĐHQGHN tiếp tục xây dựng các trường thành viên mới trong các lĩnh vực khác như là kinh tế, sư phạm… Từng bước để hình thành lên một cơ cấu đa ngành, đa lĩnh vực của ĐHQGHN như hiện nay. Đó là một ý nghĩa rất to lớn của việc xây dựng và phát triển Trường ĐHCN trong ĐHQGHN.
Thưa Giáo sư, tại sao trong thời điểm đó lãnh đạo ĐHQGHN lại chọn lĩnh vực công nghệ đi đầu tiền trong các lĩnh vực truyền thống khác như kinh tế, luật?
Thứ nhất là, kinh tế và luật khi đó đã có trong ĐHQGHN thậm chí có trước đó ở Trường ĐHTHHN. Đương nhiên khi đó nó tồn tại với quy mô ở một khoa trực thuộc Trường ĐHTHHN và sau đó là Trường ĐH KHXH&NV. Còn đối với lĩnh vực công nghệ hoàn toàn không có ở Trường ĐHTHHN và ĐHQGHN, khi đó nó chỉ xuất hiện lẻ tẻ ở một số những bộ môn, có khi chỉ có ở một số nhóm thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản nhưng mà có tính ứng dụng và tính chất công nghệ trội hơn một chút so với các lĩnh vực khoa học cơ bản khác. Bởi vậy, lãnh đạo ĐHQGHN có nguyện vọng mạnh mẽ và mong muốn được nhanh chóng thoát khỏi tình cảnh là một đại học được xác định là đại học đa ngành đa lĩnh vực, nhưng trên thực tế lại chỉ có lĩnh vực khoa học cơ bản trong khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn.
Thứ hai là, lãnh đạo ĐHQGHN khi đó trực tiếp chỉ đạo triển khai việc thực hiện thành lập các đơn vị mới, các trường đại học thành viên mới trong ĐHQGHN đều là các nhà khoa học và quản lý thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên. Bởi vậy sẽ có điều kiện nắm vững, hiểu biết sâu sắc, sát sao hơn lĩnh vực khoa học tự nhiên so với các lĩnh vực khác. Thế mà các trường đại học mới như tôi đã nói ở trên đều dựa trên cơ sở những đơn vị hiện có của Trường ĐHTHHN mà sau đó là Trường ĐH KHTN hoặc Trường ĐH KHXH&NV. Cuối cùng, chúng tôi tập trung đầu tư vào Trường ĐHCN. Và đây cũng là bài toán rất khó vì bắt đầu từ cái không có gì so với những lĩnh vực kinh tế, luật thì đã có các khoa trực thuộc các trường đại học thành viên. Khi mình thực hiện xong các nhiệm vụ khó thì những nhiệm vụ đối với phần còn lại sẽ dễ dàng hơn vì đã có kinh nghiệm.
Bộ Trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Minh Hiển và Giám đốc ĐHQGHN Đào Trọng Thi trao quyết định bổ nhiệm Ban giám hiệu đầu tiên của Trường ĐHCN tại lễ Công bố Quyết định thành Lập trường năm 2004 (Hiệu trưởng: GS.VS Nguyễn Văn Hiệu (thứ ba, bên trái sang); Các Phó Hiệu trưởng: GS.TS Nguyễn Hữu Đức (thứ hai, bên phải sang), PGS.TS Hà Quang Thụy (thứ ba, bên phải sang), PGS.TS Trần Quang Vinh (thứ hai, bên trái sang)
Xin Giáo sư cho biết những khó khăn trong thời gian đầu thành lập như thế nào?
Khoa trực thuộc là mô hình rất đặc biệt và đặc thù mà chỉ có ở ĐHQGHN vì ĐHQGHN hiện nay có hai cấp gồm cấp ĐHQG và cấp các trường đại học thành viên. Vì vậy, khoa trực thuộc ĐHQG về mặt hành chính ngang với một trường đại học thành viên. Nhưng về mặt chuyên môn các chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ trong thực hiện một quy trình đào tạo thì không được giao nhiệm vụ đầy đủ. Thí dụ như không được quyền cấp bằng mà bằng của sinh viên tốt nghiệp các khoa trực thuộc phải do Giám đốc ĐHQGHN ký, còn bằng của sinh viên tốt nghiệp các trường đại học thành viên khác do hiệu trưởng ký theo luật giáo dục trước kia và luật GD- ĐH hiện nay. Nghĩa là mô hình rất mới nhưng tại sao ĐHQGHN hồi đó lại chọn bắt đầu từ mô hình này? Thực ra điều đó cũng dễ hiểu, với tính tự chủ cao của ĐHQGHN thì Giám đốc ĐHQGHN có quyền thành lập khoa trực thuộc nhưng nếu thành lập trường đại học thành viên thì phải là Thủ tướng. Nếu thành lập khoa trực thuộc trước thì sẽ chủ động hơn, chỉ cần mình tự cân nhắc và quyết định còn nếu muốn thành lập trường thành viên ngay phải báo cáo với Thủ tướng và đấy là yêu cầu cao để chuẩn bị đề án. Vì vậy, tất cả các trường thành viên của ĐHQGHN đều đi theo một lộ trình. Bắt đầu từ việc xây dựng khoa trực thuộc trên cơ sở một số đơn vị hiện có trong lĩnh vực chuyên môn. Rồi sau đó, ĐHQGHN sẽ đầu tư phát triển, đến khi hội đủ các điều kiện mới hình thành đề án và báo cáo chính phủ để thành lập hoặc nâng cấp thành một trường đại học thành viên.
Khó khăn chính khi thành lập Khoa Công nghệ là chúng ta bắt đầu từ không có gì, khoa Kinh tế có một khoa kinh tế trực thuộc Trường ĐH KHXH&NV. Khoa Luật cũng có một khoa luật trực thuộc Trường ĐH KHXH&NV. Nhưng Khoa Công nghệ chúng ta chưa có đơn vị nào ở các trường đại học thành viên mà được mang danh là đơn vị đào tạo mang tên Công nghệ. Khi chúng ta thành lập Khoa Công nghệ chúng ta phải xuất phát từ một số bộ phận lác đác ở khoa Toán, khoa Vật lý mà phải liên quan đến hai lĩnh vực là Tin học và Điện tử Viễn thông. Từ đó, chúng ta tập hợp lại và hình thành một đơn vị đầu tiên mang tên là Công nghệ. Vì vậy, chúng ta bắt đầu tư một xuất phát điểm rất thấp và đương nhiên rất khó khăn.
Chưa kể, khó khăn còn ở việc chúng ta không có đội ngũ, chưa có bộ máy hoạt động (các khoa khác ít ra còn có ban chủ nhiệm khoa, cơ chế, đội ngũ giảng viên…chỉ có điều đang ở cấp trực thuộc trường và bây giờ trở thành cấp trực thuộc ĐHQGHN). Nhưng khoa Công nghệ không có tất cả những điều đó, bởi vậy chúng ta phải có bộ máy, đội ngũ giảng viên, hình thành một bộ máy quản lý, đấy cũng là khó khăn.
Theo Thanh Bình (thực hiện) – Kỷ yếu 15 năm xây dựng và trưởng thành, tháng 10-2014