Lễ bảo vệ luận án tiến sĩ chuyên ngành Kỹ thuật điện tử của Nghiên cứu sinh Phạm Duy Hưng

    Sáng ngày 05/10, tại Trường Đại học Công nghệ đã diễn ra Lễ bảo vệ luận án tiến sĩ chuyên ngành Kỹ thuật Điện tử của nghiên cứu sinh Phạm Duy Hưng với đề tài “Phát triển thuật toán tự triển khai cho hệ thống đa robot giám sát môi trường không biết trước”. Luận án được thực hiện dưới sự hướng dẫn khoa học của PGS.TS. Trần Quang Vinh (Trường ĐHCN) và PGS.TS. Ngô Trung Dũng (ĐH Price Edward Island, Canada).

     Tham dự lễ bảo vệ về phía Trường ĐHCN có TS. Nguyễn Anh Thái – Phó Hiệu trưởng, PGS.TS. Nguyễn Phương Thái – Trưởng phòng Đào tạo; TS. Đinh Triều Dương – Chủ nhiệm khoa ĐTVT.

    Hội đồng cấp ĐHQG chấm luận án tiến sĩ gồm PGS.TS. Chử Đức Trình – Trường Đại học Công nghệ (ĐHQGHN), Chủ tịch Hội đồng; TS. Hoàng Văn Xiêm – Trường Đại học Công nghệ (ĐHQGHN), Thư ký Hội đồng; Các phản biện gồm PGS.TS. Nguyễn Quang Địch –  Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, PGS.TS. Bạch Nhật Hồng – Viện Khoa học và Kỹ thuật Quân Sự; TS. Nguyễn Ngọc Minh – Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông; Các ủy viên gồm GS.TS Lê Hùng Lân – Viện Ứng dụng Công nghệ – Bộ KHCN, TS. Nguyễn Huy Phương – Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

NCS Phạm Duy Hưng và thầy hướng dẫn chụp ảnh lưu niệm với các thành viên Hội đồng

     Luận án của NCS Phạm Duy Hưng đã đề xuất một phương pháp mới có tên là điều khiển phân tán đa tầng (HDC) để điều khiển bầy robot di động triển khai vào môi trường không biết trước trong khi luôn đảm bảo duy trì sự toàn vẹn của mạng truyền thông. HDC dựa trên tiếp cận hình học xem xét cấu trúc kết nối cục bộ giữa các robot, không yêu cầu ước lượng kết nối đại số của đồ thị mạng như các phương pháp truyền thống. Nhờ vào việc tinh giản các cấu trúc kết nối cục bộ, HDC có khả năng giải phóng các ràng buộc của kết nối cục bộ giống như cực tiểu cục bộ, cho phép hệ thống đa robot thu được hiệu suất cao trong chuyển động theo bầy, theo dõi đa mục tiêu và bao phủ.

     Trên cơ sở HDC, luận án đã phát triển thuật toán tự triển khai cho theo dõi đa mục tiêu phân bố ngẫu nhiên trong môi trường không biết trước và đã chỉ ra rằng bài toán theo dõi đa mục tiêu và bao phủ có đặc điểm chung: các đích cho bài toán theo dõi đa mục tiêu giống với các đích ảo của bài toán bao phủ, vì thế thuật toán theo dõi đa mục tiêu được áp dụng để giải quyết cả hai bài toán. Luận án cũng đã đề xuất một kỹ thuật phát hiện và phân loại biên của mạng đa robot dựa trên cấu trúc hình học cục bộ và áp dụng kỹ thuật này cho bài toán theo dõi đa mục tiêu với đích phân bố không liên thông.

     Luận án có ba đóng góp mới được công bố trong 8 công trình khoa học, trong đó có 01 công trình trên tạp chí ISI, Q1.

BGH Trường ĐHCN chúc mừng NCS Phạm Duy Hưng

Các thầy/cô trong khoa Điện tử viễn thông và Bộ môn Điện tử và kỹ thuật máy tính chúc mừng NCS Phạm Duy Hưng

    Tại buổi bảo vệ, nghiên cứu sinh đã tự tin trình bày luận án và trả lời những câu hỏi được Hội đồng đưa ra. Hội đồng đánh giá cao kết quả luận án, đáp ứng các yêu cầu của một luận án Tiến sĩ chuyên ngành Kỹ thuật Điện tử. Đề nghị Đại học Quốc gia Hà Nội xem xét cấp bằng Tiến sĩ cho NCS Phạm Duy Hưng.

(UET-News)

Bài viết liên quan